CEO Trần Trọng Tuyến và giấc mơ phổ thông hóa thương mại điện tử

[Theo Tạp chí Người đô thị] - Trần Trọng Tuyến sinh năm 1982, CEO Công ty công nghệ DKT, cùng nhóm sáng lập mất năm năm để đưa nền tảng bán hàng trực tuyến Bizweb lên vị trí dẫn dắt thị trường.

 

Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa Hà Nội, Trần Trọng Tuyến đầu quân cho một công ty công nghệ từ vị trí lập trình viên, cơ duyên với thương mại điện tử (TMĐT) cũng từ đó. Năm 2005, anh tình cờ tiếp cận với Alibaba trong một dự án, càng tìm hiểu càng ngạc nhiên với những lợi ích quá lớn mà doanh nghiệp Trung Quốc có được từ việc tham gia sàn Alibaba.com. “Tôi bắt đầu hình dung về việc xây dựng một nền tảng có thể giúp doanh nghiệp Việt bán hàng dễ dàng trên Internet”, Tuyến kể.

 

Anh dành tâm huyết lên kế hoạch xây dựng một website TMĐT với tham vọng có thể mang lại 500.000 USD doanh thu sau hai năm. Dự án đó đã thuyết phục được sếp đồng ý đưa vào triển khai, nhưng chỉ 18 tháng thì thất bại hoàn toàn. "Bài học lớn cho tôi về sau là, trên môi trường internet, khi đã bị chậm chân là không làm nữa, để đỡ hao tổn thời gian và dành nguồn lực cho việc khác”, Tuyến nói.

 

Chọn vị trí “hậu vệ”

 

Nhưng thất bại quan trọng đó cũng khiến Tuyến luôn có một cảm xúc rất đặc biệt mỗi khi làm gì đó liên quan đến TMĐT, nung nấu ý nghĩ nhất định phải làm lại, phải xây được một thứ có thể tạo ra giá trị giống như cách của Alibaba. Năm 2008, công ty cũ thay đổi chiến lược, Tuyến cùng nhóm bạn quyết định “ra riêng” và thành lập DKT. Nhưng nguồn tài chính với một công ty khởi nghiệp rất khó khăn, họ chọn cách nhận các dự án gia công phần mềm để kiếm tiền duy trì doanh nghiệp và tích lũy chờ khởi động TMĐT vào lúc “thấy mình đã sẵn sàng”.

 

 

Trần Trọng Tuyến

 

Bizweb của DKT ra thị trường tháng 4.2010, nhưng TMĐT mà họ làm không phải bán hàng trực tuyến mà chuyên tâm xây dựng nền tảng hoàn chỉnh hỗ trợ bán hàng online, cho phép các doanh nghiệp/cửa hàng bán lẻ vừa và nhỏ có thể xây dựng website bán hàng trực tuyến. DKT đã tập trung nguồn lực vào việc giải quyết mắt xích làm sao với một chi phí thấp vẫn có thể làm TMĐT cách chuyên nghiệp, từ xây dựng website, thiết lập kênh bán trên Facebook, thanh toán trực tuyến hay xử lý đơn hàng và giao hàng nhanh chóng, hiệu quả.

 

Ngày nay các dịch vụ bổ trợ cho TMĐT đã phát triển đa dạng hơn, vai trò 'hậu vệ' hỗ trợ cho ngành công nghiệp TMĐT phát triển càng trở nên quan trọng. Nền tảng bán hàng online theo mô hình mở như Bizweb đang phát triển mạnh bởi nó tập trung giải quyết các khâu khó khăn của TMĐT, kết nối các dịch vụ cơ bản vào một nền tảng duy nhất để cung ứng cho khách hàng. Trên nền tảng đó, các đối tác phát triển cung ứng trực tiếp dịch vụ và các chủ website - người kinh doanh TMĐT chỉ chuyên tâm cho việc bán hàng hiệu quả nhất.

 

Cơ hội thị trường là rất lớn khi thị trường Việt Nam đang có khoảng 1 triệu cửa hàng trực tiếp (offline) và hơn 300.000 cửa hàng trực tuyến (online). Xu thế trong 3 năm tới online sẽ lấn sang offline và offline mở sang online sẽ phát triển mạnh so với tỷ lệ giao nhau giữa hai mô hình này hiện khoảng 10%. Theo Tuyến, nếu cung cấp cho khối khách hàng này hệ thống bán hàng chuyên nghiệp, hiệu quả và chi phí thấp thì cơ hội cho Bizweb lớn nhanh mà còn góp phần hạ thấp rào cản ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp. Thị trường 1,3 triệu cửa hàng này sẽ là cơ hội lớn cho tất cả các công ty làm TMĐT, doanh thu đến từ phí dịch vụ hàng tháng, các ứng dụng trả phí, bán giao diện, phí giao dịch hay nhiều dịch vụ giá trị gia tăng khác.

 

Hành trình “phổ thông hóa”

 

Tuyến nhớ lại khi khởi nghiệp năm 2008 anh còn không quan tâm đến khái niệm “start-up là gì” như trào lưu nổi lên hiện nay, mà chỉ tập trung “làm thế nào để tồn tại, để có cơ hội thực hiện giấc mơ”. Quá trình thực hiện giấc mơ “phổ thông hóa TMĐT” với Tuyến cũng có lúc là “cơn ác mộng”. Năm 2011 khó khăn nhất khi doanh số quá thấp mà chi phí quá cao trong khi áp lực tăng trưởng lớn, chỉ cần dừng lại sẽ mất ngay cơ hội. Nhờ những cộng sự tâm huyết chia sẻ với tinh thần không bỏ cuộc nửa chừng, DKT vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.

