Trong xu hướng bán lẻ hiện đại, một yếu tố cốt yếu đem lại thành công nhất cho các quốc gia về kinh tế đó là quản trị nhân lực.
Bạn hẳn đã từng nghe nói đến Nhật Bản, một đất nước dù không có nhiều ưu thế về tài nguyên nhưng lại có một nền kinh tế hùng cường. Sở dĩ đất nước nhỏ bé này gắn liền với sự phát triển kinh tế thần kỳ là vì nhiều nguyên nhân, nhưng nổi bật nhất vẫn là chiến lược về con người và chính sách nhân sự của họ.
1. Tầm quan trọng của quản trị nhân lực
Đào tạo nguồn nhân lực đã nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, thậm chí là các Bộ, Ngành. Nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một chuyên ngành đào tạo chính quy nào dành cho ngành bán lẻ. Dù nhân lực bán lẻ là yếu tố quyết định đến tầm nhìn và kế hoạch dài hạn của doanh nghiệp, nhưng xã hội vẫn chỉ nhìn họ như “lũ con buôn”. Còn trên thực tế, hiện tồn tại khó khăn cho kế hoạch tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp bán lẻ đó là nếu tăng chi phí cho nguồn nhân lực thì giảm sức cạnh tranh, nhưng kém đầu tư thì khó tìm được và giữ được nhân viên giỏi.
Trong khi doanh nghiệp muốn hoạt động có hiệu quả thì cần phải có một đội ngũ nhân lực đảm bảo về cả chất lượng lẫn số lượng. Muốn cạnh tranh được, các tổ chức, doanh nghiệp cần phải cải thiện tổ chức và con người là yếu tố quyết định. Việc tìm đúng người phù hợp để giao đúng việc, hay đúng cương vị đang là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Bên cạnh đó, sự tiến bộ của Khoa học kỹ thuật hiện đại cùng với sự phát triển của nền kinh tế “mở” buộc các nhà quản trị phải biết cách thích ứng, do đó việc tuyển chọn, sắp xếp, đào tạo, điều động nguồn nhân lực là rất quan trọng.
Giáo sư tiến sĩ Letter C.Thurow – nhà kinh tế và nhà quản trị học thuộc học viện công nghệ kỹ thuật Matsachuset (MIT) cho rằng: “Điều quyết định cho sự tồn tại và phát triển của công ty là những con người có học vấn cao, được đào tạo tốt, có đạo đức, có văn hóa và biết cách làm việc có hiệu quả”.
2. Quản lý con người, “giải pháp của mọi giải pháp”
Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, bất cứ doanh nghiệp nào cũng thấu hiểu giải pháp quan trọng nhất là về “con người”, nhất là trong giai đoạn doanh nghiệp đang cần chồng chéo để tồn tại và vươn lên cạnh tranh tốt hơn trong xu thế hội nhập toàn cầu.
Quản trị nhân lực dần dần thay thế cho quản trị nhân sự với quan điểm chủ đạo, là con người không còn đơn thuần chỉ là một yếu tố của quá trình sản xuất kinh doanh mà là một nguồn tài sản quý báu của tổ chức, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chuyển từ tình trạng “tiết kiệm chi phí lao động để giảm giá thành sang “đầu tư” vào nguồn nhân lực để có lợi thế cạnh tranh cao hơn, có lợi nhuận cao hơn và hiệu quả cao hơn”.
Do đó, quản trị nguồn nhân lực cần phải được phát triển dựa trên các nguyên tắc chủ yếu sau :
Nhân viên cần được đầu tư thỏa đáng để phát triển các năng lực riêng nhằm thỏa mãn các nhu cầu cá nhân, đồng thời tạo ra năng suất lao động, hiệu quả làm việc cao và đóng góp tốt nhất cho tổ chức.
Các chính sách, chương trình và thực tiễn quản trị cần được thiết lập và thực hiện sao cho có thể thỏa mãn cả nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân viên.
Môi trường làm việc cần được thiết lập sao cho có thể kích thích nhân viên phát triển và sử dụng tối đa các kỹ năng của mình.
Vấn đề chức năng nhân sự cần được thực hiện phối hợp và là một bộ phận quan trọng trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhiệm vụ quản trị con người là của tất cả các quản trị gia, không còn đơn thuần của trưởng phòng nhân sự hay tổ chức cán bộ.