Doanh nghiệp bỏ quá nửa khách hàng nếu không bán trên di động

"Điện thoại di động đã trở thành phương tiện chủ yếu để truy cập mua sắm, các doanh nghiệp và chủ shop hiện nay nếu không biết tận dụng khai thác kênh này xem như đã bỏ mất hơn một nửa lượng khách hàng tiềm năng”.


“Thần dược” Mobile trị bệnh lười mua


Đó là khẳng định của ông Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty DKT, trưởng ban tổ chức sự kiện Mobile Ecommerce Day diễn ra ngày 5/5/2017 tại TPHCM. Theo số liệu của Bizweb được thống kê trên hệ thống với hơn 27.000 website khách hàng về tỷ lệ người mua sắm online truy cập vào các trang web bán hàng cho thấy, có tới 53,8% trong số họ vào bằng điện thoại, tỷ lệ người mua hàng truy cập bằng desktop đứng thứ hai với 41,3%, còn lại là tablet. Thống kê cũng cho biết luôn rằng, iPhone là thiết bị truy cập phổ biến nhất (chiếm hơn 30%).


Ông Nguyễn Công Chính, Giám đốc Kinh doanh Zalo cũng cho biết, thiết bị di động đã và đang thay thế máy tính ở hầu hết các nhu cầu cơ bản. Nếu máy tính hiện chủ yếu dành để học tập và làm việc, thì điện thoại di động thiên nhiều cho giải trí, giao lưu, kết nối, đọc tin tức, mua sắm... M-Commerce chiếm tỉ trọng ngày càng lớn so với E-Commerce. Theo số liệu của ComScore, vào Quý 3/2016 tại Mỹ, M-Commerce tăng 47%, trong khi E-Commerce tăng 16%. Tại Trung Quốc, tỉ trọng của E-Commerce được dự báo tăng từ 61% (năm 2017) lên 71.5% (năm 2019).


M-Commerce đang có những chuyển biến tích cực tại thị trường Việt Nam. Với 95 triệu dân, Việt Nam hiện có gần 40 triệu người sử dụng smartphone (chiếm 42% dân số). Mỗi năm số người sử dụng smartphone tại Việt Nam tăng thêm từ 5-7 triệu người và xu hướng này đang tăng mạnh ở khu vực nông thôn. Trong số những người dùng smartphone, chiếm đến 70% là người dùng trẻ – đây là nhóm người có tiếp cận công nghệ và nhu cầu mua sắm tiêu dùng cao.


Xu hướng của người dùng Việt Nam hiện nay là thường xuyên sử dụng mobile, không có nhiều thời gian, vì vậy các nhà kinh doanh cần linh hoạt tìm cách dịch chuyển dịch vụ, sản phẩm của mình giới thiệu đến người dùng một cách hiệu quả hơn - bà Trịnh Văn Hoa, người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành bán lẻ, hiện là Giám đốc cấp cao khối TMĐT Nguyễn Kim khẳng định.


Theo của ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam, ngành TMĐT Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh, có tính chất đào thải và phát triển theo chiều sâu. Cũng theo ghi nhận của Thế Giới Số, trong tất cả các cuộc hội thảo của ngành công nghệ thông tin hiện nay thì TMĐT là lĩnh vực thu hút đông đảo nhất khách tham dự, họ ngồi chật kín khán phòng để nghe chia sẻ kinh nghiệm cả về yếu tố kỹ thuật cũng như kỹ năng bán hàng online. Điều đó chứng tỏ TMĐT đang tạo sức lực hút rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, các chủ shop trong bài toán phát triển kinh doanh của mình.


Muốn bán được hàng phải hiểu tập quán sử dụng


Sự thành công trong hoạt động TMĐT đòi hỏi phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm: chuyên môn và kinh nghiệm điều hành; sự chú trọng quan tâm đến nhu cầu của người dùng cuối; có cơ sở hạ tầng liên quan vững chắc – kể cả hạ tầng sở hữu hoặc thông qua hạ tầng của đối tác khác; tài chính; hoặc có lẽ quan trọng nhất là kiến thức về thị trường địa phương.


Về cơ sở hạ tầng, Mobile Commerce nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ về mặt công nghệ nền tảng cũng như hệ sinh thái ứng dụng trong và ngoài nước. Bên cạnh các công cụ của hai trùm Google và Facebook, thì các nền tảng bán hàng như Bizweb, Haravan cùng các mô hình B2B2C như của Lazada, B2C của Tiki (Tiki có kế hoạch sẽ chuyển đổi lên B2B2C)... đang mở ra nhiều cơ hội tiếp cận đến khách hàng của các chủ shop.


