Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2016 mạng xã hội vượt qua công cụ tìm kiếm để trở thành phương tiện quảng cáo trực tuyến được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất với các tỷ lệ tương ứng là 47% và 41%.
Tại sự kiện Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2017 diễn ra vào sáng 16/8, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết email tiếp tục là kênh quảng cáo được nhiều doanh nghiệp quan tâm (36%). Quảng cáo qua báo điện tử và báo giấy khá ổn định với các tỷ lệ tương ứng là 34% và 20%. Quảng cáo trên truyền hình có xu hướng giảm và ổn định dần ở mức xấp xỉ 10 - 13%.
Mạng xã hội không những được sử dụng nhiều nhất mà còn được coi là kênh quảng cáo hiệu quả tương đương với công cụ tìm kiếm, 46% doanh nghiệp cho biết quảng cáo trên mạng xã hội đạt hiệu quả cao trong khi tỷ lệ này với công cụ tìm kiếm là 44%.
Đại diện VECOM cho hay nếu doanh nghiệp mỗi tháng chi 1 tỷ đồng cho tiếp thị trực tuyến thì có thể có đến 900 triệu đồng đổ vào 2 kênh Facebook và Google. Tiếp theo đó là các kênh Email, Zalo, Mobile Messaging, Affiliate... lần lượt chia nhau thị phần còn lại.
Điều quan trọng là, dù đầu tư vào kênh nào thì cuối cùng để tăng hiệu quả chuyển đổi mua hàng, các kênh tiếp thị trực tuyến đều cần dẫn đến trang đích (landing page) hoặc website.
Kết quả khảo sát doanh nghiệp này của VECOM tương đối phù hợp với một cuộc khảo sát độc lập khác với đối tượng tham gia là các khách hàng cá nhân mua sắm trực tuyến. Có tới 67% khách hàng cá nhân chọn lựa website hay ứng dụng di động để mua sắm sau khi xem bình luận, đánh giá trên mạng, đặc biệt là các mạng xã hội.
Theo ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký VECOM đồng thời là CEO Công ty CP Công nghệ DKT, xu thế lượng người online ngày càng nhiều sẽ giúp Omni Channel (bán hàng đa kênh) gần như sẽ trở thành phương thức phổ biến mà các nhà bán lẻ áp dụng bởi độ phủ sóng rộng, chi phí thấp, cũng như hiệu quả mà nó mang lại. Hiện tại, đây cũng là xu hướng của kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực bán lẻ nói riêng.
"Hiện nay hành vi người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi theo 4 yếu tố kết nối (khách hàng muốn kết nối với người bán mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là qua thiết bị di động), lựa chọn (hách hàng muốn có nhiều lựa chọn về hình thức mua hàng, địa điểm: online, offline…), tiện lợi (khách hàng muốn trải nghiệm tiện lợi ở tất cả các khâu, từ lúc mua sắm tới lúc nhận sản phẩm) và tương tác (khách hàng mong muốn được trao đổi, chia sẻ nhiều hơn với người bán). Do vậy người bán hàng cần tiếp cận khách hàng ở mọi nơi để mang lại trải nghiệm trọn vẹn cho khách hàng, và Omni Channel - bán hàng đa kênh trên cùng một nền tảng sẽ hướng đến thống nhất, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng", ông Trần Trọng Tuyến nhận định.
Ông Tuyến cũng lấy một ví dụ đơn giản: Khi kinh doanh một mặt hàng nào, bạn sử dụng Omni channel và thông qua đó sẽ thấu hiểu được mong muốn của khách hàng, giúp khách hàng trải nghiệm sản phẩm và tương tác lại với thương hiệu của mình. Đơn vị kinh doanh sẽ tương tác với khách hàng trên nhiều kênh như mạng xã hội Facebook, YouTube, website, gmail…. Nhờ đó, chủ hàng sẽ nắm rõ và phân tích hiệu quả profile của các khách hàng nhằm mang lại một bức tranh tổng quát về nhu cầu, sở thích của người mua, qua đó có thể mang lại cho họ những trải nghiệm tốt nhất.
Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2017 là sự kiện tiếp thị trực tuyến với quy mô toàn quốc, đây là năm thứ 2 sự kiện được tổ chức tại Việt Nam. VOMF quy tụ cộng đồng kinh doanh dịch vụ tiếp thị trực tuyến cũng như các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng dịch vụ này.
Chủ đề chính của Diễn đàn năm 2017 là "Những xu hướng tiếp thị nổi bật" nhằm trao đổi thông tin, định hướng các giải pháp và cơ hội hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại điện tử xác định chiến lược tiếp thị trực tuyến phù hợp, nâng cao hiệu quả tiếp thị trực tuyến.
Theo Vnreview