[Theo laodong.com.vn] - Sáng 24.4, 52 sản phẩm phần mềm, 15 dịch vụ của 47 công ty trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã được tôn vinh tại lễ công bố và trao danh hiệu Sao Khuê 2015.
Lễ vinh danh các DN đoạt danh hiệu Sao Khuê.
Phần mềm Việt bắt nhịp xu hướng thế giới
Qua 3 vòng thẩm định, đánh giá, 67 sản phẩm, dịch vụ được công nhận danh hiệu Sao Khuê và xếp hạng 4 sao, 4 sản phẩm, dịch vụ đặc biệt xuất sắc được Hội đồng chung tuyển đưa vào xem xét xếp hạng 5 sao gồm: Hệ thống thông tin nông nghiệp điện tử Agri.One của (Viettel), Dịch vụ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt của (Vietinbank), Phần mềm kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ MISA SME.NET 2015 của (Công ty MISA) và Giải pháp Vé - Ví Điện tử cho Vận tải Công cộng (Công ty MK). Năm nay, tiêu chí về công nghệ, hiệu quả kinh tế xã hội, tác động tới cộng đồng được đặt lên hàng đầu. Từ đó, Hội đồng chung tuyển đã quyết định xếp hạng 5 Sao cho 1 sản phẩm duy nhất là Vé - Ví điện tử cho Vận tải công cộng của Công ty Cổ phần Tập đoàn MK.
TS Mai Liêm Trực – nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn thông – đánh giá, sản phẩm Sao Khuê xép hạng 5 sao mang tính xã hội cao, phục vụ cộng đồng. Hơn nữa, vé-ví điện tử này có thể sử dụng ở Việt Nam và phát triển ra thị trường quốc tế.
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT VN (Vinasa) đánh giá, năm nay, ngành phần mềm Việt Nam đang thở cùng nhịp thế giới theo hướng công nghệ hiện đại nhất, mạng xã hội di động, diện toán đám mây, dữ liệu lớn. Các quốc gia, các tổ chức hàng đầu thế giới đã ghi nhận năng lực ngành phần mềm Việt Nam…
“Sao Khuê năm nay tôn vinh 52 sản phẩm, 15 dịch vụ của 47 công ty. Đây là những đỉnh cao của ngành phần mềm Việt Nam. Đặc biệt, Sao Khuê năm nay có những phần mềm đi vào ngành nông nghiệp, chăn nuôi. Tôi hy vọng rằng, Việt Nam sẽ đi tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp số thay đổi cuộc sống hàng chục triệu con người Việt Nam” – ông Trương Gia Bình nói.
Cơ hộ cho các Cty phần mềm
Ông Cát Văn Khôi – Trưởng Dự án Giải pháp quản lý bán hàng Sapo – cho biết, danh hiệu Sao Khuê là cột mốc dấu ấn cho các DN được công nhận đồng thời mở ra cơ hội cho những bước đệm thúc đẩy sản phẩm của người Việt đến tay người tiêu dùng Việt.
Giải pháp quản lý bán hàng Sapo của Cty CP CN DKT đã được vinh danh trong hạng mục giải pháp phần mềm mới, hệ thống bán hàng này cho phép thống kê, tính toán lỗ lãi… chi tiết, tránh thất thoát hàng hoá, cho phép chạy đa nền tảng kể cả khi không có kết nối Internet. Theo ông Khôi, “hiện nay, nhiều DN, cửa hàng vẫn chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của nó nhưng tiềm năng trong tương lai là rất lớn. Sapo hiện đang tiếp cận khoảng 1 triệu khách hàng đang còn bỏ ngỏ. Với tốc độ tăng trưởng 180 %, Sapo đã và đang trở thành phần mềm bán hàng phổ biến đặc biệt khi đoạt danh hiệu Sao Khuê.
Theo ông Trương Gia Bình, chúng ta đang có những cơ hội lớn hơn đặc biệt với Quyết định 80/2014/QĐ-TTg của Chính phủ về thuê dịch vụ CNTT. Điều đó cho phép các đề án được triển khai nhanh hơn vào cuộc sống một cách mạnh mẽ hơn. Đây là cơ hội rất lớn với tất cả các doanh nghiệp, lực lượng CNTT Việt Nam.
Đơn cử, phần mềm quản lý hành chính hợp nhất Possi của Cty CPCN và giải pháp SIMAX – đoạt danh hiệu Sao Khuê nhóm sản phẩm, giải pháp phần mềm mới – bước đầu đã được tỉnh Vĩnh Phúc sử dụng. Theo Giám đốc công nghệ SIMAX Lê Minh Huy cho biết, một tỉnh có khoảng 1500-2000 dịch vụ công. Để đầu tư vào dịch vụ công mỗi tỉnh sẽ đầu tư vào từ 150-200 tỉ đồng. Điều này là không khả thi vào thời điểm hiện nay.
Giải pháp hiện nay của Possi giải quyết bài toán tạo lập không giới hạn dịch vụ công cấp 2,3,4, không giới hạn các thủ tục hành chính một cửa của các cấp hành chính và hoạt động trên một nền tảng duy nhất. Trong khi việc xây dựng, quản lý và triển khai hệ thống các dịch vụ hành chính công, tập trung cho các cơ quan quản lý nhà nước có chi phí thấp hơn hàng chục lần. Possi giúp các địa phương, cơ quan áp dụng giảm thiểu lãng phí về ngân sách và nhân lực, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ công. Nhờ giải quyết vấn đề liên thông giữa các cấp, các bộ phận phố thuộc, giải pháp này giúp người dân và doanh nghiệp hạn chế phiền hà nhờ không phải nộp hồ sơ ở nhiều nơi, cũng như mất thời gian theo dõi lộ trình giải quyết…
Trước sự lớn mạnh của ngành phần mềm Việt Nam, Microsoft nhận thấy nhiều DN vừa và nhỏ tham gia chương trình có tiềm năng tốt nhưng nguồn lực còn hạn chế nên đã hỗ trợ chi phí sử dụng điện toán đám mây cho những DN được duyệt lên tới 5000 USD/tháng. DN nhận được gói hỗ trợ này phải có doanh thu dưới 1triệu USD/tháng, hoạt động dưới 5 năm.
HẢI ĐĂNG