Kinh doanh đồ lưu niệm không phải là lĩnh vực mới nhưng cũng đòi hỏi người bán phải có sự am hiểu nhất định về tâm lý người mua và ý nghĩa của món quà tặng, cách thức gói quà để giúp người mua thể hiện tình cảm của họ qua món quà đã chọn. Vì vậy nên dù là bạn đang là chủ shop đồ lưu niệm hay bạn đang chuẩn bị bước chân vào lĩnh vực này thì cũng nên trang bị cho mình một số kiến thức và kỹ năng nhất định sau đây:
1. Xác định phân khúc khách hàng tiềm năng của kinh doanh đồ lưu niệm
Thực tế thì đây là một trong những bước rất quan trọng. Các shop cần xác định rõ đối tượng khách hàng mình nhắm tới để lựa chọn địa điểm mở shop và mặt hàng kinh doanh cho phù hợp. Ví dụ: Với khách du lịch nước ngoài, đây là đối tượng có khả năng chi trả cao hơn hẳn, họ thường nhắm tới các mặt hàng quà lưu niệm cao cấp, mang tính đặc trưng, có tính chất kỉ niệm như: tranh sơn mài, gốm sứ, lụa,…Nếu nhắm tới phân khúc khách hàng này, bạn nên chọn địa điểm kinh doanh gần các khu du lịch, danh lam thắng cảnh, khách sạn, những khu mà khách nước ngoài thường cư trú như khu phố cổ Hà Nội, khu phố đi bộ…Cách thức phổ biến được nhiều cửa hàng áp dụng đó là thiết lập mối quan hệ tốt với các công ty du lịch, hướng dẫn viên du lịch để tiếp cận khách hàng và quảng bá hình ảnh cho cửa hàng của mình.
Còn nếu đối tượng mà bạn hướng đến là sinh viên, học sinh, thì bạn nên chọn địa điểm gần các trường học, khu vui chơi và lựa chọn mặt hàng là những sản phẩm nhỏ xinh, giá cả bình dân, phù hợp với tuổi teen độc đáo, cá tính chứ không phải hàng hóa cao cấp. Đây là mô hình phổ biến hiện nay ở Hà Nội và các tỉnh thành khác, có thể kể tên tập trung dày đặc các cửa hàng này như khu vực Khương Thượng, Hàng Mã, Đội Cấn…
Nếu hướng tới đối tượng dân công sở thì địa điểm mở shop phải gần các công ty, trung tâm thương mại, văn phòng,... Sản phẩm cần chú ý đến sự tinh tế, phù hợp với gu thẩm mĩ của đối tượng này, gợi ý tốt nhất cho phân khúc này đó là các loại phụ kiện. Có thể lưu ý đến các sản phẩm như: khăn, mũ, dây lưng, túi xách, đồ trang sức,…Đặc điểm của nhóm khách hàng này là khả năng chi trả khá cao nên bạn phải đến chất lượng và mẫu mã hơn là số lượng sản phẩm. Nếu shop muốn phục vụ nhiều đối tượng, cả học sinh, sinh viên, dân công sở, thì nên mở shop ở những khu vực đông dân cư. Như vậy số lượng và chất lượng sản phẩm cũng cần phải đa dạng để đáp ứng nhiều nhu cầu.
2. Kiến thức cơ bản để kinh doanh đồ lưu niệm
Kiến thức về các loại quà tặng:
Bạn nên trang bị cho mình kiến thức về các loại quà tặng, từ nguồn gốc xuất xứ của món quà, ý nghĩa, cách phối hợp màu sắc để tạo sự hài hòa, các xu hướng quà tặng mới nổi…Bạn nên thường xuyên cập nhật xu hướng mới thông qua các website như Đẹp+…,kenh14, zingme…Các chương trình tivi hay những bộ phim điện ảnh bom tấn, thần tượng cũng là nguồn thông tin hữu ích để bạn đi tắt đón đầu các trào lưu của giới trẻ để lựa chọn mặt hàng ăn theo phù hợp. thường xuyên cập nhật hàng mới, nhạy bén và luôn đi trước các cửa hàng khác chắc chắn sẽ rất hút khách.
Kỹ năng giao tiếp:
Không phải ai bước chân vào cửa hàng lưu niệm cũng đã có định hướng rõ ràng về món quà mình sẽ mua vậy nên là một người bán hàng bạn cần có kỹ năng giao tiếp tốt, quan sát nhanh để đón ý của khách hàng thích mặt hàng nào, đang cần mua cho ai, từ đó có sự gợi ý phù hợp. Bạn có thể khéo léo tư vấn cho khách các phụ kiện đi kèm như thiệp, nơ,… để trang trí cho món quà thêm nổi bật và thể hiện được hết những tình cảm mà người mua muốn gửi trao cho người nhận. Món quà chưa chắc đã có giá trị lớn nhưng những lời tư vấn tâm huyết của bạn sẽ giúp người mua hài lòng với dịch vụ, tin tưởng và quay lại nhiều lần sau đó.
Nghệ thuật gói quà:
Hầu hết ai cũng biết gói quà nhưng để gói quà đẹp thì chỉ một số người làm được điều đó. Vậy nên đừng bỏ qua kỹ năng này nhé vì đây là một trong công đoạn quan trọng mà bạn dễ thể hiện được sự sáng tạo cũng như tạo dấu ấn riêng cho shop mình nhất. Bắt đầu với cách chọn hộp đựng quà, bạn cần chọn hộp đựng phù hợp với sản phẩm không chỉ về kích cỡ mà còn về tính chất của sản phẩm và mục đích của người tặng quà.
Bước thứ hai là chọn giấy gói quà. Nếu bạn đầu tư kỹ vào công đoạn chọn giấy, bạn có thể thành công hơn phân nửa. Hoa văn trên mặt giấy có thể tạo ấn tượng tuyệt đẹp, hãy tận dụng chúng.
Tiếp theo là các “phụ kiện”. Nơ, hoa, thậm chí hình ảnh nhí nhảnh cũng có thể trang hoàng cho món quà. Sử dụng tính ngẫu hứng, sáng tạo khi bạn gắn chúng vào hộp quà. Bảo đảm rằng màu của giấy gói, nơ và hoa phải hợp tông và không xung khắc lẫn nhau. Tốt nhất nên dùng phụ kiện bằng chất liệu giấy xốp mỏng vì chúng sẽ cho độ phồng, dễ xếp và nhẹ. Cuối cùng là gắn thiệp. Hãy nhớ đến màu của giấy gói, nơ, và hoa khi chọn mua thiệp và phong bì. Xức thêm nước hoa vào thiệp, nếu khách hàng yêu cầu.
Nghệ thuật gói quà đẹp, trang nhã, bắt kịp các xu hướng mới sẽ giúp cho cửa hàng của bạn tạo được dấu ấn với khách hàng. Đồng thời người nhận sẽ cảm thấy món quà thực sự được coi trọng và tặng bằng tất cả trái tim. Nếu chủ shop có thêm một số tài lẻ như tự tạo các món đồ handmade để mở rộng thị trường, tạo ấn tượng riêng của cửa hiệu của mình.
Như đã nói trong lời mở đầu, kinh doanh đồ lưu niệm là lĩnh vực không mới, có tính cạnh tranh cao, vậy nên mỗi cửa hiệu cần phải tạo cho mình một dấu ấn riêng bên cạnh việc đảm bảo những kiến thức và kĩ năng chuẩn mực của nghề. Những gợi ý trên đây là những yêu cầu cơ bản nhất mà bất kì ai hoạt động trong lĩnh vực này phải đảm bảo được để có thể kinh doanh hiệu quả.