130 tỷ USD – thị trường bán lẻ Việt đạt thành quả bất ngờ

Khép lại năm 2017, doanh thu thị trường bán lẻ trong nước đạt gần 130 tỉ đô la Mỹ. Đây là kết quả kỷ lục và vượt xa những dự báo của các công ty tư vấn quốc tế. Con số này được dự báo sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn nhưng kèm theo đó là sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Dấu Ấn 130 Tỉ Đô La

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thị trường bán lẻ hàng hóa trong nước năm 2017 ước đạt 2.937.300 tỉ đồng (khoảng 129,56 tỉ đô la Mỹ), tăng 10,9% so với năm 2016. Đây là mức tăng khá cao so với năm 2016 (đạt khoảng 118 tỉ đô la, tăng 10,2% so với năm 2015) và năm 2015 (110 tỉ đô la, tăng 10,6% so với năm 2014). Điều đáng chú ý là doanh số của thị trường rất khả quan nếu so với những dự báo của các công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường. Trước đây Deloitte và Statista đã dự báo thị trường bán lẻ Việt Nam đến năm 2016 mới đạt được 100 tỉ đô la; và theo Deloitte, đến năm 2017 là 109 tỉ đô la.

Còn theo khảo sát mà hãng tư vấn Mỹ A.T. Kearney công bố, năm 2017, Việt Nam đã tăng năm bậc, lên vị trí thứ sáu trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI), trở thành một trong sáu thị trường bán lẻ hấp dẫn chỉ sau các thị trường lớn: Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE). Một trong những nguyên nhân được cho là do Luật Đầu tư thông thoáng đã góp phần gia tăng sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà bán lẻ nước ngoài. Theo ông Soon Ghee Chua, Trưởng khu vực Đông Nam Á của A.T. Kearney, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển hướng sang các doanh nghiệp tư nhân và các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, được kỳ vọng ​​sẽ giúp tăng thu nhập và tiêu dùng trong dài hạn. Ông còn nói: “Với sự gia tăng dân số ở thành thị và tầng lớp trung lưu, với tỷ lệ dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các nhà bán lẻ nước ngoài có lý do để lạc quan ở thị trường Việt Nam”.

 

infographicsvnbanlehiendaih84

 

Thị trường bán lẻ hàng hóa trong nước năm 2017 ước đạt 2.937.300 tỉ đồng (khoảng 129,56 tỉ đô la Mỹ), tăng 10,9% so với năm 2016.

Công ty tư vấn bất động sản Savills Việt Nam thì nhận định, tuy nền bán lẻ hiện đại xuất hiện ở Việt Nam tương đối muộn nhưng lại đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ.

Cửa hàng bán lẻ trên đà tăng trưởng nóng

Nhằm đưa ra bức tranh về tình hình kinh doanh 2017 và xu hướng năm 2018, Công ty cổ phần công nghệ DKT, đơn vị đầu tư phần mềm quản lý bán hàng Sapo đã thực hiện khảo sát trên mẫu 1.000 cửa hàng trong tổng số 10.000 khách hàng đang sử dụng phần mềm quản lý bán hàng Sapo. Đây chủ yếu là các cửa hàng có quy mô 1-3 chi nhánh và trung bình có 7 nhân viên mỗi cửa hàng.

Kinh doanh offline và online hiện nay cũng đang dần giao thoa nhau khi các cửa hàng có xu hướng kết hợp giữa 2 kênh này nhằm tiếp cận khách hàng đa điểm và bán hàng đa kênh. Theo khảo sát của Sapo.vn – phần mềm quản lý bán hàng duy nhất hiện nay có thể quản lý bán hàng đa kênh, có tới 90% cửa hàng đều tận dụng thêm các kênh bán hàng online để gia tăng lượng tiếp cận khách hàng và mở rộng kinh doanh. Về tình hình kết quả kinh doanh 2017 vừa qua, khảo sát cũng đã đưa ra những mảng ghép thực tế đại diện cho bức tranh kinh doanh nói chung này.

