Để mở được cửa hàng kinh doanh, địa điểm hay mặt bằng là yếu tố quan trọng, quyết định trực tiếp đến lượng khách và doanh thu cửa hàng. Nhiều người “may mắn” khi đã sở hữu cho mình 1 mặt bằng đẹp, siêu chiến lực. Nhưng bênh cạnh đó lại có một số người chỉ có mặt bằng nhỏ. Vậy, nên kinh doanh gì để mang lại hiệu quả cao? Hãy cùng Sapo Blog tổng hợp ý tưởng tiềm năng trong bài viết sau để trả lời câu hỏi “Có mặt bằng nhỏ nên kinh doanh gì” nhé.
1. Tiệm trà bánh take-away
Tiệm trà bánh take-away là một ý tưởng hợp lý nếu bạn sở hữu mặt bằng kinh doanh nhỏ. Bạn có thể làm trà, bánh, cafe và các loại nước khác (hoa quả, trà trái cây…) để bán cho khách hàng mang đi, không cần ngồi lại lâu.
Chi phí: chi phí cho một tiệm trà bánh take-away cũng dễ thở. Chỉ cần từ 10-20 triệu, bạn đã có thể kinh doanh tiệm trà bánh quy mô nhỏ. Nếu quán có quy mô lớn, vốn dao động từ 50-70 triệu.
Kinh nghiệm kinh doanh: tiệm trà bánh take-away có thể mở ở gần văn phòng, trường học, bệnh viện, dưới các sảnh chung cư, tòa nhà văn phòng… Nên mở quán ở vị trí có dân cư đông đúc, có người qua lại để có nhiều khách hàng hơn, từ đó tối ưu doanh thu. Đặt quầy thu ngân và kệ bánh ở vị trí dễ thấy. Dùng tông màu sáng và gương để tạo cảm giác không gian quán rộng rãi hơn.
Bạn có thể tận dụng các kênh bán hàng online như Grab, ShopeeFood, BeFood… để tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Nếu đầu tư, hãy chạy quảng cáo Facebook, Tiktok, … để tăng nhận diện thương hiệu.
2. Sạp trái cây
Mở tiệm bán hoa quả, trái cây cũng là một ý tưởng hay nếu bạn có mặt bằng hạn chế. Bởi lẽ, cửa hàng bán trái cây không cần quá to và rộng. Chỉ cần bạn biết cách bài trí các loại hoa quả một cách tươi ngon và đẹp mắt, chắc chắn nó sẽ thu hút được khách hàng ghé thăm rồi.
Chi phí: vốn để mở sạp trái cây nhỏ dao động từ 40 - 50 triệu đồng, bao gồm chi phí: mặt bằng, thiết kế, trang trí, bảo quản, vận hành, nhân sự…
Kinh nghiệm kinh doanh: hãy tối ưu không gian trưng bày. Sử dụng kệ đa tầng để trưng bày được nhiều loại trái cây hơn. Phân loại các nhóm trái cây để tạo sự thu hút và tương phản về màu sắc. Chủ tiệm có thể tận dụng các giỏ treo, hoặc đặt kệ dọc tường để tiết kiệm không gian mặt bằng. Tiếp theo, hãy sử dụng các chiến lược marketing như chạy quảng cáo, tham gia các hội nhóm bán hàng để tương tác, đăng bài thường xuyên trong các hội nhóm về trái cây.
3. Tiệm hoa
Trên thực tế, các tiệm hoa tươi thường không có mặt bằng rộng mà chủ yếu là các sạp hoa tươi nhỏ. Bởi chỉ cần có một diện tích nhỏ để trưng bày các loại hoa và chỗ để bó hoa. Nhu cầu về hoa tươi cũng thường thay đổi theo các dịp và ngày lễ nên đây là một ý tưởng kinh doanh khá ổn để sinh lời.
Chi phí: mở cửa hàng hoa là ý tưởng kinh doanh vốn ít mà lời cao. Bạn chỉ cần bỏ ra số vốn từ 20-25 triệu đồng là đã có thể bắt đầu kiếm tiền.
Kinh nghiệm kinh doanh: vì mặt bằng kinh doanh nhỏ, hãy tối ưu trong khâu bố trí. Sử dụng các kệ treo tường, giá nhiều tầng để có thể trưng bày đa dạng các loại hoa mà không tốn nhiều diện tích. Đặt những loại hoa nổi bật của shop và các lãng hoa mẫu ở khu vực dễ nhìn thấy nhất để thu hút khách hàng.
Khi bắt đầu kinh doanh tiệm hoa, bạn hãy bán các loại hoa phổ biến như hoa hồng, cúc, lan … Cung cấp thêm dịch vụ cắm hoa theo yêu cầu và giao hàng tận nơi để tăng nguồn doanh thu.
4. Bán đồ ăn sáng
Nếu bạn có mặt bằng nhỏ, hãy thử bán đồ ăn sáng để kiếm thêm thu nhập nhé. Có rất nhiều người, chỉ cần mặt bằng từ 3-5m2 là rất đông khách ăn sáng rồi. Với mặt bằng khiêm tốn, bạn có thể bán bánh mì, xôi, bánh bao, trứng vịt lộn,... Vì chỉ bán đồ ăn vào buổi sáng, nên buổi trưa và chiều, bạn có thể tận dụng không gian để bán thêm nước, trà trái cây, các loại chè, đồ ăn nhẹ…
Chi phí: để mở cửa hàng đồ ăn sáng, chi phí vốn cần bỏ ra không quá nhiều. Chỉ từ 5-10 triệu đồng, bạn đã có thể chuẩn bị ghế, bàn, chảo, nguyên liệu… rồi.
Xem thêm: Hốt bạc triệu mỗi ngày với ý tưởng kinh doanh đồ ăn sáng
5. Cửa hàng sửa điện thoại
Đây là ý tưởng được nhiều người lựa chọn khi sử dụng một mặt bằng kinh doanh có diện tích khiêm tốn. Một cửa hàng sửa chữa điện thoại nhỏ, uy tín và dịch vụ tốt chắc chắn sẽ thu hút nhiều khách hàng là dân bản địa. Mở cửa hàng điện thoại quan trọng nhất là tay nghề, các yếu tố khác đều xếp sau. Vậy nên nếu bạn có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm, cộng thêm một mặt bằng không quá lớn, hãy mở cửa hàng sửa điện thoại nhé.
Chi phí: số vốn ban đầu bỏ ra để mở tiệm sửa chữa điện thoại chỉ từ 10-15 triệu đồng. Bao gồm: chi phí trang bị bộ dụng cụ sửa chữa điện thoại cơ bản (tua vít, kìm, mỏ hàn…) và các loại máy móc hỗ trợ như máy khò nhiệt, đồng hồ đô điện, kính hiển vi mini… Ngoài ra, bạn cần đầu tư vào vật tư và phụ kiện thay thế: màn hình mới, cáp sạc, loa, keo dán, óc vít…)
Kinh nghiệm kinh doanh: ngoài sửa chữa điện thoại, bạn có thể bán thêm các loại phụ kiện như ốp lưng, sạc dự phòng, kính cường lực… Ghi nhớ rằng, luôn cung cấp các chính sách bảo hành rõ ràng, minh bạch để tạo uy tín cho cửa hàng.
6. Tiệm photocopy
Khi bạn có mặt bằng nhỏ, mà lại gần các trường học cấp 1, cấp 2, cấp 3, mở tiệm photocopy là ý tưởng tiềm năng.
Chi phí: do kinh phí các loại máy móc chuyên biệt, số vốn để mở cửa hàng photocopy có thể lên đến 25-30 triệu đồng. Bao gồm chi phí mua các loại máy in, máy photo, máy ép plastic… các loại vật tư như giấy, mực in, kẹp, ghim…
Kinh nghiệm kinh doanh: nếu bạn quyết định mua máy cũ để tiết kiệm chi phí, nhớ kiểm tra kỹ chất lượng và tình trạng bảo hành. Ngoài photocopy đơn thuần, mở rộng thêm các loại dịch vụ như in ấn, scan tài liệu, bán văn phòng phẩm, chụp ảnh thẻ lấy ngay.
7. Tiệm giặt là
Đây là lĩnh vực kinh doanh đang trên đà phát triển và dần được nhân rộng khá nhiều nhất là ở khu vực thành phố, phục vụ chủ yếu là học sinh, sinh viên chưa có đủ tài chính hay người lao động quá bận rộn với công cuộc mưu sinh. Nếu bạn đang có mặt bằng nhỏ mà chưa biết nên kinh doanh gì tại những khu vực có nhiều đối tượng này thì đừng ngần ngại mà mở cửa hàng giặt là nhé.
Muốn biết chi phí mở tiệm giặt là, tham khảo bài viết: Mở tiệm giặt là từ A đến Z, cần bao nhiêu vốn?
Kinh nghiệm kinh doanh: vì không gian mặt bằng không có nhiều, chủ tiệm nên sắp xếp máy giặt và máy sấy thành hàng hoặc tầng để tiết kiệm diện tích. Phân chia khu vực rõ ràng, khu nhận đồ, khu giặt, khu sấy và khu trả đồ riêng, tránh việc lẫn lộn quần áo đã xử lý và chưa xử lý.
Sử dụng thêm các loại nội thất thông minh như kệ treo tường hoặc giá đa năng để chứa các loại bột giặt, móc treo và giỏ đồ. Tận dụng bàn gấp, xe đẩy di động để phân loại đồ tiện lợi hơn.
Bài viết trên đã giải đáp câu hỏi: “Có mặt bằng nhỏ nên kinh doanh gì?”. Tùy thuộc vào diện tích và vị trí, hãy lựa chọn cho mình một loại hình kinh doanh, dịch vụ phù hợp. Theo dõi Sapo để cập nhật các thông tin mới nhất về kiến thức kinh doanh hữu ích nhé!