Ngành ẩm thực, đồ uống và khách sạn đang chịu lực đẩy phát triển lớn từ nhu cầu du lịch nội địa, du lịch quốc tế và làn sóng đầu tư cao tại Việt Nam.
Ngành tiềm năng tại Châu Á Thái Bình Dương
Theo hãng phân tích Euromonitor năm 2018, Châu Á Thái Bình Dương là khu vực sản xuất thực phẩm, đồ uống và thuốc lá lớn nhất thế giới và được dự báo có tốc độ tăng trưởng kép CAGR 4,5% trong giai đoạn 2016-2025. Khu vực này cũng sẽ tiếp tục dẫn đầu trong việc sản xuất dầu thực vật, các sản phẩm ngũ cốc và các mặt hàng như đường, cà phê, trà và gia vị.
Euromonitor cũng dự báo dân số Châu Á Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng CAGR 0,8% trong giai đoạn 2016-2025 và đạt 4,4 tỷ người. Đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu đối với ngành thực phẩm và đồ uống (F&B). Bên cạnh Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan và Indonesia, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho ngành F&B trong khu vực với tốc độ tăng trưởng dân số và thu nhập trung bình tiềm năng.
Phát biểu trong buổi giới thiệu triển lãm quốc tế lần thứ 10 về cung ứng thiết bị và dịch vụ trong ngành F&B hồi tháng 3, ông BT Tee, Tổng giám đốc Công ty UBM VES, nhận định ngành ẩm thực, đồ uống và khách sạn đang chịu lực đẩy phát triển lớn từ nhu cầu du lịch nội địa, du lịch quốc tế và làn sóng đầu tư cao tại Việt Nam.
Đồng quan điểm, bà Châu Tiểu Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư trang thiết bị Ánh Dương (Sunshine Equipment) cũng cho rằng, ngành ẩm thực và đồ uống ở Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và cơ hội, đặc biệt từ làn sóng đầu tư nước ngoài.
"Các nhà đầu tư đến Việt Nam đều nghĩ nơi đây sẽ mang lại cơ hội đầu tư tốt cho họ. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt lại có cơ hội thử sức ở những sản phẩm mới trước bối cảnh thị trường F&B đang khá mở như hiện nay", bà Ngọc cho biết.
Cạnh tranh khốc liệt
Tuy nhiên, Giám đốc Sunshine Equipment cũng thừa nhận, ngành F&B của Việt Nam đang bị cạnh tranh khá khốc liệt bởi chính các đơn vị nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, nội tại của ngành này cũng gặp không ít khó khăn, cụ thể là khó khăn về nhân sự và cách suy nghĩ đúng ở giai đoạn sơ khai ban đầu.
"Người trẻ khởi nghiệp càng phải cẩn thận vì thị trường F&B cạnh tranh rất khốc liệt. Chưa có nước nào nhiều F&B như Việt Nam, thị trường lớn nhưng cạnh tranh lại là "đại dương đỏ", ông Lý Quý Trung- nhà sáng lập thương hiệu Phở 24 cũng có nhận định tương đồng trong một buổi hội thảo hồi tháng 5.
Sau rất nhiều lần thất bại trên con đường khởi nghiệp, ông Lý Quý Trung cho rằng: Trong kinh doanh, đặc biệt kinh doanh ở lĩnh vực F&B, cuối ngày cộng sổ mới biết lời hay lỗ. Không phải cứ thấy quán người khác đông là nôn nao "nhảy" vào làm. Quán đông nhưng chưa chắc đã lời. Lời hay lỗ chỉ ông chủ mới biết.
Những thất bại được xem là đau đớn và tiêu tốn rất nhiều tiền của của vị doanh nhân này cũng là bài học chung cho những ai muốn dấn thân vào nghề từ vấn đề về thu chi, mô hình kinh doanh, nghiên cứu thị trường, chọn mặt bằng hay địa điểm.
Lấy ví dụ về thu không đủ bù chi, ông Trung dẫn chứng năm 1996 ông Trung khởi nghiệp mô hình quán bar Jazz Club và phải sang quán vào năm 1999, đồng thời đem hết tài sản cá nhân trả nợ cho bar này trong vòng 3 năm. Lý do, xây dựng mô hình quán bar nhỏ nhưng chi phí đầu tư quá cao. Trong khi bản thân không nắm kỹ và tính toán số lượng khách vào ra, tiêu xài đầu người bao nhiêu. Kết quả tổng doanh thu không bù lại chi phí chi ra.
"Tất cả đều liên quan đến sơ suất của mình, những điều mình đã biết vẫn có thể sai. Kinh doanh F&B chỉ cần bất cẩn một cái là rất dễ thất bại", ông Trung cho hay.
Tất nhiên sau hơn 20 năm, những sơ suất này đã được giải quyết bằng công nghệ. Startup Sapo chuyên về công nghệ phần mềm, quản lý bán hàng mới đây cũng nhanh chóng ra mắt mảng mới có tên Sapo FnB. Đơn vị này cho biết toàn bộ nghiệp vụ của nhà hàng từ xếp bàn, gọi món, chế biến đến thanh toán quản lý toàn bộ cửa hàng từ tồn kho nguyên vật liệu, thu- chi, nhân viên đến báo cáo bán hàng sẽ được quản lý dễ dàng. Startup này cho biết sẽ nhắm tới các quán cà phê, nhà hàng, trà sữa, tiệm bánh,… đồng thời đảm bảo đơn giản, dễ sử dụng, không cần tài liệu hướng dẫn và vận hành chỉ trong vòng 15 phút.
Thảo Nguyên
Theo trí thức trẻ - Cafebiz