Giấy phép kinh doanh luôn được biết đến là một trong những yếu tố bắt buộc để bắt đầu hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng hiểu rõ về vai trò cũng như quy định sử dụng của loại giấy tờ này. Trong bài viết này, Sapo.vn sẽ giúp bạn làm rõ vấn đề này.
1. Giấy phép kinh doanh là gì?
Giấy phép kinh doanh là một trong những loại giấy tờ được cấp cho các doanh nghiệp có kinh doanh ngành nghề có điều kiện. Giấy phép kinh doanh thường được cấp sau Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không hẳn là giấy phép kinh doanh. Bởi trên thực tế, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là việc cá nhân, tổ chức đi đăng ký còn giấy phép kinh doanh là việc cá nhân, tổ chức đi xin phép.
Theo Luật doanh nghiệp, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư và đảm bảo duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
Giấy phép kinh doanh được sử dụng để quản lý các công việc kinh doanh của cơ sở kinh doanh. Nhà nước buộc các cơ sở này phải hoàn thành thủ tục hành chính là đăng ký giấy phép kinh doanh. Khi đã đăng ký và đủ điều kiện được cấp giấy phép thì hình thức kinh doanh đó mới được xem là hợp pháp.
2. Vai trò của giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp
Giấy phép kinh doanh cũng đóng vai trò như bằng chứng pháp lý, chứng minh quyền hoạt động của doanh nghiệp trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Khi này, loại giấy tờ này là cơ sở hoạt động và là điều kiện cần thiết khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.
Điều này sẽ giúp tạo được lợi thế cho doanh nghiệp để có sự tin tưởng của khách hàng, sự cho phép của nhà nước. Hoạt động của doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh sẽ được pháp luật cho phép và bảo vệ.
Doanh nghiệp sẽ có quyền xuất các loại hóa đơn GTGT, hóa đơn bán hàng, hóa đơn xuất khẩu và các loại hóa đơn thông dụng khác theo quy định tại Thông tư 39/2014/TT-BCT. Doanh nghiệp cũng sẽ có quyền xuất hóa đơn đỏ - Hóa đơn dành cho các đối tượng khai và tính thuế theo phương pháp khấu trừ đối với các hoạt động mua bán nội địa, vận tải và xuất khẩu.
Đặc biệt, khi có Giấy phép kinh doanh, ngoài việc được khẳng định quyền kinh doanh hợp pháp, doanh nghiệp còn được hưởng nhiều ưu đãi từ Chính phủ như: vay vốn, khấu trừ thuế cũng như hỗ trợ khác từ phía Nhà nước.
3. Đối tượng cần cấp Giấy phép kinh doanh
3.1 Công ty trong nước kinh doanh ngành nghề có điều kiện
Giấy phép kinh doanh là yếu tố cần thiết đối với các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện. Một số nhóm ngành kinh doanh có điều kiện có thể kể đến như:
- Sản xuất con dấu
- Kinh doanh thiết bị, phần mềm
- Kinh doanh dịch vụ cầm đồ
- Kinh doanh dịch vụ bảo vệ
- Kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy
- ……
3.2 Kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài
Theo Khoản 1 Điều 5 NĐ 09/2018/NĐ-CP quy định về việc Giấy phép kinh doanh sẽ được cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài đối với các hoạt động kinh doanh sau:
- Phân phối và bán lẻ sản phẩm hàng hóa trừ gạo, đường, vật phẩm đã ghi hình, sách báo tạp chí
- Nhập khẩu và phân phối bán buôn các sản phẩm hàng hóa là dầu, mỡ bôi trơn
- Kinh doanh dịch vụ logistics, ngoại trừ các ngành dịch vụ logistics mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên
- Các dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm quảng cáo
- Các dịch vụ trung gian thương mại
- Các dịch vụ thương mại điện tử
- Các dịch vụ đấu thầu hàng hóa
- Cho thuê hàng hóa dịch vụ không bao gồm thuê tài chính
3.3 Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh
Doanh nghiệp trong nước
Đối với doanh nghiệp trong nước, điều kiện cơ bản để cấp giấy phép kinh doanh thường bao gồm:
- Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, đặc biệt là với các doanh nghiệp kinh doanh ngành thực phẩm, y tế thì cần Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
- Điều kiện về chứng chỉ hành nghề: Văn phòng công chứng, công ty luật.
- Điều kiện về vốn pháp định: Doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bất động sản cần mức vốn pháp định và 20 tỷ.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Theo Điều 9 NĐ 09/2018/NĐ-CP, điều kiện cấp giấy phép kinh doanh như sau:
* Nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên
Đối với trường hợp doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cần đáp ứng các điều kiện:
- Đáp ứng điều kiện về khả năng tiếp cận thị trường tại Điều ước Quốc tế có Việt Nam là thành viên tham gia.
- Doanh nghiệp đã có kế hoạch tài chính cụ thể để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh.
- Doanh nghiệp đã giải quyết xong các khoản nợ thuế quá hạn đối với trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.
* Nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên
Trong trường hợp này, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần đáp ứng đủ điều kiện và tiêu chí:
1. Điều kiện:
- Có kế hoạch tài chính cụ thể để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh
- Đã giải quyết xong các khoản nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên
2. Tiêu chí:
- Phù hợp với những quy định của pháp luật chuyên ngành
- Phù hợp với mức độ cạnh tranh so với các doanh nghiệp trong nước cùng lĩnh vực kinh doanh
- Đảm bảo về khả năng tạo việc làm cho nguồn lao động trong nước
- Đảm bảo khả năng về mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước
Lưu ý:
- Những điều kiện trên sẽ được áp dụng đối với các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Các loại hàng hóa như: Dầu, mỡ bôi trơn, gạo, đường, sách báo, vật thể ghi hình chưa được cam kết mở cửa thị trường cũng cần đáp ứng những điều kiện nêu trên.
