Giá cả là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để xây dựng chính sách giá hiệu quả, vừa tối ưu doanh thu cho doanh nghiệp lại thu hút khách hàng? 6 chiến lược về giá Sapo chia sẻ trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn lựa chọn mô hình giá phù hợp cho doanh nghiệp của mình. Cùng tìm hiểu ngay!
1. Chính sách giá là gì?
Chính sách giá (pricing strategy) là cách doanh nghiệp định giá sản phẩm, dịch vụ của mình đến người dùng nhằm tối ưu lợi nhuận và đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đây là một yếu tố quan trọng trong marketing mix 4P hay marketing 7P.

Chính sách giá có vai trò quan trọng, có thể coi là xương sống của doanh nghiệp bởi đây là yếu tố:
- Quyết định biên độ lợi nhuận: Chính sách giá càng cao so với chi phí sản xuất giúp doanh nghiệp có biên lợi nhuận lớn. Tuy nhiên nếu giá sản phẩm, dịch vụ quá cao so với giá trị thực, khách hàng có thể sẽ không lựa chọn hoặc rời bỏ bạn khi tìm thấy giải pháp giá rẻ. Ngược lại, nếu bán giá quá thấp, doanh nghiệp sẽ dễ rơi vào tình trạng bán nhiều nhưng lãi ít hoặc thậm chí thua lỗ khi thị trường biến động và chi phí cố định tăng.
- Tác động đến hành vi mua hàng: Có chính sách giá hợp lý sẽ kích thích nhu cầu mua hàng, tăng tỷ lệ chuyển đổi và giữ chân khách lâu dài.
- Ảnh hưởng đến vị thế cạnh tranh: Định giá phù hợp giúp doanh nghiệp duy trì sự hấp dẫn với khách hàng mà không cần phải triển khai quá nhiều các chương trình khuyến mại, flash-sale để chạy đua với các đối thủ. Đảm bảo lượng khách mua trung thành, không phụ thuộc vào giảm giá.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách giá của doanh nghiệp
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược chính sách về giá của doanh nghiệp, bao gồm cả những yếu tố nội bộ và bên ngoài. Cụ thể:

2.1. Yếu tố nội bộ ảnh hưởng đến chính sách giá
- Chi phí sản xuất và vận hành: Đây là yếu tố quyết định mức giá tối thiểu mà doanh nghiệp nên áp dụng, bao gồm các chi phí liên quan đến nguyên vật liệu, nhân công, thuê mặt bằng, kho bãi, marketing… Nếu quản lý dòng tiền không tốt, doanh thu không thể gánh chi phí sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
- Chiến lược kinh doanh: Doanh nghiệp nên xây dựng chính sách giá phù hợp với định hướng phát triển. Ví dụ như muốn doanh nghiệp tăng trưởng mạnh có thể áp dụng chiến lược giá thấp để mở rộng thị phần; Doanh nghiệp định giá cao nếu theo đuổi mô hình cao cấp, củng cố giá trị thương hiệu; Nếu mục tiêu là tối ưu lợi nhuận, doanh nghiệp có thể áp dụng chiến lược giá linh hoạt dựa trên khách hàng mục tiêu. Nếu triển khai chiến lược kinh doanh quốc tế, khâu định giá cần nghiên cứu kỹ càng tại nước mở rộng.
- Thương hiệu và giá trị cảm nhận: Một thương hiệu mạnh với các sản phẩm đặc trưng phân khúc cao có thể định giá tốt hơn nhờ lòng tin của khách hàng. Ví dụ các dòng sản phẩm thuộc hệ sinh thái Apple thường có mức giá cao nhưng vẫn có tính cạnh tranh trên thị trường nhờ hiệu năng tốt, thương hiệu toàn cầu và trải nghiệm cao cấp cho khách hàng.
2.2. Các yếu tố bên ngoài tác động đến chính sách giá
Ngoài yếu tố nội tại từ doanh nghiệp, cạnh tranh thị trường ngành hàng và khách hàng là điểm cốt lõi ảnh hưởng đến chính sách giá.
Doanh nghiệp của bạn chắc chắn không thể bán giá cao hơn nhiều so với đối thủ nếu sản phẩm cung cấp với giá trị tương tự và không có gì nổi bật. Doanh nghiệp có thể định giá thấp hơn đối thủ khi muốn chiếm thị phần để thu hút khách hàng nhạy cảm về giá; Định giá ngang bằng đối thủ để cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, sản phẩm hoặc định giá cao hơn nếu có lợi thế về thương hiệu hoặc tạo cảm giác khác biệt, trải nghiệm cao cấp.