 

 

Cột mốc quan trọng với Bizweb là đoạt giải Nhân tài Đất Việt 2013 gây được tiếng vang, doanh thu cùng năm tăng trưởng 300%. Những năm qua là quá trình nâng cấp không ngừng, tháng 8 năm rồi Bizweb Sky phiên bản 10 ra mắt, cho phép đối tác là các đơn vị thiết kế giao diện, lập trình viên và các nhà phát triển ứng dụng cùng tham gia vào hệ thống. Kể từ khi thay đổi sang mô hình mở “hết cỡ” này, họ đạt mức tăng nhanh chóng với mỗi tháng thêm hàng ngàn khách hàng mới. Đội ngũ của họ đã đưa Bizweb thành nền tảng bán hàng online được sử dụng nhiều nhất Việt Nam hiện nay, với 15.000 khách hàng là các chủ website.

 

Cuối năm 2014, DKT cho ra mắt phần mềm quản lý bán hàng thông minh Sapo.vn, giải pháp cho các doanh nghiệp, cửa hàng quy mô vừa và nhỏ có thể quản lý và bán hàng trên mọi thiết bị và mọi lúc mọi nơi mà không cần cài đặt, hỗ trợ người bán hàng nhìn được tổng thể các hoạt động kinh doanh và tối ưu hóa mô hình cho mình. Chưa hết, Bizweb tiến thêm bước mới khi năm 2015 họ thâu tóm Sieuweb.vn, một giải pháp thiết kế website đã có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường với gần 80.000 người dùng ở thời điểm đó và 400 lượt đăng ký mỗi ngày. Theo Tuyến, thương vụ nhằm tận dụng thế mạnh của Sieuweb ở tính thân thiện, dễ sử dụng và nền tảng công nghệ tốt theo cách “ai cũng có thể làm web”.

 

Mô tả về mô hình bổ trợ TMĐT đã tạo dựng được đến nay, Tuyến cho biết Bizweb đóng vai trò nền tảng kết nối đến các đơn vị cung cấp, phát triển ứng dụng để ngày càng hoàn thiện chu trình kinh doanh online của khách hàng từ A-Z theo cách đơn giản nhất. Có thể thấy qua việc gần đây DKT không ngừng đẩy mạnh hợp tác để tích hợp Bizweb với các dịch vụ khác như Giaohangnhanh, Shipchung, ViettelPost, phần mềm bán hàng thông minh Sapo, ứng dụng so sánh giá Websosanh, sàn giao dịch Sendo.vn và đang mở rộng hợp tác với những kênh bán hàng bổ trợ khác...

 

Thách thức xuyên biên giới

 

Đầu năm 2014, quỹ CyberAgent của Nhật đầu tư vào Bizweb với cam kết đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Nguồn đầu tư cho phép họ tận dụng nguồn lực của CyberAgent ở khắp châu Á để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mục tiêu gần nhất là Bizweb sẽ lấn sân sang thị trường đầu tiên có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam như Indonesia hoặc Philippines. Theo Tuyến, “Khi thế giới phẳng thì cơ hội và thách thức cũng sẽ chia đều. Khó khăn, bất lợi lúc nào cũng có nhưng phải tìm đường tốt nhất để đi, một doanh nghiệp mạnh sẽ không phàn nàn mà luôn tìm kiếm và tận dụng mọi cơ hội để tiến lên”.

 

Một thách thức khác là năng lực ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp Việt so với các thị trường như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc còn khoảng cách ít nhất 3-5 năm. Mức đầu tư cho kinh doanh online còn khá thấp trong khi các nhà cung cấp như DKT vẫn phải đầu tư rất lớn cho dịch vụ để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và thị phần. “Tỷ suất lợi nhuận thấp là thực tế chung của toàn ngành TMĐT Việt Nam, là thách thức lớn để DKT tái đầu tư giữ vững nhịp độ phát triển, nâng cao thu nhập cho nhân viên và đảm bảo khả năng thực hiện giấc mơ phổ thông hóa TMĐT”.

 

Công nghệ thay đổi nhanh chóng làm biến đổi các mô hình kinh doanh và áp lực lên tất cả các doanh nghiệp, Tuyến quan niệm nếu biết ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa quy trình và nâng cao năng suất kinh doanh, đặc biệt là tiếp cận tốt tập khách hàng từ internet thì sẽ tạo ra sự bứt phá. Trong sự biến động đó, sẽ không ngạc nhiên nếu một doanh nghiệp đã có vị trí trên thị trường vẫn phải rời bỏ cuộc chơi vì mất lợi thế cạnh trạnh. Năm năm tới sẽ là thời của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vươn lên mạnh mẽ khi họ có cơ hội cạnh tranh bình đẳng hơn trên môi trường internet. CEO của DKT nói: “Nếu không đầu tư thỏa đáng cho công nghệ, xem như tự tay gạch tên mình ra khỏi cuộc chơi”.

Tuyết Ân

Bắt đầu dùng thử miễn phí 7 ngày Dùng thử miễn phí 7 ngày

Để trải nghiệm phần mềm quản lý bán hàng chuyên nghiệp cùng Sapo

ic1Asset 1