Đến thời điểm này có lẽ chúng ta không phải bàn lại về những lợi ích thiết thực mà kinh doanh online mang lại như tiết kiệm chi phí, thời gian, cần ít vốn, tiếp cận khách hàng nhanh,… nữa, mà quan trọng là phải suy nghĩ cách bán hàng trực tuyến hiệu quả và đặc biệt là các hình thức bảo mật. Vì hiện giờ các bộ luật dành riêng cho hình thức kinh doanh này có rất ít và không triệt để, dẫn đến tình trạng lừa đảo, trộm cắp thông tin diễn ra phổ biến. Là một chủ cửa hàng trực tuyến bạn không nên chờ đợi người khác giúp đỡ mà ngay từ bây giờ hãy tìm cách cải thiện hệ thống bảo mật của mình. Bài viết dưới đây sẽ gợi ý 5 cách mà các bạn có thể tham khảo áp dụng.
1. Dùng ứng dụng quản lý mật khẩu
Trong kinh doanh online bạn việc phải sử dụng hàng chục loại mật khẩu là điều rất bình thường, ví dụ như mật khẩu truy cập quyền admin của website bán hàng, mật khẩu vào các trang mạng xã hội, mật khẩu vào diễn đàn,… Mà theo một cuộc khảo sát của Harris Interactive cho thấy: 59% số người tham gia nói rằng họ dùng mật khẩu lập lại cho các tài khoản khác nhau và hơn một nửa (54%) đồng ý rằng họ phải thay đổi thói quen đó (Theo shopify.com). Điều này thật sự rất nguy hiểm, vì nếu kẻ gian đánh cắp được mật khẩu của bạn thì cũng đồng nghĩa bạn sẽ bị mất tất cả các tài khoản và dữ liệu trong đó, thiệt hại lớn như thế nào có thể tưởng tượng được.
Để tránh trường hợp này bạn nên thiết lập mật khẩu khác nhau cho mỗi tài khoản, và để ghi nhớ được hết thì cần dùng một ứng dụng quản lý. Ứng dụng này sẽ tạo ra các mật khẩu mạnh sau đó lưu trữ chúng tại một nơi được mã hóa với một mật khẩu duy nhất. Điều này đảm bảo rằng mật khẩu của bạn sẽ không bị bẻ khóa và chỉ cần dùng một mật khẩu (đã được mã hóa) để truy cập nhiều tài khoản. Một số ứng dụng mà bạn có thể tham khảo là KeePass và 1Password.
2. Mã hóa website bán hàng
Các website bán hàng thường tích hợp thêm chức năng đăng nhập và thanh toán trực tuyến để quá trình mua sắm của người tiêu dùng thuận tiện hơn. Nhưng điều này dễ tạo ra sơ hở cho kẻ gian lợi dụng để đánh cắp dữ liệu khách hàng, vì vậy vấn đề cấp thiết là phải tìm ra một giải pháp bảo mật cho website.
Giải pháp phổ biến được áp dụng trên thế giới là tích hợp chuẩn an ninh SSL vào website, giúp mã hóa dữ liệu người dùng, đảm bảo không cho bên thứ ba can thiệp, sửa chữa hoặc sao chép. Sau khi tích hợp giao thức HTTP thông thường sẽ được thay bằng HTTPS giúp việc trao đổi thông tin an toàn hơn.
3. Kích hoạt hai bước xác thực
Nếu là người dùng Facebook thì chắc bạn đã từng sử dụng hoặc nghe nói đến chế độ bảo mật hai lần xác thực mà mạng xã hội này tích hợp cho người dùng. Theo đó khi tài khoản của bạn được đăng nhập ở một thiết bị khác sẽ có một mã xác thực gửi về email hoặc thiết bị di động, chỉ khi nhập mã này bạn mới truy cập được. Tại Việt Nam vẫn còn khá ít website áp dụng phương thức này, nhưng nếu được thì bạn nên chọn sử dụng các website đó và kích hoạt tính năng xác thực 2 bước để đảm bảo an toàn.
4. Mã hóa thiết bị của mình
Ngoài sử dụng máy tính thì đa phần các chủ cửa hàng trực tuyến đều hay dùng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng để truy cập vào quyền quản trị website, tài khoản Facebook, diễn đàn,… Vì vậy ngoài thiết lập chế độ bảo mật cho máy tính bạn cũng nên mã hóa thiết bị cá nhân khác, ví dụ như đặt mật khẩu hoặc chế độ nhận diện vân tay cho điện thoại và từng ứng dụng quan trọng.
5. Cập nhật phần mềm
Các phần mềm như trình duyệt, Java, Adobe, phần mềm quản lý bán hàng,… đều có những bản cập nhật định kỳ và hầu hết đều có chứa bản sửa lỗi bảo mật quan trọng. Đừng ngại vấn đề tốn bộ nhớ hay rắc rối, bạn nên cập nhật những phần mềm đó nhanh nhất có thể để đảm bảo khả năng toàn vẹn dữ liệu.
Bảo mật trong kinh doanh online là một việc thật sự rất quan trọng, bạn nên quan tâm và nâng cấp thường xuyên để bảo vệ dữ liệu của mình.
Đọc thêm bài viết khác tại đây: 5 ý tưởng kinh doanh ngày 8 – 3 không nên bỏ qua