Như đã nói ở rất nhiều bài viết trước, khởi nghiệp kinh doanh nghĩa là bạn đã bước chân lên con đường đầy khó khăn và thử thách, ngoài những kiến thức cùng kỹ năng cần thiết thì lời khuyên của người đi trước vẫn rất cần thiết.
Thế nhưng, mỗi người có con đường của riêng mình, cách thành công của riêng mình nên không phải lời khuyên nào bạn cũng có thể áp dụng trực tiếp mà cần phân tích rồi chắt lọc. Nếu mù quáng tin vào mọi thứ người khác nói thì chính bạn đang bóp chết quá trình khởi nghiệp kinh doanh của mình mà thôi.
1. Việc gì cũng được!
Sinh viên ra trường cũng như con cá vừa vượt sông đến với đại dương bao la, hoàn toàn ngô nghê và thiếu kinh nghiệm, lời khuyên mà không ít người nhận được là: “Cứ làm đi, việc gì cũng được để lấy kinh nghiệm”. Đây là lời khuyên vô trách nhiệm nhất mà bạn không nên làm theo. Vì vừa ra trường, nhiệt huyết có thừa, ước mơ vẫn đầy ắp, nếu bạn chọn bừa một nghề để làm, nhất là nghề ấy bạn không thích thú cũng không đam mê thì chỉ một thời gian ngắn sau đó niềm tin bạn có sẽ hoàn toàn sụp đổ.
“Làm điều mình thích là tự do, thích điều mình làm là hạnh phúc!” Chỉ khi được làm theo đam mê của mình bạn mới có động lực để vượt qua mọi khó khăn, để tự cải thiện và phát triển kỹ năng của mình vươn tới thành công mới. Tuổi trẻ là để sai lầm, có thể đam mê không đưa bạn đến bến đỗ thực sự, nhưng đó sẽ là con thuyền giúp bạn bớt chông chênh trên chặng đường khởi nghiệp kinh doanh đầu tiên của mình.
2. Giỏi cái gì làm cái nấy
Nghe qua thì lời khuyên này rất hữu ích vì có giỏi mới làm tốt được, nhưng thực tế không phải với ai điều này cũng đúng. Có những công việc tuy bạn có thể làm rất tốt nhưng lại không đúng chuyên môn hay sở thích của mình thì cũng chưa chắc đạt được hiệu quả cao.
3. Việc nào lương cao thì làm
Tự nhìn vào thâm tâm của mình ai cũng hiểu tiền rất quan trọng, nó không phải tất cả nhưng là một trong những thứ quan trọng để có tất cả. Khởi nghiệp thì ai lại không muốn tìm việc gì đó lương thật cao, cơ hội thăng tiến thật nhanh để làm. Thế nhưng trên đời này không có thứ gì cho không và nhận không, bạn muốn lương cao thì bạn phải đánh đổi bằng sức lao động của mình. Giống như làm tiếp viên hàng không chẳng hạn, lương tính theo nghìn đô nhưng chẳng mấy khi được ở nhà, bạn phải dong duổi cùng các chuyến bay trên khắp thế giới. Chẳng những mệt mỏi mà bạn còn không thể quan tâm hơn tới gia đình, tình cảm lại là thứ không thể mua được bằng tiền.
Hãy cân nhắc giữa lương thưởng và cường độ công việc, đừng tin vào câu nói càng trẻ thì càng phải cống hiến, bạn cũng là con người và bạn có các mối quan hệ khác chứ không chỉ công việc.
4. Là lính mới hãy an phận
Câu nói này có lẽ là lời quan tâm mà nhiều người muốn dành cho bạn khi mới xin được việc vào công ty nào đó, họ lo lắng bạn bị đồng nghiệp bắt nạt vì không biết an phận. Cũng đúng thôi, công ty là một môi trường mới với các mối quan hệ phức tạp, không chỉ có sự hợp tác mà còn cả ganh đua nhau, nếu thiếu khéo léo rất có thể bạn sẽ bị cô lập. Thế nhưng lời khuyên này cũng có thể thành nguyên nhân giết chết mọi nhiệt huyết và ý tưởng sáng tạo nơi bạn. An phận không phải cách để phát triển nhưng nổi loạn cũng không phải cách thể hiện mình tốt nhất, chỉ nên thẳng thắn với các vấn đề nghiêm túc khi mà bạn đã chắc chắn về quyết định của mình mà thôi. Hãy thoải mái toả sáng, đừng để bất kỳ ai ảnh hưởng đến tâm lý của bạn.
5. Công việc nhàn hạ tốt hơn
Bản tính của con người là thích nhàn hạ, ghét lao động và luôn trốn tránh trách nhiệm, thế nên khi bạn được khuyên là hãy chọn việc nào nhàn mà làm cũng đừng lấy làm lạ. Có thể bản thân bạn sẽ thấy lời khuyên đó đúng, nhưng nếu suy nghĩ rộng ra bạn sẽ biết nó hoàn toàn sai lầm.
Công việc nhàn hạ nghĩa là không có áp lực, đơn giản và lặp lại. Mặc dù bạn không phải tốn nhiều công sức nhưng sẽ rất mau chán, động lực làm việc sụt giảm, hơn hết, không có áp lực sẽ không có tiến bộ. Cũng không phải bạn nên lao đầu vào việc nào càng áp lực càng tốt, mà chỉ cần vừa đủ để bạn luôn cố gắng mà thôi. Cái mức “vừa đủ” ấy là tuỳ ở khả năng và ý chí phấn đấu của từng người nên đừng hỏi ngược lại bao nhiêu là “vừa đủ”. Đừng biến mình thành cỗ máy!
