Xu thế bán lẻ đa kênh

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm tại một cửa hàng tiện lợi ở H.Thống Nhất. Ảnh: Hải Quân

Phát triển các chuỗi bán lẻ tiện lợi

Hiện nay, bán lẻ đa kênh là xu thế tất yếu của thị trường, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa trực tuyến (online) và trực tiếp (offline). Trong đó, sự xuất hiện của các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini… nằm trong xu thế ngày càng mở cửa của thị trường.

Để có thể phát triển bán lẻ đa kênh, doanh nghiệp cung ứng cần đảm bảo sản phẩm của họ có mặt trên tất cả các kênh bán hàng (mà họ có), phải đồng bộ và được quản lý trên cùng một hệ thống.

Bên cạnh các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, những chuỗi cửa hàng của các doanh nghiệp bán lẻ ngày càng thu hút lượng lớn khách hàng quan tâm, mua sắm trực tiếp bởi những cửa hàng này không chỉ trưng bày hàng hóa đơn thuần mà còn được đầu tư công nghệ, tổ chức nhiều chương trình tiếp thị, giới thiệu xu hướng mua sắm thịnh hành, các cải tiến mới cho người tiêu dùng...

Trên thực tế, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều các doanh nghiệp bán lẻ lớn. Các kênh bán lẻ hiện đại ngày càng “phủ sóng” tại nhiều địa phương, khu vực, từ thành thị đến nông thôn trong tỉnh. Theo Sở Công thương, hiện trên địa bàn tỉnh có 148 chợ, 11 trung tâm thương mại/siêu thị và khoảng 200 cửa hàng tiện lợi thuộc các hệ thống: Bách hóa Xanh, Vinmart+ và Co.opFood đang hoạt động.

Nhiều chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp, thương nhân hướng tới việc phát triển hệ thống bán lẻ, siêu thị, cửa hàng tự chọn là hoạt động nằm trong xu thế ngày càng mở cửa của thị trường, góp phần làm đa dạng thêm các loại hình kinh doanh bán lẻ hàng tiêu dùng, giúp người tiêu dùng có thêm những sự lựa chọn.

Thương mại điện tử “lên ngôi”

Với sự phát triển công nghệ và sự “lên ngôi” của các sàn thương mại điện tử, những doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ nên ứng dụng công nghệ để tận dụng tối đa việc phân tích xu hướng, hành vi mua sắm mới nhất của người tiêu dùng, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường, thúc đẩy mua sắm... Đây được xem là một kênh bán hàng tiềm năng, có nhiều điều kiện phát triển. Do đó, để thích nghi và phát triển, các doanh nghiệp, đơn vị, cửa hàng bán lẻ… cần quan tâm tới việc phát triển các hình thức quảng bá, phân phối sản phẩm trên các website, sàn giao dịch điện tử.

Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam - EBI 2021 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) công bố, ước tính năm 2020 thương mại điện tử của nước ta tăng trưởng khoảng 15% và đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD. Trong năm vừa qua, TP.HCM và Hà Nội tiếp tục là 2 địa phương dẫn đầu toàn quốc về chỉ số thương mại điện tử. Chỉ số thương mại điện tử của Đồng Nai xếp thứ 5 toàn quốc, tăng 1 bậc so với năm trước.

Báo cáo của Vecom chỉ ra rằng, trong năm vừa qua, dưới tác động từ dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã năng động, thích nghi và quan tâm hơn tới kinh doanh trực tuyến. Mặt khác, cộng đồng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tăng nhanh. Kết hợp cả hai yếu tố này dẫn tới nhiều lĩnh vực kinh doanh trực tuyến duy trì được sự ổn định và tăng trưởng tốt, bao gồm bán lẻ hàng hóa trực tuyến, gọi xe và đồ ăn, giải trí trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, thanh toán trực tuyến, đào tạo trực tuyến…

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc phát triển thị trường miền Nam của Công ty CP Công nghệ Sapo - công ty chuyên cung cấp các giải pháp phần mềm quản lý bán hàng, kinh doanh trực tuyến chia sẻ, để nâng cao độ nhận diện trên các sàn thương mại điện tử, các đơn vị, cửa hàng trực tuyến cần lưu ý những tiêu chí như: sản phẩm có chất lượng, phản hồi tốt từ phía khách hàng; sản phẩm có hình ảnh, nội dung quảng bá phù hợp với từng chủ đề kinh doanh, khuyến mãi trong tháng của các trang, sàn thương mại điện tử; các sản phẩm nhận được nhiều lượt tương tác, đánh giá tốt từ khách hàng…

Đối với Đồng Nai, kế hoạch Phát triển thương mại điện tử của tỉnh năm 2021 đề ra mục tiêu phấn đấu tiếp tục giữ vững chỉ số xếp hạng thương mại điện tử của tỉnh nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu trong cả nước, thu hẹp dần khoảng cách giữa các khu vực thành thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh về phát triển thương mại điện tử. Đặc biệt, phấn đấu 35% dân số của tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm (tương đương khoảng 8 triệu đồng/người/năm)...

Bắt đầu dùng thử miễn phí 7 ngày Dùng thử miễn phí 7 ngày

Để trải nghiệm phần mềm quản lý bán hàng chuyên nghiệp cùng Sapo

ic1Asset 1
ic1Asset 1