Nhiều người nghĩ rằng kinh doanh các mặt hàng liên quan đến điện thoại cần phải chuẩn bị rất nhiều tiền, nhưng thực tế không hẳn là như vậy, chúng tôi đã từng chia sẻ 5 ý tưởng kinh doanh từ điện thoại cho người ít vốn để chứng minh điều này.
Trong đó ý tưởng mở cửa hàng chuyên bán phụ kiện nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc nhất, một số bạn muốn được tư vấn xem có nên kinh doanh nhỏ mặt hàng này hay không. Để giải đáp các thắc mắc, Sapo đã tham khảo, tổng hợp và rút ra một số kết luận để các bạn tham khảo ngay trong bài viết dưới đây.
Những thuận lợi khi kinh doanh nhỏ phụ kiện điện thoại
Là một ý tưởng kinh doanh ít vốn
Hiện nay đa phần các sản phẩm phụ kiện điện thoại đều được nhập theo lô từ Trung Quốc, giá sỉ cực kì rẻ. Ví dụ một miếng dán màn hình chỉ từ 5.000 – 10.000đ, ốp lưng chỉ từ 20.000 – 35.000đ, trong khi đó giá bán thường gấp 5 đến 6 lần. Mà đối với mô hình kinh doanh nhỏ thì đây là điều cực kì quan trọng, giúp bạn tiết kiệm tối đa chi phí khi mới bắt đầu khởi nghiệp.
Nhu cầu của thị trường rất cao
Thực tế một người dùng điện thoại di động thường sắm thêm khá nhiều món phụ kiện đi kèm, như ốp lưng, miếng dán màn hình, bao da, tai nghe, gậy tự sướng,… vì vậy so với điện thoại thì đồ phụ kiện có nhu cầu cao hơn mấy lần.
Ngoài ra mặt hàng này có thời gian sử dụng không dài vì hầu hết đều là đồ Trung Quốc chất lượng kém, qua mấy tháng sẽ bị hư hại và cần phải thay mới nên nguồn thu nhập khá ổn định.
Nguồn hàng phong phú
Nếu kinh doanh điện thoại bạn phải vất vả kiếm nguồn hàng chuẩn, chất lượng, chiết khấu cao thì bán phụ kiện lại cực kì đơn giản, các mối nhập sỉ có rất nhiều. Trong nước thì bạn có thể tìm đến những chợ đầu mối, cửa hàng phụ kiện lớn để lấy buôn.
Nếu muốn nhập số lượng lớn, giá rẻ sát gốc thì sang Thâm Quyến – Quảng Châu Trung Quốc để lựa hàng. Ngoài ra trên mạng cũng xuất hiện nhiều website cho phép đặt sỉ đồ phụ kiện phukiengiabuon.vn, nguonhangiasi.net,…
Những khó khăn cần biết khi kinh doanh phụ kiện điện thoại
Mặc dù có rất nhiều thuận lợi, phù hợp với mô hình kinh doanh nhỏ nhưng bán phụ kiện điện thoại cũng tồn tại không ít khó khăn và thách thức mà bạn cần biết. Dưới đây là ba khó khăn dễ nhận thấy nhất:
Xu hướng tiêu dùng liên tục thay đổi
Phụ kiện điện thoại là sản phẩm để trang trí và làm đẹp, vì vậy việc kinh doanh bị ảnh hưởng rất nhiều bởi xu hướng và trào lưu trên thị trường. Ví dụ một thời gậy tự sướng lên ngôi, giới trẻ đổ xô đi mua các loại gậy ngắn dài khác nhau, nhưng chỉ một thời gian trào lưu lắng xuống chẳng còn mấy ai mua nữa.
Hoặc ví dụ khác là dây xoắn chống rối cho tai cũng tương tự như vậy. Xu hướng thay đổi liên tục từng khiến các chủ cửa hàng phụ kiện lao đao vì lúc thì không còn hàng để bán, lúc lại thừa chẳng ai mua.
Dễ bị tồn đọng hàng
Trong một năm các nhà sản xuất thường cho ra mắt nhiều mẫu điện thoại mới để cạnh tranh với nhau và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Điều này kéo theo sự thay đổi về kiểu dáng, kích thước, thiết kế của những phụ kiện đi kèm, dễ thấy nhất là ốp lưng, sạc điện thoại.
Trong khi mẫu mới liên tục được tung ra thì mẫu cũ không còn nhiều người dùng nữa, nhu cầu mua phụ kiện cũng tụt nhanh chóng khiến cho số lượng hàng tồn tăng lên. Vì vậy bài toán cân đối hàng nhập luôn là vấn đề nan giải với các chủ cửa hàng.
Cạnh tranh cao
Cách đây vài năm, khi điện thoại cảm ứng còn chưa nổi lên thì không có nhiều cửa hàng bán phụ kiện, tình hình kinh doanh rất tốt. Nhưng hiện tại đã khác, thấy lãi cao nên các cửa hàng đua nhau mở ra khiến mức độ cạnh tranh tăng lên.
Theo anh Nguyễn Trường Giang chia sẻ, ngày trước anh mở một cửa hàng bán phụ kiện ở Trương Định, thời gian đầu kiếm ra tiền nhiều nhưng sau có vài người thấy vậy cũng mở ra chặn đầu phố và cuối phố khiến việc làm ăn khó khăn, anh buộc phải chuyển đi nơi khác. Nói vậy để biết nghề này cạnh tranh khốc liệt thế nào, nếu không có chiến lược phù hợp rất dễ bị đối thủ vượt mặt.
Trên đây là những phân tích khách quan của chúng tôi về ý tưởng kinh doanh nhỏ mặt hàng phụ kiện điện thoại, hi vọng sẽ đáng giá để các bạn tham khảo và đưa ra quyết định đúng đắn.