Đằng sau tên thương hiệu của các tập đoàn nổi tiếng như Google, Coca, Pepsi, Apple, Microsoft ... đều ẩn chứa trong mình những câu chuyện thú vị mà ít người biết đến.
Bí mật thú vị đằng sau tên thương hiệu hàng đầu thế giới
Việc đặt tên cho công ty, tập đoàn không bao giờ là chuyện đơn giản, cần phải đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc, thời gian thông qua việc triển khai nghiên cứu thị trường, tâm lý người tiêu dùng cũng như các yếu tố về phong thủy, âm dương. Cảm hứng trong việc đặt tên thương hiệu có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau vì vậy đằng sau mỗi cái tên là vô số bí mật cần được khám phá. Dưới đây Sapo sẽ giới thiệu cho các bạn một số câu chuyện như vậy
Không biết hàng hóa còn bao nhiêu trong cửa hàng? Để tình trạng này tiếp diễn hoặc sử dụng phần mềm quản lý kho Sapo POS để quản lý hàng tồn kho chi tiết, tự động hoàn toàn
Dùng thử miễn phí ngay1. Google - lỗi chính tả
Với gần 1,5 tỷ khách hàng, Google trở thành công cụ tìm kiếm lớn nhất hành tinh và trở thành cái tên phổ biến nhất đối với người dùng Internet toàn cầu. Nhưng ít người biết được rằng cái tên Google không mang ý nghĩa nào (search nghĩa tiếng anh), nó thực chất là kết quả của một...lỗi chính tả. Khi mới ra đời, hãng này được đặt tên là BackRub – ám chỉ việc hệ thống tìm kiếm thường kiểm tra ngược các đường link để đánh giá tầm quan trọng của từng trang web rồi xếp hạng. Sau đó nó được đổi tên thành Googol – một thuật ngữ toán học để chỉ một số cấu thành từ một số 1 và 100 số 0 với ý nghĩa ám chỉ khả năng tìm kiếm vô tận của trang web này.
Cái tên Google là kết quả của một lỗi chính tả
Tuy nhiên khi hai người sáng lập là Larry Page và Sergey Brin giới thiệu dự án đến các nhà đầu tư thì ông And Bechtolsheim đã gửi một tờ séc trị giá 100 nghìn USD để giúp đỡ. Nhưng thay vì viết từ “Googol”, ông này lại viết nhầm thành “Google”; Page và Brin tỏ ra thích thú và quyết định chọn cái tên Google. Ngoài ra cũng có nhiều câu chuyện khác như việc một người bạn của Page là Sean Anderson thường xuyên mắc lỗi chính tả và tìm thử tên miền google.com thay vì googol.com và thấy nó khả dụng. Page thích thú và quyết định sử dụng cái tên này.
2. Apple - Cảm hứng bất tận
Có rất nhiều luồng ý kiến về ý nghĩa thực sự của cái tên Apple và vì sao Steven Jobs lại chọn nó chứ không phải vô vàn cái tên mỹ miều khác. Một số người cho rằng Jobs chọn cái tên này bởi đơn giản là ông thích ăn táo, hâm mộ quả táo của Newton còn số khác lại nghĩ do vị CEO này có một thời gian làm việc tại vườn táo ở California trong suốt mùa hè hay do Jobs hâm mộ nhóm Beatles nên quả táo lấy cảm hứng từ đĩa nhạc Apple Records... Giả thuyết được tin tưởng nhất hiện giờ, Steven Jobs đề xuất cái tên “Apple Computers” trong một lần lái xe với Steve Woziniak (có người nói là Walter) từ Palo Alto tới Los Altos. Việc đặt tên công ty là Apple cũng sẽ giúp “táo cắn dở” đứng trước Atari trong danh điện thoại.
Apple thay đổi logo quả táo theo từng giai đoạn
Rất khó kiểm chứng những quan điểm trên nhưng Steve Wozniak – một trong các đồng sáng lập ra Apple bổ sung rằng nguyên nhân chính hãng mang tên “Quả táo” bởi các đồng nghiệp không ai nghĩ được cái tên hay hơn dù có 3 tháng suy nghĩ. Và kết quả cuối cùng thế nào thì mọi người cũng đã biết.
