Thương mại điện tử ngày càng bùng nổ, trở thành xu hướng mua sắm hàng đầu của người tiêu dùng, nhất là khi công nghệ AI, chatbot ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng mua sắm online mất nhiều hơn là được. Hãy cùng Sapo phân tích lợi ích của việc mua sắm online, cũng như các nhược điểm của nó, để có góc nhìn rộng hơn về xu hướng mua hàng online 2025 nhé!

1. Lợi ích của việc mua sắm online
Công nghệ và mạng internet phát triển cùng với nhiều xu hướng mua sắm thông minh khiến mua hàng online ngày càng phổ biến hơn bao giờ hết. Hình thức mua hàng này đem đến rất nhiều lợi ích cho cả người mua và người bán.
Với các nhà bán hàng, có một gian hàng online có thể là bước khởi đầu trong kinh doanh, tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng và nhân công. Với những người mua hàng, hình thức này đảm bảo:
1.1 Tiết kiệm thời gian
Với những ai bận rộn không có nhiều thời gian để mua sắm, thì đây được coi là một trong những lợi ích của mua hàng online đáng chú ý. Thay vì, bạn lang thang hàng giờ đến các trung tâm mua sắm, bạn có thể ngồi tại nhà và chọn món hàng mình yêu thích bằng cách click chuột. Bạn chỉ mất từ 10 đến 25 phút để tìm được món hàng mình cần và sau đó nhân viên sẽ nhanh chóng giao hàng tận nơi cho bạn.
1.2 Mua sắm một cách linh hoạt
Một lợi thế của mua sắm trực tuyến đó chính là sự linh hoạt. Vì các cửa hàng trực tuyến không có ngày nghỉ, đóng cửa hay bất kỳ vấn đề khác. Bạn còn có thể chủ động về thời điểm mua sắm. Bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu, dù 1 giờ trưa hay 12 giờ khuya, bạn vẫn có thể lướt web và đặt hàng, không phải phụ thuộc vào giờ mở cửa của các trung tâm mua sắm.
1.3 Thoải mái so sánh giá cả & chất lượng
Nếu bạn thấy mệt mỏi với việc đi vào các khu chợ, cửa hàng hay trung tâm mua sắm truyền thống, nơi mà giá cả được niêm yết khá chênh lệch cho cùng một món hàng, bạn phải đi từng nơi để để xem, so sánh mới biết được giá cả. Với việc mua sắm online, để biết chính xác thứ mình cần mua, bạn chỉ cần vài click chuột lướt qua một số trang web, diễn đàn, bạn đã dễ dàng nắm được mức giá tốt nhất cho món đồ của mình rất nhanh và tiện lợi.
Ngoài ra, khi mua hàng online, bạn có thể biết rõ được món hàng bạn cần mua có chất lượng hay không bằng cách đọc đánh giá của những người mua trước.
Xem thêm: 9 chiến lược định giá sản phẩm cần phải biết nếu muốn kinh doanh có lãi
1.4 Đa dạng hình thức thanh toán
Một trong những lợi ích của việc mua sắm online, đó là bạn có đa dạng các hình thức thanh toán khi mua hàng. Khách hàng có thể thanh toán bằng cách chuyển khoản ngân hàng, ví điện tử, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, hoặc trả góp…Việc giao dịch không tiền mặt giúp giao dịch diễn ra nhanh chóng, tiện lợi hơn. Đôi khi, nhiều đơn vị còn cung cấp ưu đãi hoàn tiền hoặc tích điểm khi thanh toán bằng một số phương thức cụ thể. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể dễ dàng chọn phương thức phù hợp với nhu cầu khi mua sắm online.
1.5 Lợi ích của mua sắm online: mua hàng giá rẻ hơn
Bên cạnh tính tiện lợi và linh hoạt, mua hàng online ngày càng được ưa chuộng là bởi người mua có thể mua hàng với giá rẻ bất ngờ. Đây là một trong những lợi ích của mua sắm online thu hút rất nhiều khách mua.
Tại sao mua sắm online lại rẻ thế? Khi bán hàng online, các chủ cửa hàng sẽ tiết kiệm được rất nhiều khoản chi phí như thuê mặt bằng, thuê nhân viên, mua các trang thiết bị,... do đó giá bán sản phẩm thường sẽ rẻ hơn nhiều so với khi bán tại các cửa hàng offline.
Bên cạnh đó, khi mua sắm trực tuyến, người mua còn được hưởng các ưu đãi hấp dẫn từ chủ shop online, các sàn thương mại điện tử vì vậy có thể tiết kiệm được một khoản kha khá.
1.6 Tránh khỏi những phiền phức khó chịu
Có nhiều lý do khiến nhiều người ngại ra ngoài mua sắm là sợ gặp phải cảnh kẹt xe, khói bụi, nắng nóng, cảnh phải chen lấn và xếp hàng dài vào giờ cao điểm ở các siêu thị hay trung tâm mua sắm hay gặp phải những người bán hàng không được dễ chịu tại một số địa điểm bán hàng. Với việc mua hàng online, bạn sẽ thoát khỏi những phiền phức này.

