Khi làm kinh doanh bạn phải đối mặt với rất nhiều công việc cần làm như tìm nguồn hàng, vận chuyển, bảo quản kho, tìm kiếm khách hàng… cho đến các hình thức marketing đến các công việc bán hàng, cân đối thu chi. Bạn có thể dùng Excel, nhưng số liệu rời rạc trên các file Excel rất dễ thất lạc và khó sử dụng nếu chưa am hiểu về các hàm tính toán, đó là lý do bạn nên sử dụng phần mềm quản lý bán hàng.
So sánh với các phần mềm khác như Kiot Việt, Maybanhang, Suno thì Sapo tập trung quản lý bán hàng cho lĩnh vực bán lẻ, phù hợp với các shop, cửa hàng, chuỗi cửa hàng bán buôn, bán lẻ các lĩnh vực như thời trang, mỹ phẩm, tạp hóa, thực phẩm, đồ chơi, siêu thị mini, hoa quà tặng, vật liệu xây dựng, sách, đồ mẹ và bé, thuốc…
Ngoài ra, khi sử dụng Sapo, bạn đã có thể cài đặt thêm hàng loạt ứng dụng bổ trợ bán hàng khác như các ứng dụng tích hợp nền tảng website bán hàng (Bizweb, Woocomerce..), các ứng dụng Marketing (Mailchimp, E-SMS...), các ứng dụng vận chuyển (Giao hàng nhanh, Viettel Post...) và hàng loạt ứng dụng để hỗ trợ bán hàng và quản lý khác.
Sapo có giao diện thân thiện và hiện đại, sử dụng kiểu menu dọc dễ xem, tiện theo dõi. Những gì quan trọng đều được hiển thị ra ở trên tab và phía bên trái, còn nội dung sẽ hiển thị chi tiết ở bên phải, rất dễ sử dụng.
Quản lý bán hàng
Sapo phân tách tính năng bán hàng online và bán hàng tại quầy thành 2 phần riêng biệt. Với các phần mềm khác thì hầu hết bán hàng online hay bán hàng tại quầy đều cùng trên 1 màn hình mà thôi. Tính năng này giúp phân biệt bán hàng online và bán hàng tại quầy để có sự phân bổ về nguồn lực chuyên môn cũng như báo cáo riêng biệt về hiệu quả của 2 kênh bán hàng này. Nó cũng giúp đơn giản hóa các nút, dễ thao tác, chuyên biệt tính năng theo từng tính chất bán hàng tại quầy hoặc bán hàng online.
Quy trình xử lý đơn hàng có đầy đủ các trạng thái như đặt hàng, đang giao dịch, hoàn thành, đã hủy... Có thể tự thiết lập riêng, thêm các trạng thái chi tiết hơn theo từng nhu cầu của cửa hàng. Ví dụ bạn muốn thêm các trạng thái đơn hàng khác chỉ cần chọn thêm mới và nhập tên trạng thái mình muốn như đã gọi điện xác nhận, gọi lại sau, đang gói hàng, đã gửi ship… nhằm giúp quản lý đơn hàng chi tiết nhất có thể.
Sapo có thể kết nối với các đơn vị vận chuyển, giúp giảm thiểu tối đa các bước liên hệ, cập nhật trạng thái đơn hàng với các bên vận chuyển, shipper. Thay vì phải gọi hoặc nhập đơn hàng lên hệ thống của bên vận chuyển, khi tạo đơn hàng bạn chọn đơn vị giao hàng là tự động gửi thông báo đến cho đơn vị vận chuyển đó. Bạn chỉ cần chuẩn bị, đóng gói hàng và đợi họ đến lấy hàng đi giao. Trong quá trình giao hàng, họ sẽ tiếp tục cập nhật ngược lại các trạng thái đơn hàng như đã giao hàng thành công, đã hủy, đã chuyển hoàn…. lên hệ thống của Sapo. Cuối tháng bạn sẽ dễ dàng tổng kết phí ship hàng, phí COD và đối soát công nợ với các bên vận chuyển và shipper. Người dùng có thể thiết lập các loại phí giao hàng dựa trên khối lượng hàng hóa hoặc giá trị hàng hóa trong đơn hàng theo như làm việc với các bên dịch vụ chuyển phát.
