Lãnh đạo không chỉ là người điều hành hoạt động của mọi người, mà còn là người dẫn dắt và làm gương cho những người khác học hỏi theo. Vì thế một nhà lãnh đạo giỏi ngoài chuyên môn còn phải có uy tín và thương hiệu của riêng mình mới thuyết phục được cấp dưới. Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp lại bỏ quên điều này, họ chỉ chú trọng kết quả công việc, độc đoán đưa ra quyết định mà không để y đến ý kiến của nhân viên, lâu dần dẫn đến nội bộ thiếu đoàn kết. Vì vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những bí quyết lãnh đạo để xây dựng thương hiệu cá nhân uy tín trong bài viết dưới đây.
Làm lãnh đạo là sự kết hợp của nghệ thuật thuyết phục và kĩ năng chuyên môn
1. Tận dụng mạng xã hội để mở rộng mối quan hệ
Nhiều người cho rằng mạng xã hội chỉ là nơi hỗn tạp dành cho kẻ thừa thời gian hay các loại hình kinh doanh nhỏ lẻ, còn những nhà lãnh đạo của doanh nghiệp lớn thì tốt nhất đừng tham gia để tránh ảnh hưởng đến uy tín của mình. Đây thực ra là một quan niệm rất sai lầm, vì mạng xã hội được sáng lập ra nhằm mục đích kết nối mọi người chứ không phải để phân biệt đẳng cấp. Nhờ có mạng xã hội nhà lãnh đạo sẽ được tiếp xúc gần hơn, rộng hơn với nhiều nhân viên và khách hàng hơn.
Mọi người thường có xu hướng chia sẻ những suy nghĩ và hoạt động của mình trên mạng xã hội, vì vậy bạn sẽ có cơ hội để hiểu nhân viên của mình đang nghĩ gì, biết được tâm tư, nguyện vọng của họ để từ đó đưa ra chính sách phù hợp. Với mạng xã hội sẽ không còn cấp trên cấp dưới, tất cả chúng ta chỉ là những người bạn bình thường, đó là cách gắn kết nội bộ rất tốt. Ngoài ra, mạng xã hội cũng là môi trường rất tốt để tiếp cận khách hàng, giúp bạn hiểu hơn về xu hướng thị trường hiện nay.
Nếu vẫn còn đắn đo thì hãy nhìn Barack Obama, tính đến đầu năm 2015 ông có tới 53 triệu người theo dõi trên Twitter, ngoài ra ông còn rất nhiều tài khoản mạng xã hội khác như Facebook, BlackPlanet.com, MiGente.com… Một số nhà phân tích còn cho rằng Obama chiến thắng John McCain và Mitt Romney lần lượt vào các cuộc bầu cử năm 2008, 2012 công lớn là nhờ vào những trang xã hội này. Vậy thì còn chần chờ gì mà không đăng ký một tài khoản Facebook ngay từ bây giờ nhỉ, bạn chỉ mất 5 phút ngắn ngủi mà thôi.
2. Giao tiếp nhiều hơn
Lập ra một tài khoản Facebook, kết bạn với tất cả nhân viên không phải chỉ để bạn đọc những dòng chia sẻ của họ, nó chỉ khiến nhân viên cảm giác bạn đang theo dõi họ mà thôi. Tương tự như vậy trong thực tế, nếu cứ cắm cúi làm việc của mình, thỉnh thoảng mới ngẩng lên nhìn mọi người hoặc đi một vòng giám sát thì chắc chắn bạn đang tự tách mình ra khỏi tập thể và vô hình chung tạo ra áp lực trong công ty.
Hãy giao tiếp nhiều hơn với nhân viên của mình để tạo sự gần gũi
Dĩ nhiên bạn sẽ không rảnh đến mức lúc nào cũng trò chuyện với từng người, nhưng nên cố gắng giao tiếp nhiều hơn. Trên mạng xã hội hãy tham gia bình luận vài câu chuyện vui nào đó, trong công ty hãy lắng nghe và tư vấn cho nhân viên cả vấn đề công việc lẫn cuộc sống. Dù ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng nên tạo ra hình tượng vị lãnh đạo đáng tin, uy tín và gần gũi, chắc chắn bạn sẽ ghi điểm trong mắt nhân viên.
