Bao giờ Việt Nam sẽ đạt "cảnh giới" thanh toán không tiền mặt?

Cùng với sự phát triển của Thương mại điện tử (TMĐT), các hình thức thanh toán online ngày càng trở nên đa dạng hơn, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, vẫn còn quá xa vời cho một tương lai không tiền mặt tại Việt Nam với bước đi chậm chạp như hiện nay.



 

Thanh toán trực tuyến trên website bán hàng không chỉ giúp người bán tận dụng được công nghệ số vào vận hành kinh doanh nhằm tiết kiệm nguồn lực từ nhân sự cho tới tài chính mà còn mang đến cho người mua những trải nghiệm thú vị.

 

Thay vì phải trả bằng tiền mặt hay chuyển khoản ngân hàng rồi báo lại cho chủ shop, người tiêu dùng chỉ cần click chuột ngay trên chính nơi mua hàng để hoàn tất đơn hàng một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, phần lớn khách hàng lại chỉ thích COD (giao tiền khi nhận hàng) mà không mấy quan tâm tới thanh toán trực tuyến.

 

Chủ shop online: Phải chiều thượng đế!


Theo khảo sát của Bizweb với 23.000 chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMBs) mới đây, giao dịch mua bán online hằng năm ngày càng tăng mạnh nhưng thanh toán trực tuyến lại có những bước tiến khá chậm chạp.

 

Cụ thể, chỉ 7,6% website tích hợp thanh toán trực tuyến qua các cổng thanh toán. Trong số đó, có gần 50% đang tích hợp cổng Ngân lượng, tiếp đến là Bảo kim (32%), Paypal (30%), Napas (23%), các cổng thanh toán khác chỉ chiếm trên 5%.

 

Khảo sát cũng cho thấy, hơn 90% trong tổng số các website có tích hợp cổng thanh toán trực tuyến chỉ lựa chọn 1 đến 2 cổng thanh toán cho website của mình.

 

Theo các chủ doanh nghiệp SMBs, thanh toán trực tuyến rất tiện lợi, thế nhưng, vì sở thích, thói quen của khách hàng , họ không còn cách nào khác ngoài việc chiều theo.

 

Anh Nguyễn Hữu Sơn, chủ website Shoptienich cho rằng, thanh toán trực tuyến vừa tiện lợi, nhanh chóng vừa không lo bị khách “bỏ bom”, đặt hàng rồi không lấy hoặc trả lại lại. Tuy nhiên, anh phải chiều theo khách hàng bởi 99% người tiêu dùng thích giao hàng rồi mới thanh toán để cảm thấy yên tâm hơn khi mua hàng online.

 

Lý do chị Nguyễn Phạm Mai Anh, chủ website Munsstuff.com hạn chế tích hợp cổng thanh toán trên webiste bởi 90% khách chỉ thích COD. Hình thức thanh toán trực tuyến phổ biến nhất chuyển khoản ngân hàng song tỷ lệ rất thấp.

 

Chỉ số TMĐT Việt Nam 2015 (EBI) cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ DN chấp nhận thẻ thanh toán là 16%, hình thức thanh toán qua ví điện tử chỉ chiếm 4%.

 

Khảo sát trong năm 2015 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cũng cho kết quả tỷ lệ website có tính năng thanh toán trực tuyến mới chỉ dừng lại ở 17%.

 

Tốc độ phát triển TMĐT ngày càng mạnh mẽ, điều kiện hạ tầng công nghệ đã dần hoàn thiện, vậy tại sao thanh toán trực tuyến vẫn còn bị vẫn không đủ hấp dẫn với DN?


Ông Trần Trọng Tuyến – Tổng thư ký VECOM lý giải, một trong những cản trở quan trọng nhất là do thói quen dùng tiền mặt đã ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng Việt. Phần lớn họ chưa hiểu biết về các tối ưu mà thanh toán trực tuyến mang lại.

 

Ngoài ra, bảo mật trong thanh toán trực tuyến cũng là vấn đề người tiêu dùng lo ngại khi sử dụng thanh toán trực tuyến trên các trang website.

 

Bàn về vấn đề này, anh Nguyễn Minh Quý - Giám đốc Kỹ thuật Bizweb cho rằng, trong trường hợp hy hữu website bị hacker tấn công, người dùng thanh toán trực tuyến trên website vẫn có thể yên tâm không sợ mất cắp thông tin tài khoản. Bởi website không lưu lại thông tin tài khoản của họ.

 

Bên cạnh đó, an ninh bảo mật của các bên cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cũng đang ngày càng được quan tâm hàng đầu và bảo mật dày đặc hơn.

 

 


DN lớn Việt Nam vẫn thuê xe ôm đi ship hàng


Có thể nói thanh toán trực tuyến là khâu có những bước tiến chậm nhất trong nền TMĐT Việt Nam. Chỉ khi thanh toán trực tuyến phát triển mạnh mẽ, khi ấy TMĐT mới thực sự đi lên một cách trọn vẹn nhất.

 

Thanh toán trực tuyến cần phải đi trước một bước và hướng đến sự hoàn thiện các dịch vụ cả về chất và lượng để các DN khi cần có thể tích hợp, ứng dụng ngay vào trong quá trình kinh doanh của mình.

 

Theo ông Tuyến, tại các nước phát triển, thanh toán trực tuyến chiếm phần lớn trong giao dịch, nhiều nơi không còn nhận tiền mặt, ngay cả người bán hàng rong cũng chuộng thanh toán qua thẻ. Trong khi đó, ở Việt Nam, có DN lớn vẫn thuê xe ôm đi ship hàng.

 

Việt Nam đến bao giờ mới có thể đạt đến “cảnh giới” này?


Theo khảo sát của Fado - sàn thương mại điện tử liên kết với Amazone gần đây, 56% đơn hàng là thanh toán trực tuyến, 35% chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng (trong đó 70% là chuyển khoản bằng hình thức internet banking), còn lại là thanh toán tiền mặt. Trong đó, 100% giao dịch đều được thanh toán trước.

 

Đánh giá về vấn đề này, ông Đạt Phạm, đại diện Fado cho rằng, các ý kiến trên đều công nhận là thanh toán trực tuyến có nhiều ưu điểm và lợi ích nhưng mới chỉ đề cập lợi ích cho người bán hàng chứ chưa đưa ra được lợi ích cho người mua. Trong khi đó, đối tượng cần được khuyến khích kích thích thay đổi thói quen, hành vi lại là người mua.

 

Vì vậy, để thay đổi thói quen người dùng thì người bán cần phải đưa ra chính sách ưu đãi thanh toán trước so với hình thức COD. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải đưa ra những chính sách ưu đãi cụ thể chứ không chỉ là hô hào chủ trương xã hội không dùng tiền mặt.

 

Tại sự kiện Diễn đàn thanh toán điện tử năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng từng nói: “Chúng ta cần có sự phối hợp, kết nối giữa tất cả các bên để có thể hướng tới giảm thanh toán bằng tiền mặt, tạo cơ chế khuyến khích để thanh toán trực tuyến được nhiều người dùng hơn.

 

Qua đó, cần đầu tư các giải pháp công nghệ, giảm chi phí dịch vụ. Quan trọng hơn nữa là tuyên truyền sâu rộng để cộng đồng biết đến, hiểu rõ và sử dụng thành thói quen”.

 

Bắt đầu dùng thử miễn phí 7 ngày Dùng thử miễn phí 7 ngày

Để trải nghiệm phần mềm quản lý bán hàng chuyên nghiệp cùng Sapo

ic1Asset 1
ic1Asset 1