Tăng trưởng doanh thu cửa hàng bán lẻ

Doanh thu tăng trưởng 

Có thể nói năm 2017 cũng là 1 năm làm ăn không quá khó khăn với các cửa hàng. Theo khảo sát, gần 80% cửa hàng chia sẻ năm 2017 doanh thu có tăng trưởng so với năm 2016, trong đó 44% cửa hàng tăng trưởng trên 10% doanh thu. Thời trang – phụ kiện và Đồ mẹ & bé là 2 nhóm ngành có tỷ lệ các cửa hàng có tăng trưởng cao nhất (92% shop thời trang – phụ kiện và 83% shop đồ mẹ & bé có tăng trưởng). Trong khi đó, 60% cửa hàng nhà thuốc cho hay so với 2016 thì doanh thu không tăng trưởng thậm chí còn tệ hơn.

Có mối liên hệ rõ rệt giữa sự tăng trưởng này và ngân sách tiếp thị trong năm 2017. 33% các cửa hàng không tăng trưởng hoặc thụt lùi cho biết họ không dành ngân sách cho tiếp thị, và 65% tiếp thị với ngân sách dưới 20 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, với các shop chi tiếp thị trên 20 triệu đồng/tháng thì có tới 62% shop có tăng trưởng doanh thu tốt mức trên 30% so với năm 2016.

Trung bình trong năm 2017 mỗi shop đã chi ngân sách cho tiếp thị khoảng 9 triệu đồng/tháng. Trong các nhóm ngành, thời trang – phụ kiện là nhóm ngành “đại gia” chiếm tỷ lệ cao số cửa hàng chi nhiều tiền cho tiếp thị, quảng cáo (43% trong số các cửa hàng chi 20-50 triệu/tháng và 33% trong số các cửa hàng chi 50 triệu đồng/tháng thuộc lĩnh vực thời trang – phụ kiện).

Cũng theo kết quả khảo sát của Sapo, doanh thu trung bình của các cửa hàng trong năm 2017 khoảng 1,3 tỷ đồng. Trong số đó, doanh thu dưới 500 triệu đồng chiếm 30%, từ 500 triệu – 1 tỷ đồng chiếm 32%, trên 1 tỷ đồng chiếm 38%. Nhìn chung giữa các nhóm ngành thì Thời trang – phụ kiện vẫn dẫn đầu với mức doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng là 1,8 tỷ đồng.

Góc khuất hơn 20% cửa hàng được khảo sát cho biết họ không tăng trưởng hoặc có kết quả tệ hơn năm ngoái có tỷ lệ khá lớn nằm ở những cửa hàng kinh doanh quy mô nhỏ, doanh thu dưới 500 triệu/năm.

Trong 1.000 cửa hàng được khảo sát, có tới 90% các cửa hàng kết hợp cả bán hàng online, trong đó 55% cửa hàng có doanh thu online chiếm dưới 1 nửa tổng doanh thu và 35% cửa hàng có doanh thu online chiếm trên 1 nửa tổng doanh thu. Nhóm ngành Mỹ phẩm – nước hoa – trang sức có mức doanh thu online trung bình cao nhất (chiếm trung bình 48% tổng doanh thu). Nhà thuốc là nhóm ngành có tỷ lệ các cửa hàng không bán online nhiều nhất (40%) nên doanh thu online trung bình cũng thấp nhất (chỉ chiếm 12% tổng doanh thu).

Top kênh bán hàng tạo thế “chân kiềng” trong kinh doanh

Top 5 kênh bán hàng được nhiều cửa hàng đánh giá có mang lại hiệu quả nhất lần lượt là Bán hàng tại cửa hàng (87%), Facebook (80%), website (53%), Zalo-Instagram (51%) và phát triển đại lý/cộng tác viên (49%). Trong đó, 3 kênh bán hàng tại cửa hàng, Facebook và website tạo thành thế “chân kiềng” trong kinh doanh và được đánh giá mang lại hiệu quả tốt nhất.

Các kênh bán lẻ hiệu quả nhất

Gắn liền với các kênh bán hàng là các kênh tiếp thị phổ biến. Top 3 kênh tiếp thị được các cửa hàng sử dụng nhiều nhất đó là tiếp thị trên facebook (87%), tổ chức các chương trình tiếp thị tại cửa hàng (70%) và tiếp thị online qua các kênh khác như email marketing, đăng bài trên diễn đàn, youtube… (51%).