3. Amazon - Tham vọng to lớn
Từ một nhà cung cấp sách địa phương với số vốn nhỏ bé, hiện nay Amazon đã trở thành tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới, phủ sóng khắp các châu lục. Nó được thành lập năm 1994 bởi Jeff Bezos với cái tên dự định ban đầu là “Cadabra” nhưng vị luật sư chịu trách nhiệm đăng ký lại nghe nhầm thành “cadaver” – nghĩa là xác chết, tử thi khiến Bezos quyết định tìm một cái tên mới phù hợp hơn.
Amazon ẩn chứa nhiều khát vọng to lớn của người sáng lập
Trong những năm đầu 90 trước khi google xuất hiện, việc tên xuất hiện trước hay sau trong danh bạ luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu. Với cá tính không chịu thua kém, Bezos quyết định “đứa con” của mình phải bắt đầu bằng chữ cái “A”, vì thế sau thời gian lục lọi từ điển ông đã quyết định chọn cái tên Amazon. Jeff Bezos rất thích cái tên này bởi trước hết đây là tên con sông có lưu vực lớn nhất thế giới và ông mong muốn công ty của mình sẽ phát triển mạnh như vậy; đồng thời trong cái tên Amazon có cả chữ cái A và Z (hai chữ cái đầu và cuối trong bảng chữ cái). Đây là lý do chính vì sao trong logo của hãng có sự xuất hiện của một mũi tên chỉ từ A đến Z ám chỉ việc dịch vụ này sẽ đáp ứng đủ mọi nhu cầu từ bán quần áo online, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng...
4. Samsung - Mang đậm chất Á Đông
Nhiều người cho rằng cái tên Samsung ẩn chứa nhiều ẩn ý hơn cái tên của đối thủ truyền kiếp Apple. Sinh ra tại đất nước Hàn Quốc, nơi có truyền thống lịch sử lâu đời vì vậy cái tên hàm chứa nhiều ý nghĩa tốt đẹp, theo đó nó được tạo thành từ hai ký tự tiếng Hàn là “Sam” và “Sung”. “Sam” ở đây nghĩa là 3 – biểu tượng sức mạnh và quyền lực còn “Sung” là ngôi sao mang ý nghĩa vĩnh cửu. Như vậy “Samsung” nghĩa là “tam sao” với ý nghĩa công ty lớn mạnh theo thời gian, mãi mãi trường tồn.
Trụ sở của Samsung tại Daegu trong những năm 1930
Ngoài ra cái tên này cũng mô tả rất đúng đại gia của Hàn Quốc trong những ngày đầu thành lập là công ty của vài gia đình cho thuê đất ở những năm 1930. Và đúng như tên gọi, hiện nay Samsung đang là một trong hai cái tên đứng đầu làng công nghê, được ví như một vương quốc thu nhỏ với nửa triệu nhân viên.
5. Cocacola - Nguyên liệu hấp dẫn
Hay còn gọi là Coke, đây là thương hiệu nước giải khát hàng đầu thế giới đã có lịch sử hơn 1 thế kỷ. Theo ghi chép, cha đẻ của Cocacola là một dược sĩ và Coke là một loại nước uống. Sau khi được phát triển và thay đổi bởi nhà lãnh đạo tài ba Asa Candler, hầu hết người dân Mỹ khi nhắc tới Coca đều cảm thấy đây là loại đồ uống ngon lành tươi mát. Cái tên Coca-cola xuất phát từ tên lá Coca và hạt Kola, hai thành phần tạo ra hương vị, tuy nhiên để nó trở nên hài hòa, John S.Pemberton – người tạo ra Coca đã quyết định đổi chữ “K” trong kola thành chữ “C”.
6. McDonald’s - Bánh mì kẹp
6.1. Khởi đầu từ ý tưởng nhỏ và phát triển thành thương hiệu lớn.
Nhắc đến lịch sử hình thành nên thương hiệu McDonald’s nhất thiết phải nói về những người khởi xướng ý tưởng kinh doanh và những người đã phát triển để thương hiệu có được tầm vóc như hiện nay.
Nói về người khởi xướng McDonald’s, đó là hai anh em Maurice và Richard McDoald, hai người con của một công nhân nhà máy giày bị thất nghiệp ở New Hampshire đã rời bỏ quê hương đến California để kiếm sống với mong muốn tránh được số phận của kẻ thất nghiệp. Tại đây, hai người đã bắt đầu bằng việc mở một cửa hiệu bán bánh mỳ kẹp xúc xích nhỏ chủ yếu phục vụ cho ô tô qua lại tiện thì ghé vào mua và cầm đi luôn. Những cửa hiệu kinh doanh kiểu này vào thời điểm đó thường nhan nhản ở California, do đó, để tạo lợi thế kinh doanh cho mình, hai anh em nhà McDonald’s đã phát kiến ra một ý tưởng khác biệt và tạo ra sự khởi đầu của tập đoàn McDonald’s ngày nay đó là : bán bánh mì kẹp thịt xay rán. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường và sự thích ứng, thay đổi hình thức kinh doanh thành “hệ thống phục vụ nhanh”, McDonald’s một lần nữa lại tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, không phải là những doanh nhân có tham vọng lớn nên cửa hàng đồ ăn nhanh này chỉ phát triển ở một chỗ và không được mở rộng lãnh địa kinh doanh, chỉ chuyển nhượng bản quyền trong một số ít trường hợp nên nhanh chóng bị sao chép mô hình và làm giả sản phẩm làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Bánh mỳ kẹp là ý tưởng độc đáo khởi xướng cho một thương hiệu nổi tiếng
Chính thời điểm này đã xuất hiện người đưa McDonald’s trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp thế giới. Khoảng 50 năm trước đây ở San Bernadio, bang California, miền Tây nước Mỹ có một người đàn ông đã gần 52 tuổi tên là Raymond Albert Kroc đang làm nghề tiếp thị cho một cửa hàng bán máy sinh tố. Vào một ngày, Ray Kroc bỗng nhiên nhận được đơn đặt hàng mua máy xay sinh tố lên tới hàng chục chiếc của anh em nhà Richard và Maurice McDonald. Kroc có chút tò mò và sau khi tìm hiểu thì ông được biết anh em nhà Richard và Maurice McDonald đang mở cửa hàng đồ ăn nhanh. Cửa hàng tuy nhỏ nhưng lượng khách xếp hàng lại rất đông, dài tới hơn 20 mét. Khi ăn thử bánh hamburger, Ray Kroc thấy rất ngon, mà giá cả lại phù hợp. Tiếp tục quan sát kỹ hơn, Raymond thấy hai anh em nhà McDonald tổ chức chế biến và phục vụ có vẻ rất chuyên nghiệp.
Ray Kroc chợt loé lên ý tưởng hợp tác cùng hai anh em nhà Richard và Maurice McDonald. Theo đó, ông đã thuyết phục hai anh em Richard và Maurice McDonald nhượng lại quyền sử dụng tên thương hiệu McDonald’s cũng như hệ thống ăn nhanh của mình, bù lại hai anh em nhà McDonald vẫn sẽ được hưởng 1% doanh số bán hàng của các cửa hàng này. Và công ty McDonald’s System Inc. do Ray Kroc điều hành đã được thành lập như thế.
6.2. Đối đầu với các đối thủ cạnh tranh
McDonald’s là thương hiệu có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong thị trường đồ ăn nhanh ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, sự thành công này cũng trải qua nhiều khó khăn và phải đương đầu với nhiều đối thủ cạnh tranh.
Đầu tiên phải kể đến Burger King, vào thập niên 70, hãng này đã thành công trong việc định vị mình trong tâm trí khách hàng : “chất lượng bánh của Burger King cao hơn chất lượng bánh của McDonald’s”.
Chiến lược cơ bản khi muốn giành lấy thị trường từ tay “kẻ khổng lồ” là tìm ra 1 điểm yếu và tấn công toàn lực vào điểm yếu đó. McDonald’s có rất nhiều điểm mạnh như hoạt động theo chuỗi bài bản, sản phẩm phù hợp với chi phí đa số người dân. Sản phẩm Big Mac độc đáo của McDonald’s đã gặt hái thành công rực rỡ đưa doanh số của McDonald’s tăng vọt. Tuy nhiên, dù sao thì họ vẫn có một điểm yếu. Giả sử, khách hàng muốn một chiếc bánh burger đặc biệt hơn thì sao? Rất khó có thể gọi một chiếc bánh theo ý thích của mình tại McDonald’s. Burger King đã nhắm trúng điểm yếu này với chiến dịch: “Ăn theo cách của bạn – Have it your way”. Bạn đến nhà hàng Burger King và có thể gọi một chiếc bánh burger theo ý thích của mình. Tiếp sau đó là chiến dịch “Nướng chứ không rán – Broiling not Frying” khiến Burger liên tục gặt hái thành công. Tuy nhiên, sau hai chiến thắng vang dội đó, thì sự thiếu kiên trì và sai lầm trong chiến lược khiến Burger cảm thấy hụt hơi trong cuộc đua này, tạo cơ hội cho Wendy’s và Subway chen chân giành thị phần.