Ngoài ra, biến động kinh tế hay xu hướng tiêu dùng thay đổi với các sản phẩm hot-trend/ mùa vụ cũng tác động đến chính sách giá.
Ví dụ như giá vé máy bay, dịch vụ du lịch thường tăng cao vào mùa du lịch hè.
3. 6 chiến lược chính sách giá hiệu quả trong marketing doanh nghiệp có thể áp dụng
Chiến lược chính sách giá không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu lợi nhuận ròng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến định vị thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Tùy vào việc cân nhắc các yếu tố nội tại và bên ngoài, doanh nghiệp có thể áp dụng một số chiến lược định giá phổ biến sau:

3.1. Chính sách giá thâm nhập thị trường (Penetration pricing)
Đây là chiến lược đặt giá thấp hơn mức trung bình của thị trường để tạo sự chú ý, thu hút và mở rộng thị phần. Chính sách giá này thường được các doanh nghiệp áp dụng khi ra mắt các sản phẩm mới.
Ưu điểm:
- Thu hút khách hàng nhanh chóng: Khi doanh nghiệp đặt giá thấp hơn đối thủ, nhóm khách nhạy cảm về giá thường có xu hướng thử nghiệm dịch vụ, sản phẩm mới có giá rẻ hơn, từ đó thu hút lượng khách hàng từ chính đối thủ cạnh tranh trong ngành, nhất là các ngành hàng liên quan đến cung cấp thực phẩm, đồ công nghệ, phần mềm.
- Tạo rào cản cho đối thủ cạnh tranh: Khi doanh nghiệp áp dụng chính sách giá thâm nhập thị trường thấp, đối thủ cũng có thể giảm giá để cạnh tranh, giúp doanh nghiệp có thời gian xây dựng nhóm khách hàng trung thành trước khi điều chỉnh giá lên cao hơn.
- Tăng thị phần nhanh chóng: Chính sách giá này tạo lợi thế giúp doanh nghiệp mở rộng nhanh chóng số lượng khách hàng, xây dựng danh tiếng thương hiệu và quy mô kinh doanh hơn.
Nhược điểm:
- Lợi nhuận ban đầu có thể thấp, doanh nghiệp có thể phải chịu lỗ trong giai đoạn đầu.
- Rủi ro về thương hiệu khi khách hàng tự định giá sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp cung cấp là giá rẻ và chất lượng thấp.
- Khó tăng giá về sau hoặc bán các sản phẩm phân khúc cao nếu khách đã quá quen mua với giá thấp lâu dài.
Chiến lược giá này phù hợp với các doanh nghiệp:
- Muốn nhanh chóng gia nhập thị trường và chiếm thị phần.
- Sản phẩm dịch vụ có khả năng giữ chân khách lâu dài như đăng ký khóa học, phần mềm.
- Có lợi thế về chi phí sản xuất, có thể duy trì giá thấp nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận.
Ví dụ: Các nền tảng streaming như Netflix hay Shopify thường áp dụng mức giá ưu đãi trải nghiệm, miễn phí thời gian đầu để thu hút người dùng mới.
3.2. Chính sách giá cao và cao cấp (Premium pricing)
Đây là chiến lược đặt giá sản phẩm, dịch vụ ở mức cao hơn so với mặt bằng trung thị trường. Phù hợp với những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm tập trung vào chất lượng, trải nghiệm thương hiệu cao cấp.
Ưu điểm:
- Tạo hình ảnh thương hiệu cao cấp: Giá thường đi kèm với sự khẳng định về phân khúc chất lượng. Các sản phẩm cao cấp thường đi liền với cảm nhận sang trọng, xa xỉ, tạo mong muốn sở hữu sản phẩm.
- Tăng giá trị lợi nhuận mỗi sản phẩm: Doanh nghiệp không cần chạy theo số lượng bán mà vẫn đảm bảo thu về lợi nhuận tốt nhờ mức giá chênh lệch bán ra và chi phí cố định đầu tư.
