Kinh doanh chẳng phải cuộc chơi con trẻ với những trò đùa vô thưởng vô phạt, đã liên quan đến lợi ích thì không có gì còn giữ được nguyên vẹn giá trị ban đầu nữa. Chính vì vậy kinh doanh được ví như giấc mơ đổi đời đằng sau những cái hố chứa đầy gai nhọn, chỉ một phút sơ sẩy không cẩn thận bạn cũng có thể rơi xuống cạm bẫy bất ngờ nào đó. Thất bại trong kinh doanh mặc dù đáng sợ nhưng bất kì ai khi đã dấn thân trên con đường ấy cũng phải xác định tư tưởng từ trước, quan trọng không phải ta mất gì sau mỗi lần thất bại mà là kinh nghiệm bạn rút ra được, là cách bạn đối mặt với thất bại như thế nào. Đừng sợ thất bại, “vừa đi vừa ngã” có thể khiến bạn đau, có thể khiến bước chân bạn chậm lại, nhưng lại làm bạn cứng cáp hơn, lấy đà tốt hơn cho những lần bật xa tiếp theo. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những bí quyết đối mặt với thất bại trong kinh doanh sau đây.
1. Đừng né tránh trách nhiệm
Chẳng ai trong chúng ta muốn thất bại trong kinh doanh, đó chắc chắn không phải trải nghiệm thú vị gì, và để giảm bớt hậu quả nhiều người thường né tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho hết bên này đến bên kia. Điển hình nhất là khi khách hàng phàn nàn về sản phẩm, dịch vụ, thay vì nhận lỗi về mình, doanh nghiệp lại đẩy hết sang cho bên cung cấp nguyên vật liệu, sang bên bảo trì thiết bị máy móc, hay thậm chí là cho...biến động thị trường (!?).
Hãy nhớ, khi khách hàng tìm đến bạn để chất vấn, thứ họ cần không phải một lý do nào đó, họ không muốn biết tại sao lại xảy ra lỗi này lỗi kia, thứ họ muốn là bạn biết sai và đưa ra giải pháp. Khách hàng đến mua sản phẩm của bạn, họ bỏ tiền ra để mang về lợi ích chứ không phải một cuộc đôi co không hồi kết khi bạn cứ chối bên này đẩy bên kia. Dĩ nhiên, có thể bạn thắng, bạn không phải chịu trách nhiệm cho tổn thất này, nhưng kể từ đó vị khách kia chắc chắn không bao giờ quay lại với bạn nữa. Bằng việc trốn tránh trách nhiệm bạn đang hạ thấp giá trị của chính doanh nghiệp, rằng năng lực không đủ nên không dám nhận để giải quyết, từ đó mà đánh mất lượng khách hàng không hề nhỏ.
Sai thì nhận, thái độ khẳng khái không chỉ đem lại thiện cảm cho khách hàng còn thể hiện rằng bạn luôn muốn mang đến cho họ những sản phẩm hoàn hảo nhất.
2. Đền bù tổn thất cho khách hàng
Khách hàng đến khiếu nại với bạn, cái chính là họ muốn nhận được đền bù, hoặc là vật chất hoặc là một hướng giải quyết triệt để nào đó. Thế nên để khách vui vẻ ra về thì bạn hãy gửi tặng họ phần quà xin lỗi xứng đáng. Đây không phải là việc lấy lòng người khác hay nhún nhường chịu thiệt gì, mà bạn sai, bạn cần phải sửa sai không bằng cách này thì cách khác.
3. Giải thích nguyên nhân và cam kết
Sau khi nhận trách nhiệm, đền bù cho khách, lúc này cơn tức giận của họ đã được xoa dịu thì bạn hãy nhẹ nhàng giải thích nguyên nhân dẫn đến sai lầm kia. Một lời giải thích hợp lý để khách hàng hiểu bạn không hề muốn cớ sự như bây giờ, rất nhiều lý do khách quan ảnh hưởng mà bạn không thể kiểm soát hết. Cho khách hàng biết rằng bạn đã cố gắng rất nhiều, mặc dù còn sai sót nhưng sẽ cam kết không bao giờ để tình trạng ấy lặp lại nữa.
4. Rút kinh nghiệm để không lặp lại thất bại trong kinh doanh
Mọi thứ với khách hàng đã xong, họ nhận được phần đền bù và vui vẻ ra đi, bây giờ là đến lượt bạn thực hiện lời cam kết của mình. Hãy nhìn thẳng vào thất bại trong kinh doanh mà bạn gặp phải, đừng e ngại nó mà phải xoáy sâu vào nó để tìm ra nguyên nhân và cách giải quyết. Thất bại thật sự không phải là những mất mát do sai lầm gây lên mà là không thể giải quyết triệt để dứt khoát sai lầm đó để tránh gặp phải trong tương lai.
Trên đây là một số bí quyết đối mặt với thất bại trong kinh doanh mà chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn, hãy luôn bình tĩnh để xử lý tình huống thì bạn sẽ tìm ra cách giải quyết hợp lý nhất.