Bạn muốn mua sắm tại các trang web nước ngoài? Bạn đang tìm cách để đặt hàng những món đồ đó nhưng vẫn chưa biết làm như thế nào? Có thể nói nguồn hàng ở các nước vô cùng phong phú, việc xây dựng hướng dẫn đầy đủ cho khách hàng không thể hoàn thành trong một sớm một chiều.
Vì vậy, trong bài viết “Hướng dẫn toàn diện về cách đặt hàng thời trang trên website nước ngoài”, Blog Sapo sẽ cung cấp cho các bạn những bước để đặt hàng thời trang, nhập mặt hàng giá sỉ tốt nhất.
Hướng dẫn chi tiết cách đặt hàng thời trang trên website nước ngoài
Có 2 cách để mua hàng từ nước ngoài đó là đặt hàng trực tiếp trên website của các đơn vị bán lẻ lớn trên thế giới hoặc thông qua dịch vụ trung gian tại Việt Nam.
1. Nhập hàng trực tiếp trên website nước ngoài
Hình thức đặt hàng này thường áp dụng cho những chủ shop đã có kinh nghiệm trong việc mua nhập hàng sỉ trực tiếp trên website quốc tế và có vốn ngoại ngữ đủ dùng để thực hiện quá trình lựa chọn sản phẩm, thanh toán. Ưu điểm của loại hình này đó là bạn sẽ giảm thiểu được một khoản tiền trung gian khá lớn, giúp giá sản phẩm không bị “đội” lên quá cao.
1.1. Quy trình đặt hàng
Bước 1: Lựa chọn website
Trước tiên bạn cần ưu tiên lựa chọn các website có phiên bản tiếng Anh để dễ dàng hơn trong quy trình đặt hàng. Tuy nhiên nếu mặt hàng mà bạn thích thuộc về website không có phiên bản tiếng Anh hoặc sản phẩm trên trang web tiếng Anh quá ít thì tôi khuyên bạn nên truy cập vào website gốc.
Sau đó, sử dụng tính năng dịch tự động của các công cụ truy cập Internet hiện nay như Google, Cococ,... để nắm được những thông tin cơ bản nhất.
Đồng thời để việc mua hàng thuận tiện, bạn nên chọn những website có hình thức chuyển hàng về Việt Nam. Hãy tra cứu thông tin này trong mục “Shipping” của mỗi trang web và xem danh mục các nước có thể nhận hàng của hãng.
Dịch vụ chuyển phát thường và chuyển phát nhanh về Việt Nam tại website asos.com
Bước 2: Lựa chọn size
Khi đã nắm được trong tay danh sách các món hàng cần mua, bạn phải lựa chọn kích cỡ phù hợp. Mỗi hãng có một bảng kích cỡ riêng kèm theo hướng dẫn rất cụ thể, tính theo cả “inch” và “cm” (1 inch = 2,54 cm).
Còn với mặt hàng giày dép thì việc lựa chọn size khá khó khăn. Theo kinh nghiệm của một số chủ shop kinh doanh giày cho rằng, bạn có thể dùng chính size giày Việt Nam rồi dùng bảng quy đổi size giày để quy đổi size giày của mình thành giày Hàn, Mỹ, Nhật. Size giày Việt Nam tính theo size châu Âu (dòng Europe trong bảng quy đổi).
Bảng quy chuẩn size giày
Ví dụ size giày Việt Nam của bạn là 40 thì ở Nhật Bản size giày của bạn là 25.5 với nam, 25 với nữ.
Bước 3: Đặt hàng
Sau khi bạn đã lựa chọn được các sản phẩm với số đo phù hợp
Chọn sản phẩm cho vào giỏ hàng (Add to Cart hoặc Add to Bag). Đặc biệt nếu bạn chưa cần gấp, bạn có thể để sản phẩm trong giỏ hàng và đợi các đợt khuyến mại. Chắc chắn bạn sẽ tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể.
Sau khi quyết định mua, bạn chuyển sang phần thanh toán (nút Payment)
Các trang web sẽ yêu cầu bạn cung cấp thông tin và địa chỉ người nhận. Sau khi điền thông tin, các trang web sẽ tính luôn chi phí vận chuyển cho bạn. Đồng ý với mức phí vận chuyển này, bạn sẽ chuyển sang bước nhập thông tin tài khoản thanh toán.
Bước 4: Thanh toán
Hướng dẫn chi tiết cách đặt hàng thời trang trên website nước ngoài
Đầu tiên bạn lựa chọn loại thẻ thanh toán (Card Type). Riêng đối với thẻ Visa, bạn cần đăng ký sử dụng dịch vụ thành toán quan Internet với ngân hàng.
Sau đó, điền các thông tin cần thiết: số thẻ (Number), tên chủ thẻ (Name), thời gian hết hạn (Expires) và điền dãy số bảo mật (CW/CW2)- thường gồm 3 hoặc 4 số in ở mặt sau thẻ.
