Theo khảo sát, trong năm 2023, doanh thu toàn ngành Công nghệ thông tin đạt khoảng 3.744 nghìn tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022. Năm qua, ngành thực hiện công cuộc chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép: vừa phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam.
Đánh giá về triển vọng ngành công nghiệp Công nghệ thông tin năm 2024, theo dự báo của Gartner, chi tiêu cho lĩnh vực này trong 2024 sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 8%, đạt 5,1 nghìn tỷ USD. Sự tăng lên này đến từ kỳ vọng đầu tư vào Cloud, bảo mật thông tin, AI và tự động hoá. Lĩnh vực phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin sẽ tăng trưởng lần lượt 13.8% và 10.4%.
Trong dài hạn, chi tiêu cho lĩnh vực Công nghệ thông tin sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ vào sự phát triển nhanh của công nghệ, đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải mạnh tay đầu tư để cạnh tranh, thích nghi với các xu thế mới.
Gần 86% doanh nghiệp quyết định tăng ngân sách cho đổi mới sáng tạo
Trong khảo sát về đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp trong VIE10 cho thấy, trên 85,7% doanh nghiệp quyết định tăng ngân sách dành cho các hoạt động đổi mới, sáng tạo cách tân lên gần 30% so với năm trước. Trên 86% công ty mong muốn có những bước chuyển rõ rệt như chuyển đổi hệ thống hoặc tạo ra sản phẩm mới. Đồng thời, 58.2% doanh nghiệp Công nghệ thông tin – Viễn thông trong VIE10 cho biết, trở ngại lớn nhất đối với hoạt động cách tân, đổi mới là thiếu đội ngũ nhân sự giỏi có trình độ.
Những doanh nghiệp hàng đầu trong danh sách VIE10 đang thúc đẩy các dự án đầu tư phát triển và phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số; phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số và nền tảng số, ứng dụng số tạo động lực phát triển kinh tế số; đồng thời đóng vai trò dẫn dắt, đi đầu trong việc nghiên cứu công nghệ mới nổi (chip bán dẫn...).
Bên cạnh đó, một số xu hướng phát triển chính của ngành Công nghệ thông tin và Viễn thông từ nghiên cứu của Viet Research bao gồm: Hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo; Tập trung vào công nghệ bền vững; Mở rộng triển khai 5G; Điện toán biên; Internet vạn vật và Dữ liệu lớn.
Bảng xếp hạng doanh nghiệp sáng tạo, đổi mới và kinh doanh hiệu quả ngành CNTT - viễn thông
Danh sách Doanh nghiệp Đổi mới, Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả - VIE 10 được Viet Research công bố trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu về đổi mới, sáng tạo và cách tân trong các ngành kinh tế chủ lực năm 2024.
Trong nhóm Viễn thông, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân Đội (Viettel) là đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng. Xếp sau lần lượt là VNPT, Mobifone, Vinaphone, FPT Telecom…
Còn trong bảng xếp hạng nhóm cung cấp giải pháp CNTT và chuyển đổi số, FPT đứng vị quán quân. Top 3 còn có Viettel Solutions và Tập đoàn công nghệ CMC.
Với nhóm Fintech, doanh nghiệp được đánh giá cao nhất trong việc ứng dụng công nghệ vào tài chính là VNPAY. "Kỳ lân" Momo, ShopeePay, Napas… lần lượt xếp các vị trí còn lại.
Ở nhóm Cung cấp giải pháp và sản phẩm hỗ trợ giáo dục, y tế, bất động sản, bán lẻ, du lịch, quán quân gọi tên Công ty cổ phần công nghệ Sapo; thứ hai là Vntrip; Fireapps đứng vị trí thứ ba.
Trong nhóm Giải pháp công nghệ thông minh, xếp hạng lần lượt gồm Elcom, Kone, VNTT, Lumi, TMA.
Cuối cùng, trên bảng xếp hạng doanh nghiệp cung cấp giải pháp phần mềm, quản trị doanh nghiệp, Công ty cổ phần Misa dẫn đầu, còn lại là các tên tuổi khác như Công ty cổ phần phần mềm Bravo, Công ty thế giới Navi Việt Nam, Công ty cổ phần phần mềm quản lý doanh nghiệp, Công ty cổ phần Tài nguyên tri thức Việt Năng.