- Thu hút nhóm khách hàng trung thành, ít có sự nhạy cảm về giá: Khách mua vào tất cả các thời điểm, miễn là phát sinh nhu cầu mà không cần đợi các chương trình khuyến mại, giảm giá. Điều này khác hoàn toàn với chiến lược giá thâm nhập thị trường, đa số nhóm khách hàng đợi sản phẩm giảm giá, có mã khuyến mại mới có nhu cầu mua.
Nhược điểm:
- Hạn chế tiếp cận tệp khách hàng lớn, chỉ phù hợp với nhóm thu nhập tốt hoặc có nhu cầu đặc biệt.
- Chi phí đầu tư phát triển thương hiệu, làm marketing lớn để tăng vị thế cạnh tranh và chiến được tình yêu thương hiệu (brand-love) của khách hàng.
- Sản phẩm không đáp ứng kỳ vọng, chất lượng dễ bị mất uy tín vì giá không tương xứng giá trị hay cảm giác sang trọng mang lại.
Chính sách giá này phù hợp khi:
- Doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, đã có có định vị rõ ràng trên thị trường.
- Sản phẩm, dịch vụ có sự khác biệt rõ ràng, khó bị so sánh hay thay thế.
- Doanh nghiệp muốn nhắm đến nhóm khách hàng cao cấp, chú trọng đến trải nghiệm.
Xây dựng chiến lược giá hiệu quả đòi hỏi sự linh hoạt và khả năng quản lý chặt chẽ. Với Sapo Enterprise, doanh nghiệp không chỉ tối ưu hóa chính sách giá mà còn quản lý toàn diện hoạt động kinh doanh trên một nền tảng mạnh mẽ.

- Quản lý giá linh hoạt: Thiết lập và điều chỉnh giá theo từng nhóm khách hàng, chi nhánh hoặc khu vực kinh doanh.
- Tích hợp đa kênh: Đồng bộ giá bán trên website, cửa hàng, sàn TMĐT và mạng xã hội.
- Báo cáo chuyên sâu: Phân tích doanh thu, lợi nhuận theo từng sản phẩm, nhóm ngành để tối ưu chiến lược giá.
- Tự động hóa quy trình: Hỗ trợ cập nhật giá theo thị trường, giảm thiểu sai sót và tiết kiệm thời gian.
3.3. Chính sách giá hớt váng (Skimming Pricing)
Là chính sách đặt giá sau cao khi sản phẩm mới ra mắt sau đó giảm theo thời gian.
Ưu điểm:
- Tối đa hóa lợi nhuận nhóm khách hàng mua đầu tiên: Khách hàng sẵn sàng trả giá cao để là một trong những nguwoif đầu tiên được trải nghiệm trước dịch vụ, sản phẩm. Nhóm này ít nhạy cảm về giá nên khi doanh nghiệp giảm giá sau đó để tiếp cận phân khúc khác cũng không có quá nhiều ảnh hưởng.
- Tạo cảm giác cao cấp và khẳng định giá trị thương hiệu: Điều này phù hợp với những ngành hàng công nghệ, thời trang, xe hơi.
- Duy trì lợi thế cạnh tranh khi giảm giá: Khi doanh nghiệp giảm giá theo từng giai đoạn để tiếp cận các nhóm khách hàng khác mà không làm mất giá trị thương hiệu.
Nhược điểm:
- Nguy cơ bị đối thủ cạnh tranh bắt kịp nếu để giá quá cao trong giai đoạn đầu và đối thủ tung sản phẩm thay thế với giá thấp hơn.
- Khách mua hàng giá cao có thể không hài lòng khi giá giảm nhanh chóng, gây tâm lý ngại mua sản phẩm mới lần sau và chỉ chờ mua khi sản phẩm hạ nhiệt.
Doanh nghiệp nên áp dụng chính sách giá này khi:
- Sản phẩm công nghệ mới, khó bị thay thế nhanh chóng.
- Khách hàng có tâm lý háo hức, yêu thích sự đổi mới khi sản phẩm ra mắt.
- Thương hiệu đã có uy tín mạnh, khách sẵn sàng chi tiêu lớn để sở hữu sản phẩm sớm nhất.
Ví dụ: Apple thường áp dụng chính sách giá hớt váng với các mẫu iphone, Apple watch hay Ipad thế hệ mới.
