Nhiều chủ cửa hàng mệt mỏi vì chưa hiểu về bán hàng đa kênh

Bán hàng đa kênh qua website, Facebook, Zalo… đang là xu hướng trong kinh doanh, tuy nhiên không ít chủ cửa hàng chưa hiểu rõ bản chất thường có tâm lý chán nản do dữ liệu từ các kênh không thống nhất gây tốn chi phí, nguồn lực...


 

Theo chia sẻ của CEO Bizweb Trần Trọng Tuyến tại Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2017 diễn ra mới đây, bán hàng đa kênh (Omni-channel) đang là xu hướng trong kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, chủ shop chưa hiểu rõ bản chất của bán hàng đa kênh thường có tâm lý chán nản vì thấy… không đâu vào đâu, rối bời và hiệu quả không được như kỳ vọng trong khi tốn chi phí, nguồn lực.


Ông Tuyến cho hay, người tiêu dùng đang thay đổi hành vi mua hàng, họ có thể mua ở mọi nơi từ online qua website, Facebook, Zalo, sàn thương mại điện tử… cho tới cửa hàng, bất cứ khi nào và bất cứ phương tiện nào như điện thoại, laptop, tablet.


Do đó, người kinh doanh không còn cách nào khác là phải phát triển mạng lưới bán hàng trên nhiều kênh, tận dụng mọi điểm chạm tới khách hàng tiềm năng nhằm tăng doanh thu và tăng trải nghiệm khách hàng. Không nhất thiết phải có mặt ở tất cả các kênh nhưng cần thiết phải tập trung 2-3 kênh chủ đạo, tiềm năng nhất.


Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp lại mắc phải vấn đề dữ liệu từ các kênh không được thống nhất, trải nghiệm khách hàng chưa tối ưu, mất thêm chi phí để thuê nhân sự quản lý riêng cho từng kênh, trong khi chưa thấy được hiệu quả doanh thu rõ rệt.


Ví dụ cụ thể như cửa hàng có 1 nhân viên bán tại quầy và 1 nhân viên bán hàng trên mạng xã hội. Khách hàng đã được tương tác trên mạng xã hội đến trực tiếp quầy để mua hàng nhưng mọi thông tin tư vấn trước đó không được nhân viên tại quầy nắm được nên phải tư vấn lại từ đầu. Thậm chí, có khi không khớp với những gì đã tương tác với khách hàng trên mạng xã hội, việc bán hàng vừa mất thời gian, công sức, vừa không mang lại trải nghiệm tốt cho khách hàng.


 

 

Từ đó, giới kinh doanh sinh ra khái niệm mới là Omni-channel. Hiểu đơn giản, Omni-channel là bán hàng trên nhiều kênh nhưng phải thống nhất dữ liệu và đồng nhất trải nghiệm khách hàng về sản phẩm, thông tin và quy trình mua hàng.

Từ kinh nghiệm điều hành một nền tảng website đáp ứng cho nhu cầu bán hàng đa kênh và tập trung dữ liệu tại một chỗ như Bizweb và Sapo, ông Trần Trọng Tuyến cho rằng nếu dùng sức người không bao giờ có sự đồng nhất này mà bắt buộc phải dùng một hệ thống hỗ trợ cho bán hàng đa kênh.


“Giải pháp đó yêu cầu nhất định phải có khả năng xử lý đơn hàng tập trung, cho phép người dùng kiểm soát các kênh, thực hiện các chương trình tiếp thị trên các kênh đó và khi có những tương tác với khách hàng cần phải dồn về một hệ thống có phân loại để giúp đội ngũ phía sau của doanh nghiệp xử lý một cách trơn tru”, ông Tuyến nói.


CEO Bizweb Trần Trọng Tuyến cũng đưa ra 3 lưu ý khi bán hàng đa kênh. Trước hết, bất cứ ai cũng có thể bán hàng đa kênh, không nhất thiết phải là người kinh doanh lớn, có vốn nhiều mà ngay cả khi chỉ có 10 triệu cũng có thể bắt đầu.


Ngoài ra, quy trình bán hàng đa kênh Omni-channel không có một công thức chuẩn, chính vì thế hãy cứ hiểu bản chất đơn giản là bán trên nhiều kênh mà có sự thống nhất xuyên suốt từ sản phẩm cho tới các thông tin đơn hàng, khách hàng…


“Cuối cùng là cần làm ngay lập tức và liên tục điều chỉnh, làm đến đâu đo lường và điều chỉnh đến đó, không cần cầu toàn. Bởi trong kinh doanh, yếu tố tốc độ rất quan trọng. Nếu bạn cứ tìm hiểu cho thông suốt hết mọi thứ để chắc chắn lúc đó mới bắt đầu thì có khi cơ hội đã vụt qua bởi trong lúc bạn còn phân vân, tìm hiểu thì người khác đã thành công trước rồi”, ông Tuyến nói.

 

Theo Ictnews

Bắt đầu dùng thử miễn phí 7 ngày Dùng thử miễn phí 7 ngày

Để trải nghiệm phần mềm quản lý bán hàng chuyên nghiệp cùng Sapo

ic1Asset 1
ic1Asset 1