[ Theo Diễn đàn doanh nghiệp] – Trước đây, bán hàng online bùng nổ chủ yếu dựa vào lý do tiết kiệm về chi phí đầu tư ban đầu cho địa điểm, trang trí cửa hàng, nhân sự vận hành.
Một DN với 2 – 3 cá nhân cùng với sự am hiểu về internet đã có thể dễ dàng cung cấp hàng hóa cho hàng trăm khách hàng trên forum, mạng xã hội, website. Tuy nhiên đó chỉ là khi nhu cầu của khách hàng chỉ là tìm được một nơi bán sản phẩm phù hợp. Thời điểm hiện tại, kinh doanh online tại Việt Nam đã đi tiệm cận với mô hình chuẩn của thương mại điện tử thế giới, yêu cầu về chất lượng dịch vụ của khách hàng cao hơn, quy trình nhiều bước hơn, cửa hàng nhỏ sẽ không đủ sức cáng đáng tất cả nữa.
Để cung cấp một sản phẩm đến người tiêu dùng online, quy trình rắc rối và phức tạp hơn hình thức mua bán tại cửa hàng thông thường bởi cần sự tham gia của rất nhiều khâu từ kho vận, quảng cáo, xây dựng website bán hàng, kết hợp kênh bán, thanh toán trực tuyến, giao hàng, hậu mãi. Mặc dù tiết kiệm về chi phí ban đầu như mặt bằng nhưng nếu tự thực hiện tất cả các quy trình trên thì DN cần một nguồn lực gấp đôi, thậm chí gấp ba so với có một cửa hàng truyền thống.
Nói một cách ví von, các cửa hàng kinh doanh online ở Việt Nam giống như một người tí hon muốn tiết kiệm sức lực nên cố gắng làm mọi việc như người khổng lồ. Dần dần, DN sẽ chết dưới chính sức nặng về áp lực đáp ứng khách hàng. Chính vì vậy chúng ta cần một mô hình thương mại mới cho những cửa hàng trực tuyến vừa và nhỏ.
Khi mô hình kinh doanh online càng phát triển, sự phình to về quy trình cũng vì thế mà tăng lên, không chỉ các cửa hàng trực tuyến “mọc lên” mà nhiều công ty thương mại điện tử xuất hiện để đáp ứng tất cả các khâu trong quy trình này. Đối với nhiệm vụ xây dựng kênh bán, có các sàn thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Vatgia… mở đường. Về nỗi lo đảm bảo thu được tiền, Bảo Kim, Ngân lượng… có thể hỗ trợ bằng phương án “thanh toán tạm giữ”. Để giải quyết vấn đề tinh gọn nhân lực trong giao nhận có Viettel Post, Giaohangnhanh, Giaohangtietkiem… Những đơn vị này luôn sẵn sàng kết hợp với các cửa hàng trực tuyến để cùng phát triển hệ thống thương mại điện tử Việt Nam.
Vậy việc cần thiết là bắt tay với các đơn vị cùng ngành, những công việc rắc rối, không đúng chuyên môn của cửa hàng sẽ được giảm tải. Một khi bộ máy nhân sự, nguồn lực được tinh gọn, DN sẽ lại tận dụng được các ưu thế của thương mại điện tử như tốc độ nhanh chóng, kết cấu DN đơn giản, chi phí hạ tầng thấp. Chỉ cần thay đổi một chút trong cách nghĩ và cách làm, các cửa hàng trực tuyến ngay lập tức có thể biến khó khăn trước mắt thành cơ hội tiềm năng về sau. Đây chính là chia việc lớn cho nhiều người cùng làm trong một chuỗi cung ứng.
Để làm được điều này, Bizweb đang hướng các cửa hàng trực tuyến đến với mô hình thương mại điện tử mới, xây dựng chuỗi cung ứng bằng cách mang đến một nền tảng có thể dễ dàng bắt tay với các DN hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Mô hình liên minh các DN thương mại điện tử này không chỉ tiếp tục tận dụng lợi thế về tiết kiệm chi phí của bán hàng trực tuyến mà còn gián tiếp gia tăng miếng bánh thị trường cho mỗi DN, tạo động lực cho kinh tế thị trường.
Có thể nói, không cần làm tất cả mọi việc để đáp ứng các khâu trong kinh doanh online, các cửa hàng chỉ cần hợp tác, sống cộng sinh cùng nhau để trở thành một bộ máy trơn chu đáp ứng nhu cầu thị trường. Kết hợp để phát triển mới là tương lai của thương mại điện tử Việt Nam.
Trần Trọng Tuyến
CEO – Founder Cty CP Công nghệ DKT
Nền tảng bán hàng trực tuyến Bizweb