3.4. Chính sách về giá theo chương trình khuyến mãi
Đây là chính sách giá tạm thời hoặc cung cấp ưu đãi đặc biệt để thu hút khách hàng, gia tăng doanh số ngắn hạn. Chính sách về giá này thường dùng trong các dịp lễ hội mua sắm, ra mắt sản phẩm, xả hàng tồn kho…

Ưu điểm:
- Thúc đẩy doanh số và tạo hiệu ứng sợ bỏ lỡ (FOMO): Chính sách giá chương trình khuyến mại tạo cảm giác cấp bách, khuyến khích khách hàng chốt đơn nhanh nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội mua giá hời.
- Thu hút khách mới, giữ chân khách hàng cũ: Chính sách giá này thu hút khách mới trải nghiệm sản phẩm với giá hấp dẫn, đồng thời có chương trình ưu đãi sâu hơn với các nhóm khách đặc biệt để tăng lòng trung thành của khách.
- Tối ưu hàng tồn kho: Tránh tình trạng lưu kho quá lâu, hàng tồn lỗi thời, hết hạn.
Nhược điểm:
- Giảm giá trị thương hiệu nếu doanh nghiệp lạm dụng chính sách giá khuyến mãi liên tục, tạo cảm giác giá gốc ảo cho khách hàng.
- Khó duy trì lợi nhuận ổn định nếu không có kế hoạch giá hợp lý sau khuyến mãi.
Doanh nghiệp nên áp dụng chính sách giá khuyến mại khi:
- Muốn kích cầu mua sắm những dịp lễ, sự kiện bán hàng lớn.
- Ra mắt sản phẩm mới và cần thu hút sự chú ý của khách hàng.
- Khi cần giải phóng hàng tồn kho, cận date.
3.5. Chính sách về giá theo vị trí địa lý
Là chính sách giá áp dụng linh hoạt, được doanh nghiệp điều chỉnh dựa trên khu vực sinh sống của khách hàng. Sự chênh lệch đến từ chi phí vận chuyển, mức sống, chính sách thuế hay khả năng cạnh tranh của từng khu vực. Các ngành hàng bất động sản, tiêu dùng và logistic thường áp dụng chính sách về giá này.
Ưu điểm:
- Tận dụng lợi thế cạnh tranh của từng thị trường: Với những khu vực có cạnh tranh giá cao, doanh nghiệp có thể để giá thấp để thu hút khách hàng và ngược lại, giúp tối ưu lợi nhuận thu về.
- Tối ưu chi phí vận hành và logistic: Giá bán sản phẩm bao gồm cả chi phí vận chuyển và lưu kho. Bởi vậy, những khách hàng ở xa trung tâm, kho hàng thường phải trả chi phí cao hơn để sở hữu sản phẩm.
Nhược điểm:
- Khó kiểm soát khi khách so sánh giá các khu vực, dễ tạo sự nghi ngờ, ảnh hưởng đến lòng trung thành với thương hiệu.
- Mất lợi thế cạnh tranh vào tay đối thủ nếu giá tại khu vực cao hơn mặt bằng chung khi thị trường có những sản phẩm tương tự với mức giá phù hợp.
- Yêu cầu hệ thống quản lý giá bán linh hoạt, đảm bảo tính nhất quán.
Doanh nghiệp nên áp dụng chính sách giá này khi:
- Kinh doanh tại nhiều khu vực có mức sống và chi phí cố định khác nhau.
- Tối ưu lợi nhuận theo từng thị trường mục tiêu.
- Chi phí vận chuyển tác động lớn đến giá bán.
Ví dụ như cùng chiếc áo từ thương hiệu Zara nhưng giá bán tại Việt Nam thường cao hơn giá tại các nước như Tây Ban Nha hay Trung Quốc (khi quy đổi ra vnđ).
3.6. Định giá linh hoạt theo nhu cầu khách hàng
Là chính sách giá có thể thay đổi theo thời gian thực dựa trên nhu cầu khách hàng và thị trường hay các yếu tố như trend, mùa vụ.
Ưu điểm:
- Tối ưu doanh thu theo từng thời điểm: Doanh nghiệp có thể bán giá cao khi nhu cầu thị trường tăng vọt. Ngược lại, khi nhu cầu thấp sẽ áp dụng chiến lược giá thấp để kích cầu thu hút khách hàng.