6. Đừng tự đề cao mình!
Tự kiêu không phải phẩm chất được hoan nghênh dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mặc dù tự tin và tự kiêu chỉ cách nhau một ranh giới mong manh nhưng bạn cũng không nên vượt qua nó. Thế nhưng tự hạ thấp bản thân cũng chẳng phải cách hay để nhận sự đồng tình của người khác, nhất là trong kinh doanh vốn dĩ không có chỗ cho việc thiếu tin tưởng vào bản thân mình.
Nên khi người khác khuyên bạn “Đừng tự đề cao mình!” thì hãy nói với họ, “Tôi đang thể hiện khả năng của mình mà thôi”. Những lời khuyên kiểu này chỉ dập tắt mọi nhiệt huyết của bạn chứ không hề làm giảm tính tự kiêu như họ tưởng. Hãy cứ thể hiện những gì bạn có thể làm được, không cần để ý người khác nghĩ gì.
7. Cứ cố gắng với mức lương thấp rồi bạn sẽ được đề bạt
Một lời an ủi sáo rỗng nhất mọi thời đại công sở. Con người sống hướng tới tương lai nhưng lại vì hiện tại, mà lời hứa đề bạt cũng chỉ như gió thoảng và quá mơ hồ mà thôi, không có gì khẳng định chắc chắn cả. Bạn đang làm việc nghĩa là đã có cống hiến dù không phải điều gì quá lớn lao nên bạn xứng đáng để được nhận thành quả của cống hiến đó.
Khi người khác khuyên bạn như vậy, trước tiên hãy bảo họ đưa cho bạn điều kiện để được đề bạt, mọi thứ liên quan đến lợi ích cần phải cụ thể, phải được tiêu chuẩn hoá.
8. Hãy luôn chăm chỉ làm thêm giờ
Nếu không nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp thì việc bạn ở lại làm thêm giờ không những không được tuyên dương mà còn cho thấy cách làm việc kém hiệu quả. Vì chỉ những người không thể sắp xếp công việc của mình một cách khoa học, tiến độ chậm, chưa tối ưu hoá được phương thức thực hiện mới phải ở lại để hoàn thành nốt mục tiêu mà thôi. Nếu bạn nghĩ bạn ở lại để nghiên cứu, tìm ra những chiến lược mới hay để sáng tạo một ý tưởng hữu ích nào đó nghĩa là bạn đã cống hiến và sẽ được thưởng hậu hĩnh thì bạn đã nhầm rồi, đây đều là các việc nên và cần phải làm trong giờ hành chính, không ai bắt ép bạn làm thêm giờ cả.
Chăm chỉ là đức tính tốt, nhưng chăm chỉ phải có kế hoạch, không phải cứ cố gắng làm càng nhiều càng tốt mới được cho là nhân viên gương mẫu!
9. Cứ cố gắng đi, rồi bạn sẽ có tất cả
Một lời nói dối đầy ngọt ngào cho những người khởi nghiệp kinh doanh, mặc dù có đôi lúc nó sẽ kích thích tinh thần làm việc của chúng ta nhưng đa phần đều mang lại kết quả tiêu cực vì nó không hề phản ánh đúng sự thực. Cứ thử tưởng tượng thế này nhé, việc kinh doanh của bạn đang gặp bế tắc, bạn nhận được lời khuyên kia trong lúc chán nản, rồi bạn cố gắng, bạn dùng mọi cách để thành công, nhưng cuối cùng thứ bạn nhận được không hề như bạn mong đợi. Tiền bạc đánh đổi bằng thời gian, bạn kiếm được trăm triệu thì những khoảnh khắc thư giãn hay dành cho gia đình không còn nữa. Lúc này, thay vì cảm giác thành tựu bạn sẽ thấy mất mát, giống như gắng hết sức trèo lên đỉnh núi ngắm bình minh nhưng chào đón bạn chỉ có vô vàn đỉnh núi cao vời vợi khác mà thôi. Luôn luôn là vậy, cuộc sống này là những cuộc trao đổi công bằng nên đừng bao giờ hi vọng bạn sẽ có được tất cả.
Cố gắng không phải để đạt được, mà cố gắng để biết rằng bạn đã không từ bỏ và không phải hối hận. Hối hận chính là thứ axit có thể ăn mòn cả quãng đời sau này của bạn.
10. Cứ chấp nhận mức lương được đề nghị đi
Lương thưởng luôn là vấn đề tế nhị nơi công sở vì nó là thứ mà mọi người quan tâm nhất. Khi mới được nhận vào làm, nhiều người thường khuyên chúng ta là tạm thời cứ chấp nhận mức lương đề nghị đi, sau đó thì đề xuất tăng lương sau. Thực tế thì mức lương này sẽ đóng chốt vào hợp đồng lao động của bạn, rất khó để tăng nếu chưa đến kỳ hay bạn không cống hiến điều gì đặc biệt hoặc không thăng chức.
Đề nghị mức lương là quyền lợi chính đáng của bạn khi tiến hành phỏng vấn trước lúc ký hợp đồng, đừng ngại ngần đưa ra ý kiến mà bạn nghĩ mình xứng đáng. Việc đề nghị mức lương còn cho thấy bạn biết tự đánh giá khả năng của mình, đây cũng là một yếu tố mà nhiều nhà tuyển dụng quan tâm.
Không phải lời khuyên nào với bạn cũng đúng, nhưng chắc chắn rằng người đưa ra lời khuyên ấy là muốn tốt cho bạn thế nên hãy biết chắt lọc cho quá trình khởi nghiệp kinh doanh của mình.