McDonald’s khởi đầu cho xu hướng ẩm thực bánh mì kẹp
Năm 1969, Dave Thomas, phó Chủ tịch của chuỗi nhà hàng ăn nhanh KFC quyết định ra kinh doanh riêng với thương hiệu Wendy’s. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại KFC và nghiên cứu các đối thủ khác, Dave Thomas đã thực hiện những chiến lược kinh doanh rất khác biệt cho Wendy’s.
Khởi điểm ra đời của Wendy’s là một nhà hàng burger dành cho người lớn và định vị thương hiệu bằng chiến lược “Nóng và Cay – Hot ‘n’ Juicy”. Cùng với đó là việc thể hiện rõ hơn sự khác biệt về kích cỡ và hình dáng của chiếc bánh kẹp. Với sự khác biệt về định vị thương hiệu này, Wendy’s đã tăng trưởng rất ấn tượng và chỉ sau chưa đầy 2 năm, lợi nhuận ròng của hãng này đã bắt kịp Burger King.
Gần như cùng thời điểm, Subway cũng đã nổi lên và đón đầu một xu hướng ẩm thực mới, trở thành chuỗi nhà hàng ăn nhanh có tốc độ phát triển nhượng quyền nhanh nhất thế giới. Thành tựu đó đặt trên nền tảng chiến lược phát triển xoay quanh chiến lược “Ăn đồ tươi – Eat fresh”. Điểm mạnh của Subway là sự kiên trì theo đuổi chiến lược với một tầm nhìn chuẩn xác. Đó là điểm khác biệt của Subway và Burger King. Sau khi có chiến dịch “Nướng không Rán”, Burger King lại xoay sang những định hướng khác, mở rộng menu, thêm nhiều món, đuổi theo chiến lược của McDonald’s khiến định vị “Nướng chứ không Rán” trở nên nhạt nhòa thì Subway rất kiên định phát triển xung quanh trục “Ăn đồ tươi”. Sự kiên định này đã giúp Subway khẳng định mạnh mẽ vị thế của mình trong lòng khách hàng.
Chú hề Ronald McDonald’s là linh vật của chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald’s
6.3. “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi”
Đứng trước những thương hiệu mới nổi thông minh và hiếu thắng, người khổng lồ McDonald’s đã lùi bước nhưng không sụp đổ và tiếp tục dẫn đầu. Tận dụng sức mạnh và lợi thế của mình, tập đoàn này đã đối đầu với từng cuộc chiến một cách hiệu quả.
Với Burger King, McDonald’s thay đổi menu, nâng cấp sản phẩm và sau một thời gian, Burger King mất đi tính tập trung và bắt chước chiến lược của McDonald’s. McDonald’s tạo ra linh vật chú hề Ronald McDonald’s, Burger King giới thiệu ngay linh vật Magical Burger King. Khi McDonald’s tung ra menu bánh sandwich, Burger King cũng thêm vào sandwich (mà không nhận ra rằng tên thương hiệu là Burger King chứ không phải là Sandwich King).
Trước cuộc tấn công của Wendy’s, McDonald’s chỉ đơn giản là không làm gì bởi McDonald’s biết rằng phân khúc khách hàng trẻ em vẫn là phân khúc tạo thành lợi nhuận tốt nhất và đó cũng là điểm mạnh nhất của mình, thà rằng nắm giữ phân khúc của mình còn hơn đuổi theo phân khúc khác không phải và không bao giờ là của mình.
Với Subway, McDonald’s mở rộng một số món trên menu với sản phẩm ít béo, nhiều rau và cả những menu dành cho người ăn chay. “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”, McDonald’s thực sự đã giữ được đẳng cấp của mình và trở thành một người khổng lồ không thể quật ngã.
