Trong thời đại mới về kinh doanh và tiếp thị như hiện nay, video marketing đóng một vai trò vô cùng quan trọng, và xu hướng phát triển của nó dường như không có dấu hiệu gì là sẽ chậm lại. Minh chứng cho điều đó là sự phát triển của nền tảng video độc quyền như Youtube với sự tham gia của người dùng ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter cũng liên tục cập nhật tính năng video của mình để nâng cao trải nghiệm của người dùng và biến đó trở thành cơ hội cho các nhà tiếp thị.
Dù muốn hay không, bạn vẫn cần đến một chiến lược tiếp thị video tốt nếu như muốn tiếp cận đến những đối tượng khách hàng tiềm năng rộng lớn. Hãy tham khảo 5 bước đơn giản dưới đây để làm cho nội dung video marketing của bạn trở nên tuyệt vời hơn cả mong đợi nhé.
Sự thách thức với Video marketing
Có một sự thật phũ phàng trước đây là việc sản xuất video đòi hỏi một mức độ cao về chuyên môn và sự tốn kém về nguồn lực, ngân sách. Cho đến nay, nhiều người vẫn giữ trong đầu quan niệm sai lầm này. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng với những sản phẩm phim chất lượng (đòi hỏi của những doanh nghiệp lớn, những tập đoàn quốc tế), chứ không hoàn toàn cần thiết đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một thước phim giá trị không nhất thiết phải có độ sắc nét đạt chuẩn HD hay chất lượng âm thanh hoàn hảo. Đôi khi việc bạn cung cấp cho người sử dụng những thông tin hữu ích theo một cách thức hấp dẫn nào đó cũng đủ để tạo nên sự đột phá trong hoạt động tiếp thị video.
5 bước làm Video marketing tuyệt vời hơn cả mong đợi
Bước 1: Xác định loại video muốn thực hiện
Để có một sản phẩm video tuyệt vời thì trước hết, bạn cần phải xác định được loại video muốn thực hiện trong chiến lược của mình. Thực tế sẽ có rất nhiều sự lựa chọn cho cả những người mới tiếp cận với hình thức tiếp thị này mà không hề đòi hỏi quá nhiều về vấn đề chuyên môn. Sau đây là một số ý tưởng mà bạn có thể tham khảo:
- Video phỏng vấn: Chọn một người nổi tiếng hoặc người có ảnh hưởng trong lĩnh vực mà bạn đang kinh doanh, sau đó quay video với nội dung là cuộc trao đổi, thảo luận về một số vấn đề quan trọng, có thể là sản phẩm, xu hướng tiêu dùng, thị hiếu khách hàng,…
- Video “độc thoại”: Với loại video này, bạn đóng vai trò như một chuyên gia chia sẻ với khán giả của mình về bất cứ chủ đề có liên quan nào, đặc biệt là các vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích của khách hàng. Bạn cũng có thể sử dụng thêm đạo cụ, hay các công cụ khác như một tấm bảng để rõ ràng hơn cho bài phát biểu của mình.
- Video hướng dẫn: Đây là một trong số những loại video có khả năng thu hút nhiều sự quan tâm nhất, đặc biệt là những khách hàng đang sử dụng sản phẩm của công ty bạn. Video loại này thường mang lại cho khán giả nhiều thông tin hữu ích liên quan đến thương hiệu, và họ cảm thấy nó có giá trị.
Bước 2: Chọn một chủ đề nội dung và viết
Nếu như bạn đã quen thuộc với những nội dung marketing truyền thống, chẳng hạn như các bài báo thì về cơ bản, nội dung của video cũng gần tương tự. Hãy chọn một chủ đề cụ thể trong khung tham chiếu mà bạn đã chọn, ví dụ như lấy vấn đề “Sự kết hợp công nghệ mới” làm chủ đều cho video phỏng vấn sắp tới. Sau đó, soạn thảo ra những gì bạn muốn hỏi và những thông tin mà bạn muốn truyền tải đến khán giả của mình.
Các loại video khác nhau sẽ đòi hỏi cách tiếp cận nội dung khác nhau, chẳng hạn như video độc thoải có thể yêu cầu một bản phác thảo đầy đủ, trong khi video phỏng vấn chỉ mang hình thức hỏi – đáp ngắn gọn. Việc viết nội dung nhiều hay ít tùy thuộc vào việc làm thế nào để bạn thực sự thoải mái và tự tin để ứng biến trong quá trình quay video.
Xem thêm: Lên kịch bản livestream bán hàng chốt trăm đơn dễ dàng
Bước 3: Diễn tập
Trước khi thực sự quay video, bạn nên diễn tập trước để khả năng nói trở nên lưu loát, rành mạch, tự nhiên hơn. Chính sự diễn tập này sẽ giúp tiết kiệm thời gian về sau và rèn cho bạn khả năng ứng biến tốt hơn với các tình huống có thể xảy ra. Tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào kịch bản, hãy chắc chắn rằng những nội dung quan trọng đã nằm trong bộ nhớ của bạn. Riêng trường hợp làm video phỏng vấn, bạn không thể diễn tập với khách mời được, thay vào đó, hãy tập cùng vài đồng nghiệp để cảm nhận một cuộc trò chuyện thực sự nhé.
Bước 4: Ghi hình video
Sau khi đã chuẩn bị và diễn tập cẩn thận, việc tiếp theo bạn cần làm chính là quay video. Đến đây, như đã nói, bạn không cần phải có những thiết bị chuyên dụng “khủng khiếp” để tạo nên những video chất lượng HD và âm thanh hoàn hảo. Thay vào đó, một chiếc điện thoại thông minh cơ bản cũng có thể làm được, chỉ cần bạn bố trí một khu vực ghi hình có đủ ánh sáng và thực sự yên tĩnh.
Đừng quá lo lắng nhé, nếu làm sai gì đó, bạn có thể làm lại nhiều lần từ chính chỗ sai của mình, sau đó đưa video vào máy tính và thực hiện thêm các bước chỉnh sửa để nó trở nên “nuột nà”, hoàn hảo hơn.
Xem thêm: 5 công cụ video marketing tuyệt vời có thể bạn chưa biết
Bước 5: Truyền thông video
Khi đã có được một video như mong đợi, bước cuối cùng cần làm là truyền tải và truyền thông nó để thu hút sự quan tâm của khán giả. Việc truyền thông video cũng tương tự như seeding những nội dung truyền thống khác. Để làm được điều đó, bạn cần tải video lên Youtube (hoặc một nền tảng tương tự), và lấy mã nhúng để đưa nó lên bất cứ trang web, blog, diễn đàn,… nào mà bạn muốn truyền tải. Hoặc chia sẻ link Youtube trên các mạng xã hội và tất cả các kênh có sẵn khác.
Bên cạnh đó, bạn cũng phải theo dõi thường xuyên tương tác của người xem, cứ khoảng 1 – 2 ngày là lại kiểm tra các bài đăng của mình và tham gia vào các cuộc thảo luận, các phản hồi dù tích cực hay tiêu cực.
Có thể nói video marketing là một hình thức khác của việc tiếp thị nội dung, đòi hỏi bạn phải sử dụng một phương tiện khác, các kỹ năng và chiến thuật khác nhau để thực hiện nó thành công. Tuy nhiên thì vẫn có những điểm tương đồng, điển hình nhất là việc bạn phải tập trung thỏa mãn trải nghiệm của người dùng, cung cấp thông tin, hình ảnh,… mà họ thực sự muốn. Nếu không, mọi nỗ lực tiếp thị chỉ là công cốc mà thôi.