Cuối cùng, ấn nút Xác nhận – Confirm Payment để hoàn tất việc mua hàng
1.2. Một số lưu ý
- Thông thường thời gian nhận hàng sẽ kéo dài từ một tuần đến một tháng tùy vào từng trang web thời trang và quãng đường vận chuyển. Vì vậy bạn cần phải lựa chọn thời gian đặt hàng phù hợp để tránh việc hàng về tới shop đã lỗi mốt. Thông thường các cửa hàng thường đặt hàng trước 3-4 tháng trước khi bắt đầu một mùa mới.
- Hàng hóa thường không được vận chuyển đến tận nhà mà được chuyển tới bưu điện khu vực và bưu điện sẽ thông báo (bằng điện thoại hoặc giấy) để bạn tới nhận hàng. Về chi phí: với các đơn hàng dưới 2 triệu, bạn sẽ không mất chi phí nhận hàng tuy nhiên nếu lớn hơn, bưu điện sẽ thu 100.000-300.000VNĐ phí nhận hàng.
- Một số chủ shop khi nhập hàng trên website nước ngoài thường cố gắng gộp hóa trên 50-100 USD để được miễn phí vận chuyển. Tuy nhiên chính vì như vậy nên lô hàng của họ thường bị phía hải quan giữ lại (vì kiện hàng lớn). Sau đó đơn vị hải quan sẽ liên hệ với bạn và yêu cầu nộp thuế, từ 5-30% giá trị ghi trên nhãn (tức là giá gốc chứ không phải giá đã giảm). Vì vậy lời khuyên với bạn là đừng ham gộp hóa đơn của mình lại mà hãy chia nhỏ đơn hàng ra như vậy sẽ tránh được các khoản phí bưu điện và hải quan.
- Tuy nhiên việc đổi trả hàng thường có khá nhiều vấn đề nếu bạn không có kinh nghiệm. Vì vậy bạn không nên chủ quan mà tốt nhất cần có sự tư vấn của những người đi trước khi quyết định thanh toán cho các món hàng mình mua từ nước ngoài.
Hướng dẫn chi tiết cách đặt hàng thời trang trên website nước ngoài
2. Đặt hàng qua dịch vụ trung gian
Đây là hình thức nhập hàng phổ biến nhất hiện nay bởi không nhiều người Việt có tài khoản thanh khoản quốc tế và vốn tiếng anh cần thiết. Đặc biệt các chủ shop khi đặt hàng thông qua qua các đầu mối trung gian tại Việt Nam sẽ không phải chịu những rủi ro như hàng thất lạc, các khoản chi phí hay thủ tục với phía bưu điện/hải quan.
Tất cả những gì bạn cần làm là gửi tiền cọc và nhận hàng, thanh toán số tiền còn lại. Nếu trong quá trình vận chuyển, hàng hóa bị thất lạc hoặc hàng về chậm hơn thời gian thỏa thuận, bạn sẽ bị hoàn thành toàn bộ tiền đặt cọc (hay đền bù). Các đơn vị đặt hàng trung gian có tên tuổi, được mọi người tin dùng hiện nay như shop USA, 24/7, shop VietNhat, Anhorder...
2.1. Quy trình đặt hàng
Bước 1: Cung cấp đường link website của sản phẩm và mẫu đơn đăng ký kèm theo các thông tin chi tiết (tên, số lượng, đơn giá,..); tên và thông tin liên hệ của nhà sản xuất cho đơn vị trung gian.
Bước 2: Đơn vị trung gian sẽ liên hệ với công ty, website mà bạn cung cấp, xác minh thông tin và tập hợp thành tài liệu đặt mua hàng chi tiết. Tài liệu này có đầy đủ thông tin về hàng cần đặt, tình trạng hàng, số lượng, đơn giá, trọng lượng (dự doán) và ước tính thời gian vận chuyển, chi phí.
Bước 3: Đơn vị vận chuyển sẽ liên hệ với bạn và gửi tài liệu, nếu 2 bên đồng ý sẽ lập hợp đồng hoặc thỏa thuận mua hàng.
Bước 4: Bạn sẽ phải đặt cọc, thường vào khoảng 50% tổng đơn hàng, bao gồm chi phí mua hàng, cước phí nội địa (chuyển từ nhà máy hoặc kho hàng của người bán đến kho tập kết hàng). Sau khi giao đủ hàng, bạn sẽ trả số tiền còn lại.
Bước 5: Đặt hàng và vận chuyển về Việt Nam.
Bước 6: Thông báo cho người nhận và giao hàng tới địa chỉ được cung cấp. Thông thường với các đơn hàng trong phạm vi Hà Nội, tp Hồ Chí Minh... bạn sẽ được miễn phí vận chuyển. Các khu vực khác sẽ gửi chuyển phát nhanh nội địa (tự chịu chi phí). Bước 7: Kiểm hàng, thanh lý hợp đồng.