2. Nhược điểm của việc mua hàng online
Mua hàng online đã mang lại rất nhiều tiện lợi nhưng bên cạnh đó cũng không thể tránh khỏi những cú thất vọng “dở khóc dở cười”.
2.1 Không được trực tiếp kiểm tra sản phẩm
Một hạn chế lớn nhất khi mua sắm online là bạn không thể xem hàng trực tiếp trước khi mua. Khách hàng chỉ có thể dựa vào hình ảnh, mô tả và đánh giá sản phẩm của người mua trước, mà đôi khi thông tin này không thực sự phản ánh thực tế chính xác. Điều này gây ra rủi ro sản phẩm khi đến tay khách hàng không đúng mẫu mã, kích thước hoặc số lượng như mong đợi.
Đặc biệt đối với các sản phẩm như quần áo, giày dép, đồ công nghệ,... việc không được kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi mua khiến nhiều người cảm thấy không an tâm.
2.2 Một số shop không chấp nhận hoàn/ trả hàng
Một số nhà bán hàng cho phép đổi trả sau mua nhưng cũng có một số chủ shop không cho người mua thực hiện đổi trả nếu không vừa ý. Điều này dẫn tới việc nhiều người bỏ một đống tiền mua đồ về bỏ xó góc tủ hoặc phải mang đi cho vì không vừa.
Nhiều khách hàng thất vọng khi nhận được hàng cần mua là một chiếc áo lung linh, khá đẹp mắt trên một trang rao bán online nhưng thực chất khi nhận được lại là chiếc áo lỗi, chất liệu cũng không được như trên hình rao bán. Nhận hàng lỗi, không đúng theo yêu cầu, nhưng hầu hết người tiêu dùng đều không thể đổi và nhận lại được hàng sau khi đã mua qua mạng.
Háo hức đặt hàng trên một trang rao vặt, cô sinh viên năm cuối ĐH Luật - Hoàng Thùy Linh, hí hửng vì sắp có một chiếc áo ưng ý mà giá cả lại phải chăng nhưng đến khi nhận áo, Linh vô cùng bức xúc: “Mình đặt chiếc áo màu hồng đậm size M mà khi nhận lại là chiếc áo màu vàng size L”. Bức xúc nhưng không được đổi trả, Linh phải mang áo cho bạn vì mặc không vừa.
Hồng (Công ty cổ phần DKT) phàn nàn: “Mình mua một chiếc áo len trên facebook, tuy nhiên khi nhận hàng lại là chất nỉ không giống trong hình quảng cáo. Mình gọi điện lại thì “chủ hàng” khẳng định đúng như hình, còn lỗi có thể do quá trình vận chuyển."
Vì những tiện lợi khi mua hàng online, nhiều người có thói quen mua sắm trực tuyến, tuy nhiên nay lại “quay xe” sang mua hàng truyền thống vì cũng không ít lần rơi vào tình trạng mua hàng bị “hớ” khi tiền cao mà chất lượng thì thấp.
Hiện nay, một số trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada… đã có chính sách hoàn hàng/ đổi trả cho khách hàng. Người mua có thể cân nhắc đặt hàng tại các nơi uy tín, hạn chế tình trạng tiền mất mà không dùng đạt được mục đích sử dụng.
2.3 Mất thời gian & chi phí vận chuyển
Chị Nhung (Hà Đông) chia sẻ: “Mình đặt một chiếc balo trên mạng, đợi hơn một tuần không thấy ship đến mà mình đang cần balo gấp. Đợi mãi không thấy họ ship cũng không thấy nhắn gì, mình nghĩ họ hết hàng nên trên đường đi làm về mình tạt luôn qua một quán ven đường mua một cái balo. Hơn một tuần sau đấy thì mới thấy họ gọi điện bảo mình ra nhận hàng chiếc balo mình đặt từ hai tuần trước. Mình gọi điện ngỏ ý trả lại nhưng bị họ gạt phắt không trả lại được, thế là mình có tận hai cái balo.”
Rõ ràng, sự bất tiện của mua hàng online đó là bạn sẽ phải mất thời gian chờ hàng. Đôi khi có thể là do shop chậm gửi hàng, hoặc có thể là do khoảng cách địa lý xa nên thời gian hàng đến tay người nhận sẽ lâu hơn dự kiến.
Xem thêm: Ship hỏa tốc Shopee là gì? Giao hàng hỏa tốc Shopee mất bao lâu nhận được hàng?
2.4 Có khả năng bị lừa đảo
Mua hàng online mang tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo, đặc biệt khi giao dịch trên các trang web/ cửa hàng không uy tín. Một số người bán có thể đăng tải hình ảnh sản phẩm đẹp mắt nhưng khi giao hàng lại là một sản phẩm khác hoàn toàn. Ngoài ra, việc thanh toán trước có thể khiến khách hàng mất tiền oan. Vì vậy, người mua cần cẩn trọng, kiểm tra kỹ thông tin shop và ưu tiên các nền tảng mua hàng online có chính sách bảo vệ khách hàng.

