Giai đoạn sắp được uplive website luôn là giai đoạn bận rộn và đáng mong chờ nhất. Sau nhiều ngày tháng từ lên ý tưởng, thiết kế, code, check bug… việc nhìn thấy “đứa con tinh thần” chính thức được ra mắt vừa mang đến cảm xúc mãn nguyện, vừa là kỳ vọng về những bước tiến của cửa hàng, doanh nghiệp trong tương lai.
Nhưng nếu muốn website sớm đạt được hiệu quả như kỳ vọng, hãy thực hiện 4 checklist dưới đây trước khi đưa trang web đi vào hoạt động nhé.
1. Các hạng mục đều có đường dẫn chuẩn SEO
Bạn có thể chưa cần phủ quá nhiều nội dung trong mục tin tức hay blog, nhưng điều tối thiểu bạn cần phải đảm bảo trước khi uplive website đó là những hạng mục xuất hiện trên web đều phải có URL chuẩn SEO. Việc chuẩn bị sẵn điều này sẽ giúp bạn:
- Website sẽ dễ dàng được index hơn
- Dễ khoanh vùng nội dung hơn
- Tốt cho trải nghiệm người dùng hơn
Để bước này được diễn ra suôn sẻ và hiệu quả, bạn sẽ cần dành thời gian để nghiên cứu từ khoá phù hợp cho từng hạng mục. Từ khoá này cũng được sử dụng để đặt cho đường dẫn hạng mục đó. Sau này, nó sẽ giúp ích bạn rất nhiều trong việc theo dõi chỉ số và lên kế hoạch tối ưu phù hợp.
Nhưng trong trường hợp bạn chưa xác định được từ khoá phù hợp để đặt cho đường dẫn đó, bạn tuyệt đối cũng không được để trống đường dẫn. Hãy mở rộng nội dung bằng cách chọn những từ khóa chung chung nhưng vẫn phải liên quan đến sản phẩm hoặc nhóm khách hàng mà bạn đang hướng tới.
Cách này sẽ không ảnh hưởng gì cả, ngược lại nó sẽ giúp trang web của bạn an toàn hơn trong giai đoạn mới uplive. Nhưng nó chỉ phù hợp trong 1 thời gian ngắn, khi website đã ổn định, bạn sẽ phải nghiêm túc nghiên cứu từ khoá để đặt cho đường dẫn. Và đừng quên bổ sung nội dung cho các mục này để khách hàng không bị hụt hẫng khi thăm quan website của bạn.
2. Rà soát các trải nghiệm (UX) trên website
Trải nghiệm tốt, website sẽ được đánh giá tốt. URL được đề cập phía trên cũng là 1 phần của trải nghiệm, nhưng nó chưa phải tất cả. Công việc rà soát UX cần được thực hiện liên tục trước khi trang web ra mắt người dùng. Có 3 đầu việc quan trọng mà bạn sẽ cần thực hiện trong quá trình này:
- Tốc độ tải trang
Bạn có thể kiểm tra tốc độ tải trang bằng công cụ miễn phí PageSpeed Insight. Ngoài các chỉ số thông thường, bạn cũng cần phải kiểm tra proxy để chắc chắn rằng website luôn được kết nối ổn định với khách hàng tại tất cả các vị trí, tất cả mọi khu vực. Bạn cũng cần lưu ý kiểm tra các chỉ số trên cả điện thoại và laptop vì chúng có những sự chênh lệch khác biệt đáng kể.
- Trải nghiệm cơ bản và nâng cao
Những trải nghiệm mà bạn kiểm tra bằng thiết bị cá nhân của mình chưa hẳn là cơ sở vững chắc để đảm bảo mọi thứ đã ổn. Hãy sử dụng thêm các thiết bị khác của đồng nghiệp, người thân để xem xem website hiển thị trên các thiết bị đó như nào, có mượt hay không.
Thường vào những lúc này, bạn sẽ thấy có rất nhiều vấn đề phát sinh mà trước đó bạn chủ quan không nhận thấy. Nó có thể là luồng điều hướng chưa hợp lý, vị trí các nút không thuận lợi hoặc dễ gây hiểu lầm, banner không gắn link… Tất cả những điều này sẽ giúp bạn hoàn thiện trang web của mình tốt nhất có thể.
Ngoài check thủ công, bạn cũng có thể test trải nghiệm bằng các công cụ trực tuyến như Five Second hay phần mềm như Viblo… Kết hợp các chỉ số và các vấn đề khi kiểm nghiệm thực tế bạn sẽ biết mình nên xử lý điều gì trước tiên để đảm bảo trải nghiệm website phù hợp với hầu hết người dùng.
- Hiển thị tốt ở các trình duyệt
Người dùng có thể tìm kiếm website của bạn ở bất cứ trình duyệt nào, từ Chrome cho đến Safari, Microsoft Edge… có thể tìm bằng máy tính để bàn, di động hay tablet, vậy nên bạn sẽ cần dùng trình duyệt trung gian để kiểm tra web đã được index trên các trình duyệt này chưa. Trình duyệt trung gian mà bạn có thể sử dụng ở đây là browser checker.
