Facebook đẩy mạnh hỗ trợ bán hàng online, thời 'lụi tàn' của website?

[Theo VTCNews] - Việc Facebook đẩy mạnh mô thức thương mại hóa bằng cách áp dụng đồng loạt tab Shop (cửa hàng) trên các trang fanpage bán hàng dấy lên lo ngại về việc lụi tàn của các website.


Cách đây ít ngày, ông lớn Facebook đã đẩy mạnh mô thức thương mại hóa bằng cách áp dụng đồng loạt tab Shop (cửa hàng) của các trang fanpage bán hàng trên Facebook. Nhiều người cho rằng điều này sẽ khiến cho các đơn vị cung cấp nền tảng thiết kế website, sàn Thương mại Điện tử (TMĐT) không khỏi lo lắng khi các chủ shop online đã có giải pháp biến Fanpage thành nơi tập trung giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thậm chí sắp tới còn là thanh toán trực tuyến.

Tham vọng thương mại hóa mạng xã hội

Một loạt những động thái cho thấy Facebook đang tận dụng mọi thế mạnh để “thương mại hóa” từ việc tích hợp tính năng mua bán trong các nhóm (group), thử nghiệm chức năng mua sắm trên các trang doanh nghiệp nhằm cạnh tranh với các trang TMĐT như Amazon, Ebay… 

Và mới đây, Facebook đã áp dụng chính thức tính năng “cửa hàng” trên các fanpage nhằm thúc đẩy việc tối ưu trải nghiệm mua sắm đối với người dùng và hỗ trợ các đối tác của mình trong việc bán sản phẩm trực tiếp trên mạng xã hội. 


Khi đăng ký sử dụng tính năng “cửa hàng”, toàn bộ người dùng đã nhấn like trang đều sẽ tự động nhận được thông báo rằng fanpage đã thêm một cửa hàng và có thể lựa chọn sản phẩm và tương tác với người bán dễ dàng hơn thông qua chức năng gửi tin nhắn từ chính sản phẩm hay lưu lại, bình luận, chia sẻ...

Sắp tới, Facebook còn chuẩn bị tung ra tính năng thanh toán trực tuyến và Bot Store trong Tin nhắn để người dùng có thể truy cập mua sắm, đặt đồ ăn, chỗ nhà hàng, vé xem phim, taxi…  

Không còn nghi ngờ gì nữa, Facebook đang đi dần dần, tới từng ngóc ngách “cơ thể” của mình từ Nhóm (group), trang (fanpage), tới đây sẽ là Tin nhắn (Messenger) và còn hơn thế nữa.

Facebook đã giảm thiểu đến mức tối đa tỷ lệ tiếp cận của bài post trên các fanpage khiến các chủ fanpage khá “bức xúc” và lấn sân thêm các kênh bán hàng khác mới tiềm năng hơn như Zalo, Instagram... Số còn lại “trung thành” với kênh mạng xã hội hoặc là phải có nội dung tốt, nhiều người quan tâm, hoặc là chi tiền cho quảng cáo Facebook để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. 

Việc đẩy mạnh cung cấp giải pháp để người dùng bán hàng trực tiếp dễ dàng hơn, mạng xã hội lớn nhất này sẽ tăng trải nghiệm đối với người dùng và các đối tác làm ăn trên Facebook sẽ trở nên “trung thành” hơn.

Mối lo ngại cho các trang TMĐT truyền thống?

“Facebook đang cung cấp ngày càng nhiều tiện ích hỗ trợ bán hàng cho fanpage, giảm đi nhu cầu cần có website từ các shop.” – một chuyên gia Marketing cho hay. 
Có nhiều ý kiến đồng tình, cho rằng Facebook áp dụng rộng rãi tính năng giúp người dùng đặt hàng và thanh toán online trên các fanpage bán hàng sẽ khiến các trang website hay sàn giao dịch TMĐT chỉ còn là nơi hỗ trợ thông tin và không mấy cần thiết. 

