Những sai lầm và tối kỵ khi lập phiếu điều tra nghiên cứu thị trường

Trong bài viết 6 phương pháp nghiên cứu thị trường phổ biến chúng tôi đã giới thiệu những cách giúp bạn điều tra, thu thập các thông tin, số liệu về thị trường và nhu cầu của khách hàng để từ đó lên kế hoạch kinh doanh phù hợp. Sau một thời gian khá dài đăng tải chúng tôi nhận được chia sẻ của một số bạn đọc về hiệu quả khi áp dụng phương pháp đầu tiên, lập phiếu điều tra.

Hầu hết các ý kiến đều nói rằng họ không đạt được hiệu quả như mong muốn, khách hàng không làm hoặc chỉ làm khảo sát qua loa dẫn đến kết quả thiếu sự chính xác. Vậy nguyên nhân là do đâu, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết sau đây.

1. Những sai lầm khi lập phiếu điều tra cần nên tránh

1.1. Không xác định rõ mục đích khi lập phiếu điều tra

Quá trình nghiên cứu thị trường được chia làm nhiều giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn lại cần lập những phiếu điều tra với từng nhóm câu hỏi riêng để phục vụ cho mục đích của giai đoạn đó. Nếu bạn chỉ đưa ra mục đích chung chung như “Khảo sát nhu cầu của khách hàng” hay “Điều tra mức độ hài lòng của khách hàng” mà không chỉ rõ nhu cầu về cái gì, hài lòng cho sản phẩm nào thì hệ thống câu hỏi của bạn sẽ rất mơ hồ, kết quả nhận được cũng không chính xác.

Trước khi lập phiếu hãy vạch ra bạn muốn biết gì từ khách hàng để từ đó lên nội dung câu hỏi đi vào đúng trọng tâm. Câu hỏi càng cụ thể thì càng thuận tiện cho người được khảo sát, chắc chắn chẳng ai muốn tốn thời gian để suy nghĩ về những vấn đề của người lạ là bạn đâu.

1.2. Sai lầm khi tạo câu hỏi khảo sát

Phần quan trọng nhất của phiếu điều tra chắc chắn là bộ câu hỏi, và đây cũng là phần nhiều người mắc lỗi nhất. Chúng ta sẽ cùng điểm qua một số sai lầm cơ bản dưới đây:

Quá nhiều

Nếu nhìn thấy một phiếu điều tra có đến vài chục câu hỏi, liệu rằng bạn có hứng thú để làm hay không? Chưa kể thời gian để viết đáp án mà chỉ tính riêng thời gian đọc hiểu cũng tốn của bạn không ít rồi. Khách hàng thực hiện khảo sát chủ yếu là dựa trên tinh thần tự nguyện, nên nếu bạn làm họ cảm thấy khó chịu vì bảng câu hỏi quá dài, quá nhiều chữ thì chắc chắn sẽ chỉ nhận được những cái lắc đầu mà thôi. Trung bình một bảng điều tra chỉ nên có từ 10 đến 15 câu hỏi, hạn chế câu hỏi mở và câu hỏi phải viết câu trả lời.

Không chia thành nhóm

Với những bảng khảo sát dài bạn nên chia thành từng nhóm câu hỏi để người đọc không cảm thấy chán nản. Ngoài ra việc chia nhóm cũng đồng nghĩa với việc chia thành các chủ đề khác nhau, giúp người thực hiện khảo sát hình dung tổng thể về mục đích của bạn dễ hơn.

Mắc lỗi chính tả

Nhìn vào bảng câu hỏi với đầy lỗi chính tả, cách dùng từ, dấu câu cũng rất lộn xộn người đọc sẽ đánh giá thấp tính chuyên nghiệp của cửa hàng hoặc doanh nghiệp bạn. Vô hình chung bạn đang làm thương hiệu của mình sụt giảm trong mắt khách hàng, đây là sai lầm ngớ ngẩn nhất cần phải tránh

Đệm ngoại ngữ, tỉ giá không phù hợp

Bảng khảo sát dành cho người Việt thì tốt nhất hãy dùng tiếng Việt trong mọi câu hỏi, trừ trường hợp danh từ riêng hoặc trích dẫn thì nên chú thích rõ ràng. Ngoài ra, các câu hỏi liên quan đến giá cả, chi phí, nếu không cần thiết thì chỉ nên dùng đơn vị tiền tệ của quốc gia đó mà thôi, vì không ai muốn mất thời gian nhẩm tính 100 đô la Mỹ bằng bao nhiêu tiền Việt Nam đâu.

1.3. Không mang lại lợi ích cho người khảo sát

Rất nhiều người hỏi tôi vì sao không ai chịu làm bảng khảo sát của họ cả, đơn giản là do họ chỉ muốn nhận mà không cho đi bất cứ điều gì. Chẳng ai muốn tốn thời gian và công sức vào những việc vô ích cả, bạn muốn họ cung cấp thông tin thì phải cho họ những giá trị tương xứng, đó là quy luật trao đổi cơ bản. Những chuyên gia khảo sát luôn ghi nhớ điều này, vì vậy để thu hút được nhiều người trả lời câu hỏi họ luôn có một chương trình khuyến mãi hoặc quà tặng đi kèm.

Bạn có thể phát những phiếu giảm giá đặc biệt cho khách hàng thực hiện khảo sát hoặc quà tặng hiện vật để tăng sức hấp dẫn cho bảng điều tra của mình. Nhưng cũng cần lưu ý là các phần quà cần có giá trị thực chứ không phải để tượng trưng, như vậy mới thuyết phục được người tiêu dùng.

1.4. Không thử nghiệm

Để tạo ra một bộ câu hỏi hoàn chỉnh, phù hợp với mục đích và đạt chuẩn về cách diễn đạt không phải điều đơn giản. Cũng vì lí do này mà nhiều người thường vội vã phát phiếu điều tra ngay khi được ban lãnh đạo thông qua mà không tiến hành thử nghiệm. Đây chính là sai lầm phổ biến khiến chiến dịch nghiên cứu thị trường của họ thất bại.

Giải thích cho điều này rất đơn giản, những câu hỏi đều được xây dựng dựa trên ý kiến chủ quan của họ và ban lãnh đạo, vì vậy chưa chắc nó đã đúng khi áp dụng vào khách hàng. Cũng giống như khi tung ra sản phẩm mới, các doanh nghiệp thường tiến hành thử nghiệm trên một nhóm khách hàng hoặc phát mẫu dùng thử đại trà để xem ý kiến đánh giá của người dùng thế nào. Bạn nên phát phiếu điều tra cho người thân, bạn bè hoặc đồng nghiệp để họ nhận xét cần thay đổi hay thêm bớt gì hay không.

1.5. Trình bày phiếu khảo sát thiếu tính chuyên nghiệp

Lập một phiếu khảo sát thực ra cũng giống như phát tờ rơi quảng cáo vậy, nếu bạn không thể thu hút sự chú ý của người xem ngay từ bước đầu thì đừng mong họ sẽ trả lời cẩn thận nội dung câu hỏi. Để làm được điều này bạn cần phải trình bày phiếu khảo sát sao cho thật hấp dẫn, thể hiện sự chuyên nghiệp của mình, dưới đây là một số lưu ý nhỏ:

Tiêu đề không ấn tượng

Thử so sánh hai tiêu đề của mẫu phiếu khảo sát này xem bạn thấy ấn tượng với mẫu nào hơn: “Khảo sát nhu cầu sử dụng ốp lưng điện thoại” và “Bạn nghĩ sao khi cho dế yêu “mặc áo?””. Một tiêu đề khảo sát ấn tượng sẽ kích thích trí tò mò của người đọc hơn, họ cũng không cảm thấy nhàm chán với những câu hỏi khô khan nữa.

Lựa chọn rối mắt

Để tiết kiệm thời gian, các câu hỏi thường được trình bày đáp án dưới dạng đúng sai hoặc lựa chọn A B C. Tuy nhiên, nhiều người không biết sắp xếp các đáp án này khiến cho người đọc bị rối mắt hoặc các đáp án tương tự nhau. Để khắc phục bạn cần chia cột hợp lý, thoáng, dễ nhìn, lựa chọn tích V hoặc khoanh tròn đơn giản.

 Thiếu logo, hình ảnh thương hiệu

Như đã nói, phiếu điều tra như một tờ rơi của cửa hàng hoặc doanh nghiệp vậy, thế nên bạn cũng cần phải thiết kế logo, hình ảnh của thương hiệu sao cho thật nổi bật vừa để quảng cáo vừa để tạo sự tin tưởng cho khách hàng.

Như vậy chúng ta đã cùng tìm hiểu 5 sai lầm cơ bản khi lập phiếu điều tra phục vụ quá trình nghiên cứu thị trường. Hy vọng rằng bạn sẽ tìm ra giải pháp khắc phục tối ưu nhất.

