Cùng với sự phát triển của của các ngành kinh doanh khác nhau, kinh doanh áo cưới đang trở thành ngành kinh doanh ăn nên làm ra bất chấp khủng hoảng kinh tế. Bởi xuất phát từ quan niệm “trăm năm chỉ có một ngày”, các đôi uyên ương sẵn sàng chi mạnh tay để được sở hữu hay thuê một bộ váy cưới ưng ý và họ cảm thấy hài lòng nhất.
Vậy bạn đã biết mình nên bắt đầu từ đâu chưa? Bài chia sẻ của chúng tôi dưới đây có thể sẽ giúp đỡ bạn bắt đầu được tốt nhất
1. Chắc chắn phải có kế hoạch kinh doanh chi tiết
Chỉ những người không mở doanh nghiệp mới không lập kế hoạch kinh doanh, còn khi bạn xác định bước chân vào kinh doanh, bạn cần phải có kế hoạch cụ thể. Kế hoạch kinh doanh sẽ giúp các doanh nhân tương lai giải quyết được những khúc mắc, khó khăn trong việc điều hành một shop áo cưới thực sự, nhất là khi gặp vấn đề về mặt phương hướng.
Khi lập kế hoạch kinh doanh, hãy suy nghĩ cẩn thận về địa điểm, các vấn đề tiếp thị, nhập hàng, quản lý, nguồn nhân lực và tài chính. Bạn phải xin loại giấy phép nào để có thể hoạt động và làm thế nào để có được giấy phép đó? Bạn sẽ nhập những mặt hàng nào? Bạn sẽ cung cấp những loại dịch vụ nào? Bạn có bạn hàng tin cậy hay phải gặp gỡ làm quen và thiết lập quan hệ với các đối tác?
Đây chỉ là một vài trong những điều bạn cần phải xem xét khi lập kế hoạch kinh doanh. Đừng tiết kiệm thời gian xem xét và sửa lại kế hoạch này vì nó sẽ là "cuốn kinh thánh" của doanh nghiệp bạn. Tất nhiên, không phải mọi việc đều sẽ đi theo kế hoạch, do đó, bạn không nên dành quá nhiều thời gian chỉnh sửa đến khi nào thấy đúng mới thôi. Hãy nhớ rằng lúc nào bạn cũng có thể xem lại và thay đổi mọi thứ tùy theo hoàn cảnh.
2. Địa điểm cửa hàng rất quan trọng
Chọn địa điểm mở cửa hàng là một trong những việc rất quan trọng khi bắt đầu kinh doanh. Bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn bất động sản tin cậy để tìm được địa điểm thuận lợi nhất. Địa điểm lý tưởng cho một shop áo cưới là nơi có lưu lượng người qua lại đông như các tuyến phố lớn hoặc gần các khu vực kinh doanh sầm uất, các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ,... Tuy nhiên, để có được địa điểm đẹp, bạn sẽ phải trả mức chi phí thuê cửa hàng rất cao. Do vậy, bạn phải cân đối tài chính thật kỹ trước khi quyết định.
Ngoài ra, bạn cũng phải cân nhắc xem diện tích sàn có đủ rộng để trưng bày hàng hóa hay không. Hãy nhớ rằng, váy cưới thường khá cồng kềnh, bạn cần phải có hệ thống tủ kính và giá đỡ đủ lớn để trưng bày váy cưới. Bạn cũng cần có một phòng rộng để những người đi cùng của cô dâu có thể lưu lại thoải mái (thường từ 2-4 người). Một lưu ý nữa đó là xác định thị hiếu của khách hàng và mức sống của người đân nơi bạn định đặt cửa hàng. Váy cưới giá rẻ sẽ không được ưa chuộng tại khu vực có mức thu nhập cao. Song nếu khu vực bạn định kinh doanh đã có quá nhiều cửa hàng váy cưới đắt tiền, hãy thử phân khúc khác như cung cấp áo cưới được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường, sử dụng các nguyên liệu bền vững hoặc chỉ cung cấp áo cưới nhập khẩu từ châu Âu.
3. Không gian cửa hàng
Không gian cửa hàng nên được thiết kế sao cho thật thân thiện với khách hàng. Hãy thuê một nhà thầu chuyên nghiệp để cải tạo lại nội thất cửa hàng. Nếu trước đó địa điểm này đã là một cửa hàng kinh doanh váy cưới rồi thì không cần phải cải tạo nhiều. Trong trường hợp ngược lại, bạn cần phải tu sửa lại để không gian cửa hàng trở nên ấm cúng và thu hút khách, bố trí nhiều chỗ ngồi, phòng thử đồ lớn có trang bị gương dài tới tận sàn và phải được chiếu sáng tốt, một khu vực tư vấn cho cô dâu. Đừng quên trí chỗ ngồi cho những người đi theo phục vụ cô dâu
4. Thiết kế dịch vụ
Một cửa hàng kinh doanh áo cưới thì đương nhiên cung cấp áo cưới sẽ là dịch vụ chủ đạo song bạn có thể triển khai thêm những dịch vụ hỗ trợ khác. Đa phần các shop áo cưới hiện nay thường kinh doanh thêm dịch vụ chụp ảnh viện, làm album ảnh cưới cho khách. Nếu muốn kinh doanh thêm dịch vụ này thì bạn cần phải có các trang thiết bị hiện đại, máy ảnh công nghệ mới, tuyển thêm thợ chụp ảnh tay nghề cao và biết tạo dáng cho khách, nhân viên chỉnh sửa ảnh, phòng chụp có phông nền, đèn hắt sáng, máy vi tính cấu hình cao và trang phục cho chú rể.
5. Tuyển chọn nhân viên
Bạn cần tuyển những nhân viên có kinh nghiệm bởi các cô dâu cần được tư vấn để chọn được chiếc váy cưới ưng ý. Nhân viên làm nghề này cần có tính kiên nhẫn, hiểu biết về đặc điểm của từng loại vải cũng như các kiểu áo phù hợp với từng loại vóc dáng để có sự tư vấn tốt nhất cho khách hàng. Bạn cần đào tạo các kỹ năng này cho nhân viên. Hãy lưu ý họ rằng mua sắm váy cưới cũng là một trải nghiệm và họ cần làm sao để cô dâu có được những trải nghiệm đặc biệt nhất tại cửa hàng bạn.
6. Mở cửa hàng
Sau khi nhập hàng, tuyển chọn xong nhân viên, giờ là lúc bạn khai trương cửa hàng. Bạn có thể thu hút sự chú ý bằng cách gửi thư mời khai trương cửa hàng tới các nhà cung cấp váy cưới trong khu vực.
Một điều quan trọng nữa là bạn nên tham dự các buổi trình diễn trang phục cưới để các cô dâu biết về cửa hàng và chất lượng dịch vụ của bạn. Tìm hiểu các nhà tổ chức tiệc cưới bởi những người này thường giới thiệu cho khách hàng các shop áo cưới, đôi lúc còn đưa cô dâu tới tận cửa hàng váy cưới để giúp chọn mẫu.