Nhiều DN mất một lượng doanh thu vì chưa biết cách cải thiện trải nghiệm mua sắm tốt hơn và tối ưu chuyển đổi trên nền tảng điện thoại di động.
Vướng dịch chuyển lên di động
Thương mại trên di động (m-ecommerce) được xem là xu thế của kinh doanh và tiêu dùng trực tuyến nhưng doanh nghiệp (DN) còn đang lúng túng trong quá trình chuyển đổi, làm sao hiểu đúng và làm chuẩn để đáp ứng trải nghiệm khách hàng và tăng doanh số?
Ông Nguyễn Văn Thanh - một chủ DN trẻ có kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), nhưng ông cho biết lâu nay dù nhận thấy bán hàng trên ứng dụng di động (mobile app) là xu hướng tất yếu nhưng DN ông vẫn còn lúng túng, chưa sẵn sàng để dịch chuyển lên môi trường di động.
Làm sao xây dựng ứng dụng (app) tốt, lên đơn hàng, quản lý, tiếp thị để khách hàng nhận biết, tải app về để mua hàng? Đó là thắc mắc của ông Thanh cũng như nhiều DN khác tại sự kiện Mobile Ecommerce Day 2018, khi họ đang loay hoay tìm cách đa dạng kênh bán hàng và mở rộng tiếp cận người dùng.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và vận hành mobile app để tăng doanh số, ông Hoàng Xuân - Giám đốc Cocolive cho biết để giảm chi phí vận hành, DN có thể chuyển đổi các website sẵn có sang app, chú trọng các tính năng phù hợp với lớp khách hàng của mình.
Tuy nhiên, không thể kỳ vọng ngay lập tức có đơn hàng mà phải có tác động nhất định. Các DN lớn đã bắt kịp xu hướng tiếp thị thông qua mạng lưới những người nổi tiếng có cả triệu lượt người theo dõi với chi phí đăng mỗi bài trăm triệu đồng, còn DN nhỏ thiếu kinh phí cần biết các "mẹo" để tăng độ phủ sóng nhưng tiết kiệm được chi phí.
Chẳng hạn dùng công cụ hỗ trợ như SEO (tối ưu hóa tìm kiếm) từ khóa ít nhất trong 2 - 3 tháng, lấy Google làm chuẩn từ khóa để có thể đưa thông tin hiển thị khi khách hàng tìm kiếm. Hoặc khi đưa hàng lên các sàn TMĐT như Lazada, Shopee, Sendo... luôn kèm theo đường dẫn giới thiệu, khuyến khích tải app trải nghiệm để tạo thói quen...
"Giá trị lớn nhất của kênh mobile là chăm sóc khách hàng mọi lúc mọi nơi, dễ dàng tạo hiệu ứng đám đông, chủ động kênh phân phối và tư vấn, đồng thời tiết kiệm nhiều chi phí như in ấn tờ rơi, poster hay catalogue", ông Hoàng Xuân chia sẻ.
Tương tự, chuyên gia về SEO Đỗ Anh Việt cho biết, để thiết kế nội dung tối ưu hóa được việc chuyển đổi các website bán hàng, cần lựa chọn các cụm từ khóa đúng để tăng cơ hội hiển thị. DN cần chú trọng cách tạo dựng nội dung phù hợp với các xu hướng và được người dùng ưa thích tìm kiếm, đó là cơ hội xuất hiện trên Google.
Theo ông Trần Trọng Tuyến - CEO Sapo, nếu nền tảng thanh toán trên mobile làm tốt hơn nữa sẽ thúc đẩy sự dịch chuyển của khách hàng trên kênh mua sắm qua di động. Nhiều DN mất một lượng doanh thu vì chưa biết cách cải thiện trải nghiệm mua sắm tốt hơn và tối ưu chuyển đổi trên nền tảng này.