- Cá nhân hóa trải nghiệm và tối ưu theo từng nhóm khách hàng: Với các công cụ quản lý và chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, doanh nghiệp có thể áp dụng chính sách giá cho riêng từng nhóm khách VIP, khách mới hay khách mua sỉ…
- Tạo lợi thế cạnh tranh khi thị trường có biến động: Giá được điều chỉnh nhanh chóng để phản ứng kịp với các chiến lược của đối thủ. Điều này chúng ta có thể thấy rất rõ qua chính sách giá sản phẩm từ các sàn thương mại điện tử khi các deal hời, miễn phí ship được điều chỉnh liên tục.
Nhược điểm:
- Có thể ảnh hưởng đến cảm xúc khi khách hàng khi giá lên xuống thất thường, dẫn đến phải đợi một thời gian đủ tốt khi giá xuống thấp mới quyết định mua.
- Ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu khi giá liên tục thay đổi mà không có chiến lược rõ ràng.
Doanh nghiệp nên áp dụng chính sách giá này khi:
- Hoạt động trong ngành hàng có biến động cung cầu lớn như sự kiện, du lịch, vận tải.
- Muốn tối ưu doanh thu từng giai đoạn và nhóm khách hàng.
- Có hệ thống quản lý giá và khách hàng mạnh để triển khai chính sách về giá linh hoạt.
4. So sánh ưu và nhược điểm của từng chính sách giá
Bảng so sánh dưới đây sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tổng hợp ưu, nhược điểm của từng chính sách giá trước khi lựa chọn áp dụng
Chính sách giá | Ưu điểm | Nhược điểm | Phù hợp với |
Thâm nhập thị trường | Thu hút khách hàng và tăng thị phần nhanh | Ban đầu lợi nhuận thấp, khó tăng giá sau này | Thương hiệu mới, sản phẩm có thị trường cạnh tranh cao |
Cao cấp | Hình ảnh thương hiệu cao cấp, lợi nhuận cao | Khó tiếp cận nhóm khách nhạy cảm về giá | Thương hiệu mạnh, sản phẩm độc quyền cao cấp |
Hớt váng | Tối đa hóa lợi nhuận khi mới ra mắt | Dễ mất khách khi đối thủ giảm giá | Sản phẩm có lợi thế tiên phong |
Theo CTKM | Thu hút khách hàng và doanh số tăng nhanh | Nếu lạm dụng, giá trị thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng | Dịch vụ theo mùa |
Linh hoạt theo vị trí địa lý | Tối ưu hóa giá bán theo thị trường, tăng cạnh tranh | Quản lý giá phức tạp tại nhiều khu vực | Doanh nghiệp có nhiều chi nhánh, thị trường đa dạng |
Linh hoạt theo nhu cầu | Tối ưu doanh thu theo từng nhóm khách hàng | Cần phân tích dữ liệu khách hàng chính xác | Ngành du lịch, khách sạn, bán lẻ |
5. 3 cách xác định chiến lược giá hiệu quả, tối ưu cho doanh nghiệp
Để tìm một chính sách giá hiệu quả, doanh nghiệp có thể thực hiện một số cách sau:

5.1. Đánh giá đối thủ và xu hướng thị trường
Trước khi quyết định chính sách về giá, doanh nghiệp cần hiểu rõ cách định giá mà đối thủ trực tiếp và gián tiếp đang áp dụng để tìm ra lợi thế cạnh tranh, bao gồm:
- So sánh giá trực tiếp với các sản phẩm, dịch vụ tương tự từ đối thủ.
- Xem xét đối thủ đang sử dụng chiến lược giá nào để có hướng đi tương tự hay khác biệt hẳn?
- Các dịch vụ bổ sung đi kèm giá đối thủ đang áp dụng để cung cấp nhiều giá trị hơn với mức giá hợp lý.
Về xu hướng thị trường, doanh nghiệp cần quan tâm đến việc:
- Sự thay đổi về nhu cầu khách hàng để đáp ứng đúng thị hiếu và thói quen mua sắm liên tục thay đổi. Điều này rất quan trọng với ngành hàng thời trang hoặc công nghệ.
- Lạm phát và biến động kinh tế để điều chỉnh giá phù hợp khi chi phí nguyên liệu tăng.
- Sự phát triển của thương mại điện tử với sự bùng nổ của các nền tảng bán hàng trực tuyến, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn và so sánh giá trước khi quyết định mua hàng.
5.2. Phân tích chi phí và lợi nhuận
Như đã đề cập, chi phí là yếu tố quyết định mức giá tối thiểu doanh nghiệp có thể đặt ra với sản phẩm bán đảm bảo kinh doanh không thua lỗ. Phân tích chi phí kỹ càng giúp doanh nghiệp không định giá quá cao làm mất tính cạnh tranh hoặc để giá quá thấp ảnh hưởng đến lợi nhuận thu về.