Hướng dẫn cách đặt hàng trên website nước ngoài
Giá sản phẩm (giá gốc x tỷ lệ giá ngoại tệ = giá Việt Nam) + phí vận chuyển nội địa (tại nước ngoài, từ nơi bán đến địa chỉ người đặt hàng tại quốc gia đó) + phí vận chuyển về Việt nam (giá bưu điện 150.000 – 300.000 VNĐ/kg, tùy mặt hàng) + tiền công ( 4-5% giá trị sản phẩm) Tỷ giá ngoại tệ thường thay đổi phụ thuộc giá thị trường.
Ví dụ, 1 nhân dân tệ = 3.450 VNĐ. Tuy nhiên ở Việt Nam tồn tại chế độ 2 tỷ giá là tỷ giá nhà nước niêm yết và tỷ giá tự do. Nhiều shop, cửa hàng trung gian hiện nay áp dụng tỷ giá tự do (cao hơn tỷ giá nhà nước) nên chi phí thường cao hơn.
Phí vận chuyển: thường thì mỗi đơn vị vận chuyển đưa ra mức giá khác nhau. Ở đây Sapo lấy thông tin về phí dịch vụ của shop Ngọc Linh làm ví dụ (từ Quảng Châu về Sài Gòn) Đối với bao hàng >=70kg: phí vận chuyển từ Quảng Châu tới kho Hà Nội là 26.000VNĐ/kg, Sài Gòn là 35.000VNĐ/kg + 250.000VNĐ (phí đóng bao) + 50.000 (xe ôm về nhà khách hàng) Đối với bao hàng <70kg: phí vận chuyển từ Quảng Châu tới kho Hà Nội là 29.000VNĐ/kg, Sài Gòn là 39.000VNĐ/kg + 250.000VNĐ (phí đóng bao) + 50.000 (xe ôm về nhà khách hàng)
Với loại hình đặt hàng này, người order hàng sẽ không phải chịu thêm khoản thuế nào bởi dịch vụ đặt hàng hộ thường đã bao thuế. Tuy nhiên họ có thể phải trả tiền chuyển phát nhanh nếu muốn nhận hàng tại nhà.
2.2. Một số vấn đề phát sinh và cách khắc phục
Một số vấn đề phát sinh
- Nếu bạn không lựa chọn các shop vận chuyển có thương hiệu mà thông qua người trung gian hoặc những dịch vụ tự do (không phải đơn vị phân phối chính thức) thì độ uy tín sẽ không đảm bảo được 100%. Bạn có thể mất trắng toàn bộ tiền cọc (thường 50% giá trị đơn hàng) nếu gặp phải đối tượng lừa đảo.
Cẩn thận với các hành vi lừa đảo
- Trong một số trường hợp, người đặt hàng có thể tráo sản phẩm chính hãng với hàng giả, hàng nhái. Chúng có thể được tráo bằng cách đặt hàng tại những website, đơn vị không chính hãng, không phải nơi bạn yêu cầu, hoặc bị tráo khi về tới Việt Nam, trộn hàng hết hạn sử dụng hoặc hàng lỗi.
Cách khắc phục
- Cần lựa chọn đơn vị vận chuyển uy tín. Một số người thường dựa vào lượng “like” của cửa hàng trên facebook nhưng thực tế đây có thể là con số ảo, có thể mua được. Hãy chú ý đến lượng “talk about” và phản hồi của khách hàng.
- Hãy rủ nhiều người cùng gộp hóa đơn để được miễn phí vận chuyển nội địa (cho đơn hàng trên 50 – 100 USD) mà không sợ phải thêm thuế.
- Trong quá trình đặt hàng qua trung gian, bạn cần đến tận phòng làm việc của người nhận để gửi tiền cọc và phải có giấy biên nhận
- Để tránh việc đơn vị mua hàng nhập sản phẩm từ website kém chất lượng thì bạn cần yêu cầu họ gửi lại cho bạn email thông báo xác nhận đặt hàng của trang web mà bạn yêu cầu.
- Tất cả các cuộc trao đổi bạn cần lưu lại để có thể đối chiếu khi có vấn đề xảy ra.
- Bạn cũng nên tự tính kỹ lại mức giá cuối cùng theo công thức của người trung gian để có con số chính xác, đừng nên phụ thuộc hoàn toàn vào mức giá họ đưa ra.
Bài viết trên Blog Sapo đã hướng dẫn chi tiết cho bạn cách đặt hàng thời trang trên website nước ngoài. Hi vọng qua bài biết này bạn đã có cho mình những kiến thức thú vị và bổ ích! Chúc bạn đặt hàng thành công và mua sắm vui vẻ!
Xem thêm: Kinh nghiệm lấy nguồn hàng tốt từ Quảng Châu