Với tính năng định vị và đồng bộ hóa các thông tin về tài khoản người dùng trên điện thoại di động, cùng các phương thức và công cụ đo lường, phân tích có sẵn như Mobile Analytics, doanh nghiệp dễ dàng biết được danh tính, giới tính, độ tuổi, thậm chí biết luôn khách hàng của mình đang ở đâu, có thói quen mua sắm gì. Đứng ở góc độ quản lý của người bán hàng, một số nền tảng và giải pháp trên di động hiện nay cho phép doanh nghiệp quản lý việc bán hàng, kho hàng, giao/nhận hàng, truy xuất báo cáo, quản lý nhân viên mọi lúc mọi nơi chỉ với một chiếc điện thoại.


Hiệu quả của việc gửi email quảng cáo và gửi SMS cũng có sự khác biệt đáng kể. Một khảo sát cho biết, tỉ lệ mở email quảng cáo là 2%, trong khi mở đọc SMS quảng cáo lên đến hơn 30%. Một số liệu khác từ nguồn GWI VietnamReport vừa công bố vào 3/2017 cũng đáng suy ngẫm về thói quen M-Commerce. Theo đó, 53% người dùng tại Việt Nam sử dụng mạng Wi-Fi để vào tìm hiểu và mua sắm online, 35% dùng mạng 3G và 3% vào từ 4G; tỉ lệ này trên toàn cầu lần lượt là 23%, 19% và 44%.


Hiện Google có khá nhiều công cụ giúp bộ phận IT của các doanh nghiệp lập trình nhanh các ứng dụng (apps) tạo hiệu ứng, tăng giá trị về doanh thu nên rất được các doanh nghiệp ưa chuộng. Song theo đo lường của Tiki, ông Phan Tuấn Anh, Trưởng bộ phận Marketing Tiki cho biết, thông thường một người dùng sử dụng từ 3-4 thiết bị để truy cập, đường đi khá zích zắc trước khi quyết định mua hàng, trong đó 60% vào điện thoại, 40% chuyển qua dùng máy tính để đặt hàng. Người dùng hiện vẫn quen sử dụng web mobile hơn app mobile. Vì vậy xu thế là mobile nhưng theo lời khuyên của các chuyên gia trong ngành, doanh nghiệp vẫn nên kết hợp, duy trì tất cả các kênh web mobile, app mobile và web PC.


Để “lôi kéo” khách hàng sử dụng các nền tảng này, từ đó đưa ra các chiến lược quảng cáo một cách hiệu quả, theo kinh nghiệm của Tiki chia sẻ, đối với người dùng mới họ thường vào phiên bản web mobile trước, sau một thời gian thân thiện với web rồi Tiki sẽ giới thiệu đến khách hàng phiên bản app mobile. Cách này người dùng sẽ không bị khó chịu và cảm thấy xa lạ với giao diện app, mà chi phí quảng cáo app của doanh nghiệp cũng đỡ tốn kém hơn. Việc khuyến khích khách hàng đăng nhập trực tiếp vào trang web của mình để biết được người đó dùng bao nhiêu thời gian cho mobile, bao nhiêu thời gian cho máy tính để giới thiệu giao diện phù hợp cho người dùng, tạo ra được những nhóm khách hàng với những nhu cầu, sở thích cụ thể cũng là cách tiếp cận khách hàng với chi phí thấp nhất.


Công nghệ đang phát triển rất nhanh mỗi ngày, ngay cả xu hướng app mobile đang thịnh hành hiện nay trong thời gian sắp tới sẽ xuất hiện thêm khái niệm App in App. Tức người dùng có thể gọi dịch vụ đặt xe Uber ngay trên Messenger Facebook mà không cần phải cài app Uber chẳng hạn – ông Bùi Tú, Giám đốc Marketing Ringier tại Việt Nam cho hay.


Bài đăng trên tạp chí Thế giới số , số 55

Bắt đầu dùng thử miễn phí 7 ngày Dùng thử miễn phí 7 ngày

Để trải nghiệm phần mềm quản lý bán hàng chuyên nghiệp cùng Sapo

ic1Asset 1
ic1Asset 1