- Đối với nhóm hàng hóa là dầu, mỡ bôi trơn, sẽ xem xét để cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn cho doanh nghiệp kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài như sản xuất dầu, mỡ bôi trơn tại Việt Nam; sản xuất hoặc được phép phân phối tại Việt Nam máy móc, thiết bị, hàng hóa có sử dụng dầu, mỡ bôi trơn loại đặc thù.
- Với hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí sẽ xem xét cấp phép thực hiện quyền phân phối bán lẻ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi để bán lẻ tại các cơ sở đó.
4. Hồ sơ và thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh
4.1 Hồ sơ đăng ký kinh doanh
* Hồ sơ đăng ký kinh doanh doanh nghiệp tư nhân
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Bảo sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân
* Hồ sơ đăng ký kinh doanh công ty hợp danh
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Điều lệ công ty
- Danh sách thành viên
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư
* Hồ sơ đăng ký kinh doanh công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Điều lệ công ty
- Danh sách thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên; danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần
Bản sao các loại giấy tờ:
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. Đối với thành viên, cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài
* Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty TNHH 1 thành viên
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Điều lệ công ty
- Bản sao các giấy tờ sau:
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành
* Hồ sơ đăng ký kinh doanh hộ cá thể
- Đơn xin đăng ký kinh doanh
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện đăng ký kinh doanh
- Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (nơi đặt địa điểm kinh doanh) hoặc hợp đồng thuê mướn mặt bằng (có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan công chứng nhà nước)
4.2 Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy phạm pháp luật liên quan:
- Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các loại hình Doanh nghiệp sau: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Công ty Cổ phần, Công ty hợp danh
- Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND cấp Huyện có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
4.3 Thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Theo quy định tại Điều 26 Luật doanh nghiệp 2020 quy định rằng: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nên rõ lý do.
- Đối với đăng ký thành lập Hộ kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký giấy phép kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
4.4 Đăng ký giấy phép kinh doanh ở đâu? Giấy phép đăng ký kinh doanh do ai cấp?
Cơ quan thẩm quyền chuyên ngành cụ thể thường sẽ là đơn vị cấp giấy phép con cho những ngành nghề có điều kiện. Việc quản lý đăng ký kinh doanh sẽ có nhiều cơ quan và cấp thẩm quyền khác nhau bởi loại hình và chủ thể có nhiều loại khác nhau.
Tuy nhiên, mỗi ngành nghề kinh doanh sẽ chịu sự quản lý của một cơ quan riêng, thuộc về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền mà Chính phủ quy định.
4.5 Thời gian cấp giấy phép kinh doanh
Giấy phép kinh doanh là giấy phép có điều kiện nên thủ tục này sẽ tương đối dài ngày. Nếu giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 3 ngày làm việc thì tùy từng loại giấy phép mà thời gian cấp giấy sẽ khác nhau.
4.6 Ngành nghề đăng ký giấy phép kinh doanh
- Ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Pháp luật hạn chế cá nhân đăng ký sản xuất kinh doanh đối với những ngành nghề có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Hoặc những ngành cần được kiểm duyệt chặt chẽ trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Để biết được ngành nghề kinh doanh của mình có thuộc nhóm ngành nghề hạn chế sản xuất kinh doanh hay không, pháp luật ban hành Danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chủ thể khi kinh doanh lĩnh vực này cần đáp ứng một hoặc một số điều kiện nhất định theo quy định của Pháp luật để được phép thực hiện quá trình sản xuất kinh doanh thực tế.
- Ngành kinh doanh thông thường
Cá nhân, tổ chức được phép tự do thực hiện việc xin giấy phép kinh doanh theo đúng quy định pháp luật. Khi này, hồ sơ cần chuẩn bị tương ứng với loại hình Doanh nghiệp mà chủ thể lựa chọn.
Tùy chủ trương, chính sách của từng tỉnh, thành mà các ngành nghề có những cam kết riêng khi đăng ký kinh doanh.
4.7 Lệ phí cấp giấy phép kinh doanh
Chi phí xin cấp giấy phép kinh doanh
Các loại giấy phép kinh doanh cho ngành nghề có điều kiện phải mất chi phí thẩm định, bao gồm thẩm định hồ sơ và thẩm định cho cơ sở. Ngoài ra, có thể phát sinh chi phí mềm, chi phí đi lại cho đoàn thẩm định.
Chi phí đăng ký thành lập doanh nghiệp
- Chi phí nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tại phòng đăng ký kinh doanh Sở kế hoạch đầu tư
- Chi phí đăng bố cáo thành lập mới doanh nghiệp
- Chi phí khắc dấu tròn công ty
- Chi phí đặt bảng hiệu công ty
- Chi phí mua chữ ký số (Token)
- Chi phí nộp quỹ tài khoản ngân hàng khi mở tài khoản cho doanh nghiệp
- Chi phí sử dụng hóa đơn
Chi phí đăng ký thành lập Hộ kinh doanh
- Chi phí nộp tại Phòng Tài chính - kế hoạch thuộc UBND cấp huyện và các chi phí khác như bảng hiệu, con dấu,...tùy nhu cầu sử dụng cụ thể.
Trên đây là những yếu tố quan trọng mà Sapo muốn chia sẻ với bạn về Giấy phép kinh doanh là gì cũng như quy trình, thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp.
Xem thêm: