Đánh giá nhà cung cấp cũng tương tự như đánh giá nguồn hàng, đây là yếu tố vô cùng quan trọng để chủ kinh doanh có thể lựa chọn nguồn hàng phù hợp và uy tín, đảm bảo hoạt động vận hành và hiệu quả kinh doanh của cửa hàng. Trong bài viết này, Sapo.vn sẽ chia sẻ với bạn về những yếu tố liên quan đến đánh giá nhà cung cấp và cách xây dựng checklist chi tiết, hiệu quả nhất.
1. Tại sao đánh giá nhà cung cấp lại quan trọng?
Đánh giá nhà cung cấp là quá trình thẩm định, đánh giá tiềm năng của nhà cung cấp hiện tại, nhà cung cấp tiềm năng bằng cách định lượng, so sánh và đánh giá dựa trên những tiêu chí đã được đặt ra.
Việc đánh giá nhà cung cấp có thể giúp cửa hàng, doanh nghiệp có thể hiểu rõ được tình hình hiện tại và dự báo các rủi ro có thể gặp phải của chuỗi cung ứng hàng hóa. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng để nguồn hàng luôn đảm bảo.
Bằng việc xây dựng checklist đánh giá nhà cung cấp theo các tiêu chí đã đặt ra, chủ kinh doanh luôn có thể đưa ra quyết định và giải pháp kịp thời để loại bỏ tối đa rủi ro cũng như đảm bảo khả năng vận hành cho cửa hàng.
Điều này cũng giúp chủ kinh doanh lựa chọn ra được những nhà cung cấp tiềm năng và phù hợp nhất cho cửa hàng của mình.
- Nhà cung cấp tiềm năng: Dựa trên danh sách nhà cung cấp, cần lựa chọn nhà cung cấp phù hợp nhất và tiến hành liên hệ, đàm phán dựa trên các tiêu chí phù hợp nhất. Thực hiện ký hợp đồng với điều khoản và chính sách rõ ràng khi bắt đầu hợp tác kinh doanh.
- Nhà cung cấp hiện tại: Đánh giá lại khả năng cung ứng và chất lượng sản phẩm của nhà cung cấp hiện tại. Đồng thời xác định rõ các rủi ro có thể xảy ra và đưa ra quyết định tiếp tục hay kết thúc hợp tác với đối tác này.
2. Các tiêu chí đánh giá nhà cung cấp chủ kinh doanh cần lưu ý
Tùy vào hoạt động kinh doanh của từng cửa hàng mà bạn có thể đưa ra các tiêu chí đánh giá khác nhau để đảm bảo mục đích cuối cùng là đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp phù hợp cho cửa hàng. Tuy nhiên, chủ kinh doanh có thể dựa trên một số tiêu chí cơ bản để đánh giá như sau:
2.1 Sự uy tín
Một trong những yếu tố tiên quyết khi lựa chọn nhà cung cấp chính là sự uy tín trên thị trường. Bởi đây là cơ sở để bạn có thể đánh giá xem nhà cung cấp có thực sự tốt hay không về chính sách lẫn khả năng cung ứng.
Để đánh giá nhà cung cấp dựa trên độ uy tín, doanh nghiệp, cửa hàng cần đánh giá xem nhà cung cấp đó có thông tin rõ ràng, minh bạch hay không. Từ thông tin doanh nghiệp đến các thủ tục pháp lý liên quan, có tuân thủ quy định của pháp luật hay vấn đề gì trong quá khứ hay không.
2.2 Chất lượng sản phẩm
Đối với hoạt động kinh doanh, sản phẩm tốt hay không sẽ quyết định thành bại của doanh nghiệp/ cửa hàng. Đó là lý do mà việc đánh giá chất lượng sản phẩm từ nhà cung cấp cần hết sức kỹ càng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và hạn chế tối đa vấn đề hỏng, lỗi để giảm thiểu tổn thất cho cửa hàng.
Đối với từng sản phẩm nhập về, chủ kinh doanh cần đánh giá được chất lượng sản phẩm dựa trên từng tính năng, độ bền, tính thẩm mỹ cũng như khả năng đón nhận của khách hàng.
Ngoài chất lượng sản phẩm, chủ kinh doanh cũng cần đánh giá khả năng tiêu thụ khi đã nhập hàng về bán dựa trên các báo cáo bán hàng đối với từng sản phẩm cụ thể. Điều này sẽ giúp chủ kinh doanh có thể đưa ra được kế hoạch nhập hàng trong tương lai, hạn chế tối đa vấn đề tồn kho khó bán.
2.3 Khả năng cung ứng hàng hóa
Việc đánh giá khả năng cung ứng hàng hóa kịp thời là điều kiện quan trọng để đánh giá nhà cung cấp có đảm bảo khả năng giao hàng đúng tiến độ và hỗ trợ khi cửa hàng, doanh nghiệp cần hay không. Theo đó, chủ kinh doanh nên đánh giá dựa trên các yếu tố như:
- Thời gian thực hiện đơn đặt hàng, nghĩa là thời gian kể từ khi thực hiện đặt hàng đến khi nhà cung cấp giao hàng là bao lâu.
- Tính chính xác: Tính chính xác nên được thể hiện ở thời gian giao hàng theo thỏa thuận và đúng với những gì đã cam kết về số lượng, chất lượng theo hợp đồng, đơn đặt hàng.
- Tính linh hoạt: Trong một số trường hợp, chủ kinh doanh có thể phát sinh một số yêu cầu đặc biệt, do đó việc nhà cung cấp có thể đảm bảo được tính linh hoạt và khả năng thích ứng với các điều kiện sẽ mang lại nhiều thuận lợi.
2.4 Chính sách giá
Chính sách giá đóng vai trò vô cùng quan trọng vào quyết định ký kết hợp tác cũng như thời gian hợp tác. Bởi rõ ràng, một chính sách giá phù hợp sẽ là cơ sở giúp doanh nghiệp, cửa hàng có thể tối ưu chi phí, đảm bảo tính cạnh tranh và lợi nhuận cho cửa hàng, doanh nghiệp.
Giá nhập hàng cần phải tương ứng với chính sách giá của nhà cung cấp sản phẩm khác trên thị trường. Khi này, chủ kinh doanh nên có báo giá của nhiều nhà cung cấp để có thể so sánh và đưa ra đánh giá, lựa chọn tốt nhất cho cửa hàng của mình.
Giá cả của nhà cung cấp cũng cần đảm bảo tính ổn định và nếu có thay đổi cần được thông báo đầy đủ trước để doanh nghiệp, cửa hàng có thể xem xét và thay đổi nhà cung cấp nếu cần. Việc thanh toán cũng cần đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng.
Xem thêm: 9 chiến lược định giá sản phẩm cần phải biết nếu muốn kinh doanh có lãi
2.5 Tiềm năng của nhà cung cấp
Trên thực tế, việc nhà cung cấp ngừng sản xuất và cung ứng sản phẩm sẽ là vấn đề vô cùng lớn đối với doanh nghiệp. Đó là lý do mà việc quan tâm đến tính bền vững, lâu dài và khả năng tài chính của doanh nghiệp, cửa hàng là vô cùng quan trọng.
Đối với một số sản phẩm, chủ kinh doanh cũng cần đánh giá khả năng ứng dụng công nghệ của nhà cung cấp. Bởi trên thực tế, việc tối ưu hóa công nghệ sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trước những biến động của thị trường.
Một số phần mềm như Sapo POS cho phép chủ kinh doanh có thể đánh giá được khả năng cung ứng hàng hóa của từng nhà cung cấp, khả năng tiêu thụ sản phẩm và công nợ chi tiết.
Dựa vào báo cáo bán hàng, chủ kinh doanh có thể xem xét về sự đón nhận của khách hàng đối với các sản phẩm. Điều này sẽ giúp kế hoạch nhập hàng được điều chỉnh kịp thời một cách phù hợp, từ đó hạn chế tối đa nguy cơ về tồn kho khó bán.
Báo cáo nhập hàng chi tiết là cơ sở để chủ kinh doanh theo dõi toàn bộ hoạt động nhập hàng, chi phí và khả năng hỗ trợ, cung ứng của từng nhà cung cấp trong các đợt nhập hàng hóa. Đặc biệt, chủ kinh doanh cũng có cơ sở để quản lý toàn bộ hệ thống công nợ của nhà cung cấp và có kế hoạch thanh toán kịp thời.
Trên đây là những yếu tố quan trọng về đánh giá nhà cung cấp mà chủ kinh doanh cần lưu ý. Sapo hy vọng rằng những chia sẻ trên của chúng tôi có thể giúp bạn đánh giá nhà cung cấp và xây dựng checklist đánh giá một cách phù hợp nhất.