2. 8 điều tối kỵ khi nghiên cứu thị trường kinh doanh

2.1. Chi quá nhiều tiền

Nhiều người thường có suy nghĩ sai lầm thế này, thị trường là một nơi rất rộng lớn, rất phức tạp, muốn kinh doanh tốt thì phải hiểu cặn kẽ thị trường. Chính vì suy nghĩ ấy mà họ bỏ ra số tiền không hề nhỏ cho những hoạt động nghiên cứu thị trường, vận dụng tất cả các phương pháp có thể. Dĩ nhiên kết quả thu về rất cụ thể, rất chính xác, nhưng cũng rất…thừa. Thực tế là bạn chỉ cần một phần không quá lớn trong lượng thông tin có được khi nghiên cứu thị trường mà thôi, vì vậy đừng tốn tiền vô ích cho bên thứ ba hay việc làm tràn lan không mục đích.

Để chi ít mà hưởng nhiều, tốt nhất bạn nên lựa chọn phương pháp phù hợp với mục tiêu và điều kiện của doanh nghiệp mình.

2.2. Không biết mình cần thông tin gì

Như đã nói ở trên, nghiên cứu thị trường sẽ giúp bạn có được những thông tin rất hữu ích cho việc phát triển kinh doanh, từ sản phẩm, đối tượng khách hàng tiềm năng đến việc dự đoán nhu cầu,… Nhưng nhiều quá tất loạn, giữa một rừng thông tin ấy không phải cái nào bạn cũng cần và không phải lúc nào cũng cần như nhau. Bạn phải biết được vào thời điểm này thông tin nào về thị trường bạn cần nhất. Ví dụ lúc mới bắt đầu kinh doanh, để xác định sản phẩm chủ đạo bạn phải tìm hiểu thị hiếu của khách hàng bây giờ ra sao, họ thích gì, họ muốn gì và họ có thể mua gì. Đó là những thông tin quan trọng với bạn lúc này, còn các thông tin khác thì nên để giai đoạn sau mới tiến hành nghiên cứu, vì đôi khi thị trường biến đổi sẽ khiến thông tin ấy thay đổi theo, bạn không thể áp dụng được.

2.3. Chọn sai nguồn dữ liệu

Hiện nay có rất nhiều nguồn dữ liệu khác nhau để bạn tiến hành phân tích và nghiên cứu thị trường, từ trực tuyến đến ngoại tuyến đều có thể dùng làm cơ sở. Sai lầm của nhiều doanh nghiệp là chỉ chọn một hoặc một số ít nguồn dữ liệu dẫn đến việc không bao quát thông tin làm sai lệch kết quả. Lấy đơn cử như việc khảo sát trên mạng, mặc dù bạn có thể lấy một lượng lớn thông tin trong thời gian ngắn nhưng tính xác thực thường không cao. Bạn cũng có thể lấy tài liệu tại thư viện của các hiệp hội chuyên ngành, nhưng cần phải chú ý vì những tài liệu này được cập nhật khá muộn, tính thời sự bị giảm đáng kể. Thế nên tốt nhất là cố gắng thu thập dữ liệu từ càng nhiều nguồn càng tốt để phân tích ra kết quả chính xác nhất.

2.4. Không tìm hiểu kỹ về đối thủ cạnh tranh

Thị trường không chỉ bao gồm khách hàng và đối tác mà còn có cả những người trực tiếp đối đầu với bạn, nên việc nghiên cứu đối thủ cạnh tranh cũng quan trọng không kém. “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, câu nói này luôn đúng dù bạn đang kinh doanh bất cứ mặt hàng nào. Hãy tìm hiểu thật kĩ đối thủ, về sản phẩm của họ có gì khác sản phẩm của mình, nó nổi trội hơn ở đâu, thua kém về mặt nào, về chính sách giá và hậu mãi của họ có điểm đặc biệt gì,… Tất cả những thông tin này đều có thể tạo nên lợi thế cạnh tranh cho bạn, là cơ sở để bạn đưa ra những chiến lược kinh doanh trong thời gian tới.

