Hải Phòng là một trong những thành phố có tốc độ phát triển TMĐT khá nhanh trên cả nước. Theo chia sẻ tại buổi hội thảo của Ông Đào Văn Ninh - Phó Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng, hầu hết các doanh nghiệp tại Hải Phòng cũng đã có những ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất kinh doanh như tìm kiếm thông tin (84%), thư điện tử (55%). 36% doanh nghiệp tại Hải Phòng đã xây dựng website TMĐT, trong đó 41% doanh nghiệp có website cung cấp tính năng đặt hàng trực tuyến. Tuy nhiên, tỷ trọng hàng hóa giao dịch qua TMĐT còn khiêm tốn, chưa xứng đáng với tiềm năng của một thành phố cảng đang có.


Toàn cảnh hội nghị

 

Để góp phần thúc đẩy TMĐT tại Hải Phòng phát triển hơn nữa, sự kiện “Bí quyết kinh doanh từ offline tới online” do Bizweb phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Sở Công Thương Hải Phòng đã được tổ chức ngày 16/9 tại trung tâm hội nghị thành phố Hải Phòng. Sự kiện thu hút hơn 200 các doanh nghiệp, cửa hàng trong khu vực Hải Phòng tham gia mặc dù thời tiết không thuận lợi do ảnh hưởng của cơn bão số 10.

Tại sự kiện, những người tham gia đã được hiểu rõ hơn về mô hình O2O - online to offline và những kinh nghiệm để chuyển dịch giữa bán hàng online và offline, kinh nghiệm gia tăng tỷ lệ mua hàng trên sàn giao dịch, cách lựa chọn địa điểm bán hàng, cách bán hàng và quản lý bán hàng đa kênh khi kết hợp online, offline…


Cần kíp ứng dụng công nghệ vào bán hàng đa kênh với O2O


Ông Trần Trọng Tuyến - CEO Bizweb chia sẻ

 

O2O (offline to online hoặc online to offline) được hiểu đơn giản là mô hình kinh doanh kết hợp giữa online và offline. Ông Trần Trọng Tuyến - CEO Bizweb chia sẻ: “Trong kinh doanh O2O, đồng nhất dữ liệu giữa online và offline là quan trọng nhất, sẽ giúp tăng trải nghiệm mua hàng của khách hàng, khác biệt so với đối thủ cạnh tranh và giảm thiểu tối đa chi phí vận hành.

Ông cũng cho hay sự cần thiết phải có một giải pháp công nghệ để giúp doanh nghiệp bán hàng và quản lý bán hàng đa kênh. Giải pháp đó cần phải cho phép quản lý nhiều kênh bán hàng một lúc (cửa hàng, Facebook, Zalo, sàn giao dịch TMĐT, website…); phải thống kê đơn hàng ở từng trạng thái chi tiết như đóng gói, xuất kho, đã thanh toán, hoàn trả… và hơn hết, hệ thống đó nhất thiết phải có báo cáo bán hàng đa kênh từ từng kênh chi tiết.

Ở tại thời điểm này, công nghệ đang làm ảnh hưởng tăng quyền lực lên cho người mua hàng. Công nghệ cũng tạo lợi thế và áp lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là câu hỏi làm thế nào để tận dụng công nghệ vào trong kinh doanh một cách hiệu quả nhất. Cách đơn giản nhất là các doanh nghiệp nên lựa chọn một giải pháp công nghệ cho phép sử dụng ngay O2O mà không phải xây dựng lại từ đầu. Bên cạnh đó, trong kinh doanh nói chung và mô hình O2O nói riêng, tốc độ là cực kỳ quan trọng. “Nếu bạn không thể dùng một chiếc điện thoại để quản lý tất cả các hoạt động kinh doanh thì bạn sẽ mất lợi thế và chậm tiến so với đối thủ. Một giải pháp O2O tối ưu sẽ làm được điều này.” - Ông Tuyến chia sẻ thêm.


Ông Đoàn Trung Tuyến, PGĐ VNPost Hải Phòng chia sẻ tại sự kiện

 

Công nghệ không chỉ ở nền tảng bán hàng mà người kinh doanh cần thiết phải ứng dụng công nghệ trong vấn đề giao vận. Các doanh nghiệp cần lựa chọn một giải pháp hỗ trợ giao hàng vừa uy tín và không kém phần hiện đại. Tại sự kiện, ông Đoàn Trung Tuyến, PGĐ VNPost Hải Phòng chia sẻ rằng hiện nay có nhiều loại hình kinh doanh như B2C, C2C, kết hợp B2C và C2C, bán hàng qua mạng xã hội, bán hàng qua TV shopping… Mỗi loại hình có yêu cầu vận chuyển riêng. Vnpost hoàn toàn có những lợi thế đối với tất cả các loại hình kinh doanh này. VNpost là cái tên đã quá quen thuộc tại Việt Nam, đã có 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển phát, mạng lưới phủ rộng trên cả nước và được cập nhật công nghệ liên tục.