Cá nhân hóa nhu cầu trên di động
Bà Lê Hoàng Vy - Giám đốc Học viện Lazada Việt Nam đưa ra số liệu từ đầu năm 2018 đến nay, lượt mua sắm qua ứng dụng mobile của Lazada tăng 60% và chiếm 70% tổng đơn hàng của Lazada.Cá nhân hóa nhu cầu trên di động
Theo bà Vy, để thu hút người dùng, ứng dụng phải được đầu tư công nghệ theo xu hướng cá nhân hóa và tăng tính tương tác, đồng thời liên tục tung ra mã khuyến mãi để tiếp cận khách hàng. Đối với người bán hàng, Lazada đưa ra nhiều công cụ để hỗ trợ họ tiếp cận người mua như công cụ thiết kế gian hàng, mã giảm giá, hỗ trợ phản hồi nhanh...
Tuy nhiên, các DN nhỏ không dễ chuyển đổi thành công như Lazada. Năm 2017, dịch vụ dữ liệu di động chiếm đến 37% thị phần của 6,9 tỷ USD doanh thu dịch vụ viễn thông Việt Nam, người dùng có xu hướng ngày càng phụ thuộc vào các thiết bị di động với muôn hình vạn trạng dịch vụ trực tuyến.
Thế nhưng không dễ thành công khi bán hàng trên kênh di động vì số liệu cho thấy 60% người Việt có dùng smartphone để mua sắm, cao gấp 2 lần so với sử dụng laptop hay máy tính bàn. Tuy nhiên, tỷ lệ mua hàng trên máy tính cao gấp 1,7 lần so với trên thiết bị di động và giá trị mua hàng trên máy tính cũng cao hơn từ 8 - 20%.
Theo bà Huỳnh Bích Trân - Phó giám đốc Nielsen Vietnam, mức độ phụ thuộc vào các thiết bị thông minh của người dùng ngày càng cao. Chân dung người tiêu dùng kết nối theo khảo sát của Nielsen gồm: 77% sẽ đọc đánh giá và phản hồi về sản phẩm, 73% sẽ kiểm tra ưu đãi, 70% sẽ kiểm tra danh tiếng và chất lượng thương hiệu. Đặc biệt đối với người tiêu dùng thuộc thế hệ Z, là lớp tiêu dùng tương lai tại Việt Nam, ước tính đến năm 2025 sẽ có 14,7 triệu người đạt độ tuổi 20 - 29 và đóng góp 21% nhân lực cho thị trường lao động.
Theo bà Trân, thiết bị di động cần được sử dụng làm công cụ xây dựng thương hiệu, nhất là tiếp cận lớp trẻ năng động. Ước tính người dùng chỉ có 1,7 giây trên thiết bị di động so với 2,5 giây trên máy tính bàn, vì vậy đòi hỏi đơn giản hóa trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Sử dụng thiết bị di động để cải thiện khả năng kênh xây dựng thương hiệu, như một đơn kênh hay kết hợp với các kênh quảng cáo khác để tăng chất lượng nội dung tiếp thị.
Bà Trân lưu ý, kênh di động cần được sử dụng như một công cụ xây dựng lòng trung thành với các hoạt động như cung cấp thẻ và quà tặng khách hàng thân thiết, bổ sung các sự kiện trực tiếp, cung cấp giá trị gia tăng... Đây cũng là một công cụ bán hàng nếu biết tận dụng các phiếu mua hàng trên thiết bị di động có thể được phân phối tới người tiêu dùng dựa trên vị trí để thúc đẩy họ đến cửa hàng.
"Thế mạnh của thiết bị di động là độ phủ, vị trí, kết nối và công nghệ tinh vi được tích hợp trong điện thoại, vì vậy hãy kể câu chuyện một cách trực quan đến người dùng. Ứng dụng di động chính là công cụ mang đến nhiều cơ hội cho tiếp thị di động nhằm nâng cao trải nghiệm thương hiệu, với nguồn chi phí đầu tư hợp lý nhưng có thể đạt được phạm vi tiếp cận khổng lồ”, bà Trân chia sẻ.
Theo Doanh nhân Sài Gòn