Trong bài viết Phân tích giỏ hàng - Cách khai thác dữ liệu hành vi khách hàng thông minh trong thời 4.0 (P1), Blog Sapo đã cùng các bạn tìm hiểu về khái niệm cũng như cơ chế hoạt động của Phân tích giỏ hàng. Trong bài viết Phẩn 2 ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng khám phá về tính ứng dụng của phân tích giỏ hàng theo phân đoạn thị trường và cách chúng đã tác động như thế nào đến các ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
1. Ứng dụng phân tích giỏ hàng theo ngành hành, lĩnh vực
1.1 Ngành Bán lẻ
Có lẽ nghiên cứu điển hình nhất về ứng dụng dữ liệu báo cáo phân tích giỏ hàng là trang TMĐT Amazon.com. Bất cứ khi nào bạn xem một sản phẩm trên Amazon, trang sản phẩm sẽ tự động đề xuất “Các mặt hàng được mua cùng nhau thường xuyên”/ “Nên kết hợp mua cùng”/ “Khách hàng xem mặt hàng này cũng đã xem”. Đây có lẽ là ví dụ đơn giản và rõ ràng nhất về kỹ thuật cross-sell sử dụng phân tích giỏ hàng.
Ví dụ về ứng dụng phân tích giỏ hàng trên trang TMĐT Amazon
Ngoài các trang website thương mại điện tử, phân tích giỏ hàng cũng được áp dụng rộng rãi cho phân khúc bán lẻ tại cửa hàng.
Các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi hay chuỗi siêu thị đều chú ý tỉ mỉ đến việc tối ưu hóa vị trí, cách sắp xếp các mặt hàng và giá bán sản phẩm.
Chẳng hạn như bạn luôn có khả năng tìm thấy dầu gội và dầu xả được đặt rất gần nhau tại cửa hàng tạp hóa.
1.2 Ngành Viễn thông
Với sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong lĩnh vực viễn thông, các doanh nghiệp đã và đang chú ý phân tích hành vi và thói quen sử dụng các gói dịch vụ của khách hàng để đưa ra các chiến lược marketing nhằm giành lại thị phần trước đối thủ.
Ví dụ: Một khảo sát của của FPT Telecom cho thấy, một khách hàng nếu đăng ký gói dịch vụ internet của FPT thì thường sẽ đăng ký cả gói truyền hình cap của họ.
Ngay lập tức, FPT Telecom đã tung ra thị trường gói khuyến mãi và giảm giá hấp dẫn cho gói combo dịch vụ viễn thông bao gồm cả truyền hình cap và internet để thúc đẩy khách hàng sử dụng cùng lúc cả hai dịch vụ song song.
1.3 Ngân hàng, tín dụng
Đối với các các tổ chức tài chính như Ngân hàng, Tín dụng, phân tích giỏ hàng thường được ứng dụng trong việc theo dõi lịch sử thẻ tín dụng.
Qua đó giúp các công ty tài chính xác định các hành vi gian lận của khách hàng hoặc nhận biết điểm tín dụng cao hay thấp để làm cơ sở duyệt hồ sơ tín dụng.
Ví dụ, nhờ vào các báo cáo giao dịch tín dụng của khách hàng, Citibank đã có những thống kê cụ thể và đưa ra insight rằng các khách hàng của họ chủ yếu sử dụng thẻ tín dụng vào việc mua sắm tại các trung tâm thương mại lớn.
Chính vì vậy, họ đã tổ chức chiến dịch tiếp thị tại các trung tâm thương mại lớn bằng hình thức: phân bổ các nhân viên tư vấn tín dụng tại các trung tâm thương mại, tổ chức các buổi tri ân tặng quà cho người mua hàng… để thu hút khách hàng tiềm năng đăng ký thẻ tín dụng với mức chiết khấu hấp dẫn.
Citibank cũng liên kết với các ứng dụng như Swiggy và Zomato để hiển thị cho khách hàng vô số ưu đãi mà họ có thể tận dụng khi mua hàng qua thẻ tín dụng.
2. Các lợi ích của Phân tích giỏ hàng
-
Tăng thị phần, tạo ra lợi thế cạnh tranh
Một khi doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng tối đa, việc xác định các chiến lược phát triển mới để tăng thị phần sẽ trở nên khó khăn.
Phân tích giỏ hàng có thể được sử dụng để tập hợp dữ liệu nhân khẩu học và địa lý để xác định vị trí của các cửa hàng mới hoặc quảng cáo được nhắm mục tiêu theo địa lý.
Chẳng hạn nếu bạn đã từng tự hỏi làm thế nào mà CocaCola ở mọi nơi bạn đến, thì câu trả lời có thể đến từ phân tích giỏ hàng.
-
Thấu hiểu hành vi và thói quen của khách hàng
Thấu hiểu hành vi của khách hàng là một nền tảng cơ bản của hoạt động tiếp thị.
Phân tích giỏ hàng có thể được sử dụng ở mọi nơi, từ thiết kế danh mục đơn giản cho đến UI/UX trên các website bán hàng online.
Phân tích giỏ hàng không chỉ hữu ích trong việc sắp đặt vị trí hợp lý cho các mặt hàng trên kệ tại cửa hàng, mà còn được ứng dụng cho các công việc sau bán như tối ưu hóa hàng tồn kho cho từng cửa hàng hoặc nhà kho...
-
Tạo ra các chương trình marketing và khuyến mại hiệu quả
Phân tích giỏ hàng không chỉ được sử dụng để xác định những sản phẩm nào đi cùng nhau, mà còn là cơ sở để chỉ ra sản phẩm nào có thể tạo thành nền tảng quan trọng trong các dòng sản phẩm mà doanh nghiệp đang kinh doanh.
Ví dụ, các công ty có thể nhận thấy rằng việc thường xuyên dự trữ bánh mì dành cho người sành ăn sẽ làm tăng việc mua các loại mứt và thạch cho người sành ăn khác có liên quan.
-
Tạo ra các đề xuất cho các mặt hàng tương tự, thu hút và tăng trưởng doanh thu
Các nền tảng website thương mại như Amazon được hưởng lợi từ phân tích giỏ hàng bằng cách đề xuất/ gợi ý các sản phẩm hoặc doanh mục sản phẩm có xu hướng xem thường xuyên hoặc có liên quan đến sản phẩm đang xem.
Hành vi này giúp thu hút và giữ chân người dùng ở lại lâu hơn trên website, đồng thời mở ra nhiều cơ hội bán hàng, tăng doanh thu hiệu quả thông qua cơ chế khơi gợi “nhu cầu phát sinh” của khách hàng.
Như vậy với mỗi ngành, lĩnh vực kinh doanh, phân tích giỏ hàng sẽ mang đến những lợi ích và tác động khác nhau. Tuy nhiên chúng đều có cùng mục tiêu chung đó là giúp các chủ kinh doanh, doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng hơn và kịp thời đưa ra các chiến lược tiếp thị hiệu quả, nâng cao doanh số bán hàng.