3. Mẹo mua hàng online tiết kiệm, uy tín, tránh bị lừa đảo
Kiểm tra thông tin cửa hàng rõ ràng
Shop bán hàng uy tín sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin về địa chỉ, số điện thoại, chính sách và điều khoản mua bán. Nếu cửa hàng bạn đang xem không công khai các thông tin cơ bản như trên, bạn nên đặt câu hỏi và cân nhắc khả năng mua hàng tại đây. Mẹo nhỏ là bạn có thể tìm kiếm tên shop trên Google, Facebook, Instagram… để chắc chắn hơn về tính minh bạch của nó.
Nên lựa chọn các cửa hàng nổi tiếng, đã có tiếng trên internet hoặc được review tốt bởi khách hàng. Hoặc để chắc chắn hơn, hãy lựa chọn mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop… Đây là các sàn thương mại điện tử online có chính sách bảo vệ khách hàng rõ ràng, minh bạch.

Chọn sản phẩm có hình ảnh/ video mô tả chi tiết, chân thực
Cửa hàng trực tuyến uy tín sẽ sử dụng hình ảnh sản phẩm thật và mô tả sản phẩm kỹ lưỡng, không quá khác biệt so với thực tế. Nếu shop chỉ dùng hình ảnh quảng cáo đẹp mắt, nhưng không có thông tin chi tiết, bạn nên cẩn thận. Mẹo nhỏ nữa là nên chọn các sản phẩm có video quay các góc độ để có thể nhìn rõ hơn về chất liệu, tính năng cũng như màu sắc.
Xem thêm: Nghệ thuật cho bài viết mô tả sản phẩm hay, quyến rũ khách mua hàng
Thận trọng khi chọn hình thức thanh toán
Không thể phủ nhận lợi ích khi thanh toán không tiền mặt, tuy nhiên đối với trường hợp mua hàng lần đầu, tại một shop mới, người dùng nên chọn những cửa hàng cho phép ship COD (hình thức vận chuyển cho phép thanh toán khi nhận hàng). Tránh chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản cá nhân nếu chưa chắc chắn về độ uy tín của shop.
Chọn shop bán hàng online có chính sách đổi trả và bảo hành minh bạch
Nếu shop bán hàng chân chính, chất lượng, uy tín, không có lý do gì không cho phép hoàn hàng, trả sản phẩm nếu chất lượng không đúng như giới thiệu. Nếu cửa hàng có chính sách bảo hành, hoàn trả quá khắt khe, rủi ro mua phải hàng kém chất lượng sẽ cao hơn.
Tham khảo đánh giá và nhận xét của khách hàng đã từng mua hàng

Lợi ích của việc mua sắm online là bạn có thể dễ dàng kiểm tra các đánh giá, nhận xét khách quan về sản phẩm trước khi mua hàng. Trước khi quyết định bấm mua bất kỳ sản phẩm nào đó, hãy dành thời gian tìm hiểu, kiểm tra số lượng đánh giá, điểm xếp hạng và phản hồi từ người mua trước đó để biết sản phẩm có đúng như mô tả hay không. Shop uy tín đương nhiên sẽ có nhiều đánh giá tích cực và hình ảnh thực tế từ khách hàng.
Lưu ý, hiện nay một số shop lợi dụng hình thức seeding để tạo nên những đánh giá ảo, không phải của người dùng thật. Vì vậy, không hẳn 100% đánh giá tốt đều là đúng, hãy trở nên tinh tường và khôn ngoan khi đi đọc các bài viết trên mạng nhé!
Trên đây là những lợi ích của mua sắm online cùng những nhược điểm nên chú ý của hình thức mua hàng này. Hiểu rõ những ưu nhược điểm đó sẽ giúp nhà bán hàng làm tốt khâu quản lý và vận hành, giúp người mua hàng tỉ mỉ hơn trong khâu lựa chọn sản phẩm và nhà cung cấp.