Hiện tại Sapo đã hợp tác với các bên vận chuyển như Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, Viettel post, Shipchung, Vnpost. Ngoài ra, người bán hàng có thể quản lý được các shipper riêng lẻ thông qua 1 ứng dụng Sapo Shipper.
Quản lý hàng hóa, tồn kho
Sapo giúp quản lý hàng hóa theo từng thuộc tính (màu sắc, cỡ…), quy cách đóng gói (thùng, lon, hộp, chiếc…), trạng thái chi tiết của sản phẩm (đang giao dịch, đang trong đơn đặt, đang nhập hàng về, đang tồn kho, ngừng giao dịch,..), theo nhóm loại hàng hóa. Ngoài ra, người dùng cũng có thể tạo các combo sản phẩm, ví dụ như giỏ quà Tết hay combo mỹ phẩm khuyến mại…
Quản lý thu chi, dòng tiền
Về tính năng nghiệp vụ này, Sapo cũng có nhiều lợi thế hơn so với một số phần mềm khác. Bên cạnh danh sách các phiếu thu, chi, loại phiếu thu, chi, Sapo phân tích luôn dòng tiền theo nhiều góc nhìn khác nhau, có biểu đồ thể hiện trực quan như dòng tiền theo chi nhánh, phương thức thanh toán, loại phiếu thu chi… giúp người dùng có thể biết được dòng tiền biến động ra sao theo các bộ lọc báo cáo như thời gian, chi nhánh, nhân viên, loại phiếu, phương thức thanh toán, tag…
Quản lý khách hàng, nhân viên
Như đã đề cập, Sapo cho phép quản lý thông tin khách hàng theo các thông tin như mã khách hàng, họ tên, nhóm khách hàng, lịch sử mua hàng, công nợ, giới tính, email, số điện thoại, địa chỉ, trạng thái… và nhiều thông tin khác. Người dùng có thể tạo ra các nhóm khách hàng khác nhau để áp dụng giá, chế độ khác nhau ví dụ như khách VIP, khách lẻ, khách buôn…
Về quản lý nhân viên, chủ shop có thể tạo ra các tài khoản riêng biệt cho từng nhân viên và phân quyền các tính năng nhân viên có thể truy cập và mọi lịch sử thao tác của nhân viên đều được ghi nhận tại phần mềm giúp chủ shop quản lý dễ dàng. Ngoài ra, các báo cáo so sánh với từng nhân viên theo những thời kỳ khác nhau cũng là điểm đáng được khen ngợi ở phần mềm quản lý bán hàng Sapo.
Quản lý trên mobile
Sapo có hẳn một ứng dụng để bạn tiện quản lý bán hàng ngay trên smartphone, ứng dụng tích hợp các tính năng tương tự như bản web có thể vừa bán hàng vừa quản lý trên đó. Ngoài ra Sapo còn có thêm một ứng dụng nữa dành cho các shipper của cửa hàng (Sapo Shipper) để kết nối quản lý shipper. Báo cáo trên mobile cũng hiển thị biểu đồ rất trực quan, dễ nhìn, có cả số liệu so sánh với kỳ trước ngay phía dưới để nhìn được luôn là tăng hay giảm bao nhiêu…
Vậy phần mềm Sapo dùng có tốt không? Bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm dùng thử miễn phí trong 15 ngày để đánh giá Sapo có phù hợp với mình hay không. Với những cửa hàng đang định hướng phát triển toàn diện, từ online kết hợp với bán hàng tại cửa hàng thì nên lựa chọn những phần mềm quản lý bán hàng có thể quản lý đa kênh, nhận được các báo cáo đa kênh chi tiết và cần thiết phải tách bạch được từng kênh online và offline tại cửa hàng để đo lường và đưa ra quyết định.
Theo Vnreview