Thượng đế - người tiêu dùng thường vẫn nổi tiếng là khó tính và luôn thay đổi. Tuy nhiên, nếu như biết được “chỗ ngứa” và gãi đúng chỗ thì không có lý do gì để khách hàng từ chối hoặc quay lưng lại với sản phẩm của bạn một cách tàn nhẫn được. Hãy thử nghĩ xem, doanh nghiệp của bạn đã đáp ứng những gì khách hàng ngoài kia mong muốn hay chưa? Giả sử bạn là khách hàng, liệu bạn có điên cuồng mua sắm vì mặt hàng đó đang có chiến dịch giảm giá 90%? Liệu bạn có muốn hàng ngày hàng giờ bị “tra tấn” bởi những thông tin đại loại như: “thương hiệu đẳng cấp”, “sản phẩm cực chất”, “giá giảm cực sốc” hay không?...
Nói vậy thôi, nhưng doanh nghiệp của bạn muốn lọt vào “mắt xanh của Thượng đế” thì cần phải chú ý những giải pháp kinh doanh mà chúng tôi gợi ý sau đây:
1. Phải để Thượng đế biết đến sản phẩm của bạn
Muốn khách hàng biết đến sản phẩm của bạn, thay vì chỉ mở cửa hàng, tạo website bán hàng, bạn cũng phải triển khai các hình thức marketing để quảng bá hình ảnh và sản phẩm của mình đến đông đảo khách hàng. Tuy nhiên, cần phải xem hiệu quả của chiến dịch như thế nào thì mới quyết định xem có nên tiếp tục hay không.
Bằng cách trả lời câu hỏi :
- Bạn có đang gửi thông điệp (message) của mình vào đúng thị trường mục tiêu?
- Nếu đúng, thông điệp đó có gì hấp dẫn khách hàng không? Khách hàng có say mê sản phẩm của bạn không?
Nếu vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng, hãy nhanh chóng tạm dừng bởi trên thực tế thì bạn đang tự đốt tiền của mình vào chiến lược marketing “lạc lối”, thay vì tiếp tục thì hãy dừng lại và tìm kiếm dần cho mình cách làm khác để Thượng đế biết đến sản phẩm của bạn.
2. Cho Thượng đế thấy rõ lợi ích mà sản phẩm đem lại
Bạn nghĩ rằng khách hàng mua sản phẩm chỉ vì một lý do duy nhất : nó rẻ? Nếu bạn nghĩ vậy, tôi xin được bảo rằng bạn đang thực sự sai lầm, giá cả không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả trong chiến lược kinh doanh của bất cứ doanh nghiệp nào.
Vì khách hàng mua hàng luôn là những người khó tính nên lúc nào họ cũng rất tỉnh táo, nhất là trong việc mua sắm. Không bao giờ Thượng đế chịu bỏ 500.000 để mua một chiếc đồng hồ có giá gốc 5 triệu chỉ vì nó rẻ rồi chỉ vứt ở xó nhà. Giá rẻ chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của khách hàng, nhưng ngay lập tức, cái giá đó sẽ bị lấn át bởi những nghi ngờ như : “Sao nó lại rẻ thế ?” “Tôi mua sản phẩm này để làm gì? Nó có lợi gì cho tôi?”.
Trên thực tế thì lợi ích chính là yếu tố giúp một nhãn hiệu tạo ra sự khác biệt so với các nhãn hiệu khác. Chẳng hạn, các loại xe hơi khác nhau thường có những tính năng khác nhau, nhưng những tính năng ấy chỉ thật sự trở nên quan trọng đối với người tiêu dùng nếu chúng đem đến cho họ những lợi ích đặc biệt.
3. Hãy giúp khách hàng cảm nhận được giá trị của sản phẩm
Lợi ích sản phẩm rất quan trọng, nhưng giá trị cảm nhận (perceived value) lại là một câu chuyện khác. Từ những lợi ích mà sản phẩm của bạn mang lại cho khách hàng, hãy tạo ra và giúp khách hàng của mình “cảm” được những giá trị mà bạn đem lại.
Giá trị của sản phẩm – là lý do mà nó tồn tại, là những gì nó mang lại cho người dùng. Vì vậy, cho dù chức năng có khác biệt đến đâu, nếu không có sự đổi mới, sáng tạo trong cốt lõi, sản phẩm của bạn cũng chỉ giống như bao cái khác. Lấy ví dụ: bạn có một sản phẩm chia sẻ ảnh cho phép người dùng drag and drop để đăng tải ảnh cũng không khác là bao so với những trang cho phép chọn ảnh theo cách phổ thông, và bạn sẽ dần chìm vào quên lãng. Chức năng khác biệt không nói lên điều gì cả.
Nhưng nếu cũng sản phẩm đó, bạn cho phép người dùng có thể đăng tải nhiều ảnh một lúc thì nó lại hoàn toàn khác. Lúc này sản phẩm của bạn tạo ra để giúp người dùng tiết kiệm thời gian, đơn giản trong việc đăng tải và chia sẻ. Giá trị cốt lõi của bạn đã khác so với những sản phẩm cùng loại, và chắc chắn, bạn sẽ có một chỗ đứng trong lòng người dùng.
4. Để thượng đế thấy sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của họ
Chúng ta vừa nói về lợi ích và giá trị cảm nhận của sản phẩm, giờ thì hãy tự hỏi, khách hàng mua sản phẩm của bạn để đáp ứng nhu cầu gì trong cuộc sống của họ.
Để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, các doanh nghiệp phải biến đổi các đặc tính của hàng hoá và dịch vụ có phù hợp. Người ta thường nghĩ rằng phục vụ theo yêu cầu khách hàng phát sinh chi phí. Tuy nhiên, các công nghệ sản xuất linh hoạt cho phép có thể sản xuẩt càng nhiều loại sản phẩm hơn trước mà không làm tăng chi phí. Đáp ứng nhu cầu khách hàng có nghĩa là hiểu được khách hàng cần gì, và sản phẩm của bạn đã thực sự làm cho họ cảm thấy thỏa mãn?
Ví dụ, người bán lẻ như Amazon.com đã sử dụng các công nghệ trên cơ sở Web để phát triển một trang chủ cho các cửa hàng của họ phục vụ nhu cầu của mỗi cá nhân. Khi các khách hàng truy cập vào Amazon.com, họ có một danh mục giới thiệu các cuốn sách hay nhạc cho việc mua bán dựa trên một phân tích những gì mà họ đã mua trước đó
5. Sản phẩm của bạn có được tìm kiếm một cách dễ dàng hay không?
Sau một loạt những yếu tố về lợi ích, giá trị, nhu cầu… thì điều cuối cùng để doanh nghiệp dễ dàng lọt vào mắt xanh của Thượng đế chính là để sản phẩm của bạn được tìm kiếm một cách dễ dàng nhất.
Hãy thử tưởng tượng, bạn vô tình nghe nói về một ý tưởng kinh doanh sản phẩm tuyệt vời nào đó và hào hứng lên Google gõ key words, để tìm kiếm. Nhưng đã 10 phút mà bạn chẳng tìm được thông tin gì. Điều chắc chắn là chỉ 1 giờ đồng hồ sau, bạn sẽ quên mất trên thế giới này từng tồn tại một thứ khiến bạn cảm thấy hào hứng đến thế.