Con đường sự nghiệp giống như một chuyến tàu lượn siêu tốc. Có lúc bạn lao nhanh về phía trước với tốc độ cực mạnh, nhưng khi đến “điểm hạn” bạn sẽ cảm giác như bị mắc kẹt trên chuyến tàu với tốc độ cực chậm, muốn thoát ra nhưng không biết đi đâu. Nếu công việc của bạn thời gian gần đây không có những chuyển biến tích cực hoặc không hứa hẹn một cơ hội thăng tiến thì đã đến lúc bạn nên định hướng lại cho bản thân để không bị mắc kẹt trên con đường công danh.
5 lý do gây cản trở sự nghiệp không phải ai cũng biết
Chán nản với công việc hiện tại
Khi công việc hàng ngày lặp đi lặp lại không thay đổi, bạn sẽ dễ dàng đánh mất cảm giác hào hứng của người mới bắt đầu. Và như một hệ quả tất yếu, thiếu đòn bẩy động lực đồng nghĩa với việc bạn không còn khao khát muốn cạnh tranh và nỗ lực hoàn thành thật tốt bất kỳ nhiệm vụ nào.
Đây chính là lúc bạn cần thay đổi. Hãy nhớ lại gần đây nhất mà bạn tham dự một buổi hội thảo để phát triển kỹ năng là khi nào hay dự án cuối cùng mà bạn tham gia cách đây đã bao nhiêu lâu? Khi tìm được câu trả lời bạn sẽ nhận ra mình đã bỏ phí quá nhiều thời gian vùi đầu vào sự nhàm chán không cần thiết. Đừng ngần ngại xung phong tham gia một dự án của nhóm hay phòng ban khác để thử thách bản thân với những nhiệm vụ mới. Mục tiêu là để bản thân trải nghiệm đồng thời phát huy những kỹ năng có được ở những công việc mới. Những hoạt động này sẽ giúp bạn vực dậy tinh thần lao động tích cực sau khoảng thời gian quen thuộc với công việc cũ.
Qúa im lặng
Bạn cần phải nhớ rằng không ai có khả năng đọc được suy nghĩ của người khác và biết được bạn đang cần gì. Nếu sự nghiệp của bạn đang bị cản trở bởi một hay nhiều vấn đề nào đó, hãy lên tiếng với sếp và đồng nghiệp của mình. Việc quá im lặng và một mình giữ kín những suy nghĩ của bản thân sẽ chỉ khiến bạn xa rời đồng nghiệp và không mang lại bất kỳ cơ hội phát triển nào.
Chủ động gặp sếp hoặc cấp trên trong một cuộc họp riêng để thảo luận về những muc tiêu và mối quan tâm của bạn. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn đừng quên thể hiện mong muốn làm việc và thành công trong sự nghiệp trước khi đề cập đến những vấn đề mà bạn lo ngại. Việc chia sẻ định hướng thăng tiến cũng như mạnh dạn hỏi cấp trên làm thế nào để đạt được những mục tiêu đề ta, ví dụ như những kỹ năng nào bạn còn thiếu, kỳ vọng của công ty đối với vị trí của bạn là như thế nào… là cách bạn chứng tỏ rằng mình thực sự suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này và điều đó sẽ phục vụ cho sự phát triển của công ty.
Có quá ít mối quan hệ
Các mối quan hệ là một kênh quan trọng để phát triển sự nghiệp cho dù bạn đặt mục tiêu thăng tiến hay có ý định thay đổi công việc. Bạn đừng cho rằng việc thiết lập nhiều mỗi quan hệ là sự lợi dụng lẫn nhau, mà đơn giản bạn cần những người đồng hành trên con đường của mình, và đó là sự tương trợ. Tương lai của bạn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào người bạn gặp là ai và bạn lựa chọn ai làm người cố vấn cho mình.
Hãy xem xét tìm kiếm trong số những đồng nghiệp cấp cao trong công ty – những người đã thành công trong lĩnh vực bạn đang làm hay những người ngoài công ty thông qua những mỗi quan hệ khác. Người cố vấn này có thể giúp bạn định hướng con đường thăng tiến và phát triển những kỹ năng cơ bản cần thiết đầu tiên. Ngoài ta, hãy tham gia các sự kiện hoặc hội thảo về ngành nghề công việc bạn đang làm để gặp gỡ, học hỏi từ những người bên ngoài cũng như mở rộng các mối quan hệ mới để phát triển sự nghiệp.
Thương hiệu cá nhân bị suy giảm
Chỉ một sự bùng nổ cảm xúc nhất thời, một lần quá chén trong bữa tiệc của công ty hay một sai lầm tại nơi làm việc đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu cá nhân và phá hỏng cơ hội thăng tiến tiềm năng của bạn. Lấy được sự tín nhiệm và gây dựng hình ảnh bản thân đòi hỏi những nỗ lực lớn trong một thời gian dài, nếu sơ sẩy đánh mất nó bạn sẽ khó lòng có lại được lần nữa.
Do đó đừng ngần ngại nói lời xin lỗi hoặc bất kỳ hành động cần thiết nào để thể hiện sự hối lỗi về sự cố đáng tiếc đã xảy ra. Hãy cho mọi người thấy rằng bạn mong muốn trở thành một nhân viên gương mẫu trong công ty và lỗi lầm mắc phải chỉ là sơ suất nhất thời. Ngoài ra, hãy tìm cách gia tăng giá trị bản thân ngoài những công việc hàng ngày như tham gia các hoạt động tình nguyện, thể thao hoặc từ thiện vận động bởi công ty.
Không phù hợp với văn hóa công ty
Có thể bạn là người có những kỹ năng tốt nhất trong team của mình nhưng nếu không thể hòa hợp với các động nghiệp trong nhóm, bạn khó lòng có thể thành công trong môi trường hiện tại. Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà các nhà tuyển dụng đều dành phần lớn thời gian trong buổi phỏng vấn để xác định xem bạn có phù hợp với văn hóa công ty hay không hay có thể chịu những áp lực trong môi trường này hoặc yêu cầu khả năng làm việc nhóm trong yêu cầu tuyển dụng.
Hãy xem xét các giá trị cốt lõi của bản thân và môi trường làm việc lý tưởng mà bạn mong muốn, bao gồm cách giao tiếp, phong cách lãnh đạo, phương pháp làm việc nhóm,… Nếu bạn và công ty hiện tại không có cùng quan điểm về mọi vấn đề, đây có thể là lúc bạn nên tìm kiếm một môi trường làm việc phù hợp với bản thân hơn.
Nếu không hài lòng với công việc hiện tại, hãy tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề để xác định điều bạn cần làm là gì. Điều quan trọng là bản thân bạn phải chủ động, mạnh dạn hành động để thoát khỏi những rào cản và thăng tiến không ngừng trong sự nghiệp thay vì dậm châm tại chỗ.