7. Shiseido - Triết lý thành công
Bằng việc cung cấp các sản phẩm chất lượng và tận dụng được hết các ưu thế của đất nước Nhật Bản, Shiseido là một trong số rất ít các thương hiệu mỹ phẩm của châu Á đã ghi tên mình vào danh sách các thương hiệu mỹ phẩm hàng đầu thế giới. Dù đã có mặt hơn 1 thế kỷ nhưng thành công của Shiseido vẫn luôn tỏa sáng. Để có được thành công bền vững như ngày hôm nay, những người đứng đầu Shiseido đã có rất nhiều chiến lược kinh doanh quyết liệt và một trong số đó là sự đầu tư liên tục cho các hoạt động xây dựng thương hiệu.
7.1. Hành trình khởi nghiệp
Shiseido, công ty mỹ phẩm lâu đời nhất và hiện đang có quy mô lớn thứ 4 trên thế giới, được sáng lập năm 1872 bởi ông Yushin Fukuhara. Shiseido khởi nghiệplà một công ty dược phẩm, không lâu sau đó, khi pha chế thành công công thức làm đẹp kết hợp giữa bí quyết của phương Đông với công nghệ và khoa học của phương Tây, Shiseido đã bắt đầu phát triển mô hình kinh doanh mỹ phẩm phục vụ cho phái đẹp. Yushin Fukuhara từng nói: “Vẻ đẹp mang tính toàn cầu vì thế sản phẩm phục vụ cho vẻ đẹp cũng phải mang tính toàn cầu.” Các sản phẩm của Shiseido là sự kết hợp hài hòa giữa Đông – Tây và được chào đón ở khắp nơi trên thế giới.
Đầu năm 1888, Shiseido ra mắt sản phẩm thuốc đánh răng Nhật Bản đầu tiên. Đến 1897, công ty mạo hiểm nhảy vào thị trường kinh doanh mỹ phẩm với sản phẩm Eudermine. Năm 1918, Shiseido giới thiệu sản phẩm nước hoa đầu tiên của hãng và đến 1937 cho ra đời dòng sản phẩm mỹ phẩm đầu tiên.
Cuối những năm 1970, Shiseido bắt đầu thâm nhập thị trường nước ngoài ở châu Âu và Mỹ với các dòng sản phẩm đặc thù. Khi quyết định đưa thương hiệu của mình ra khỏi thị trường nội địa, Shiseido cũng vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các nhãn hàng nổi tiếng lúc bấy giờ của Pháp và Mỹ. Tuy nhiên, nhờ có thế mạnh khi gia nhập vào thị trường ngành mỹ phẩm, thời trang cao cấp trên thế giới là thương hiệu châu Á đầu tiên mang nét huyền bí và một chút tinh tế của phương Đông truyền thống được gửi gắm qua từng sản phẩm mà Shiseido đã đạt được thành công ngoài mong đợi.
7.2. Triết lý thương hiệu của Shiseido
Để có những bước tiến dài và vững chãi này, sự định hướng của Shiseido phụ thuộc vào triết lí gồm 5 nguyên tắc quản trị cốt lõi được xây dựng từ năm 1921, đó là:
- Chất lượng số một
- Cùng tồn tại và thịnh vượng
- Tôn trọng khách hàng
- Sự bền vững của doanh nghiệp
- Uy tín
Shiseido cũng dựa trên 5 điểm then chốt trên để xây dựng thương hiệu. Họ luôn luôn sáng tạo và đổi mới trong tất cả các sản phẩm được đưa ra trên thị trường; kết hợp độc đáo giữa bí quyết làm đẹp phương Đông và độ nhạy cảm với các giá trị hiện đại phương Tây; áp dụng công thức đã qua thử nghiệm lâm sàng để tạo ra những sản phẩm phù hợp chăm sóc da và sắc đẹp; thường xuyên phân tích các xu hướng của thị trường sẽ tạo ra khả năng thích ứng với các thị trường khác nhau và có chiến lược phân phối rộng khắp. Hãng cũng phát triển hệ thống cấu trúc thương hiệu cụ thể với tham vọng phục vụ nhiều phân khúc khách hàng trên thị trường.
Mặc dù còn phải đối mặt với nhiều thương hiệu lớn khác trên thế giới nhưng Shiseido vẫn đứng vững trong lòng người tiêu dùng bởi chất lượng cũng như vẻ đẹp tinh tế. Hãng đã thành công khi cung cấp sản phẩm cho cả khách hàng cao cấp và các phân khúc khác nhau ở nhiều thị trường trên thế giới.