Bán hàng offline - lựa chọn điểm bán là vô cùng quan trọng



Thực tế, có rất nhiều ông lớn trong ngành kinh doanh truyền thống đã nhận thấy và nắm bắt cơ hội để lên online như Walmart hay gần gũi hơn là Nguyễn Kim. Bên cạnh đó cũng có không ít doanh nghiệp tưởng chừng như chỉ bán online cũng đã xuất hiện các cửa hàng bày bán sản phẩm, đơn cử như Tiki. Và vấn đề lựa chọn địa điểm để bán hàng offline cũng là một trong những điều khiến chủ doanh nghiệp đau đầu.

Theo ông Đỗ Xuân Tùng – Chuyên gia tư vấn, đào tạo chiến lược bán hàng, một doanh nghiệp có càng nhiều điểm bán càng tốt, điểm bán càng tiện và đẹp, bắt mắt càng tốt.

Khi lựa chọn điểm bán cần quan tâm tới các yếu tố như nhận diện thương hiệu, vị trí điểm bán, diện tích, cách thức trưng bày, cộng đồng dân cư, các mặt hàng bán cùng tuyến và khả năng ngân sách. Ông cho biết ngân sách là điều vô cùng quan trọng nhưng các doanh nghiệp nên xem xét cuối cùng sau các yếu tố khác bởi đã xác định kinh doanh nghiệm túc thì việc đầu tư tài chính là cần thiết.


Muốn kinh doanh tốt khó có thể thiếu quảng cáo


ông Nguyễn Bá Hưởng - CEO F5media

 

Để kết hợp bán hàng online và offline một cách hiệu quả, người kinh doanh không thể không chi tiền cho quảng cáo, dù ít hay nhiều. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn khá mơ hồ trong bối cảnh quảng cáo hiện nay đang tràn lan và rất khó để có thể chạm tới người tiêu dùng một cách thông minh, chọn lọc. Trong khi quảng cáo Facebook đã bị “nhờn” với người tiêu dùng, ông Nguyễn Bá Hưởng - CEO F5 media đánh giá Zalo như một mỏ vàng các doanh nghiệp nên khai thác quảng cáo trên kênh này bởi sẽ hoàn toàn có thể tiếp cận gần như 100% tới người dùng Zalo nếu biết cách tối ưu tốt.

Bên cạnh đó kênh video là một kênh không nên bỏ qua trong thời buổi hiện nay. “Các doanh nghiệp cần tận dụng kênh video để đào tạo thị trường. Mỗi doanh nghiệp nên có  riêng một kênh youtube và đầu tư thời gian, công sức vào một công cụ nữa hỗ trợ rất đắc lực trên Facebook đó là livestream để giới thiệu và bán hàng.” – ông Nguyễn Hữu Lam – CEO HP soft chia sẻ tại sự kiện.

Khi làm marketing, chạy quảng cáo, một trong những vấn đề nhiều doanh nghiệp đang gặp phải đó là lượng truy cập vào website, cửa hàng online lớn nhưng tỷ lệ mua hàng rất thấp. Bà Lương Thanh Hương – Giám đốc chi nhánh Lazada Hà Nội cho hay: “Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ mua hàng, trong đó yếu tố cốt lõi là ngành hàng ấn tượng, độ hấp dẫn của nội dung, hình ảnh và sự chi tiết của thông tin sản phẩm. Một doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu, tâm lý của người tiêu dùng và đầu tư về chiến lược nội dung, hình ảnh sẽ dễ dàng tăng trưởng tỷ lệ khách mua hàng.”

Để TMĐT Việt Nam nói chung và ở Hải Phòng hay các tỉnh thành khác nói riêng phát triển mạnh mẽ như đúng kỳ vọng và thực tế có thể đạt được, những sự kiện như thế này sẽ là một trong những cú huých giá trị. Đại diện Ban tổ chức, Bizweb dự kiến sẽ tổ chức nhiều hơn nữa các sự kiện hội thảo, đào tạo để “phổ cập hóa” thương mại điện tử đến các tỉnh thành, kéo gần khoảng cách giữa các tỉnh khác so với trung tâm Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp