Để có một ý tưởng kinh doanh độc đáo, đúng ý muốn của mình vừa phù hợp với nhu cầu khách hàng và xu hướng thị trường không phải điều dễ dàng. Thông thường bạn phải kết hợp được cả cảm hứng, sở thích của bản thân lẫn những kết quả phân tích chính xác mới cho ra đời một ý tưởng như thế. Xây dựng đã khó khăn nhưng để bảo vệ thành quả càng gian nan gấp bội, nhất là trong thời đại mỗi bước đi của bạn đều có cả trăm con mắt đang theo dõi nhằm tìm kiếm sơ hở để đánh gục bạn. Vậy bạn đã biết cách bảo vệ ý tưởng kinh doanh của mình chưa? Đừng đợi đến lúc mất rồi mới lo giữ, phòng vẫn hơn chữa!
1. Nói chuyện khéo léo, đừng để bị “moi tin”
Có câu thế này “Thất phu vô tội, hoài bích có tội”, kẻ tạo ra vật quý đôi khi lại không gặp nguy hiểm bằng kẻ mang vật quý bên mình. Trong trường hợp bạn có một ý tưởng kinh doanh độc đáo cũng vậy, nếu không thật sự cảnh giác thì rất có thể bạn sẽ nằm trong tầm ngắm của những kẻ luôn nhăm nhe ăn cắp chất xám của bạn. Thế nên khi chưa đủ tiềm lực để công khai hay khi kế hoạch chưa hoàn tất thì bạn phải biết cách ứng xử, nói chuyện khéo léo, không để kẻ cơ hội lợi dụng “moi tin”.
Ngoài những đối tác chung vốn với bạn thì tốt nhất đừng chia sẻ ý tưởng với bất kỳ ai, kể cả người thân cận nhất, vì có thể vô tình hoặc có thể hữu ý họ sẽ để lộ ra bên ngoài. Mà đối thủ một khi biết được sẽ luôn nhanh hơn bạn một bước, trở thành kẻ chậm chân coi như bạn đã thất bại một nửa. Trong các cuộc nói chuyện cũng nên khéo léo chuyển chủ đề, đừng để bị dẫn dắt rồi tự miệng mình hại thân mình.
Biến bản thân thành chiếc hộp kín bưng hay viên đá lạnh trơn trượt, đây là cách nói hình tượng mà giới kinh doanh vẫn truyền tai nhau trong việc giữ bí mật nghề nghiệp.
2. Xin bằng sáng chế độc quyền
Cách tốt nhất để phòng ngừa và tránh những tranh chấp không đáng có sau này là nhờ đến sự can thiệp của pháp luật. Trong trường hợp ý tưởng kinh doanh liên quan đến việc sáng sáng chế sản phẩm thì hãy xin cấp bằng sáng chế độc quyền.
Bằng sáng chế hay bằng độc quyền sáng chế là một chứng nhận các đặc quyền dành cho nhà sáng chế hoặc chủ sở hữu sáng chế bởi một quốc gia trong một thời hạn nhất định, đổi lấy việc nội dung của sáng chế được công bố rộng rãi ra công chúng. Quy trình để cấp bằng sáng chế, các điều kiện để cấp bằng và đặc quyền cũng như thời hạn của đặc quyền thay đổi giữa các quốc gia, theo luật pháp của từng quốc gia và các thỏa thuận quốc tế. (theo wikipedia)
3. Xin cấp bản quyền
Cũng tương tự như bằng sáng chế, việc xin cấp bản quyền giúp bạn nhận được sự bảo lãnh của pháp luật đối với sản phẩm của mình có liên quan đến lĩnh vực in ấn, âm nhạc, phim truyện,... trong việc cấp sao chép, phát hành mà không có sự đồng ý từ bạn. Với những sản phẩm có bản quyền bạn được tùy ý sử dụng trong các lĩnh vực cho phép mà không lo ngại vấn đề bị ăn cắp, sửa đổi.
Khi có bất kỳ hành vi nào vi phạm bản quyền bạn đều có thể kiện hoặc yêu cầu họ gỡ bỏ, chỉ cần chứng minh được tính hợp pháp là sẽ giành phần thắng trong bất kỳ vụ tranh chấp nào. Cùng với bằng sáng chế thì đây là một trong những cách bảo vệ ý tưởng kinh doanh tốt nhất, dù phải tốn khá nhiều thời gian và chi phí.
4. Lưu trữ lại toàn bộ lịch sử
Mặc dù bạn đã đặt không chỉ một rào chắn xung quanh ý tưởng kinh doanh của mình, nhưng mà “đạo cao một thước ma cao một trượng”, luôn có những “con chuột” biết cách lách qua những vách ngăn đó, mà bạn thì không phải ba đầu sáu tay hay đủ “tinh ranh” như chúng mà phát hiện ra. Rồi kiện tụng, như hệ quả tất yếu của mọi tranh chấp không thể dàn xếp. Trong trường hợp buộc phải đấu tranh thì bạn rất cần các bằng chứng để chứng minh ý tưởng kinh doanh kia là của mình.
