Sapo nhận định về sự khốc liệt của cuộc đua thương mại điện tử

Thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục khẳng định là một trong những kênh bán lẻ quan trọng với các doanh nghiệp Việt cũng như các nhà bán lẻ nội địa.

Theo kết quả khảo sát 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc do Công ty cổ phần Công nghệ Sapo vừa thực hiện cho thấy, 33% nhà bán hàng ghi nhận doanh thu tăng trưởng trong năm 2024.

Trong số đó, hơn 80% nhà bán hàng đã lên kế hoạch mở rộng kinh doanh lên các nền tảng trực tuyến, tăng cường bán hàng qua livestream và tận dụng sức mạnh của các mạng xã hội như TikTok và Facebook.

Ngược lại, có đến 66% nhà bán hàng không ghi nhận sự tăng trưởng hoặc thậm chí còn giảm doanh thu, nhiều doanh nghiệp còn giảm hơn 10%. Nhóm này chủ yếu là các hộ kinh doanh truyền thống, gặp khó khăn trong việc chuyển đổi số và chưa tận dụng được các công cụ hỗ trợ kinh doanh.

Theo Sapo, thương mại điện tử vẫn là kênh bán hàng chủ lực khi 77% nhà bán hàng đã tận dụng ít nhất một nền tảng trực tuyến. Shopee, TikTok Shop và Facebook là những cái tên được ưa chuộng và đầu tư mạnh.

Còn theo báo cáo toàn cảnh thị trường bán lẻ trực tuyến 2024 và dự báo 2025 vừa được Metric công bố, tổng doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo) trong năm 2024 ước đạt 318.900 tỷ đồng, tăng 37,36% so với năm 2023. Tổng lượng sản phẩm tiêu thụ đạt 3.421 triệu sản phẩm, tăng mạnh 50,76%.

Tuy nhiên, số lượng cửa hàng phát sinh đơn hàng lại giảm 20,25%, tương đương với việc có 165.000 shop rời khỏi nền tảng thương mại điện tử, phản ánh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Đặc biệt, chỉ riêng Shopee đã có thêm 31.500 nhà bán hàng quốc tế, tạo sức ép mạnh mẽ lên các nhà bán hàng nội địa.

Theo Metric, nguyên nhân khiến 165.000 shop "chia tay" là do nhiều nhà bán nhỏ lẻ hoạt động không hiệu quả, nhường chỗ cho các thương hiệu có chiến lược kinh doanh rõ ràng, danh mục sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và khả năng vận hành linh hoạt hơn.

Báo cáo của Metric cũng chỉ ra rằng, năm 2024, thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể của hàng nhập khẩu với hơn 324,1 triệu sản phẩm tiêu thụ, doanh số đạt 14.200 tỷ đồng - tăng trưởng lần lượt 37,9% và 42,9% so với năm trước.

Sự thay đổi này xuất phát từ một số yếu tố chính như hệ thống logistics được cải thiện giúp thời gian vận chuyển nhanh hơn, giảm thiểu rủi ro thất lạc hoặc giao hàng chậm.

Bên cạnh đó, các nền tảng thương mại điện tử cũng cung cấp chính sách đổi trả, bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn. Ngoài ra, giá cả cạnh tranh từ các thương hiệu quốc tế cũng là yếu tố quan trọng khi nhiều sản phẩm nhập khẩu có giá tốt hơn nhờ chi phí sản xuất thấp.

Đây là tín hiệu quan trọng cho các doanh nghiệp nội địa, đòi hỏi họ phải tối ưu sản phẩm và chiến lược giá để có thể cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế.

Theo đại diện Metric, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp bán lẻ cần nắm bắt và tận dụng các cơ hội từ các dịp mua sắm lớn, tối ưu chiến lược sản phẩm và nâng cao trải nghiệm khách hàng để duy trì và phát triển thị phần.

Sự trỗi dậy của hàng nhập khẩu và thay đổi nhu cầu tiêu dùng cũng tạo ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp trong nước, đồng thời cũng mở ra cơ hội mới để nâng cao chất lượng và cạnh tranh hiệu quả hơn.

"Để thành công, các nhà bán lẻ cần sáng tạo, linh hoạt và sẵn sàng thích ứng với xu hướng mới trong thị trường thương mại điện tử đầy biến động này" - đại diện Metric khuyến nghị.

Giới chuyên gia nhận định, thị trường thương mại điện tử Việt Nam thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều xu hướng mua sắm mới, khiến "cuộc đua" thương mại điện tử ngày càng trở nên gay gắt hơn. Do đó, cần sự chung tay của các bộ, ngành đưa ra nhiều chiến lược và giải pháp tổng thể, hướng đến các mục tiêu như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng; phát triển xanh và bền vững...

Bắt đầu dùng thử miễn phí 7 ngày Dùng thử miễn phí 7 ngày

Để trải nghiệm phần mềm quản lý bán hàng chuyên nghiệp cùng Sapo

ic1Asset 1