Các loại chi phí quan trọng cần cân nhắc đến bao gồm:
- Chi phí cố định: Như các chi phí thuê mặt bằng, trả lương nhân viên, chi phí quản lý, vận hành, đầu tư phần mềm bán hàng… Đây là những chi phí không thay đổi theo số lượng sản phẩm bán ra.
- Chi phí biến đổi: Gồm các khoản như phí nguyên vật liệu, đóng gói, lưu kho, vận chuyển…
- Chi phí cơ hội: Khoản chi phí khi doanh nghiệp chọn bán một sản phẩm, dịch vụ, họ có thể đánh mất cơ hội bán một loại sản phẩm hay dịch vụ tương tự với lợi nhuận cao hơn.
Ví dụ một cửa hàng bán nến thơm cần tính toán chi phí sản xuất và vận hành để gắn giá nến hợp lý để phủ thị trường ban đầu. Nếu chi phí gia công sản xuất nến là 100.000đ, chi phí cố định và các khoản thuế, thuê nhân viên đóng hàng, cửa hàng… là 50.000đ thì giá bán cần cao hơn 150.000đ để đảm bảo không thua lỗ.
Sau khi nắm rõ các khoản chi phí, doanh nghiệp cần tính toán đến mức lợi nhuận lỳ vọng dựa trên:
- Lợi nhuận gộp (Gross profit): Đây là phần chênh lệch giữa giá bán và chi phí sản xuất trực tiếp.
- Lợi nhuận ròng (Net profit): Lợi nhuận thực sự sau khi trừ tất cả các chi phí cố định, chi phí biến đổi, thuế…
- Tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng: Tùy vào ngành hàng và chiến lược kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận mỗi doanh nghiệp sẽ khác nhau. Thông thường, tỷ suất lợi nhuận ngành công nghệ sẽ cao hơn bán lẻ.
Khi các yếu tố chi phí và lợi nhuận kỳ vọng được xác định rõ ràng, doanh nghiệp có thể áp dụng các chiến lược điều chỉnh chính sách giá bằng cách:
- Tăng giá trị thay vì giá bán bằng các dịch vụ/ ưu đãi để khách cảm thấy mức giá hợp lý hơn.
- Cắt giảm chi phí không cần thiết với nhóm chi phí cố định mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
- Áp dụng mô hình chính sách giá linh hoạt, tùy thuộc vào nhóm khách hàng khác nhau để tối ưu lợi nhuận từng phân khúc.
5.3. Sử dụng công cụ hỗ trợ định giá tự động
Các công cụ định giá tự động không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tối ưu lợi nhuận mà còn giảm sai sót thủ công nhờ hệ thống tự điều chỉnh giá theo công thức cài đặt sẵn.
- Một số công cụ hỗ trợ định giá phổ biến gồm: Prisync - Theo dõi đối thủ trên nhiều kênh và cập nhật giá tự động;
- Công cụ đánh giá theo nhu cầu: Dynamic Yield - Tự động điều chỉnh giá theo nhu cầu thị trường và hành vi khách hàng; Pricefx - Kết hợp dữ liệu khách hàng và thị trường để tối ưu chiến lược giá theo thời gian thực.
- Công cụ định giá theo chi phí và lợi nhuận: Dựa trên dữ liệu báo cáo chi phí nhập hàng, doanh thu, nhóm khách hàng… để tính toán giá bán hợp lý, ví dụ như phần mềm quản lý bán hàng Sapo.
Chính sách giá không chỉ quyết định lợi nhuận mà còn ảnh hưởng đến vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. Để tối ưu hiệu quả kinh doanh, doanh nghiệp nên kết hợp linh hoạt các chiến lược định giá, sử dụng công cụ hỗ trợ tự động và thường xuyên điều chỉnh giá theo tình hình thực tế.
Hy vọng, thông tin chia sẻ trên đây từ Sapo đã giúp doanh nghiệp có thêm cơ sở để lựa chọn chính sách về giá phù hợp cho sản phẩm của mình. Liên hệ Sapo Enterprise - giải pháp dành cho doanh nghiệp vừa và lớn để nhận thông tin tư vấn về chiến lược kinh doanh và tối ưu hóa các khâu vận hành và bán hàng.