Thay đổi cơ bản các ngành thương mại điện tử, tài chính ngân hàng
Sau 20 năm chính thức vào Việt Nam, đến nay, Internet đã tác động sâu sắc tới nhiều ngành kinh tế trong đó đặc biệt là các ngành tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, giao thông vận tải…, làm thay đổi căn bản hoạt động cũng như cơ cấu doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh.
Ở Việt Nam, Internet đã nhanh chóng phổ cập và trở thành một hạ tầng không thế thiếu của xã hội, giúp Việt Nam không bị tụt hậu. Sức lan tỏa của internet ở nước ta rất mạnh mẽ trong 20 năm qua. Hầu hết lĩnh vực nào cũng có sự góp mặt của Internet. Hiện nay, Internet không chỉ là một ngành mà đã trở thành một hạ tầng mới của xã hội, ngoài điện- đường- trường- trạm. Nhiều ngành kinh tế xã hội hiện nay đã và đang phải phụ thuộc sâu sắc, thậm chí hoàn toàn vào mạng Internet, CNTT. Điển hình nhất là lĩnh vực tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, hàng không…
Từ thương mại truyền thống tới bùng nổ kinh doanh online
Hiện nay nước ta có hơn 50% dân số sử dụng internet, lọt top các quốc gia có số lượng người dùng lớn nhất Châu Á, cơ sở hạ tầng về mạng internet, mạng điện thoại 3G, 4G hầu hết đã được phủ sóng rộng khắp cả nước, ngay cả những nơi miền núi, hải đảo.... Internet đã và đang làm thay đổi thói quen sống, làm việc và ngay cả thói quen kinh doanh, mua sắm của người dân Việt.
Internet đã và đang làm thay đổi chóng mặt cuộc chơi trên thương trường thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Thực tế, có những doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức truyền thống đã phải mất rất nhiều thời gian để có được một “cơ ngơi” như hiện tại. Nhưng với các doanh nghiệp online thì họ có điều kiện tốt hơn để chỉ mất ít thời gian hơn mà vẫn đạt được kết quả tương tự. Điều đó khiến những doanh nghiệp đi lên từ kinh doanh truyền thống đã phải sớm nhận ra nguy cơ thụt lùi nếu không biết cách tận dụng Internet nên họ sẽ phải uốn mình thích nghi và phù hợp với xu hướng kinh doanh số thời đại Internet bùng nổ.
Đánh giá về sự đóng góp của Internet với kinh tế, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Nextech khẳng định, Internet đã trở thành công cụ không thể thiếu với ngành thương mại. Các DN bán buôn hiện nay đã thường xuyên lên mạng để tìm kiếm nguồn hàng. Sự hiện diện online đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong các DN. Với nhiều người tiêu dùng trước khi mua sắm, ăn uống, du lịch…thường tìm kiếm thông tin trên mạng hay smartphone. Internet đã thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang mua sắm online.
Theo các chuyên gia thương mại điện tử, chưa bao giờ kinh doanh online lại phát triển như hiện nay. Doanh số thương mại điện tử bán lẻ giữa các công ty và người tiêu dùng của Việt Nam năm 2016 đã vượt mức 5 tỷ USD, chiếm trên 3% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Cũng theo một khảo sát của CPA Australia công bố đầu năm 2017, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực và đặc biệt, thể hiện tốt trên phương diện nắm bắt các cơ hội trong nền kinh tế kỹ thuật số với 86% người được hỏi cho biết họ kiếm doanh thu từ bán hàng online, trong đó 92% sử dụng truyền thông xã hội vì mục đích kinh doanh.
