Phát triển kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam và một số đề xuất

Theo dự báo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), đến năm 2020, thị trường bán lẻ trực tuyến của Việt Nam có thể đạt con số 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng giá trị thị trường bán lẻ. Dự báo này cho thấy, tiềm năng kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam là rất lớn. Bài viết nhìn lại bức tranh kinh doanh trực tuyến trong năm 2016, trên cơ sở đó, đưa ra một số đề xuất cho thời gian tới.



Tại Việt Nam, thị trường thương mại điện tử còn non trẻ nhưng có tốc độ phát triển nhanh chóng. Theo khảo sát mới được CPA Australia công bố hôm 28/2/2017, các doanh nghiệp (DN) nhỏ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực và đặc biệt, thể hiện tốt trên phương diện nắm bắt các cơ hội trong nền kinh tế kỹ thuật số với 86% người được hỏi cho biết họ kiếm doanh thu từ bán hàng trực tuyến và 92% sử dụng truyền thông xã hội vì mục đích kinh doanh.


Kết quả khảo sát mới đây của Bizweb với trên 5.000 chủ website vừa công bố cho thấy, so với năm 2015, năm 2016 kết quả kinh doanh online đã thực sự có bước tiến rõ rệt. Theo khảo sát của Bizweb, năm 2016, 82,1% cửa hàng kinh doanh online có sự tăng trưởng, trong đó 36% có mức tăng trưởng trên 10%, cao hơn hẳn so với tỷ lệ 24% trong năm 2015.


Trong khi đó, theo kết quả khảo sát năm 2016 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tại các DN xuất nhập khẩu, có tới 32% DN đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài qua kênh trực tuyến, 11% tham gia các sàn thương mại điện tử và 49% có website.


Trong khi đó, theo Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB (Đại lý uỷ quyền chính thức của Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam), trong năm 2016, nhóm DN đang có nhu cầu tham gia xuất khẩu trực tuyến đạt gần 2.400 lượt, tăng 34% so với năm 2015. Không chỉ các DN nhỏ và vừa (DNVVN) chú trọng tới ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu mà các DN lớn cũng đang chuyển dịch sang xu hướng này, coi đây là một công cụ quan trọng trong chiến lược phát triển mở rộng thị trường.


Theo các chuyên gia, nếu như trước đây, kinh doanh online bùng nổ chủ yếu dựa vào lý do tiết kiệm về chi phí đầu tư ban đầu cho địa điểm, trang trí cửa hàng, nhân sự vận hành thì nay kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam đã tiệm cận với mô hình chuẩn của thương mại điện tử thế giới với yêu cầu về chất lượng dịch vụ của khách hàng cao hơn, quy trình nhiều bước chặt chẽ, chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, năm 2016 đã chứng kiến nhiều nét mới đáng chú ý trong hoạt động kinh doanh trực tuyến.


Theo đó, xu hướng bán hàng đa kênh (omni channel) bắt đầu hiện diện ở Việt Nam. Điều này được thể hiện qua sự kiện thương mại điện tử lớn nhất năm là Ngày mua sắm trực tuyến (Online Friday) được tổ chức vào thứ Sáu đầu tiên của tháng 12/2016. Phương thức bán hàng đa kênh với lợi thế kết hợp thực và ảo nhằm gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng có ý nghĩa then chốt trong tiếp cận và gắn kết khách hàng trong thời đại kinh tế số. Năm 2016 cũng đánh dấu bước đầu sự phối hợp của một loạt các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ DN xuất khẩu trực tuyến thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử.


Cụ thể là liên minh hỗ trợ xuất khẩu bao gồm Alibaba, OSB, VPBank và PTI với gói giải pháp liên kết hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến dành cho DN từ công đoạn tìm kiếm nhà nhập khẩu đến các khâu đảm bảo tài chính, ngân hàng và bảo hiểm hàng hóa xuất khẩu… Đối với các cá nhân nhỏ lẻ, thì kinh doanh trực tuyến (bán hàng trực tuyến) thông qua các mạng xã hội cũng đang trở thành sự lựa chọn hàng đầu để bắt đầu quá trình khởi nghiệp của mình.


Những trở ngại lớn


Theo các chuyên gia kinh tế, các cửa hàng online và DNNVV trong lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam vẫn đang loay hoay trong bài toán làm thế nào để cạnh tranh và tối ưu mô hình kinh doanh trực tuyến. Những trở ngại lớn lâu nay vẫn chưa được giải quyết như: sự cạnh tranh của các đối thủ, cách thức hoạt động, lòng tin của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến còn thấp, thanh toán trực tuyến chưa phổ biến.


