Inbound Marketing là khái niệm không còn mới đối với các marketer nói riêng và doanh nghiệp nói chung. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả 1 kế hoạch Inbound Marketing thì không phải doanh nghiệp nào cũng đều làm được. Vậy Inbound Marketing là gì? Đâu là sự khác biệt giữa Inbound Marketing và Outbound Marketing. Hãy cùng Sapo tìm hiểu qua bài viết dưới này nha.
1. Inbound Marketing là gì?
Hiện nay, “đổ tiền” cho quảng cáo được xem là kênh marketing lỗi thời và không đem lại hiệu quả cao. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần một mô hình triển khai các hoạt động marketing tổng quát nhằm thu hút khách hàng đến với công ty và sản phẩm một cách tự nhiên nhất. Và Inbound Marketing xuất hiện, trở thành phương pháp tiếp thị hiệu quả nhất cho việc kinh doanh trực tuyến.
Inbound Marketing là chiến lược thu hút khách hàng bằng việc tạo ra các giá trị hữu ích, thỏa mãn nhu cầu người dùng. Từ đó, khiến họ chủ động tìm đến sản phẩm của doanh nghiệp, bị hấp dẫn bởi thương hiệu và dần trở thành khách hàng tiềm năng trong tương lai.
Các kênh có thể được sử dụng gồm có: mạng xã hội, forum, email marketing, SEO, social networks hoặc website đặc biệt là website bán hàng … Điểm tối ưu của Inbound Marketing là tiếp cận, thu hút khách hàng 1 cách tự nhiên, khiến họ thoải mái với những nội dung được tạo ra. Tránh sự làm phiền thông qua các công cụ marketing online như chiến lược marketing truyền thống.
Hiện nay, nhiều người vẫn đang tự đặt cho mình câu hỏi về quy trình thành công của Inbound Marketing là gì? Có thể nói, khi nhắc đến quy trình trong Inbound Marketing không thể không nhắc tới 4 yếu tố sau: Thu hút (Attract), Chuyển đổi (Convert), Chốt khách (Close) và Làm hài lòng (Delight).
2. Xây dựng uy tín thương hiệu với Inbound Marketing
Khi chi phí và doanh thu không còn là “điểm đích” cuối cùng mà các nhà marketer muốn hướng đến. Bởi vì, thương hiệu mới là yếu tố quyết định đến sự “tồn vong” của một công ty.
Inbound Marketing là một phương án hoàn hảo giúp bạn xây dựng uy tín thương hiệu, nâng cao tính nhận diện cho doanh nghiệp. Thông qua các Infographic, video, hình ảnh,… có đính kèm logo thương hiệu, mọi người sẽ dễ dàng nhận diện được doanh nghiệp của bạn. Những nội dung hữu ích mà bạn cung cấp sẽ khiến độc giả thêm tin tưởng, từ đó có một tác động rất tích cực đến việc kinh doanh sau này.
Khi đó, khách hàng đến từ Inbound Marketing không chỉ là nhất thời mà thực chất là người “chung thủy”, tin tưởng vào doanh nghiệp của bạn.
3. Những chủ đề chính trong Inbound Marketing
3.1 Sáng tạo nội dung (Content Creation)
Khách hàng ngày càng “khó tính” trong việc chọn lọc nội dung để tham khảo trên đa nền tảng. Nếu bài viết, thông điệp của doanh nghiệp không mang được nhiều giá trị, khách hàng sẽ chỉ lướt qua và không tạo ra giá trị chuyển đổi. Vì vậy, doanh nghiệp cần tập trung xuất bản những nội dung đáp ứng được nhu cầu và giải đáp băn khoăn của khách hàng, sau đó họ chia sẻ nội dung này một cách rộng rãi.
3.2 Tiếp thị theo vòng đời khách hàng (Lifecycle Marketing)
Trong marketing, để doanh nghiệp có thể hiểu hơn về khách hàng, biết được những hành động mà khách hàng đã trải qua trước và sau khi mua sản phẩm, người ta thường sử dụng thuật ngữ “vòng đời khách hàng”. Nó bao gồm nhiều giai đoạn ứng với những đặc điểm khác nhau. Cho nên, cần có những cách thức Marketing chuyên biệt trong những giai đoạn này của khách hàng khi họ tiếp cận với doanh nghiệp của bạn.