Việc chạy quảng cáo Google adwords chỉ chiếm 38% (chưa bằng 1 nửa so với quảng cáo facebook). Dịch vụ quảng cáo báo chí với chi phí cao ít được sự hưởng ứng của các chủ shop (chỉ 26% cửa hàng đã từng sử dụng).

Đa phần các shop quy mô 1-2 cửa hàng, nên chủ yếu là chủ shop tự làm các hoạt động tiếp thị. Trong đó có tới 61% là họ tự chạy quảng cáo trên facebook, 44% tự tổ chức các hoạt động tiếp thị tại cửa hàng và 31% tự khai thác trên các kênh online (đăng bài trên diễn đàn, email marketing…). Tỷ lệ những shop có nhân sự riêng chuyên trách cho các hoạt động tiếp thị này không nhiều. Cụ thể có 21% shop có nhân sự tổ chức các chương trình tiếp thị tại cửa hàng, 15% tiếp thị quảng cáo facebook, 12% phát tờ rơi, áp phích.

Ngoài ra, việc thuê dịch vụ ngoài cũng chiếm 1 tỷ lệ rất nhỏ, cao nhất vẫn là thuê ngoài chạy quảng cáo Facebook (12%), sau đó là PR quảng cáo báo chí (9%), Chạy quảng cáo Google Adwords (8%).

Tăng trưởng dân số tạo cơ hôi bùng nổ thị trường bán lẻ

Mức tăng trưởng dân số đô thị Việt Nam và ASEAN

Việt Nam với dân số hơn 90 triệu người cộng thêm nhân tố dân số trẻ – 70% người dân Việt Nam có độ tuổi từ 15 tuổi đến 64 là những yếu tố chính thu hút các nhà bán lẻ đầu tư và thúc đẩy thị trường tăng trưởng mạnh mẽ. Dân số đô thị Việt Nam cũng được dự kiến tăng 2.6% hằng năm giai đoạn 2015-2020, đây là mức tăng cao nhất khi so với các đô thị khác trong khu vực.

Sự gia tăng tầng lớp trung và thượng lưu

Theo bà Bùi Trang, Giám đốc Bộ phận Cho thuê tại JLL Việt Nam: “Thu nhập khả dụng tăng, tốc độ đô thị hóa và mức sống ngày càng tăng đã làm cho Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất khu vực Đông Nam Á”. Theo Boston Consulting Group, tầng lớp trung và thượng lưu tại Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và con số này sẽ tăng gấp đôi vào giữa năm 2014 và 2020, từ 12 triệu lên đến 33 triệu.

Người tiêu dùng thuộc tầng lớp này với thu nhập trên 15 triệu VND/tháng (714USD) chính là những khách hàng tiềm năng cho các nhà bán lẻ.

Sự bùng nổ của hệ thống các siêu thị bán lẻ

Các đại gia bán lẻ ở Việt Nam

Các đại gia bán lẻ ở Việt Nam

Năm 2016-2017 cũng là thời điểm bùng nổ của các đại gia trong ngành bán lẻ. Theo nghiên cứu riêng của Thanhs, trong năm 2018, các thương hiệu lớn trong ngành cũng sẽ có những cú bứt phá ngoạn mục với mục tiêu chiếm miếng bánh lớn nhất của thị trường, tạo lập thế chân vạc bền vững, chiếm lĩnh ngôi TOP 1-2-3 trên thị trường.

Theo Ông Nguyễn Ngọc Hưng, chuyên gia tư vấn chiến lược bán hàng, chiến lược kinh doanh, giám đốc chiến lược Kinh doanh của Thanhs: “Thị trường bán lẻ Việt Nam đang đứng trước một vận hội lớn, cuộc chơi không chỉ dành cho những “đại gia” mà cả những hệ thống cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ. Để tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt này, doanh nghiệp và các chủ tự doanh Việt Nam phải học cách chơi sòng phẳng, minh bạch và vận dụng nghệ thuật chiến tranh du kích vốn là lợi thế so sánh của người Việt”.

Nguồn: Tổng hợp từ Enternew và Saigontiepthi. Hình ảnh trong bài sử dụng các nguồn đã có trích dẫn.

Theo Thanks.com.vn

Bắt đầu dùng thử miễn phí 7 ngày Dùng thử miễn phí 7 ngày

Để trải nghiệm phần mềm quản lý bán hàng chuyên nghiệp cùng Sapo

ic1Asset 1