Ông Trần Trọng Tuyến - CEO Công ty CP Công nghệ DKT, Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, nếu như không có Internet, người kinh doanh không có nhiều sự lựa chọn để khởi nghiệp. Họ buộc phải lựa chọn kinh doanh truyền thống, tiếp thị theo cách truyền thống như truyền miệng, phát tờ rơi. Họ cũng không có nhiều cơ hội tiếp cận với các nguồn hàng đa dạng khác nhau. Tuy nhiên, với Internet, các chủ shop có thêm nhiều lựa chọn để bắt đầu hơn. Họ có thể chỉ bán hàng online với số vốn rất tiết kiệm hoặc kết hợp cả online và offline để tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Họ có thể bán hàng trên nhiều kênh khác nhau như website, mạng xã hội, sàn giao dịch TMĐT, diễn đàn…. Các DN cũng có thể tận dụng các công cụ tiếp thị online đa dạng như SEO, Google Adword, Facebook ads, Zalo Ads,...để tiếp cận rộng, nhanh hơn rất nhiều so với những cách thức truyền thống. Và họ chỉ cần ngồi tại nhà cũng có thể tiếp cận được với khách hàng, đối tác, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh. Và còn rất nhiều những lợi ích khác mở ra khi có internet. “Có Internet, việc quản lý cửa hàng và theo dõi tiến trình, hiệu quả kinh doanh cũng trở nên đơn giản hơn. Mọi thứ được lập trình sẵn sàng với những phần mềm quản lý bán hàng đa kênh, online. Chủ shop có thể điều phối, quản lý toàn bộ những gì liên quan tới cửa hàng của mình khi không có mặt tại cửa hàng chỉ bằng một chiếc điện thoại”, ông Tuyến nói.
Cũng theo các chuyên gia, không chỉ có ý nghĩa cho kinh doanh trong nước mà Internet đã đóng góp cho sự kết nối, thông thương của Việt Nam với thế giới bên ngoài. Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tại các DN xuất nhập khẩu, có tới 32% DN đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài qua kênh trực tuyến, 11% tham gia các sàn thương mại điện tử và 49% có website.
Thay đổi cách thức giao dịch thanh toán và giao thông vận tải
Không chỉ trong lĩnh vực thương mại, kinh doanh buôn bán, sự xuất hiện của Internet và các công nghệ mới đã làm thay đổi và tác động sâu sắc tới hoạt động của nhiều ngành kinh tế khác. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho rằng, với nền kinh tế, Internet có những tác động mạnh mẽ trong các ngành tài chính, ngân hàng. Thanh toán trực tuyến và các giao dịch tài chính được thực hiện bởi Internet. Qua đó, bạn được đảm bảo rằng tiền của bạn là an toàn và thanh toán trở nên dễ dàng, nhanh chóng và ít thủ thục rắc rối. Nếu như trước đây, các giao dịch trước có thể mất 1 đến vài ngày thì nay được xử lý chỉ trong 1 vài giây nhờ Internet.
Còn theo ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Nextech, đối với ngành tài chính ngân hàng, sự ra đời của các công ty công nghệ tài chính ngân hàng (Fintech) đã góp phần tác động mạnh mẽ làm thay đổi ngành trở nên dễ dàng, thân thiện hơn. Nếu như trước đây, mỗi khi thanh toán sẽ phải ra các ngân hàng chuyển khoản, ký ủy nhiệm chi… thì nay đã được thực hiện trên môi trường mạng với Internet banking, mobile banking. Việc thanh toán các chi phí cũng trở nên thuận lợi và dễ dang hơn trên các công cụ online. Ông Bình cho rằng, ở Việt Nam hiện nay đang có sự chớm bùng nổ của Fintech, thương mại điện tử.
Chia sẻ tại hội thảo về cơ hội thách thức từ cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trước đó, các chuyên gia cho biết, trong ngành tài chính ngân hàng, hiện nay đã có khoảng 46-47% khách hàng đã tiếp cận với digital banking– ngân hàng số (qua internet, mobile…).
