Google ước tính tại Việt Nam có khoảng 2,4 triệu doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng các giải pháp công nghệ trong kinh doanh.
Thất bại từ việc gia nhập lĩnh vực thương mại điện tử, anh Trần Trọng Tuyến quyết định chuyển sang cung cấp giải pháp cho những người muốn kinh doanh trực tuyến bất kể doanh nghiệp vừa và nhỏ hay mới khởi nghiệp. Thành lập vào năm 2008, DKT kinh doanh 2 dịch vụ chính là Bizweb (cung cấp website hỗ trợ bán hàng) và Sapo (giải pháp quản lý sau bán hàng trên nền tảng điện toán đám mây). Cả 2 đều được xây dựng trên nền tảng Falcon 2.0, công nghệ giúp DKT có thể tùy chỉnh các ứng dụng theo yêu cầu và đáp ứng khối lượng khách hàng có quy mô linh hoạt.
Nhìn chung, cả 2 giải pháp của DKT không mới, nhiều công ty trên thế giới đã kinh doanh và rất thành công. Nếu như Bizweb tương tự Shopify, BigCommerce thì Sapo là VendHQ, TradeGecko. Ở Việt Nam, hiện cũng có vài công ty cung cấp giải pháp tương tự như WebBNC, Chili (Mắt Bão), Teamcrop, Haravan (Seedcom). “Xét về số lượng khách hàng sử dụng, chúng tôi đang là đơn vị dẫn đầu thị trường”, anh Tuyến cho biết.
Thật ra, mộng ban đầu của anh Tuyến và 4 cộng sự còn lại là gia nhập lĩnh vực thương mại điện tử, sau khi ra trường, cả nhóm gom góp được vài chục triệu đồng khởi nghiệp. Dĩ nhiên, số tiền đó không đủ cho bất cứ doanh nghiệp nào tham gia sân chơi thương mại điện tử ở Việt Nam, nhóm của anh Tuyến đã sớm vỡ mộng.
Công ty được cơ cấu lại, hoạt động theo hướng gia công phần mềm. Chật vật một thời gian nhưng rồi cũng qua được sóng gió, khi có doanh thu ổn định, anh Tuyến lại nghĩ đến giấc mộng khi xưa. Chỉ khác lần này, anh quyết định xây giải pháp hỗ trợ những người muốn kinh doanh thương mại điện tử hơn là công ty thương mại điện tử. “Chúng tôi luôn hướng đến mục tiêu làm cho việc bán hàng trở nên dễ dàng. Ở đâu cũng vậy, người bán luôn là một nửa của thị trường”, anh Tuyến nói.
DKT bắt đầu bằng Bizweb, nền tảng hỗ trợ bán hàng nhưng hoạt động mô hình phần mềm như một dịch vụ (SaaS). Bizweb dùng một mã nguồn phát triển cho tất cả website, giúp quản lý dễ hơn, cần ít nhân sự hơn từ đó giảm giá thành. Sapo sau này cũng được phát triển như vậy. Hiện nay, giá Bizweb, Sapo thấp nhất là 10 USD/tháng, đắt nhất là xấp xỉ 20 USD/tháng, chỉ bằng 1/10 giải pháp web truyền thống. Thế nhưng, 800 triệu đồng vốn lưu động DKT tiêu mất trong 6 tháng. Khi Cyber Agent Ventures (Nhật) đầu tư vào năm 2013, trước đó hai năm DKT đang nợ xấp xỉ 3 tỉ đồng.
Bởi vì SaaS là mô hình tốn rất nhiều chi phí đầu tư hạ tầng và nhân lực ban đầu. Trong đó, tiêu tốn nhiều nhất là nhân lực công nghệ, số này thường chiếm ít nhất 40% tổng nhân lực các công ty SaaS, lương trung bình khoảng 700 USD/tháng. Trong khi đó, khách hàng lại rất kén chọn. “Doanh nghiệp Việt luôn đòi tích hợp thêm các tính năng, trong khi giá các gói đã rất thấp, nhiều nhà cung cấp muốn lấy thị phần đã chiều họ và làm hư thị trường. Vì nếu tinh chỉnh theo ý từng khách hàng thì không bao giờ một doanh nghiệp SaaS có lãi”, ông Võ Duy Tuấn, nhà sáng lập Teamcrop, chia sẻ.
Theo trang web feld.com, quỹ đầu tư đánh giá sức khỏe của các công ty phần mềm, bao gồm SaaS theo quy tắc 40%. Tức nếu công ty đó tăng trưởng doanh thu thêm 40%, thì phải tăng lợi nhuận trước thuế thêm 40%. Cả CAV và DKT đều từ chối công bố lý do đầu tư có thuộc quy tắc trên hay không. “DKT đã đạt điểm hòa vốn”, anh Tuyến nói. Tháng 5 vừa qua, Bizweb đã hợp tác với Lazada Việt Nam để đồng bộ hóa sản phẩm. Cụ thể, khi doanh nghiệp cập nhật sản phẩm trên Bizweb, thông tin sẽ được cập nhật trên Lazada.
Google ước tính tại Việt Nam có khoảng 2,4 triệu doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng các giải pháp công nghệ trong kinh doanh. Nhưng thị trường vẫn chưa hoàn toàn khả quan. Theo dự báo của Forrester Research, ước tính doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam sẽ chi 4 tỉ USD trong năm nay và tăng khoảng 4,9% cho năm 2018. Mức chi tiêu xếp gần cuối bảng của các nước ASEAN. Doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng vào các giải pháp hỗ trợ kinh doanh. Nhưng điều đó không làm anh Tuyến chùn bước, nhất là đối với một người đã qua 2 lần suýt phá sản.
Sinh năm 1982, thuộc thế hệ 8X đời đầu, anh Tuyến cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi các bộ truyện tranh Nhật. Anh thừa nhận tính cách của nhân vật Ore wa Teppei đã ảnh hưởng rất lớn đến quan điểm sống cũng như kinh doanh của mình. Teppei rất thích môn kiếm đạo, dù chỉ mới tập được 2 năm nhưng cậu đã đánh bại rất nhiều cao thủ có thời gian luyện tập gấp 3-4 lần cậu nhờ vào khả năng quan sát và nghiên cứu các sở trường, sở đoản của đối thủ. Với DKT, anh Tuyến nghiên cứu rất nhiều nhu cầu của khách hàng và cung cấp cho họ những giải pháp sát sườn nhất. Mặc dù vậy, anh vẫn thường khuyên khách hàng hãy thử tất cả các giải pháp của các doanh nghiệp khác nhau trước khi quyết định.
Anh Tuyến cho rằng cơ hội của DKT đang rất lớn khi thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Anh nhận định, thị trường cung cấp các giải pháp website cho doanh nghiệp bán lẻ có nhiều lựa chọn, nhưng một giải pháp toàn diện từ hệ thống quản lý tồn kho, nhân viên, chuỗi cửa hàng kết nối website bán hàng, Facebook, Zalo, sàn thương mại điện tử... hiện rất ít.
Trong 2 năm tới, DKT sẽ đầu tư hoàn thiện hệ thống, giúp người bán triển khai các kênh bán hàng nhanh hơn và kiểm soát toàn bộ hệ thống từ website đến cửa hàng chỉ trên di động. Song song đó là sử dụng dữ liệu lớn để đưa ra các quyết định kinh doanh cho người bán và tập trung vào các tính năng bán hàng tự động. “Chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp rất nhạy bén. Nếu thấy điều gì thực sự mang lại giá trị, họ sẽ tiếp nhận rất nhanh chóng”, anh Tuyến nói.
Theo Nhịp cầu đầu tư