Hầu hết các vụ kiện này dù bạn là người đi kiện thì vẫn ở thế bị động, vì kẻ ăn cắp chắc chắn đã chuẩn bị lý do thật tốt trước khi thực hiện hành vi xấu, còn bạn phải đến khi mọi chuyện vỡ lở mới hay biết. Thế nên mọi lịch sử liên quan đến ý tưởng cần được lưu trữ lại, bắt đầu từ ngày bạn nghĩ về nó, phác thảo nó, thảo luận để hoàn chỉnh nó rồi lên kế hoạch để thực hiện nó. Ngày giờ, người tham gia, địa điểm, bằng chứng xác thực như ảnh, video,.. hãy lưu lại.
Chỉ cần tất cả bằng chứng của bạn chính xác, có trước đối thủ thì tỷ lệ thuyết phục người xử kiện là rất cao. Hãy luôn phòng bị, giữ cho mình một đòn phản kích cuối cùng, thật mạnh!
5. Thuê luật sư riêng
Bạn là doanh nhân, thứ bạn giỏi là cách lên ý tưởng, kế hoạch, chiến lược kinh doanh, chứ không phải những điều luật về bảo vệ. Mà sự thiếu hiểu biết đôi khi chính là lỗ hổng lớn nhất trong vách ngăn xung quanh ý tưởng kinh doanh của bạn. Lúc này bạn nên thuê một luật sư riêng như người phòng thủ cuối cùng. Các luật sư sẽ tư vấn cho bạn về điều luật để bạn biết cách đối phó với hành vi xấu của đối thủ nhằm ăn cắp ý tưởng. Mặc dù tốn chi phí cao nhưng sẽ đảm bảo hơn là tự bạn chống chọi với các thủ đoạn không lành mạnh.
Nếu mới mở doanh nghiệp, không có nhiều vốn để thuê luật sư riêng thì có thể giữ mối quan hệ tốt với họ, để những lúc cần tuy không thể ra mặt nhưng họ sẽ cố vấn cho bạn các điều cơ bản.
6. Một người dẫn dắt
Những người mới khởi nghiệp giống chú ngựa non háu đá, tuy đầy ắp năng lượng và sáng tạo nhưng họ lại thiếu kinh nghiệm, chính vì vậy mà họ dễ bị lợi dụng, ăn cắp chất xám. Một lời khuyên nhỏ là nếu thật sự quá khó khăn hãy tìm người hướng dẫn cho mình. Họ có kinh nghiệm thương trường, họ biết cách đưa bạn đi qua bẫy rập trên con đường kinh doanh, đôi khi họ còn bảo vệ bạn trước những chiêu trò cạnh tranh của đối thủ. Họ có thể là thầy, là đàn anh của bạn. Nhưng, họ cũng có thể là kẻ lợi dụng biết cách diễn kịch nhất. Như đã nói ở trên, đừng chia sẻ ý tưởng kinh doanh cho bất kỳ ai ngoài người chung vốn với mình, kể cả người mình coi là có công dẫn dắt cũng tuyệt đối không. Lòng người khó dò, đôi khi bạn nhìn vậy nhưng không phải vậy.
7. Tạo dựng thương hiệu có tiếng
Đây là gợi ý dành cho những người đã có nền tảng vững chắc hơn là những người khởi nghiệp. Khi thương hiệu của bạn đủ lớn để dập tan mọi ý đồ xấu thì hẳn bạn đã đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp kinh doanh rồi. Nhưng nếu chưa, hãy biết cách xây dựng thương hiệu có tiếng, nhận được sự ủng hộ đáng kể từ người tiêu dùng.
Có rất nhiều cách tạo ấn tượng tốt cho thương hiệu, về chất lượng sản phẩm, quy trình dịch vụ, chương trình khuyến mãi, hậu đãi,... Một khi thương hiệu được đón nhận và có chỗ đứng trên thị trường thì bạn đã xây được thêm một rào chắn nữa xung quanh ý tưởng kinh doanh của mình. Vì với danh tiếng của mình người tiêu dùng vẫn sẽ tin tưởng bạn, lựa chọn bạn thay vì kẻ bắt chước kia.
8. Đạt một giải thưởng
Chiến thắng một cuộc thi bất kỳ mang tính quốc gia hay khu vực cũng là bệ phóng giúp bạn phát triển lớn mạnh hơn. Không những thế, nó còn giống một lời tuyên bố về bản quyền với tất cả người tiêu dùng. Ý tưởng một khi đã được giới thiệu rộng rãi và có sự công nhận từ cộng đồng thì khả năng bị đánh cắp cũng giảm đi nhiều.
Ngoài những cách bảo vệ ý tưởng kinh doanh trong bài viết còn rất nhiều phương pháp khác, bạn nên tìm hiểu và áp dụng để quá trình kinh doanh của mình được đảm bảo.