3.3 Cá nhân hóa (Personalization)
Nhiệm vụ của marketer là làm cách nào để thỏa mãn càng nhiều khách hàng càng tốt. Nhưng tuy nhiên, mỗi khách hàng lại có những đặc điểm và hành vi khác nhau. Vì thế, không nên sử dụng 1 thông điệp quá chung chung cho tất cả khách hàng của bạn.
Trong suốt quá trình tiếp cận, bạn sẽ hiểu rõ hơn về chân dung của khách hàng và nhờ vậy, bạn có thể tạo ra những thông điệp cá nhân dành riêng cho họ.
3.4 Đa kênh (Multi-channel)
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, khách hàng dần được tiếp cận nhiều hơn với những nền tảng mới. Vì vậy, Inbound Marketing được triển khai trên nhiều kênh cùng một lúc không chỉ giúp bạn gia tăng nhận diện thương hiệu mà khách hàng cũng sẵn sàng tương tác với bạn ở những nơi mà họ muốn.
3.5 Tích hợp (Integration)
Những công cụ sản xuất, phân tích và đo lường khi kết hợp hoạt động một cách trơn tru sẽ cho phép doanh nghiệp của bạn tập trung vào việc xuất bản và chia sẻ đúng nội dung, ở đúng nơi và vào đúng thời điểm.
Xem thêm: IMC là gì? Quy trình thiết lập kế hoạch truyền thông marketing tích hợp IMC
4. Doanh nghiệp nên lựa chọn Inbound Marketing hay Outbound Marketing
Nếu Inbound là cách làm Marketing từ “phía trong” thì Outbound Marketing sẽ ở “phía ngoài”. Nói cách khác, Outbound Marketing sẽ tập trung triển khai các nội dung quảng cáo, thu hút khách hàng mua sản phẩm dịch vụ từ thương hiệu của bạn ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào.
Nếu Inbound là một thỏi “nam châm” kéo khách hàng gần hơn với thương hiệu. Thì Outbound lại là cái “loa” để kêu gọi khách hàng đến với thương hiệu. Với 2 hình tượng trên, cũng dễ dàng nhìn thấy Inbound là chiến lược marketing giúp tạo ra tương tác 2 chiều giữa doanh nghiệp và khách hàng.
Không áp đặt và thụ động như Outbound, với Inbound Marketing, khách hàng sẽ chủ động tìm đến doanh nghiệp thông qua các công cụ tìm kiếm nếu khách hàng mong muốn được tìm hiểu về thương hiệu của bạn.
Đối với Outbound Marketing, những người đọc được nội dung quảng cáo sản phẩm của bạn sẽ rất nhiều nhưng khách hàng thật sự có nhu cầu thì rất ít. Con đường “dẫn dụ” người tiêu dùng từ khi tiếp cận với nội dung quảng cáo cho đến khi quyết định chốt sale là rất dài.
Tuy nhiên, sẽ không có 1 chiến dịch marketing nào là tốt nhất, hoàn hảo nhất. Điều chúng ta có thể đem ra “đặt lên bàn cân” lại chính là sự phù hợp với nó đối với doanh nghiệp như nguồn lực, nhu cầu và khách hàng mục tiêu. Hãy thử kết hợp cả Outbound và Inbound trong kế hoạch marketing của bạn để vừa gia tăng nhận diện mà còn thu hút được khách hàng tiềm năng.
Qua bài viết trên, SAPO đã mang đến cho bạn đọc 1 cái nhìn khách quan hơn về thuật ngữ Inbound Marketing và sự khác biệt của nó với phương tiện quảng cáo truyền thống (Outbound Marketing). Hy vọng rằng, bạn đã biết được đâu mới là cách làm Marketing tốt nhất cho doanh nghiệp.