3. Cài đặt các công cụ đo lường quan trọng
Để theo dõi tình trạng index các nội dung, lập chỉ mục, thứ hạng từ khóa, lưu lượng website, bạn sẽ cần cài đặt những công cụ đo lường. Nếu thời gian đầu ngân sách hạn chế, bạn hãy lựa chọn những công cụ miễn phí đó là:
- Google Analytics: Chỉ cần bạn sở hữu website là bạn có thể sở hữu Google Analytics đơn giản. Với công cụ này, bạn sẽ nắm bắt được tỷ lệ tiếp cận người dùng và hiệu quả giữ chân khách hàng thông qua traffic, số sự kiện, tỷ lệ ở lại trang….
Trong trường hợp bạn cần một web Analytics chuyên sâu và chi tiết hơn có thể tham khảo Omniture, Onpage, Moz Pro… Đây là những công cụ trả phí, phù hợp với ngân sách lớn, tuy nhiên bạn vẫn có thể lưu lại những cái tên này để dùng nếu cần.
- Google Search Console: Hay còn được mọi người gọi là Webmaster tool. Đây là công cụ hữu hiệu giúp bạn nắm bắt được các từ khóa nào đang lên, những nội dung nào đã được index, website đang gặp những lỗi gì…Nhờ công cụ này bạn có thể lên được kế hoạch tối ưu từ khóa phù hợp với định hướng phát triển của công ty.
Xem thêm: Biết tận dụng Google Search Console trăm trận SEO trăm thắng!
Một vài công cụ trả phí hữu ích cho website là:
- Ahref, SEMRush/ MOZ…: Với những công cụ này bạn sẽ phân tích được đối thủ của mình đang làm gì dựa trên những hạng mục như số lượng backlink, thứ hạng từ khóa, traffic….Nhờ vào đó bạn sẽ áng chừng được tỷ lệ cạnh tranh và nắm bắt được những cơ hội cho để bứt tốc cho website mình. Tất nhiên, mức phí cho những tool này cũng không hề nhỏ, bạn hãy cân đối ngân sách làm sao để tận dụng được hết hiệu quả nếu như đầu tư công cụ này.
- Spineditor/ Keyword Planner… : Là những công cụ nghiên cứu từ khóa bao gồm volume, xu hướng từ khóa, các từ khóa liên quan, tỷ lệ cạnh tranh.. Xây dựng bộ từ khóa SEO từ những công cụ này sẽ giúp content của bạn đi đúng hướng hơn.
Google Alerts: Thêm một công cụ nằm trong hệ sinh thái của Google, chi phí phải chăng. Bạn có thể theo dõi được động tĩnh của đối thủ, xu hướng nội dung mỗi ngày, phát hiện kịp thời nếu website bị spam…Sử dụng Google Alerts bạn nên kết hợp với những công cụ khác như Talkwalker hay Trackur để có cái nhìn bao quát hơn về tình hình trang web của mình.
4. Tiếp cận người dùng trên các kênh truyền thông
Khi website của bạn mới uplive, bạn cần chuẩn bị sẵn tinh thần là những hành động SEO của bạn chưa thể đem lại hiệu quả ngay được. Vậy nên để tiếp cận cộng đồng nhanh chóng trong thời gian này hãy lan tỏa nó trên các kênh truyền thông. Những việc bạn có thể bắt tay thực hiện đó là:
- Thống nhất đối tượng khách hàng cần tiếp cận trên website và MXH
Bước này rất quan trọng bởi khi nội dung mà bạn dùng để dẫn dắt người dùng MXH truy cập vào link website không thống nhất với nhau sẽ gây ra phản ứng ngược. Vậy nên, trong quá trình lên bài blog cho web và các kênh social cần đảm bảo tất cả đều cùng hướng đến 1 đối tượng khách hàng, như vậy kế hoạch dẫn nguồn mới đem lại hiệu quả cho trang web mới.
- Cập nhật profile cho các kênh social
Gắn link website tại chân các bài post, thêm vào phần giới thiệu là những hành động mà bạn cần thực thi trong những ngày đầu website đi vào hoạt động. Điều này sẽ củng cố sự uy tín cũng như tiếp cận được đến với nhiều người dùng đến từ các kênh này hơn. Nếu bạn chỉ đang dùng Facebook, Instagram, thì đừng ngần ngại lập thêm tài khoản LinkedIn, Twitter, TikTok… những kênh này sẽ đem lại cho bạn kha khá traffic chất lượng đó.
- Lan tỏa nhận diện website thông qua KOLs, KOCs, báo chí..
Điều cuối cùng này phù hợp với những đơn vị nào có ngân sách lớn, xác định website là kênh truyền thông trọng điểm. Thuê các KOLs, KOCs có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực mà bạn đang hoạt động sẽ đem lại hiệu quả lan toả tức thời. Thêm đó, báo chí cũng là kênh truyền thông tuyệt vời mà bạn có thể đầu tư sau khi uplive website.
Tổng kết
Đưa website vào hoạt động chỉ là bước khởi đầu trong kế hoạch phát triển các kênh online. Thế nhưng để có thể hái được “trái ngọt” trong tương lai thì ngay tại giai đoạn này bạn sẽ cần phải chuẩn bị thật chỉnh chu từ từ nền tảng cho đến các công cụ đo lường cùng những kế hoạch phù hợp với từng thời điểm.
Mong những thông tin mà Sapo cung cấp trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về cách vận hành website sao cho thật hiệu quả. Đây thực sự là kênh truyền thông uy tín và hữu hiệu mà các công ty doanh nghiệp nên sử dụng để tăng độ nhận diện và doanh số. Chúc các bạn thành công và đừng quên theo dõi các bài blog về website và SEO trên Sapo.vn