3. Kiểm tra mức độ ảnh hưởng của bạn
Không phải lúc nào mọi việc bạn làm cũng hoàn toàn đúng, sẽ có những quyết định bạn đưa ra vấp phải nhiều sự phản đối hoặc dị nghị. Thế nhưng thực tế là trong số tất cả nhân viên chẳng có mấy ai dám đứng lên phản bác lại bạn, vì họ sợ bị bạn “ghi thù” và vì bạn là sếp của họ. Tâm lý chung kiểu này đôi khi gây ra những trường hợp dở khóc dở cười, nhân viên không hiểu lãnh đạo, lãnh đạo lại không biết mình sai ở điểm nào. Thế nên thay vì ngồi một chỗ đợi mọi người báo cáo hãy kiểm tra mức độ ảnh hưởng của bạn hiện tại ra sao, sự hài lòng của nhân viên với bạn thế nào.
Bạn có thể phát động những cuộc khảo sát kín để mọi người thoải mái nêu ý kiến của mình mà không sợ bị chú ý, hoặc lập hẳn một hòm thư góp ý trong công ty. Ngoài ra bạn cũng nên có một vài “tâm phúc”, những người bạn tin tưởng hoàn toàn, đi điều tra giúp bạn. Với những thông tin hữu ích này bạn sẽ biết phải làm gì và làm như thế nào để cải thiện hình ảnh của mình trong mắt nhân viên.
Đọc thêm bài viết khác tại đây: Những thượng đế không nên chiều lòng trong kinh doanh bán lẻ
4. Viết bài chia sẻ quan điểm
Một nhà lãnh đạo giỏi phải có chính kiến của mình, bạn cần thể hiện cho người khác thấy bạn sẽ không dễ dao động bởi tác động của ngoại cảnh, như thế mới dễ dàng tạo ra sự tin cậy. Dĩ nhiên đó không phải là cố chấp hay độc đoán, mà là biết mình cần làm gì và làm như thế nào.
Thay vì các bài phát biểu dài lê thê, hãy đưa những quan điểm của bạn về công việc, về cuộc sống, về cách quản lý, về phương châm kinh doanh,… vào trong những bài viết và đăng tải lên trang Blog cá nhân, mạng xã hội hay trang nội bộ của công ty. Những bài chia sẻ gần gũi, không dùng lời lẽ đao to búa lớn, không phán xét cũng như cổ động thái quá sẽ dễ tạo được cảm tình hơn. Thông qua các bài viết này nhân viên sẽ hiểu và thông cảm cho bạn, đôi khi họ còn chia sẻ quan điểm của mình cùng về chủ đề ấy, mở ra một buổi thảo luận vui vẻ giữa mọi người.
Hãy chia sẻ suy nghĩ thật của mình, lựa chọn các vấn đề thường xảy ra với bất cứ ai, bất cứ lĩnh vực nào, chắc chắn nhân viên sẽ có cái nhìn mới về hình ảnh của bạn.
5. Chia sẻ kinh nghiệm và các giá trị
Dù có bao nhiêu khả năng đi nữa thì yếu tố cần nhất để tạo nên một lãnh đạo giỏi vẫn là kiến thức chuyên môn, bạn phải thể hiện mình làm được việc, thậm chí làm tốt hơn người khác. Ngoài ra, để gây dựng uy tín, bạn có thể tổ chức những bài chia sẻ kinh nghiệm của mình trong công việc và các giá trị khác cho mọi người. Những buổi chia sẻ như vậy thường thu hút được rất nhiều người quan tâm bởi ai cũng muốn học hỏi từ các kinh nghiệm thành công, thất bại của người đi trước.
Các buổi chia sẻ như vậy nên được tổ chức định kỳ và thường xuyên, có thể một tháng một lần, mỗi lần một chủ đề khác nhau. Bạn có thể mời những lãnh đạo khác của công ty hoặc các nhân viên đạt thành tích xuất sắc lên chia sẻ kinh nghiệm của mình để buổi gặp mặt được phong phú hơn.
6. Viết sách
Đây là một bí quyết lãnh đạo dành riêng cho những ai có khả năng viết lách và sáng tạo trong câu chữ. Sách giấy được xuất bản thường có độ tin cậy cao hơn những bài viết trên báo mạng hay Blog, nếu bạn có thể viết được một cuốn sách bất kỳ thì đó là điều rất tốt để làm đẹp thương hiệu cá nhân của mình.
Các chủ đề của cuốn sách nên liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp với kiến thức phân tích chuyên sâu, hoặc những câu chuyện kể về quá trình khởi nghiệp của bạn để khích lệ tinh thần nhân viên. Những cuốn sách thế này có thể chỉ xuất bản rồi lưu hành nội bộ, không nhất thiết phải công khai ra ngoài.
Làm lãnh đạo không dễ, đó là sự kết hợp giữa nghệ thuật thuyết phục và kỹ năng chuyên môn. Hi vọng với những bí quyết lãnh đạo này bạn sẽ sớm thành công.