97% chủ cửa hàng mở bán lẻ đa kênh

Khảo sát toàn cảnh kinh doanh 2018 do nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo thực hiện với hơn 5.000 chủ cửa hàng bán lẻ, cho thấy có đến 97% cửa hàng trong năm qua bắt đầu thực hiện đa kênh bán hàng.


Báo cáo được nền tảng Sapo thực hiện thường niên kể từ năm 2015, trong những năm qua cho thấy có xu hướng nổi lên nhưng có những xu hướng đã bị tàn dần. Năm 2018 xu hướng bán hàng đa kênh nổi lên rõ nét, đến 97% chủ shop cho biết đang bán hàng từ 2 kênh trở lên, trong đó có tới 54% cửa hàng bán tối thiểu trên 5 kênh khác nhau. Hơn 39% chủ shop cho biết doanh thu từ các kênh online chiếm hơn 50% tổng doanh thu bán hàng trong năm.

Xét về mức độ được sử dụng, tốp 5 kênh bán hàng được sử dụng phổ biến nhất lần lượt là Facebook với 87%; kênh website là 82%; cửa hàng trực tiếp là 80%; đại lý/cộng tác viên với 60% và các sàn giao dịch thương mại điện tử là 58%.

Facebook tiếp tục là kênh đứng đầu về hiệu quả với 97% chủ shop cho biết kênh này mang lại hiệu quả cao nhất cho họ - cao hơn cả kênh bán ngay tại cửa hàng là 86%; đại lý/cộng tác viên là 85% và website là 83%.

Kênh nổi lên trong năm nay là đặt cửa hàng trên các sàn thương mại điện tử, năm 2018 có đến 73% chủ shop đánh giá kênh này hiệu quả, tăng gấp 2,5 lần so với tỷ lệ chỉ 27% của năm 2015.

Về chi phí tiếp thị quảng cáo, năm qua trung bình mỗi chủ shop chi khoảng 10,4 triệu đồng/tháng để quảng cáo - tăng hơn 1 triệu đồng mức năm 2017. Ngân sách tiếp thị trung bình của một cửa hàng có mức cao nhất là 88 triệu đồng/năm; trên website là 79,2 triệu đồng; Facebook với 75,2 triệu đồng và sàn thương mại điện tử là 58,5 triệu.

Zalo cũng là kênh nổi lên về hiệu quả tiếp thị nhờ tính năng chat và tư vấn trực tiếp cho khách hàng nên được nhiều chủ shop sử dụng, trở thành kênh tiếp thị được 55% cửa hàng có sử dụng đánh giá hiệu quả cao nhất; tiếp sau là kênh đăng bài trên các diễn đàn rao vặt (54%) và phát tờ rơi là 51,5%.

Về tổng thể doanh thu trung bình của các cửa hàng từ 1,2 tỷ đồng của năm trước tăng lên 1,5 tỷ đồng năm nay, tuy nhiên các nhà bán hàng cho biết năm 2018 khó khăn hơn những năm trước, với gần 36% chia sẻ kết quả kinh doanh năm qua không có sự tăng trưởng.

Có tới 44% cửa hàng hoạt động đa kênh trên 3 năm cho biết họ không có tăng trưởng hoặc tình hình kinh doanh tệ hơn năm ngoái, trong khi tỷ lệ này ở các cửa hàng dưới 3 năm chỉ chiếm 30%. Cũng có đến 45% cửa hàng có doanh thu giảm so với năm trước đã kinh doanh trên 5 năm.

"Đa số các cửa hàng có tỷ lệ tăng trưởng mạnh trong vài năm đầu nhưng lại khó giữ được tốc độ từ năm thứ 3, điều này cho thấy đổi mới liên tục để tăng trưởng là thách thức của các chủ cửa hàng trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay", khảo sát kết luận.

Theo Forbesvietnam

Bắt đầu dùng thử miễn phí 7 ngày Dùng thử miễn phí 7 ngày

Để trải nghiệm phần mềm quản lý bán hàng chuyên nghiệp cùng Sapo

ic1Asset 1