 

Tham vọng của mạng xã hội ảo này không chỉ dừng lại ở nơi kết nối, tương tác giữa mọi người mà còn trở thành trang TMĐT chuyên nghiệp. Tuy nhiên thực tế, để có thể thay thế được website hay sàn TMĐT thì nghe vẻ Facebook vẫn còn chưa đủ sức.

Facebook có một cộng đồng người dùng lớn như vậy nên việc họ tạo ra các tính năng hỗ trợ và giữ chân người dùng là hoàn toàn dễ hiểu. Và website vẫn được coi là kênh nền tảng thông tin chính thức của doanh nghiệp, cửa hàng với một địa chỉ tên miền ngắn gọn, dễ nhớ, đúng tên thương hiệu. 

Người dùng Facebook có nickname Nguyễn Trường Xuân chia sẻ: “Tính năng cửa hàng của Facebook chỉ tiện cho các shop khi kinh doanh trên facebook thôi, chứ bản thân mình nghĩ nó không được tối ưu như website. Về giao diện hay tính năng ko có độ tùy biến cao, khách hàng tìm kiếm cũng khó, trừ khi đã biết tới fanpage đấy. 
Bên cạnh đó, mình thấy mức độ uy tín cũng không được như website riêng hay sàn TMĐT”.


Tương tự, Facebook cũng không thể biến thành một sàn TMĐT, nơi người mua có thể vào một địa chỉ quen thuộc và tìm kiếm bất kỳ sản phẩm nào mình thích. 
 
Facebook hỗ trợ người dùng của họ không có nghĩa là bắt buộc người dùng phải dùng duy nhất một kênh, câu chuyện ở đây sẽ là đồng hành, liên kết để giúp cho chủ shop quản lý sản phẩm ở 1 nơi đầy đủ và cho phép kết nối, bán hàng trên nhiều kênh khác nhau. Mô hình bán hàng đa kênh này cũng là xu hướng mạnh mẽ trong việc cung cấp nền tảng website cũng như chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp, shop online. 

Ông Trần Trọng Tuyến – CEO Công ty CP Công nghệ DKT (đơn vị cung cấp nền tảng bán hàng online Bizweb) chia sẻ: “Với cách nhìn của riêng Bizweb, Facebook không phải là đối thủ, Facebook là một kênh bán hàng tiềm năng của khách hàng và ở đâu có người mua và mang lại hiệu quả họ sẽ vẫn bán hàng. Điều quan trọng, các chủ shop cần tìm hiểu và đánh giá các kênh đem lại giá trị và biết cách kết hợp." 

Facebook hay website đều có những ưu điểm riêng, các chủ shop cần tận dụng những giá trị đặc thù mà chúng mang lại. Mỗi ngày, một chủ shop nhỏ hoàn toàn có thể có 100 đơn hàng trên Facebook cùng 200 đơn hàng trên website và các kênh khác nữa như sàn TMĐT, Zalo,…, vì thế, nếu chỉ tập trung vào một kênh, các chủ shop sẽ bị mất tập khách hàng trên các kênh khác".

Hơn nữa, nếu xét trên phương diện một chủ shop bán hàng online, việc bỏ tất cả trứng vào chung một giỏ sẽ có thể mang lại nhiều rủi ro đáng tiếc. Bởi không ai có thể đảm bảo rằng Facebook sẽ không có thêm những thuật toán làm khó người dùng khi mọi người đã bị phụ thuộc vào kênh này trong kinh doanh, cũng không thể chắc chắn rằng Facebook nói chung hay “cửa hàng” trên Facebook nói riêng sẽ trường tồn cho tới khi người dùng không còn kinh doanh nữa... 

Giải pháp chắc chân nhất, cũng là một trong những cách quan trọng để có nhiều lượng đơn hàng đó là tận dụng bán hàng trên nhiều kênh khác nhau và tập trung hơn về nguồn lực cho các kênh hiệu quả nhất. 

Thúy Ngọc

Bắt đầu dùng thử miễn phí 7 ngày Dùng thử miễn phí 7 ngày

Để trải nghiệm phần mềm quản lý bán hàng chuyên nghiệp cùng Sapo

ic1Asset 1