Kết quả khảo sát của Bizweb cho thấy, mặt hàng thời trang - phụ kiện vẫn dẫn đầu về tỷ lệ các shop kinh doanh (16,9%), tiếp đó là công nghệ - điện tử (11,7%) và đồ gia dụng - sinh hoạt (7,4%).
Bizweb.vn, nền tảng bán hàng online vừa thực hiện khảo sát trên 5.000 chủ website trong tập hơn 27.000 khách hàng của mình, trong đó, các cửa hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô nhân sự từ 5 - 20 nhân viên (chiếm 54%). So với kết quả năm 2015, năm 2016 thực sự đã có bước tiến rõ rệt, một bức tranh về kinh doanh có thể nói là khởi sắc toàn diện.
Hơn 80% shop tăng trưởng rõ rệt
Nếu như năm ngoái một kết quả kinh doanh khá buồn tẻ, 40% shop không tăng trưởng, thậm chí là thụt lùi thì năm 2016 con số này đã được cải thiện đáng kể.
Theo khảo sát của Bizweb, 82,1% shop có sự tăng trưởng, trong đó 36% có mức tăng trưởng trên 10%, cao hơn hẳn so với tỷ lệ 24% trong năm 2015.
Cũng như năm ngoái, mặt hàng thời trang - phụ kiện vẫn dẫn đầu về tỷ lệ các shop kinh doanh (16,9%), tiếp đó là công nghệ - điện tử (11,7%) và đồ gia dụng - sinh hoạt (7,4%). Riêng lĩnh vực Dịch vụ - du lịch - khách sạn tăng hơn 2% so với năm ngoái (từ 2% lên hơn 4%).
Đứng đầu về số lượng shop kinh doanh, lĩnh vực thời trang - phụ kiện cũng chính là lĩnh vực có tỷ lệ shop không tăng trưởng nhiều nhất. Tính riêng các shop kinh doanh thời trang - phụ kiện có gần 1/4 shop cho hay doanh thu năm 2016 không tăng trưởng so với 2015. Đây cũng là một quy luật tất yếu, càng có nhiều cạnh tranh sẽ càng khó khăn hơn, tạo được cho mình điểm khác biệt mới có thể thành công.
Địa điểm bán hàng, điểm cộng của kinh doanh online
Với ưu điểm không phải mất chi phí mặt bằng của kinh doanh online, những tưởng tỷ lệ các shop online tăng, cửa hàng/địa điểm bán hàng sẽ ngày càng giảm. Nhưng thực tế, theo khảo sát có thể thấy rằng hiện nay, ¾ shop online đều có địa điểm bán hàng bao gồm cửa hàng, showroom, văn phòng hoặc một địa chỉ bán hàng cụ thể.
Việc có được một địa điểm bán hàng là một ưu thế của kinh doanh online. Trong các phương thức giao hàng, tỷ lệ khách đến lấy hàng trực tiếp tại quầy/địa điểm bán hàng có mức độ sử dụng nhiều nhất (87,7%) và tần suất sử dụng lớn nhất (trên 1-2 lần/tuần chiếm 68%).
Cũng theo khảo sát, Bán hàng tại cửa hàng/showroom là kênh được tập trung và mang lại hiệu quả kinh doanh tốt nhất trong tất cả các kênh (38,9%), sau đó là Website (35,7%), Facebook (33,8%) và Sàn giao dịch thương mại điện tử (11,9%). Ngoài các kênh này, các chủ shop cũng sử dụng thêm nhiều kênh khác như Zalo, Instagram, Diễn đàn, Youtube… nhưng chưa thực sự khai thác triệt để tiềm năng.
Bán hàng đa kênh Omni đã và đang trở thành xu hướng trong kinh doanh. Thay vì bán hàng trên một kênh truyền thống như trước đây, các chủ shop sử dụng nhiều kênh khác nhau để mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng. Từ đó tập trung vào trải nghiệm khách hàng ở bất cứ nơi nào có sự tiếp xúc với thương hiệu, cửa hàng. Kéo theo nhu cầu về quản lý bán hàng đa kênh, về nền tảng đồng bộ trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Ngân sách tiếp thị trung bình tăng hơn 16% so với năm 2015
Trong năm 2016, có 92% các shop đã đầu tư cho quảng cáo, tiếp thị, trong đó, các shop chi trên 10 triệu đồng/tháng chiếm hơn 70%. Tỷ lệ các shop chi trên 20 triệu đồng/tháng tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2015 (từ 8% lên 26%). Trung bình một shop đã đầu tư 20 triệu/tháng cho tiếp thị, tỷ lệ này tăng 16% so với năm 2015.
Ông Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty cổ phần Công nghệ DKT - đơn vị chủ quản Bizweb.vn cho biết, nếu vẫn giữ tư duy cho rằng doanh số thấp thì phải tiết kiệm chi phí tiếp thị, quảng cáo, các shop sẽ rất khó để có đột phá. Thay vào đó, các shop nên đặt bài toán ngược lại rằng tiếp thị bao nhiêu là đủ để có được đích đến về doanh thu. Và đừng quên, mình chỉ việc tập trung vào bán hàng, công nghệ hãy để người khác lo.”
Theo Báo đầu tư