Các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử cho biết, bán hàng qua mobile đang là xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp phải bắt kịp để phát triển.
Ông Trần Trọng Tuyến - CEO DKT chia sẻ về Ứng dụng công nghệ mobile trong việc vận hành và quản lý bán hàng online
Sáng 22/4, tại Hà Nội, sự kiện Mobile Ecommerce Day (MEDay) đã được tổ chức với sự tham gia của những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc kinh doanh, marketing nói chung và bán hàng, quảng cáo trên di động nói riêng.
Đây là sự kiện đầu tiên tại Việt Nam chuyên biệt về thương mại điện tử (TMĐT) trên di động. Sự kiện lần này được Bizweb, Zalo và cộng đồng Marketing Việt Nam phối hợp tổ chức với các tên tuổi lớn như Tiki, Nguyễn Kim, Lazada, Vinalink, Beemart,... dưới sự bảo trợ thông tin của Hiệp hội TMĐT Việt Nam.
Theo thống kê của Bizweb, trên hệ thống hơn 27.000 website khách hàng về tỷ lệ người mua sắm online truy cập vào các trang bán hàng, có tới 53,8% trong số họ vào bằng điện thoại, tỷ lệ người mua hàng truy cập bằng máy tính đứng thứ 2 với 41,3% còn lại là tablet.
Với điện thoại di động, iPhone là thiết bị được truy cập phổ biến hơn cả (chiếm hơn 30%). Di động đã trở thành một phương tiện xu thế để truy cập mua sắm phổ biến hiện nay. Do đó các doanh nghiệp, chủ shop sẽ bỏ qua quá nửa khách hàng tiềm năng nếu không biết khai thác kênh mua - bán này.
Ông Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty Cổ phần Công nghệ DKT, trưởng ban tổ chức MEDay cho biết, cách đây 3 năm, tỷ lệ người dùng máy tính truy cập trong ngành thương mại điện tử cao hơn số lượng người dùng truy cập bằng điện thoại. Nhưng đến nay, số lượng người vào các website qua điện thoại chiếm đến 50%, cá biệt có những website tốt, lượng người truy cập bằng thiết bị này lên đến 80-90%.
Ông Tuyến cho rằng: "Để không lãng phí hơn một nửa cơ hội khách hàng tiềm năng đến với website thông qua di động thì ngoài một nền tảng tốt, các doanh nghiệp cần vạch ra một chiến lược vận hành và khai thác tối đa các cơ hội bán hàng thông qua các kênh di động, cũng như không ngừng đo lường hiệu quả, tinh chỉnh để tối ưu và gia tăng hiệu suất bán hàng trên di động”.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Công Chính - Phụ trách các sản phẩm kinh doanh của Zalo cho biết, hiện nay, đa số người dùng quyết định mua một trong các thiết bị như di động, tablet, laptop hay máy tính để bàn xuất phát từ 3 nhu cầu: nhu cầu làm việc, học tập và tìm kiếm thông tin; nhu cầu giải trí; và nhu cầu giao tiếp. Cách đây khoảng 10 năm chiếc máy tính là trung tâm của 3 nhiệm vụ này. Hiện nay chiếc di động với những thiết kế mới hơn, cấu hình tốt hơn, kết nối không dây nhanh hơn,... đã đáp ứng được rất nhiều nhu cầu của người dùng. Chính vì điều này, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh trên di động.
Ông Chính cho biết, đối với Zalo, để cạnh tranh với các sản phẩm trog và ngoài nước, Zalo đã tối ưu cho người dùng về cả giao diện, tính năng, hình ảnh để người bán hàng và người mua kết nối nhanh hơn, tiết kiệm tối đa chi phí.
Còn theo chia sẻ của ông Phạm Thông, Giám đốc Marketing Lazada Việt Nam cho biết, doanh thu đến từ các đơn đặt hàng trên điện thoại di động chiếm đến 70% tổng số đơn hàng của Lazada.
Lý giải về sự chênh lệch này, ông Phạm Thông cho rằng hiện nay đang có sự chuyển dịch thói quen của người tiêu dùng. Phần lớn nhóm khách hàng trẻ thường truy cập internet bằng điện thoại là chủ yếu. Đặc biệt ở những khu vực ngoại thành, nông thôn, tỷ lệ dân hành chính văn phòng ít, xu hướng sử dụng điện thoại vào mạng lại càng cao.
Do đó việc phát triển thương mại điện tử trên điện thoại di động là điều tất yếu, mở ra những cơ hội nhất định cho doanh nghiệp.
Tuy vậy, đại diện Lazada cũng chỉ ra những thách thức mà các doanh nghiệp có thể gặp phải như dịch vụ, công cụ, thậm chí kiến thức của người bán hàng trên điện thoại chưa nhiều. Do đó muốn thành công khi bán hàng trên điện thoại, các doanh nghiệp cần đầu tư và có chiến lược phù hợp để phát triển.
Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp