Với bất cứ ai kinh doanh truyền thống, đều quan tâm đến việc đầu tiên là thuê cửa hàng ở đâu? Đặc biệt là những bạn mới bắt đầu buôn bán, các yếu tố cần khi thuê mặt bằng kinh doanh để không bị hớ rất quan trọng. Cùng xem những lưu ý không thể bỏ qua khi thuê mặt bằng là gì nhé.
Mở cửa hàng kinh doanh nếu bạn có sẵn địa điểm chính là một lợi thế rất tốt khi tiếp kiệm được rất nhiều chi phí thuê mặt bằng, từ đó có mức giá dịch vụ, sản phẩm có phần cạnh tranh hơn.
Đối với những chủ shop cần thuê mặt bằng thì việc đi xem, chọn lựa và sửa chữa cửa hàng quả thật là những việc rất đau đầu. Trước khi đi xem một địa điểm tiếp theo, bạn hãy nhớ những lưu ý sau của chúng tôi để có thể chọn thuê cửa hàng ưng ý và phù hợp với tình hình tài chính.
Thời hạn cho thuê cửa hàng
Một đơn vị kinh doanh muốn bắt đầu hòa vốn và thu hồi vốn đầu tư cũng cần ít nhất là 6 tháng. Chưa tính đến với những thị trường cạnh tranh như đồ nội thất, điện tử hay showroom ô tô…thì thời gian thu hồi vốn còn kéo dài hơn rất nhiều.
Vì vậy, điều đầu tiên bạn cần quan tâm chính là thời gian cho thuê cửa hàng cần đủ dài đảm bảo bạn có thể an tâm kinh doanh trong thời gian dài.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn thuê trong thời gian quá dài cũng có thể khiến chủ cửa hàng muốn nâng giá hoặc phá giá hợp đồng.
Bạn có thể ký hợp đồng thuê thuê mặt bằng theo từng mốc thời điểm phù hợp với công việc kinh doanh như 6 tháng, 1 năm sau đó là tái ký cho 3 năm, 5 năm tiếp theo.
Diện tích khi thuê cửa hàng
Một trong những yếu tố hàng đầu được người kinh doanh quan tâm khi đến xem địa điểm cho thuê chính là diện tích mặt bằng. Liệu cửa hàng này có quá nhỏ hay quá to đối với nhu cầu kinh doanh?
Nếu lựa chọn diện tích nhỏ, bạn sẽ khó có thể bố trí và trưng bày được hết các sản phẩm cũng như không có sự thông thoáng cho cửa hàng. Trong trường hợp lựa chọn mặt bằng cho thuê có diện tích rộng, bạn vừa tốn thêm tiền thuê nhà vừa phát sinh thêm các khoản nhập hàng, trang trí, trưng bày để có thể lấp đầy khoảng trống.
Không chỉ vậy, đối với cửa hàng bán hàng hay cung cấp dịch vụ ăn uống, bạn còn cần có khu vực nhà kho rộng rãi hoặc khoảng không để chế biến đồ ăn. Cùng với đó là khu vực vệ sinh tách biệt với cửa hàng hoặc ở gần cửa hàng để không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Hướng thuê cửa hàng như thế nào?
Cửa hàng không chỉ được chọn lựa vì vị trí thuận tiện, tại nơi có nhiều người qua lại mà còn phải hợp với mệnh và cung của chủ cửa hàng. Đây là một phần không thể thiếu trong phong thủy cơ bản đối với người kinh doanh.
Trong đó, dựa vào năm sinh, gia chủ có thể xem hướng dựa vào các mệnh chính là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa Thổ - mỗi mệnh có một hướng tốt khác nhau. Cùng với đó là 8 phi cung như Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài – cũng có hướng tốt hỗ trợ cho công việc kinh doanh khác nhau.
Bạn có thể tham khảo lời tư vấn từ các thầy phong thủy uy tín nhưng đừng quá lún sâu vào những điều mê tín dị đoan để có hướng chọn phù hợp cho cửa hàng của mình.
Giá thuê cửa hàng ra sao?
Giá thuê cửa hàng cũng là một yếu tố quan trọng khi tìm mặt bằng cho thuê. Trước khi quyết định thuê, bạn nên khảo sát giá của các khu vực xung quanh để có thể nắm bắt được thông tin chính xác và dễ dàng thương lượng với chủ nhà.
Để tìm hiểu được thông tin về giá thuê cửa hàng, bạn có thể đến trực tiếp các địa điểm cho thuê để xem và hỏi giá. Ngoài ra, để tiết kiệm thời gian và công sức, bạn có thể tham khảo các bài viết trên các trang web, group, diễn đàn cho thuê mặt bằng hoặc đăng bài "cần thuê mặt bằng kinh doanh" hay "tìm mặt bằng giá rẻ" lên mạng xã hội, sẽ có rất nhiều người cho thuê phản hồi lại bạn.
Thông tin hợp đồng khi thuê cửa hàng
Hợp đồng cho thuê là thủ tục pháp lý cần thiết đối với người thuê và người cho thuê nhà. Tất cả các tranh chấp phát sinh về việc thuê nhà đều được cơ quan nhà nước giải quyết dựa trên những tờ giấy mà 2 bên đã thỏa thuận và đặt bút ký.
Trong bản hợp đồng cho thuê, bạn cần quan tâm đến các thông tin về phía người cho thuê như thông tin cá nhân, tài khoản hay hình thức nhận tiền thuê nhà, thời gian hợp đồng bắt đầu có hiệu lực, ngày thu tiền thuê nhà.
Cùng với đó là các khoản thỏa thuận của 2 bên liên quan đến cửa hàng như hiện trạng khi bàn giao, chủ nhà có cần sửa chữa lại những gì trước khi giao lại cho bạn hay không?
Vì vậy, khi đàm phán, các điều khoản cần được ghi lại chi tiết, rõ ràng và đạt được sự đồng thuận của cả hai bên. Khi trao cửa hàng, nên có ít nhất một người thứ 3 làm chứng. Hợp đồng được in thành văn bản, có đầy đủ chữ ký trong hợp đồng và phụ lục phát sinh, mỗi bên giữ 01 bản để đối chiếu thông tin.
Đảm bảo an ninh khu vực khi thuê cửa hàng
Sẽ thật là thiếu sót nếu bạn bỏ qua yếu tố an ninh tại khu vực quanh cửa hàng mà mình định thuê. Nếu cửa hàng có vỉa hè rộng rãi, đủ để khách hàng để xe máy, bạn có thể bố trí các móc khóa để khóa xe hoặc có nhân viên bảo vệ.
Đừng quên lắp đặt tủ đựng đồ và hệ thống camera an ninh tại trong và ngoài cửa hàng. Bạn có thể hỏi thêm các cửa hàng, hộ gia đình xung quanh cũng như tự tìm hiểu thông tin bằng cách quan sát tình hình an ninh tại khu vực đó.
Để thuê cửa hàng ưng ý không hề đơn giản chút nào, tuy nhiên đây là điều kiện quan trọng để bạn bắt tay vào kinh doanh. Từ những gợi ý trên, hy vọng bạn sẽ chọn được một địa điểm thuê mặt bằng giá rẻ và hợp lý.