Bên cạnh đó, mỗi DN thương mại điện tử ở Việt Nam hiện tại đang “gồng mình” thực hiện tất cả các khâu trong một chu trình thương mại điện tử, từ tiếp thị trực tuyến cho đến cung cấp dịch vụ, giao hàng thu tiền, chăm sóc hậu mãi… Tất cả những điều này khiến cho DN tuy nhỏ nhưng đang quá sức khi “kham” quá nhiều khâu trong quá trình giao dịch.


Theo nhiều chuyên gia, vẫn còn khá xa vời để “mơ về” một tương lai không tiền mặt tại Việt Nam. Theo thống kê, trên hơn 23.000 khách hàng là các chủ website đang sử dụng nền tảng bán hàng online của Bizweb, thì chỉ có 7,6% website tích hợp thanh toán trực tuyến qua các cổng thanh toán. Tỷ lệ các DNNVV tích hợp thanh toán trực tuyến qua cổng thanh toán đã rất thấp so với tiềm năng hiện có của thương mại điện tử Việt Nam, tỷ lệ sử dụng lại càng thấp hơn.


Về an toàn thông tin trong lĩnh vực thương mại điện tử, mới đây, Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam đã thực hiện khảo sát (từ ngày 01/10/2016 đến ngày 01/11/2016) và có các đánh giá đầu tiên về tình hình an toàn thông tin của các website thương mại điện tử tại Việt Nam.


Theo đó, có đến 33% hệ thống website thương mại điện tử gặp lỗi nghiêm trọng khiến cho công việc kinh doanh bị thiệt hại do ngưng trệ hệ thống và không thể phục vụ khách hàng… Đây là tỷ lệ lớn tương ứng với hàng ngàn người tiêu dùng đang gặp rủi ro đối với dữ liệu của họ. Có 67% thể hiện tỉ lệ các website chưa phát hiện rủi ro nghiêm trọng về thương mại điện tử.


Đề xuất, kiến nghị


Một là, cần liên tục nghiên cứu thị hiếu và nắm bắt xu thế thị trường. Hiện nay đang có sự cạnh tranh giữa các DN trong việc ứng dụng điện thoại di động vào hoạt động kinh doanh trực tuyến. Khảo sát Chỉ số thương mại điện tử của Việt Nam (EBI) năm 2016 cho thấy 15% DN có ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động, phần nào cho thấy nhận thức thay đổi của các chủ DN trong việc tiếp cận khách hàng.


Do vậy, trong thời gian tới các nhà bán lẻ trực tuyến và truyền thống của Việt Nam cần nắm bắt xu thế này và nhanh chóng phối hợp với các DN liên quan, bao gồm các nhà sản xuất và cung cấp, hoàn tất đơn hàng, công nghệ thông tin, tiếp thị… điều chỉnh chiến lược kinh doanh.


Hai là, nâng cao khả năng quản trị DN, thông qua hợp tác và tăng sức cạnh tranh. Hợp tác với các đơn vị chuyên trách trong từng khâu thương mại là xu thế tất yếu. Các DN cần mạnh dạn thay đổi tư duy của mình, mở cửa để hợp tác với đối thủ cạnh tranh và các DN thương mại điện tử khác.


Ba là, an toàn thông tin khi giao dịch trực tuyến đóng vai trò quan trọng. Cần kiểm soát chặt chẽ và áp dụng các kiểm tra an toàn thông tin ngay từ khi phát triển ứng dụng và sau khi đưa vào cung cấp. Bên cạnh đó, DN định kỳ tiến hành rà soát và đánh giá lại mức độ an toàn của các hệ thống của mình vì theo thời gian hệ thống thường xuất hiện các lỗ hổng, rủi ro mới. Nếu nhận thức sớm thì các DN có thể đầu tư hiệu quả cũng như tiết kiệm đáng kể các chi phí khi có các sự cố xảy ra và tạo niềm tin về thương hiệu cho người tiêu dùng.


Tài liệu tham khảo:

1. CPA Australia (2017), Báo cáo kết quả kinh doanh của DN nhỏ năm 2016;

2.Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2017), Báo cáo chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2017;

3.Thanh toán trực tuyến vẫn còn hạn chế trong kinh doanh online.

4. Một số website: cpaaustralia.com.au, vecom.vn, bizweb.vn…


Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2, số tháng 3/2017

Theo Tạp chí Tài chính

Bắt đầu dùng thử miễn phí 7 ngày Dùng thử miễn phí 7 ngày

Để trải nghiệm phần mềm quản lý bán hàng chuyên nghiệp cùng Sapo

ic1Asset 1
ic1Asset 1