Ứng dụng mô hình AISAS vào kinh doanh online thế nào?

AIDA từng là mô hình tiếp thị phổ biến trên thế giới với 5 bước để lôi kéo và kích thích khách hàng mua sắm, bao gồm: Attention – Gây sự chú ý, Interest – Tạo sự quan tâm, Desire – Gia tăng ham muốn, Memory – Ghi nhớ và Action – Thúc đẩy hành động. Tuy nhiên, với sự phát triển bùng nổ của các hình thức kinh doanh online những năm gần đây thì mô hình này đã lộ rõ sự thiếu hụt.

Để khắc phục điều đó, công ty quảng cáo Dentsu đã đề ra một chiến lược tiếp thị mới có thể áp dụng hoàn hảo vào môi trường Internet, gọi là “Truyền thông dẫn dắt” theo mô hình AISAS. Vậy thì so với mô hình AIDA, mô hình mới này có gì nổi bật hơn và có thể áp dụng nó vào kinh doanh online như thế nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

mô hình aisas trong kinh doanh online

Mô hình AISAS do Dentsu đề xuất rất phù hợp với chiến dịch tiếp thị khi kinh doanh online

1. Attention – Gây sự chú ý

Đây là bước đầu tiên thường gặp trong các chiến dịch tiếp thị dù là kinh doanh online hay truyền thống, chỉ khi bạn thành công gây sự chú ý cho người dùng thì mới thuận lợi triển khai những bước sau đó. Để thông tin đến được nhiều đối tượng thì bạn nên áp dụng chiến thuật phủ tin, tận dụng tất cả các kênh tiếp thị trực tuyến mà mình có.

Phổ biến nhất là đăng bài lên các mạng xã hội, seeding trên diễn đàn, đặt banner tại những trang web liên kết hoặc chạy dịch vụ quảng cáo của Google, Facebook,... nếu có điều kiện thì gửi bài PR đến trang báo điện tử lớn. Trong đó có một cách gây sự chú ý khá hiệu quả, đó là chạy theo xu hướng và trào lưu trên mạng, ví dụ scandal của một ngôi sao nào đó chẳng hạn.

Nhưng bạn cần phải lưu ý một điểm, đó là lượng tin tức được đưa lên Internet mỗi ngày cực kỳ lớn, khi phủ tin bạn phải liên tục để ý và cập nhật để không bị trôi bài. Muốn vậy thì ngay từ đầu bên nên lập kế hoạch cụ thể: đăng bài tại đâu, khung giờ nào và cách bao lâu sẽ quay lại chăm sóc.

2. Interest – Tạo sự thích thú

Khiến người dùng chú ý mới chỉ là thành công bước đầu, nếu bạn không giữ được sự quan tâm của họ thì mọi cố gắng sẽ thành vô nghĩa. Vậy thì bước tiếp theo là phải tạo được sự thích thú cho khách hàng. Đây là lúc cần sáng tạo nội dung, biến những thông tin khô khan thành thứ mà nhiều người thấy hứng thú. Thay vì bản mô tả sản phẩm đơn điệu bạn có thể dùng video clip kể lại một câu chuyện hài hước hoặc chỉ đơn giản là hướng dẫn sử dụng, review, “đập hộp”, “trên tay”,… Những nội dung kiểu này sẽ đi theo hai hướng chính, một là gợi sự đồng cảm từ phía người dùng, hai là cho họ thấy những lợi ích khi sử dụng sản phẩm hoặc giải quyết vấn đề của họ.

3. Search – Tìm kiếm

Khi người dùng đã cảm thấy hứng thú với sản phẩm, dịch vụ mà bạn cung cấp thì chắc chắn họ sẽ tìm kiếm thêm những thông tin khác trên mạng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Đây là lúc để bạn điều hướng họ về website bán hàng của mình, biến họ trở thành một vị khách tiềm năng. Muốn vây thì trang web phải nằm trong những vị trí đầu của kết quả tìm kiếm trên các công cụ phổ biến như Google, Yahoo,… Tầm quan trọng của chiến lược SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) lúc này mới thể hiện rõ nhất.

Để SEO lên “top” phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là tối ưu hóa website và tối ưu bộ từ khóa quan trọng. Bạn nên có một bản kế hoạch chi tiết để thực hiện tốt quá trình này.

4. Action – Kích thích hành động

Nếu khách hàng truy cập vào website của bạn sau khi tìm kiếm thì tỉ lệ thành công lúc này đã lên tới 70%, việc tiếp theo mà bạn cần làm là kích thích hành động mua sắm của họ. Ngoài chất lượng sản phẩm thì điều đó còn phụ thuộc vào nội dung bạn trình bày trong website và một số thủ thuật nhỏ.

Vệ nội dung, bạn mô tả sản phẩm càng hấp dẫn thì càng khiến khách hàng muốn mua hơn. Về thủ thuật là cách bạn khéo léo thêm những yếu tố thúc giục như nút kêu gọi (Mua ngay, Đăng ký ngay,…), sự khan hiếm (Chỉ còn 2 sản phẩm duy nhất), tâm lý đám đông (Đã có 150 khách hàng đặt mua sản phẩm này),… Bên cạnh đó các chương trình tiếp thị xúc tiến bán như khuyến mãi, giảm giá, quà tặng, sự kiện,… cũng nên được kết hợp với nhau trong kinh doanh online.

5. Share – Thúc giục chia sẻ

Trong kinh doanh online, biến một người dùng tiềm năng thành khách hàng thật sự chưa phải là thành công cuối cùng, mà bạn phải tận dụng được các mối quan hệ của họ để mở rộng tập khách hàng của mình. Như vậy việc cuối cùng mà bạn cần làm là thúc giục họ chia sẻ. Dĩ nhiên nếu sản phẩm, dịch vụ của bạn tốt khách hàng sẽ tự động chia sẻ, nhưng bạn cũng có thể kích thích họ làm điều đó bằng một số chương trình nhỏ. Ví dụ nếu khách hàng chụp lại ảnh sản phẩm đã mua, tag tên 10 người bạn rồi chia sẻ công khai sẽ được nhận một phiếu giảm giá cho lần mua sắm sau chẳng hạn.

Điều khiến cho mô hình AISAS trở nên đặc biệt là các bước này không nhất thiết phải tiến hành đúng tiến trình, bạn có thể tạo sự chú ý, thúc giục chia sẻ rồi mới kích thích hành động như mô hình phi tuyến tính dưới đây chẳng hạn.

mô hình aisas trong kinh doanh online

Mô hình AISAS phi tuyến tính trong kinh doanh online

Mô hình AISAS của Dentsu giúp bạn tận dụng được tối đa các mạng lưới quan hệ người dùng trên Internet khi kinh doanh online, từ đó mở rộng tập khách hàng, tạo ra vòng tuần hoàn liên tục, cải thiện doanh thu rõ rệt. Hãy thử áp dụng vào chiến lược tiếp thị trực tuyến của mình để thấy hiệu quả nhé!

Tweet
5/5 (0 vote)
BÀI VIẾT LIÊN QUANBÀI VIẾT LIÊN QUAN
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂMCÓ THỂ BẠN QUAN TÂM