Cùng với ngành tài chính ngân hàng và thương mại điện tử, Internet cũng đã tác động sâu sắc tới ngành giao thông vận tải. Một ngành truyền thống với bộ đàm, máy tính tiền công tơ mét… thì nay, với sự xuất hiện của các công ty công nghệ như Uber, Grab… đã làm thay đổi nhanh chóng ngành giao thông. Ở Việt Nam, chưa có DN thương mại truyền thống nào bị tiêu diệt bởi thương mại điện tử. Fintech cũng chưa gây khó cho ngân hàng tới mức phá sản. Tuy nhiên, với ngành vận tải, các hãng taxi đã bị ảnh hưởng nặng nề, giảm nguồn thu bởi sự cạnh tranh từ các công ty công nghệ vận tải. Nếu tình trạng này tiếp diễn, chỉ trong vài năm tới, sẽ có những hãng taxi phá sản.
Các chuyên gia khẳng định, Internet, chuyển đổi số sẽ tác động sâu sắc đến tất cả mọi ngành nghề, lĩnh vực. Do Internet là không biên giới, không có yếu tố rào cản địa phương nên hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé” sẽ rất dễ xảy ra. Việc toàn cầu hóa sẽ bao gồm cả sự tích cực và tiêu cực. Bên cạnh những tiện ích mang lại cho cuộc sống thì trong cuộc chơi toàn cầu hóa sẽ xảy ra tình trạng tiêu diệt DN địa phương. Do đó, các DN cần phải nhận thức điều này để có giải pháp, cách đi riêng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Thực tế hiện nay, còn nhiều DN chưa tận dụng hết cơ hội mà Internet mang lại.
Tại ngày Internet vừa diễn ra, các chuyên gia nhấn mạnh, Internet không còn bó hẹp trong nội dung số, với khả năng tác động 2– 3% GDP. Thay vào đó, Internet đã không thể tách rời với các ngành thương mại dịch vụ như ngân hàng, giao thông, y tế… với khả năng tác động tới 40 – 50% GDP Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam nên cân nhắc lựa chọn những ngành dịch vụ mới, có nhiều tiềm năng, như thanh toán, Smart City, Smart Solutions, IoT... để đầu tư, đón đầu xu hướng thế giới. Theo ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT VNG, trong 10 năm tới, sự thay đổi internet, nội dung số sẽ ảnh hưởng tới 40-50% GDP.
Chia sẻ thêm từ các chuyên gia:
Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty CP Công nghệ DKT, Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam phát biểu: "Trong 20 năm qua, mọi người đều thấy Internet đã có vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc đổi mới và phát triển không chỉ riêng nền Kinh tế Việt Nam mà còn tác động rất lớn tới nhiều lĩnh vực khác nữa. Tôi không thể tưởng tượng được hiện tại nếu không còn internet nữa thì sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp phải đóng cửa, bao nhiêu doanh nghiệp bị “tắc nghẽn” trì trệ, bao nhiêu con người bị thất nghiệp, bao nhiêu mối quan hệ, sự kết nối bị “lãng quên”..."
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Nextech Group chia sẻ: "Từ 2 năm trước, tôi đã đến gặp nhiều hãng taxi để trình bày, chỉ ra các nguy cơ của các công nghệ vận tải mới và đề xuất các hãng liên minh lại, xây dựng app chung nhưng không ai nghe. Đến nay, khi chịu cạnh tranh bởi các công ty công nghệ, các hãng taxi nhận thức được nguy cơ thì lại làm sai, tư duy sai khi đồng loạt lập app, dẫn đến tình trạng loạn app mà không hiệu quả."
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT đánh giá: "Kỹ sư Việt Nam được ghi nhận thông thạo về internet. Việt Nam được ghi nhận trên bản đồ số của thế giới. Năm 2016, Hà Nội và TP.HCM được đánh giá là 2 thành phố năng động nhất trong 10 thành phố của thế giới. Các kết quả này chắc chắn có được nhờ vai trò của internet, vai trò của sáng tạo khởi nghiệp."
Thời báo Kinh tế Việt Nam