Làm startup: “Lương sếp có thể thiếu nhưng tiền trả cho nhân viên không thể chậm”

Trong một bài viết được đăng tải trên trang công nghệ TechInAsia năm 2014, tác giả đã có cách ví von rất ấn tượng khi so sánh thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam giống như một trận bóng đá. Trong đó Lazada, Vatgia, CungMua, NhomMua, HotDeal, VinE-com hay Sendo được xem là các tiền đạo trên sân cỏ. Những con số của các khoản tiền đầu tư khủng vào ngành hay số giỏ hàng xuất ra hàng ngày có thể ví như số lượng và chất lượng các pha ghi bàn của các cầu thủ.

Bài viết cũng không quên nhắc đến vai trò của các “hậu vệ” – những người xây dựng nền tảng vững mạnh cho mô hình thương mại online này phát triển. Đó là các nền tảng: bán hàng trực tuyến, giải pháp thanh toán, giải pháp vận chuyển, tư vấn, marketing, chăm sóc khách hàng…

Người đồng hành đã tìm đến Công ty công nghệ DKT (đơn vị sở hữu nền tảng bán hàng trực tuyến Bizweb) – một trong 3 “hậu vệ” được TechInAsia đánh giá cao trên thị trường TMĐT Việt Nam.

Sau 2 năm, kể từ ngày bài viết của TechInAsia ra đời, DKT đã có những bước phát triển đáng kể về cả quy mô và chất lượng dịch vụ, nhưng giấc mơ “phổ cập hóa” TMĐT tại Việt Nam của Trần Trọng Tuyến - vị CEO 8X vẫn nguyên vẹn như những ngày đầu lập nghiệp.

Tổng giám đốc DKT - Trần Trọng Tuyến

“Từng muốn làm tiền đạo”

Ấn tượng đầu tiên về vị Tổng giám đốc sinh năm 1982 này là sự thân thiện và giản dị. Dù là người đứng đầu một doanh nghiệp với đội ngũ khoảng 500 nhân viên nhưng anh vẫn từ chối khi được gọi là doanh nhân. “Hai từ đó nghe có vẻ hào nhoáng và xa vời với một người có phong cách ‘nông dân’ như mình”, Tuyến hài hước nói.

Tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thông tin trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, anh Tuyến về đầu quân cho một công ty công nghệ lớn với vị trí lập trình viên. Sau một năm làm việc tại đây, anh được sếp hẹn gặp mặt và đề nghị “Cậu có muốn thử điều gì đó mới không? Hãy làm điều gì đó khác đi so với những gì đang làm hiện tại”.

Nhận “mệnh lệnh” của sếp, Trần Trọng Tuyến dành nhiều công sức để tìm kiếm ý tưởng. Cơ duyên đến với chàng trai trẻ khi tình cờ được tiếp cận với trang Alibaba.com. “Alibaba đã thay đổi cuộc sống của nhiều người dân khi đó. Rất nhiều ngôi làng đã trở nên giàu có nhờ vào trang web TMĐT này”, Tuyến nhớ lại.

Thành công của Alibaba khiến anh nung nấu ý tưởng xây dựng một nền tảng giúp doanh nghiệp Việt bán hàng dễ dàng hơn trên Internet. Được sự ủng hộ của sếp, Tuyến đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để xây dựng một website TMĐT với tham vọng đạt doanh thu 500.000 USD sau hai năm. Tuy nhiên, dự án đã thất bại.

Năm 2008, Tuyến rời khỏi công ty này nhưng khao khát được làm điều gì đó liên quan đến TMĐT vẫn luôn cháy bỏng trong anh. Cùng với 4 người bạn của mình, anh Tuyến thành lập DKT, nhưng thay vì kinh doanh trực tuyến, DKT lại tập trung vào việc cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ cho các hoạt động TMĐT ở Việt Nam.

Khi được hỏi tại sao lại chọn làm hậu vệ, mà không phải là tiền đạo trong khi tiền đạo thường nổi bật và được nhiều người biết đến hơn, anh Tuyến cười và nói “ Tôi cũng từng muốn làm tiền đạo, nhưng để hình thành và duy trì một sàn giao dịch điện tử cần cả triệu đô. Trong khi đó, với 30 triệu tiền vốn trong tay, chúng tôi chỉ đủ tiền thuê văn phòng và mua một chiếc máy in. Muốn theo đuổi ước mơ của mình, trước hết cần tìm cách giúp công ty tồn tại”.

Sau 8 năm, CEO của DKT không hề cảm thấy hối hận, thậm chí còn cho rằng anh đã may mắn vì chọn “đá” ở vị trí hậu vệ. Lần lượt nền tảng bán hàng trực tuyến Bizweb, phần mềm quản lý bán hàng thông minh Sapo.vn rồi DKT media ra đời giúp anh và các cộng sự tiến gần hơn đến giấc mơ “phổ cập hóa” TMĐT tại Việt Nam.

Lương sếp có thể thiếu nhưng tiền trả cho nhân viên không thể chậm

Chia sẻ về hành trình 8 năm xây dựng và phát triển doanh nghiệp, Trần Trọng Tuyến cho biết DKT cũng từng có những giai đoạn được coi là “ác mộng” với rất nhiều khó khăn, thử thách. Đặc biệt giai đoạn 2010-2011 khi Bizweb mới đi vào hoạt động, DKT liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ do doanh thu thấp trong khi chi phí vận hành quá cao. Tuy nhiên nhờ sự kiên trì, bền bỉ, công ty đã vượt qua được những thời điểm “tưởng như không thể đứng vững”.

Người đứng đầu DKT cho rằng anh đã quá may mắn khi có được những người cộng sự và đội ngũ nhân viên tâm huyết với công ty ngay từ những ngày đầu thành lập cho đến nay. Đổi lại, vị CEO này cũng luôn mong muốn đem đến cho nhân viên của mình những điều tốt nhất. Triết lý quản trị của anh là “Lương sếp có thể thiếu nhưng tiền trả cho nhân viên thì nhất định không thể chậm”.

“Có những thời điểm công ty gặp khó khăn về tài chính, cả nửa năm tôi và các founder không nhận được đồng lương nào. Thậm chí, Tết tôi còn không dám ra đường vì không có tiền mừng tuổi. Nhưng dù thế nào, chúng tôi vẫn luôn đảm bảo cho nhân viên được nhận lương đầy đủ và đúng ngày.” Tuyến bộc bạch

Quan tâm đến người lao động là vậy, nhưng Tổng giám đốc DKT cũng rất nghiêm khắc với các nhân viên của mình. Tại doanh nghiệp này, mọi nhân viên đều thuộc nằm lòng hệ thống giá trị cốt lõi của công ty mà bất kỳ ai cũng không được vi phạm.

Bộ giá trị cốt lỗi của DKT gồm 6 điều do ban lãnh đạo và nhân viên công ty chọn lọc, trong đó đề cao tinh thần đồng đội, sự tôn trọng mỗi cá nhân và vai trò của khách hàng.

“Tại công ty của chúng tôi, nhân viên làm sai có thể làm lại, người không biết có thể học nhưng nếu vi phạm giá trị cốt lõi thì dứt khoát phải ra đi”, Tổng giám đốc 34 tuổi nhấn mạnh. Theo anh, chính những giá trị này đã giúp anh xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp và đưa công ty phát triển như hiện nay.

Theo: Người đồng hành

Tweet
5/5 (0 vote)
BÀI VIẾT LIÊN QUANBÀI VIẾT LIÊN QUAN
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂMCÓ THỂ BẠN QUAN TÂM