QĐND - Nếu như trước đây chỉ có doanh nghiệp, siêu thị lớn chú trọng áp dụng phần mềm để quản lý bán hàng thì hiện nay việc này dần trở nên phổ biến với ngay cả các cửa hàng, chuỗi cửa hàng, các hộ kinh doanh bán hàng theo hình thức trực tiếp hay trực tuyến.
Là một người trẻ tuổi, chủ quán cà phê 3 tầng tại phố Linh Lang (quận Ba Đình, TP Hà Nội), anh Ngô Trường Giang nhanh chóng tiếp cận với phần mềm IPOS (Công ty Cổ phần Giải pháp bán hàng thông minh IPOS)-một ứng dụng quản lý bán hàng trong lĩnh vực kinh doanh ẩm thực. Để sử dụng IPOS, anh Giang bỏ ra chi phí ban đầu để mua phần mềm là 8 triệu, mỗi năm mất thêm một triệu đồng phí duy trì dịch vụ.
Anh Giang cho rằng, lợi ích mà phần mềm này đem lại xứng đáng với khoản tiền anh bỏ ra. Tính năng anh thấy hài lòng nhất khi sử dụng là khả năng tự động cập nhật hóa đơn bán hàng, theo dõi doanh thu theo thời gian thông qua điện thoại, thống kê chi tiết những giờ mang lại doanh số cao. Điều này giúp anh có thể quản lý sát sao công việc cho dù không trực tiếp có mặt điều hành và tiết kiệm được khá nhiều thời gian để làm những công việc khác.
Nhân viên bán hàng của Tổng Công ty May 10 kiểm tra thông tin sản phẩm thông qua
tính năng đọc mã vạch trên phần mềm quản lý bán hàng.
Ngoài IPOS, một phần mềm khác hiện cũng đang được nhiều khách hàng lựa chọn đó là nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo (Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo). Ông Trần Trọng Tuyến, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo cho biết: "Tính đến tháng 4-2018, Sapo có hơn 43.000 khách hàng là các doanh nghiệp, cửa hàng. Con số này hiện vẫn đang tăng lên mỗi tháng hơn 1.000 khách hàng đăng ký mới với hơn 20.000 lượt đăng ký dùng thử". Theo đánh giá của người dùng, phần mềm này có một số tính năng mới như đây là phần mềm quản lý và bán hàng đa kênh trên nền tảng mở đầu tiên tại Việt Nam; đồng thời, tích hợp vận chuyển, kiểm soát chi tiết tới từng khâu trong quá trình giao vận. Người dùng có thể lựa chọn đơn vị giao hàng cho từng đơn và quản lý cập nhật lộ trình giao hàng.
Khi tính cạnh tranh ngày càng lớn, việc cải tiến cách thức quản lý kinh doanh là vô cùng cần thiết. Nắm bắt được nhu cầu đó, nhiều phần mềm quản lý bán hàng trên các lĩnh vực như: Ẩm thực, may mặc, trang sức… được đưa ra thị trường như Sapo hay Kiot Viet (Công ty Cổ phần Phần mềm Citigo) hoặc Maybanhang.net (Công ty Cổ phần giải pháp EZ Solution)… Đối tượng được hướng đến là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cửa hàng đơn lẻ, thậm chí là những cá nhân chuyên kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook, Zalo…
Với các giải pháp trên nền tảng điện toán đám mây, sử dụng và trả phí theo nhu cầu, các phần mềm này dễ dàng tiếp cận người dùng với chi phí hợp lý và có thể sử dụng ở bất cứ đâu trên thiết bị thông minh, mà không phụ thuộc vào một máy tính cố định. Thay vì ghi chép trên sổ sách, mọi thao tác từ nhập hàng, bán hàng, in hóa đơn, thống kê doanh số đều được thực hiện trên hệ thống.
Cùng với đó, khả năng cung cấp số liệu nhanh chóng và chính xác lượng hàng tồn kho, báo cáo doanh thu liên tục giúp người quản lý có cái nhìn tổng quan về hoạt động kinh doanh, từ đó, đưa ra chiến lược bán hàng đúng đắn. Các phần mềm bán hàng cũng giúp quản lý nhân sự thông qua việc tạo tại khoản và phân quyền truy cập của nhân viên trên phần mềm. Mọi thao tác của nhân viên sẽ được lưu lại trong lịch sử hệ thống, từ đó biết được nhân viên nào đang làm gì và kiểm soát hóa đơn từng nhân viên tạo ra.
Tuy xu hướng sử dụng phần mềm đang dần trở nên phổ biến nhưng tỷ lệ này vẫn còn chênh lệch khá lớn giữa các thành phố lớn so với tỉnh, thành phố khác. Cụ thể như, có tới 65% khách hàng của Sapo đến từ TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác tỷ lệ sử dụng còn rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ cửa hàng, doanh nghiệp tại một số địa phương chưa hiểu biết đầy đủ về công nghệ điện toán đám mây, e ngại quá trình áp dụng công nghệ phức tạp và lo ngại thêm một khoản chi phí vận hành.