Đọc thêm: 8 Gợi ý nghiên cứu đối thủ cạnh tranh

2.5. Không tìm hiểu về khả năng mua của khách hàng

Tìm được loại sản phẩm mà nhu cầu sử dụng của khách hàng cao không hề dễ, sau đó là cả quá trình dài để thực tế hóa sản phẩm ấy, đến lúc này bạn mới có thể đem bán cho khách hàng. Nhiều người thường tự hỏi vì sao sản phẩm hợp với thị hiếu, chức năng đặc biệt nổi trội mà lượng tiêu thụ lại không hề cao như mong đợi. Nếu lật ngược lại bước nghiên cứu thị trường bạn sẽ hiểu, vì có thể bạn đã bỏ qua bước nghiên cứu khả năng mua của khách hàng. Đây không chỉ là vấn đề về giá mà nó còn phụ thuộc vào tình hình tài chính của người tiêu dùng nữa. Cứ giả sử giá sản phẩm của bạn đã ở mức thấp nhất có thể để đảm bảo lợi nhuận và cạnh tranh, thế nhưng nó lại không phù hợp với đối tượng khách hàng mà bạn hướng tới thì sao, họ có thể mua nhưng chưa sẵn sàng chi trả vì cảm thấy giá đó không tương xứng với giá trị sản phẩm mang lại hoặc nếu mua sẽ ăn hụt vào ngân sách của họ.

Ví dụ bạn làm ra một chiếc váy khá đẹp, giá cả cũng vừa tầm và hướng đến phụ nữ từ 25 đến 25 tuổi. Đối tượng này đa phần đều đã có gia đình, mặc dù họ thích chiếc váy bạn bán, mặc dù họ có thể mua được với mức giá bạn đưa ra nhưng nếu mua nó thì sẽ lậm vào tiền sinh hoạt gia đình họ nên tỷ lệ họ không mua rất cao.

Thế nên khi điều tra về khách hàng ngoài vấn đề sở thích, thói quen, nhu cầu bạn cần xem xét đến cả khả năng sẵn sàng mua của đối tượng để có chính sách giá phù hợp.

2.6. Chọn tập mẫu sai

So với những sai lầm trên thì sai lầm này có vẻ phổ biến hơn, rất nhiều doanh nghiệp chọn tập mẫu ngẫu nhiên mà không hề suy xét đến vấn đề những đối tượng trên có phù hợp hay không. Việc làm này không chỉ vô nghĩa, làm tốn thời gian công sức và tiền bạc mà dễ khiến kết quả bị sai lệch. Nên khi bắt đầu nghiên cứ thị trường bạn cần thu hẹp tập mẫu lại, khoanh vùng những đối tượng có thể trở thành khách hàng tiềm năng mà bạn hướng đến rồi bắt đầu điều tra.

2.7. Nghiên cứu qua loa

Mặc dù nghiên cứu thị trường là một bước rất quan trọng giúp bạn có thể khởi nghiệp kinh doanh thành công, nhưng nhiều người lại không nhận thức đúng vấn đề này, họ chỉ làm cho có lệ, bỏ ra rất ít thời gian cũng như phân tích hời hợt. Chắc chắn một điều là kết quả thu được không bao giờ chính xác, chỉ ở mức tương đối hoặc hoàn toàn vô giá trị, không cần nói cũng biết việc này ảnh hưởng thế nào đến việc kinh doanh.

Việc nghiên cứu thị trường tùy vào quy mô và loại hình kinh doanh mà tiến hành, nhưng không vì vậy mà làm qua loa được, bạn cần đầu tư thời gian, công sức thật xác đáng để có những kết quả tốt nhất.

2.8. Không quan tâm đến kết quả

Nghe thì có vẻ phi lý nhưng sai lầm này không phải không có, nhất là khi kết quả từ cuộc nghiên cứu thị trường đã thực hiện không như họ muốn. Và thế là dù bỏ ra số tiền không nhỏ, thời gian không ít nhưng tất cả những gì thu được lại bị bỏ qua một bên. Bạn nên nhớ những dữ liệu này rất quan trọng, có thể tại thời điểm này nó không hữu ích nhưng sau đó bạn sẽ cần, thế nên hãy bỏ công ra phân tích và lưu trữ, thậm chí đưa chiến lược giả định cho từng tình huống.

Những sai lầm khi lập phiếu khảo sát và 8 điều tối kỵ khi nghiên cứu thị trường này rất hữu ích khi bạn bắt đầu khởi nghiệp, hãy tìm hiểu thật kĩ để có quyết định đúng đắn!

Đọc thêm: Bí quyết khảo sát thị trường dễ dàng và nhanh chóng nhất

Tweet
5/5 (0 vote)
BÀI VIẾT LIÊN QUANBÀI VIẾT LIÊN QUAN
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂMCÓ THỂ BẠN QUAN TÂM