Kết quả từ Sapo khẳng định thương mại điện tử sẽ tiếp tục bứt phá

Nhiều sản phẩm "Made in Vietnam" đã được đưa ra thị trường quốc tế, bao gồm cả những thị trường phát triển nhất thế giới, với mức tăng trưởng ấn tượng hai chữ số. Đây là minh chứng cho tiềm năng và khả năng cạnh tranh toàn cầu của doanh nghiệp Việt.

Việt Nam thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới


Thương mại điện tử có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024.


Báo cáo của Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số cho thấy, TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường TMĐT sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Kết quả khảo sát từ 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc của Công ty Sapo Social Commerce & Shipping phản ánh bức tranh kinh doanh bán lẻ trong năm 2024 cho thấy, 77% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất một kênh bán hàng trực tuyến (thương mại điện tử/mạng xã hội/website/cộng tác viên affiliate/dropship...), với quy mô phổ biến là từ 1 - 5 gian hàng (chiếm gần 90%).

100% dự định năm 2025 mở rộng kênh bán trực tuyến như TikTok Shop, Shopee, Facebook... Điều này cho thấy nhà bán hàng vẫn xem kênh online là trọng tâm, khẳng định vị thế của TMĐT trong bán lẻ hiện đại.

Theo báo cáo về xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam 2025 của AppotaPay, mạng lưới cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam hiện có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ, chiếm 75% thị phần bán lẻ, nhưng tốc độ tăng trưởng của TMĐT từ 35 - 45% mỗi năm đang nhanh chóng tái định hình thói quen tiêu dùng.

Đặc biệt, các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop, với TikTok Shop ghi nhận mức tăng trưởng 15% thị phần TMĐT trong năm 2024. Khả năng cá nhân hóa trải nghiệm và kết hợp mua sắm với giải trí khiến các nền tảng mua sắm trực tuyến này đang nhanh chóng thu hút đông đảo giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z.

Trong đó, 25% người tiêu dùng mua sắm online để dự trữ hàng hóa, 21% mua ngay lập tức. Điều này minh chứng TMĐT đang dần thúc đẩy sự phát triển của mô hình mua sắm đa kênh.

Báo cáo từ AppotaPay cũng nhấn mạnh, tiêu dùng bền vững không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố bắt buộc để hàng hóa Việt Nam có thể vươn xa trên thị trường quốc tế. Dự báo năm nay, TMĐT sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ và đóng góp vào mục tiêu 20% GDP của kinh tế số.

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số cho biết: “TMĐT đã, đang và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số. Mục tiêu doanh thu của TMĐT chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ năm 2025 là hoàn toàn khả thi, khi mà tốc độ tăng trưởng đang rất tích cực”.

Cuộc chơi toàn cầu đòi hỏi doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh

Tuy đã có một năm sôi động, nhưng tốc độ tăng trưởng của TMĐT vẫn chưa đạt được kỳ vọng, nhất là khi cạnh tranh gay gắt đến từ các sàn thương mại quốc tế gia nhập vào thị trường hay thông quan trực tiếp về Việt Nam như Taobao, Alibaba…

Mặt khác, các khoản phí nền tảng kinh doanh trên sàn đã tăng so với các năm trước; các khoản thuế được quản lý chặt chẽ và minh bạch hơn. Các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh bắt buộc phải tối ưu chi phí vận hành. Cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá đang có xu hướng giảm nhiệt, thay vào đó các nhà bán hàng bắt đầu có xu hướng kinh doanh bền vững để đảm bảo lợi nhuận.

Theo ông Phạm Công Hoàng, Tổng giám đốc Novaon Commerce (Tập đoàn Novaon), vài năm qua, các nền tảng TMĐT cả trong nước và quốc tế đều chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt. Bối cảnh TMĐT hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới phản ánh rõ một nền kinh tế số và nền kinh tế phẳng.

Trong bối cảnh này, chúng ta cần xác định rằng đây là cuộc chơi toàn cầu, nơi sự cạnh tranh thông minh và hiệu quả sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển trên bất kỳ nền tảng nào.

Các đơn vị kinh doanh trực tuyến đang phải nỗ lực không ngừng để tối ưu hóa chi phí vận hành trên nền tảng thương mại điện tử, đồng thời vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu và đảm bảo tỷ suất lợi nhuận cần thiết để phát triển lâu dài.

“Theo tôi, để hiểu rõ hành vi người tiêu dùng, yếu tố giá vẫn chiếm phần lớn trong quyết định mua hàng, có thể lên đến hơn 80%. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là doanh nghiệp chỉ cạnh tranh qua giá.

Giá là yếu tố quan trọng nhưng chỉ nên chiếm một phần trong chiến lược tổng thể. Cá nhân tôi cho rằng, doanh nghiệp nên dành khoảng 30% nguồn lực cho chiến lược cạnh tranh về giá, 70% còn lại nên tập trung vào các yếu tố khác biệt.

Ví dụ, thay vì chỉ cạnh tranh về giá, doanh nghiệp có thể áp dụng chiến lược khác biệt hóa sản phẩm, tập trung vào giá trị sản phẩm và giá trị thương hiệu. Họ cũng có thể truyền tải những thông điệp mạnh mẽ về thương hiệu để xây dựng mối quan hệ vững chắc với khách hàng, từ đó nâng cao giá trị thương hiệu và tạo sự khác biệt lâu dài trong tâm trí người tiêu dùng”, ông Hoàng nói.

Bà Lê Thị Nga, Giám đốc Sapo (công ty quản lý và bán hàng đa kênh) cho rằng, các hộ kinh doanh, cửa hàng nên ưu tiên áp dụng công nghệ phù hợp với quy mô và khả năng tài chính, đồng thời dễ dàng mở rộng tính năng khi cần thiết.

Theo bà Nga, 2025 là năm đầy thách thức, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành bán lẻ tại Việt Nam. Sự thay đổi hành vi người tiêu dùng trong kỷ nguyên số hướng tới hành trình mua hàng liền mạch, giàu trải nghiệm.

Họ kỳ vọng vào các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giao hàng nhanh và dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp. Nhà bán hàng cần tập trung vào chiến lược số hóa, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và linh hoạt thích ứng với xu hướng mới.

Bắt đầu dùng thử miễn phí 7 ngày Dùng thử miễn phí 7 ngày

Để trải nghiệm phần mềm quản lý bán hàng chuyên nghiệp cùng Sapo

ic1Asset 1